fbpx

Cuộc cách mạng một cộng rơm – Cây ăn quả

Để cho cây ăn quả phát triển theo hình dáng tự nhiên của nó ngay từ đầu là tốt nhất. Cây này sẽ ra trái hàng năm và không cần được cắt tỉa. Một cây cam thì cũng phát triển hình dáng giống như một cây tuyết tùng hoặc một cây thông, tức là, một thân chính duy nhất mọc thẳng lên cùng với những cành nhánh đâm ra so le.

Tôi cũng trồng nhiều giống cam quýt trên những sườn đồi gần nhà. Sau chiến tranh, khi khởi nghiệp làm nông, tôi bắt đầu với 7.000 mét vuông trồng cam quýt và 1.500 mét vuông ruộng trồng lúa. Giờ thì chỉ diện tích trồng cam quýt không thôi cũng đã lên tới trên 50 nghìn mét vuông. Tôi có số đất này nhờ tiếp quản các sườn đồi bị bỏ hoang ở xung quanh. Rồi tôi phát quang chúng bằng tay.

Những cây thông trên một số sườn dốc này đã bị chặt trụi vài năm trước đó. Tất cả những gì tôi làm là đào các lỗ theo đường vòng quanh đồi và trồng những cây cam quýt giống. Các chồi cây đã nhú từ những gốc cây bị đốn và với thời gian, cỏ lau Nhật, cỏ tranh, và dương xỉ bắt đầu phát triển mạnh. Các cây cam giống lọt thỏm trong đám cây cối rối rắm đó.

Tôi cắt đi phần lớn các mầm thông, nhưng vẫn cho một số mọc trở lại để chắn gió. Rồi tôi phạt đi những bụi cây và đám cỏ che kín mặt đất và trồng cỏ ba lá lên đó.

cach-mang-mot-cong-rom

Sau sáu hoặc bảy năm những cây cam quýt cuối cùng cũng ra quả. Tôi đào đất phía sau những cái cây để tạo thành các ụ đất cao (Có lẽ ông Fukuoka đắp ụ đất cao với dụng ý giữ nước và để chất mùn hữu cơ không bị trôi đi). Bây giờ khu vườn trông có hơi khác so với bất kỳ khu vườn nào khác.

Tất nhiên là tôi vẫn giữ những nguyên tắc không cuốc xới, không dùng phân bón hoá học, không dùng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Một điều thú vị là, lúc đầu, trong khi cây con còn đang phát triển dưới bóng những cây rừng mọc lại, thì không hề có dấu hiệu của sâu bọ phá hoại, chẳng hạn như bọn rệp đầu mũi tên hay gặp. Một khi những cây bụi và cây lớn mọc lại đã bị chặt hết, đất trở nên bớt hoang dã và trông giống một khu vườn hơn, chỉ khi đó thì bọn côn trùng này mới xuất hiện.

Để cho cây ăn quả phát triển theo hình dáng tự nhiên của nó ngay từ đầu là tốt nhất. Cây này sẽ ra trái hàng năm và không cần được cắt tỉa. Một cây cam thì cũng phát triển hình dáng giống như một cây tuyết tùng hoặc một cây thông, tức là, một thân chính duy nhất mọc thẳng lên cùng với những cành nhánh đâm ra so le. Dĩ nhiên tất cả các giống cam quýt không sinh trưởng tới chính xác cùng một kích thước và hình dáng. Giống Hassaku và Shaddock vươn rất cao, giống quýt Unshu mùa đông thì lùn và bè bè, các giống quýt Satsuma trước đây lúc trưởng thành thì nhỏ bé, nhưng chúng đều có một thân chính duy nhất.

Không Giết Những Loài Thiên Địch

Tôi nghĩ ai cũng biết rằng những con “sâu hại” thường thấy nhất trong các vườn cây, như rệp đỏ và bọ sáp có sừng, đều có kẻ thù tự nhiên, nên không cần phải dùng thuốc trừ sâu để kiểm soát chúng. Có một thời, loại thuốc trừ sâu Fusol được dùng ở Nhật Bản. Các loại thiên địch bị tiêu diệt hoàn toàn và hậu quả vẫn còn cho đến giờ ở nhiều tỉnh trong cả nước. Từ kinh nghiệm này, tôi nghĩ phần lớn nông dân đã nhận ra rằng không nên diệt bỏ các con thiên địch bởi lẽ về lâu về dài, thiệt hại lớn hơn do lũ côn trùng phá hoại là điều không thể tránh khỏi.

Khi bọn ve và rệp xuất hiện thật, nếu dùng dung dịch dầu máy, loại hoá chất gần như vô hại đối với bọn thiên địch, được pha loãng 200 tới 400 lần để phun nhẹ vào tầm giữa hè, rồi sau đó để cho quần thể côn trùng tự đạt tới trạng thái cân bằng tự nhiên thì nói chung vấn đề này sẽ tự được giải quyết. Việc này sẽ không có tác dụng nếu đã sử dụng một loại thuốc trừ sâu gốc phốt-pho hữu cơ vào tháng sáu hoặc tháng bảy, vì bọn thiên địch cũng bị hoá chất này giết chết.

Tôi không có ý cổ vũ việc sử dụng cái gọi là dung dịch phun “hữu cơ” vô hại chẳng hạn như dung dịch muối – tỏi hoặc dung dịch dầu máy, cũng không phải là tôi thích thú với việc đưa những loài thiên địch lạ vào vườn cây để kiểm soát các con côn trùng gây hại. Những cái cây bị suy yếu và bị tấn công bởi côn trùng tới mức chúng sẽ lệch lạc khỏi hình dáng tự nhiên. Nếu cây sinh trưởng theo một kiểu phi tự nhiên và bị bỏ mặc trong trạng thái đó, các nhánh cây sẽ đan rối vào nhau và kết quả là bị côn trùng phá hoại. Từ đầu, tôi đã kể là tôi đã làm chết sạch nhiều mẫu cam quýt theo cách này như thế nào rồi.

Dầu sao thì, nếu cây cối dần được điều chỉnh, chúng sẽ trở lại ít nhất là gần giống với hình dáng tự nhiên của chúng. Cây sẽ khỏe hơn và các biện pháp kiểm soát côn trùng sẽ trở nên không cần thiết. Nếu một cái cây được trồng cẩn thận và cho mọc theo hình dáng tự nhiên ngay từ đầu, thì sẽ không cần phải xén tỉa hay phun thuốc gì hết. Phần lớn những cây giống đều bị cắt tỉa từ trước hoặc bộ rễ của chúng bị hư hại tại vườn ươm trước khi được đánh ra trồng ở vườn, nên việc cắt tỉa ngay từ đầu là cần thiết.

Nhằm cải thiện đất vườn, tôi đã thử trồng nhiều giống cây khác nhau. Trong số đó có cây keo Morishima. Loại cây này sinh trưởng suốt cả năm, mùa nào cũng đâm chồi mới. Những con rệp, sống nhờ những cái chồi này, bắt đầu sinh sôi nảy nở nhiều. Bọn bọ rùa đỏ thì ăn rệp và chẳng mấy chốc chúng cũng bắt đầu tăng số lượng. Sau khi xử hết chỗ rệp, chúng leo xuống những cây cam và bắt đầu xơi những con côn trùng khác như ve, rệp đầu mũi tên và rệp sáp bông.

Trồng cây ăn quả mà không cần tỉa cành, bón phân hoặc phun xịt hoá chất thì chỉ khả dĩ trong phạm vi một môi trường tự nhiên.

-Masanobu Fukuoka-

Xem đầy đủ series “Cạnh tranh bằng nông nghiệp” tại: http://bit.ly/canh-tranh-bang-nong-nghiep

Các viết cùng chủ đề