fbpx

Citigroup: Deutsche Bank là nạn nhân của một thị trường phi lý trí

Cuối tuần trước, cổ phiếu Deutsche Bank giảm mạnh nhất trong 3 năm và chi phí bảo hiểm cho rủi ro ngân hàng Đức vỡ nợ tăng vọt. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích tại Citigroup đánh giá làn sóng bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank thật “phi lý”.

Dù là một ngân hàng kinh doanh liên tục có lãi và vừa hoàn thành tái cấu trúc, nhưng Deutsche Bank là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng châu Âu trong ngày 24/03. Đà giảm cũng diễn ra khi Deutsche Bank thông báo kế hoạch mua lại nợ – vốn là một động thái phát đi tín hiệu tốt về doanh nghiệp.

citigroup-deutsche-bank-la-nan-nhan-cua-mot-thi-truong-phi-ly-tri-happy-live-1.jpg

Các chuyên viên phân tích cũng khó tìm ra lời giải cho làn sóng bán tháo này. Lúc đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải lên tiếng bảo vệ cho Deutsche Bank. “Ngân hàng đang kinh doanh có lãi và không có lý do gì để lo ngại”, ông Scholz cho biết.

Đánh giá về trường hợp của Deutsche Bank, các chuyên viên phân tích tại Citigroup cho biết: “Chưa có lý do nào đủ lớn để giải thích cho làn sóng bán tháo này. Thay vào đó, chúng tôi xem đây là một thị trường phi lý trí. Rủi ro ở đây là các tiêu đề báo chí tiêu cực sẽ tác động tới tâm lý của người gửi tiền, cho dù là lập luận đằng sau những bài báo này có đúng hay không”.

Lời tiên tri tự ứng nghiệm

“Nhà đầu tư chỉ đang cố gắng tìm ngân hàng sắp gặp rắc rối, chẳng hạn như những ngân hàng có dính dáng tới bất động sản thương mại”, Ulrich Urbahn, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đa tài sản ở Berenberg, cho hay. “Vấn đề là mọi thứ có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm, Càng nhiều người nghĩ ngân hàng đang gặp vấn đề, càng nhiều người rút tiền và rủi ro lại càng lớn cho các ngân hàng”.

Cổ phiếu Deutsche Bank có lúc giảm tới 15%, mức giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu đại dịch COVID-19, trước khi hồi phục đôi chút. Các ngân hàng khác như Commerzbank AG ở Đức, Banco de Sabadell ở Tây Ban Nha và Societe Generale SA ở Pháp cũng lao dốc.

Sự rối loạn của các ngân hàng châu Âu nối tiếp những vụ sụp đổ của các ngân hàng ở Mỹ. Để trấn an, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết giới chức sẵn lòng đưa ra thêm động thái hỗ trợ tiền gửi nếu cần thiết.

Nhóm ngân hàng cũng lao dốc khi Bloomberg đưa tin Credit Suisse và UBS Group AG nằm trong nhóm ngân hàng đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra về việc họ có hỗ trợ cho các tài phiệt Nga né lệnh trừng phạt hay không.

Đà giảm trên diện rộng cũng “tạt gáo nước lạnh” vào hy vọng của giới chức toàn cầu rằng vụ giải cứu Credit Suisse trước đó sẽ giúp lĩnh vực ngân hàng ổn định trở lại. Các cơ quan điều hành và giám đốc điều hành ở ngân hàng tìm cách trấn an các trader về tình hình sức khỏe của ngành ngân hàng.

Tuần này, các ngân hàng trung ương, như Fed và BoE, lại nâng lãi suất, phát đi tín hiệu lạm phát là lo ngại hàng đầu của họ. Tuy nhiên, đây là một ván cược mạo hiểm với hy vọng rắc rối của ngành tài chính đã qua giai đoạn tệ nhất.

Trong ngày 22/03, người đứng đầu BaFin (cơ quan điều hành ngân hàng ở Đức) cho biết dù không có rủi ro các sự vụ ngân hàng gần đây tác động trực tiếp tới thị trường ngân hàng châu Âu, nhưng vẫn có nguy cơ “lây lan thông qua tác động tới tâm lý của thị trường”.

“Đây là một trường hợp rõ ràng của việc bán trước rồi hỏi sau”, Paul de la Baume, Chiến lược gia thị trường tại FlowBank, cho hay.

Khi các thị trường đang lo ngại khôn nguôi, việc phát đi tín hiệu tốt lành cũng không có tác dụng vì nhà đầu tư xem chúng là tín hiệu của sự suy yếu. Thông báo mua lại trái phiếu của Deutsche Bank trong ngày 24/03 lẽ ra là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, thay vì củng cố niềm tin thì hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này lại tăng vọt.

Chi phí bảo hiểm với trái phiếu cấp cao kỳ hạn 5 năm của Deutsche Bank ở mức 200 điểm cơ bản vào chiều ngày 24/03, sau khi có lúc lên 220 điểm. Mặc dù đây là mức cao với một ngân hàng lớn ở châu Âu, nhưng vẫn còn cách rất xa so với mức đỉnh của Credit Suisse trước vụ thâu tóm. CDS kỳ hạn 1 năm của Credit Suisse có lúc vượt mốc 3,000 điểm cơ bản.

Các quan chức cấp cao ở châu Âu nhấn mạnh tới sức mạnh của lĩnh vực ngân hàng trong ngày 24/03.

Deutsche đâu phải Credit Suisse thứ 2

Nhà đầu tư lo ngại về việc Deutsche Bank có dính dáng tới bất động sản thương mại ở Mỹ và các vị thế phái sinh quy mô lớn của ngân hàng này, Stuart Graham, Chuyên viên phân tích tại Autonomous Research, cho hay. Tuy nhiên, giới đầu tư đã biết hai vấn đề này từ trước và mọi thứ “không quá đáng sợ”, ông nói thêm.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Deutsche Bank là doanh nghiệp kinh doanh có lãi và không có lý do để lo ngại.

Ngân hàng Đức này “đã hiện đại hóa cách thức hoạt động. Đây là một ngân hàng có lãi lớn và chẳng có lý do gì phải lo ngại”, ông nói.

Deutsche Bank gần đây đã hoàn tất kế hoạch tái cấu trúc kéo dài 4 năm, trong đó bao gồm cắt giảm hàng ngàn việc làm và thoái vốn phần lớn khỏi mảng ngân hàng đầu tư. CEO Christian Sewing – người nhậm chức từ năm 2018 – thậm chí còn đang xem xét thâu tóm đối thủ Commerzbank trong năm 2019 theo sự thúc giục của Chính phủ, nhưng sau đó đã bác bỏ ý tưởng này.

“Chúng tôi không lo ngại về khả năng tồn tại hay tài sản của Deutsche Bank”, Graham viết. “Để nói cho rõ, Deutsche đâu phải Credit Suisse thứ hai”.

Tiến Phát

Vietstocks

Có thể bạn quan tâm ấn phẩm bán chạy nhất của Happy Live

Ngày đòi nợ – Phil Town

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề