fbpx

Chúng ta sống để khẳng định cuộc sống này

Mỗi người chúng ta đều phải trải qua một cuộc kéo co dai dẳng giữa hai bên: ham muốn tiền bạc và tiếng gọi của tâm hồn. Khi ở trong lãnh địa của tâm hồn, chúng ta sẽ hành động một cách liêm chính. Chúng ta chu đáo và hào phóng, bao dung, dũng cảm và quyết tâm. Chúng ta nhận ra giá trị của tình yêu và tình bạn. Chúng ta ngưỡng mộ một việc nhỏ bé khi nó được làm tốt.

Chúng ta trải qua những khoảnh khắc kinh ngạc trước thiên nhiên và vẻ đẹp tinh thần của nó. Chúng ta cởi mở, dễ bị tổn thương, và biết lắng nghe. Chúng ta hay xúc động, và hào phóng một cách tự nhiên. Với mọi người, chúng ta là người đáng tin cậy, và chúng ta cũng tin tưởng người khác. Chúng ta thoải mái thể hiện mình. Chúng ta cảm thấy am tường với chính bản thân, và tự tin rằng chúng ta là một phần không thể thiếu của một thứ gì đó lớn lao hơn trong vũ trụ, một thứ gì đó vĩ đại hơn chính bản thân chúng ta.

Khi ở trong lãnh địa bị tiền bạc thống trị, dường như chúng ta bị ngắt kết nối với phần hồn của bản thân. Như thể chúng ta bất thình lình chuyển đến một sân chơi khác, nơi mọi quy tắc đều bị
thay đổi. Trong sự kìm kẹp của tiền, những phẩm chất tuyệt vời của tâm hồn dường như không còn phù hợp. Chúng ta trở nên bé nhỏ hơn. Chúng ta tranh giành hay chạy đua để “lấy được thứ thuộc về chúng ta”. Chúng ta thường trở nên ích kỷ, tham lam, nhỏ mọn, sợ hãi, hoặc kiểm soát, đôi khi bối rối, mâu thuẫn, hoặc cảm thấy tội lỗi. Chúng ta chỉ cho bản thân hai lựa chọn: người chiến thắng hoặc người thua cuộc, người có quyền lực hoặc người yếu đuối vô năng, và chúng ta để mặc những lựa chọn đó định hình bản thân, như thể sự giàu có và quyền kiểm soát về mặt tài chính là thứ thể hiện ưu việt bẩm sinh của chúng ta, và rằng thiếu chúng thì ta sẽ trở nên không đáng giá và không còn tiềm năng nữa. Ta không còn nhìn thấy muôn vàn khả năng của bản thân. Ta trở nên cảnh giác và ngờ vực, luôn cố gắng bảo vệ những thứ mình đang sở hữu, hoặc trở nên bất lực và vô vọng. Đôi khi chúng ta còn cảm thấy mình phải hành xử theo những cách không phù hợp với giá trị cốt lõi của mình, và không có khả năng làm khác đi.

Kết quả là, cách sống, hành vi và cảm giác về tính cách, về sự chính trực của bản thân ta bị chia tách nghiêm trọng. Sự chia tách này, vết nứt trong niềm tin này không chỉ khiến chúng ta bối rối
trong những vấn đề về tiền bạc; mà nó còn ngăn cản chúng ta kết nối thế giới bên trong với thế giới bên ngoài và trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống – đó mới là thời khắc chúng ta cảm thấy an bình,
cảm thấy bản thân ta là một phần và hòa làm một với cuộc sống. Phần lớn trải nghiệm về sự trọn vẹn lặng lẽ này dường như đã biến mất trong nền văn hóa đương đại, thay vào đó là những tranh đấu ồn ào về tiền bạc. Sự chia tách đó tồn tại trong tất cả chúng ta – bao gồm cả bản thân tôi – và là nguyên nhân chính gây ra những trận chiến khó khăn nhất trong cuộc đời tất cả chúng ta.

Vicki Robin, trong quyển Your Money or Your Life (Tạm dịch: Tiền hay Cuộc sống), đã viết về những người thay vì kiếm sống thì họ lại bán mạng vì đồng tiền, hoặc nhiều trường hợp thì chỉ muốn
làm giàu nhanh chóng. Công việc họ đang làm không thỏa mãn họ, thậm chí còn gây bất lợi cho hạnh phúc của bản thân họ hoặc cho những người khác. Hoặc có lẽ họ xấu hổ về công việc mình làm. Họ ghét công việc đó. Họ ước mình không phải làm công việc như vậy. Họ giả vờ rằng điều đó cũng không quan trọng gì, nhưng thật ra tinh thần của họ – hoặc của một người nào đó – đang chết dần chết mòn. Bị cuốn vào cuộc rượt đuổi không hồi kết, họ nói rằng họ đang “kiếm sống”, trong khi thực ra họ đang bán mạng vì đồng tiền, nhưng họ không thấy được sự thật đó, hoặc không thể thừa nhận nó.

Tiền tự bản thân nó không phải là vấn đề. Bản thân tiền không xấu cũng không tốt. Bản thân tiền không mang quyền năng gì. Chính cách hiểu của chúng ta về tiền, chính những tương tác của
chúng ta với nó mới là căn nguyên của mọi vấn đề. Nhưng đây cũng là nơi chúng ta tìm được cơ hội thực sự để tự khám phá và thay đổi bản thân. Những câu chuyện tôi sắp chia sẻ dưới đây đến từ những bối cảnh vô cùng khác biệt, từ giàu có lộng lẫy đến nghèo đói kinh hoàng, từ những người và những lục địa cách xa đất nước này. Nhưng tôi cũng đã chứng kiến những bài học tương tự diễn ra ngay gần nhà mình, trong những vật lộn và lựa chọn mà chúng ta đưa ra mỗi ngày về vấn đề tiền bạc, cùng những mong đợi, hy vọng, sợ hãi và thất vọng xoay quanh nó.

Bạn có thể sẽ phải quan sát thật kỹ mới có thể nhìn thấy các mối đe dọa về tiền bạc trong câu chuyện của bản thân mình, nhưng chắc chắn chúng có tồn tại và mang một ý nghĩa nhất định. Bạn có thể bắt đầu quá trình khám phá, sau đó biến bí ẩn về tiền bạc và sân chơi mà nó thống trị thành một nơi tốt đẹp hơn. Mối quan hệ giữa bạn với tiền có thể trở thành nơi để bạn thể hiện những lợi thế, kỹ năng, khát vọng cao nhất và những phẩm chất sâu xa nhất, mạnh mẽ nhất của mình. Dù chúng ta là triệu phú hay “người thừa kế giàu có”, chúng ta cũng có thể hài lòng với tiền của mình với mối quan hệ chúng ta có với nó.

Trong một thế giới dường như luôn xoay quanh tiền bạc, việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta với tâm hồn mình, sau đó đưa nó vào mối quan hệ với tiền bạc là vô cùng quan trọng. Khi làm vậy, chúng ta có thể tạo ra một hoạt động tinh thần mới mẻ và sâu sắc. Chúng ta có thể cân bằng và nuôi dưỡng nền văn hóa tiền bạc bằng chính tâm hồn mình. Mối quan hệ của chúng ta với tiền có thể trở thành một nơi để ngày ngày chúng ta tham gia vào các hoạt động tinh thần đầy ý nghĩa này.

Các chương sau đây sẽ mời gọi bạn đối đầu với những thách thức về tiền bạc, những nỗi sợ xoay quanh vấn đề tiền bạc, sự mê muội và gắn bó của chúng ta với tiền, những hối tiếc và đau đớn
vì tiền, và coi tất cả những điều này như một đấu trường để phát triển bản thân – một nơi tuyệt vời để cố gắng thay đổi theo hướng tốt hơn. Trong đấu trường ấy, điều chúng ta cần làm là trao cho tiền một linh hồn.

Nguồn: Trích sách Linh hồn của tiền

Có thể bạn quan tâm:
Linh hồn của tiền

Đánh thức “sự giàu có” từ nội lực của chúng ta

Linh hồn của tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề