fbpx

Cuộc cách mạng một cộng rơm – Đất vườn

Không cần nói cũng biết rằng việc cải thiện đất là mối quan tâm cơ bản trong chăm sóc vườn cây. Nếu dùng phân hoá học cây cối sẽ sinh trưởng cao lớn hơn, nhưng năm này qua năm khác đất sẽ trở nên cằn cỗi. Phân bón hoá học sẽ hút kiệt sức sống của đất. Ngay cả nếu chỉ dùng cho một thế hệ thôi, đất cũng sẽ phải chịu tổn thất đáng kể.

cuoc-cach-mang-mot-cong-rom-dat-vuon

Trong làm nông không có con đường nào khôn ngoan hơn con đường cải thiện đất một cách tổng thể. Cách đây hai mươi năm, bề mặt của ngọn núi này chỉ là đất sét đỏ trơ trọi, cứng đến nỗi không thể cắm xẻng vào được. Phần lớn đất quanh đây lúc đó là như thế. Người ta trồng khoai tây cho đến khi đất cạn kiệt và rồi bỏ hoang chúng. Có thể nói rằng, không phải chỉ trồng cam và rau xanh, mà đúng ra tôi cũng đã giúp phục hồi độ màu mỡ của đất ở đây.

Phục hồi đất

Chúng ta hãy nói về việc tôi đã phục hồi những sườn núi cằn cỗi này như thế nào. Sau chiến tranh, kỹ thuật cày xới vườn cam và đào những cái hố chôn chất hữu cơ được khuyến khích. Khi quay về từ trung tâm thí nghiệm, tôi đã thử làm như thế trong chính vườn của mình. Sau vài năm tôi đi đến kết luận rằng phương pháp này không chỉ tốn sức, mà xét về mặt cải tạo đất, là hoàn toàn vô dụng.

Lúc đầu, tôi chôn rơm và dương xỉ mang từ trên núi xuống. Vác những lô nặng tới 40 cân hoặc hơn quả là việc nặng nhọc, nhưng sau hai hay ba năm, thậm chí vẫn không có đủ mùn để vun vừa lòng bàn tay tôi. Những cái hào tôi đào để chôn chất hữu cơ sụp xuống và trở thành những cái hầm lộ thiên.

Tiếp đó, tôi đã thử chôn củi gỗ. Có lẽ rơm là nhân tố hỗ trợ tốt nhất cho việc cải thiện đất, nhưng xét từ lượng đất thịt được hình thành, thì gỗ tốt hơn. Sẽ ổn cả chừng nào vẫn còn cây để chặt. Tuy nhiên, với những ai không có cây gần quanh đó, tốt hơn là trồng cây lấy gỗ ngay trong vườn còn hơn là phải đi mang chúng từ xa về.

Trong vườn của tôi có thông, tuyết tùng, vài cây lê, hồng vàng, sơn trà, sơ-ri Nhật và nhiều loài cây bản địa khác mọc xen giữa những cây cam quýt. Một trong những giống cây thú vị nhất, dù chẳng phải cây bản địa, là cây keo Morishima. Nó vẫn là loại cây mà tôi đã đề cập lúc trước trong mối tương quan với bọn bọ rùa và việc bảo vệ những con thiên địch. Gỗ của nó chắc, hoa thu hút ong tới còn lá thì dùng làm thức ăn gia súc tốt. Nó giúp phòng tránh côn trùng phá hoại trong vườn, đóng vai trò chắn gió và loại vi khuẩn rhizobium sống trong rễ của nó làm màu mỡ thêm cho đất.

Cây này được du nhập từ Úc cách đây vài năm và mọc nhanh hơn bất kỳ cây nào tôi từng thấy. Chỉ vài tháng là rễ nó đã đâm rất sâu, sau sáu đến bảy năm, nó đã cao như một cái cột điện thoại. Thêm nữa, cây này còn có khả năng cố định đạm, bởi vậy nếu 6 đến 10 cây được trồng trên một nghìn mét vuông, đất có thể được cải thiện tới tận tầng sâu mà chẳng cần phải sụn lưng vác gỗ từ trên núi xuống.

Đối với lớp đất bề mặt, tôi trộn cỏ ba lá hoa trắng và cỏ linh lăng gieo lên mặt đất cằn cỗi. Cũng phải mất vài năm để chúng bám trụ được, nhưng cuối cùng thì chúng cũng trổ lên và che phủ khắp các sườn đồi. Tôi cũng trồng cả củ cải Nhật (daikon). Rễ của loại rau kiên cường này đâm sâu vào đất, bổ sung chất hữu cơ và mở các kênh dẫn cho không khí và nước lưu thông. Nó tự gieo hạt một cách dễ dàng và sau chỉ một lần gieo hạt thôi là ta có thể quên luôn cũng được.

Xử lý cỏ dại

Khi đất trở nên màu mỡ hơn, cỏ dại bắt đầu tìm đường trở lại. Sau bảy hoặc tám năm, đám cỏ ba lá hoa trắng gần như biến mất giữa đám cỏ dại, bởi vậy tôi ném thêm một ít hạt cỏ ba lá vào cuối hè sau khi phát bớt cỏ dại. Thành quả của lớp phủ dày gồm cỏ dại/cỏ ba lá này là lớp đất bề mặt của vườn cây, trong vòng hơn 25 năm qua, từ chỗ từng là đất sét đỏ khô cứng, giờ đã trở nên tơi, sậm màu và thừa thãi giun đất với chất hữu cơ.

Với lớp phân xanh làm màu mỡ lớp đất thịt phía trên và rễ của những cây keo Morishima cải thiện lớp đất sâu bên dưới, ta có thể thoải mái trồng trọt mà không cần phân bón và cũng không cần phải cày xới đất trống giữa những cây trồng trong vườn. Với những cây gỗ cao dùng để chắn gió, những cây cam quýt ở giữa và lớp phân xanh phủ phía dưới, tôi đã tìm ra một cách để khỏi phải bận tâm và để mặc vườn cây tự lo cho nó.

-Masanobu Fukuoka-

Xem đầy đủ series “Cạnh tranh bằng nông nghiệp” tại: http://bit.ly/canh-tranh-bang-nong-nghiep

Các viết cùng chủ đề