Chuyên gia: NĐT đang bị tâm lý ăn thua chi phối trong xu hướng downtrend
Theo ông Phan Linh, Giám đốc Chuyên môn sản phẩm Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam, giai đoạn hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đầy rủi ro và biến động. Việc ăn thua trong 1, 2 phiên không đáng để chúng ta đánh đổi.
Với nền tâm lý thận trọng thậm chí là khá yếu của nhà đầu tư trong nước sau cú sụt giảm mạnh hơn 20% từ đỉnh thì gần đây chúng ta đã khá là quen với việc thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động tâm lý từ biến động của thị trường thế giới và đặc biệt là việc Fed nâng lãi suất cách đây 3 hôm.
Về mặt cơ bản, chắc hẳn sẽ có những tác động nhất định bởi các rủi ro về lạm phát tại nhiều khu vực trên thế giới đang là bài toán khá hóc búa. Tuy nhiên trong ngắn hạn đa phần các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu đang chịu tác động về mặt tâm lý bởi những dữ liệu về nền kinh tế vĩ mô nội tại của chúng ta thì vẫn đang hứa hẹn một bức tranh tươi sáng cho cả năm 2022.
Liên quan đến câu hỏi liệu chúng ta lúc này có nên đi ngược lại số đông khi phần lớn nhà đầu tư lúc này đều đang sợ hãi, ông Phan Linh, Giám đốc Chuyên môn sản phẩm Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng chúng ta không nhất thiết phải tham lam trong một vài phiên, tâm lý mọi người đang bị ăn thua nhiều quá trong xu hướng downtrend.
Nhà đầu tư có thể tĩnh lại đợi thị trường cân bằng, lúc đó đưa ra quyết định mua/bán trong dài hạn sẽ tốt hơn.
Chuyên gia nhấn mạnh nếu chỉ xét riêng câu chuyện nội tại của nền kinh tế Việt Nam thì chúng ta vẫn đang có rất nhiều yếu tố vĩ mô ủng hộ, thậm chí tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong 5 tháng đầu năm vẫn rất ổn. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến thị trường giai đoạn này chính là thông tin tiêu cực từ bên ngoài.
Do Việt Nam càng ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước xung quanh và ký càng nhiều các hiệp định thương mại. Việc mà chúng ta bị ảnh hưởng bởi lạm phát và thắt chặt tiền tệ của các quốc gia như Mỹ hoặc khu vực châu Âu cũng là điều dễ hiểu.
Các chuyên gia nhận định cái quan trọng là chúng ta phải đánh giá được tác động này có còn tiếp diễn hay không, hay là chỉ phản ánh đến giai đoạn này là đủ rồi.
Hôm thứ Năm khi Fed ra thông tin tăng lãi suất thêm 0,75% thì thị trường tăng giá. Mọi người cho rằng cho rằng cú giảm của thị trường trước đó nó đã phản ánh thông tin này rồi. Tuy nhiên, tối hôm đó Dow Jones lại mất mốc 30.000 điểm thì mọi người lại đánh giá lạm phát vẫn còn dài phía trước và có thể gây ra suy thoái của Mỹ và khu vực châu Âu.
“Mình nghĩ rằng sẽ rất khó để nhận định thị trường ổn hay chưa qua 1,2 phiên, thay vào đó chúng ta nên nhìn vào một bức tranh dài hạn hơn”.
Các yếu tố tác động trực tiếp lên thị trường giai đoạn này là yếu tố vĩ mô bên ngoài. Thực ra việc Fed nâng lãi suất lên 0,75% báo chí cũng nói rất nhiều, tuy nhiên với lộ trình của Fed thì lãi suất sẽ đạt khoảng 3,4% đến cuối năm nay.
Chúng ta sẽ còn những đợt tăng vào tháng 7, tháng 9 và tháng 12 và mức mục tiêu 3,4% theo Jerome Powell nói là một sự bất thường nhưng Fed sẽ tìm mọi cách để kiềm chế lạm phát đến khi lạm phát ngừng tăng. Chuyên gia dự báo xu hướng thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục kéo dài.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến CPI của Mỹ đến thời điểm hiện nay, ví dụ như giá xăng dầu, nhà ở, dịch vụ ăn uống,.. vẫn đang trong xu hướng tăng, tức là mình kỳ vọng vào những điều tích cực nhưng những điều này dường như chưa xuất hiện.
“Giống như việc chúng ta đang đi trên một con dốc, 1 bên là núi, 1 bên là vực, trước mặt lại có sương mù nữa thì tốt nhất bình cứ đứng bên vệ đường để quan sát, khi nào sương mù tan bớt thì chúng ta lại tiếp tục.
Còn trong giai đoạn này thị trường thực sự là quá biến động. Việc ăn thua trong 1, 2 phiên không đáng để chúng ta đánh đổi”, ông Phan Linh nhấn mạnh.
Nguồn: vietnambiz
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live