fbpx

Cựu Thủ tướng Israel: Tiền là yếu tố tiên quyết đối với nhà khởi nghiệp

Cựu lãnh đạo quốc gia khởi nghiệp Israel, ông Ehud Barak đã có những chia sẻ về công cuộc xây dựng những doanh nghiệp kỳ lân ở quốc gia Do Thái này.

Ngày 16/8, tại sự kiện “Một ngày với cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak”, nhà lãnh đạo này đã mang tới những chia sẻ về hành trình ươm mầm một vùng đất nghèo nàn về tài nguyên, diện tích và dân số chỉ bằng 1/10 Việt Nam, trở thành một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu, nổi tiếng với công nghệ nông nghiệp, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo và khoa học quân sự.

“Các bạn biết đấy, một nửa diện tích của chúng tôi là sa mạc, bên cạnh là Biển Chết, nơi mà không một con cá có thể sống được”, ông Ehud Barak bắt đầu bài phát biểu.

Theo ông Barak, Israel không có được thiên nhiên ưu đãi về mặt tài nguyên, chưa kể cuộc sống của người dân chưa bao giờ là ổn định vì xung đột và chiến tranh xảy ra liên miên. Tuy nhiên, bằng những sáng tạo về công nghệ, người dân đất nước này đã làm được nhiều điều thú vị.

Nhà lãnh đạo Israel cho biết một nửa lượng nước sạch dùng trong nông nghiệp, sinh hoạt của người dân đến từ biển – nơi Israel áp dụng công nghệ tách muối từ nước biển. Ông Barak tiết lộ cách đây 50 năm, khoảng 30% dân số Israel làm nông nghiệp nhưng hiện tại, họ chỉ có khoảng 1,7% dân số làm việc trong lĩnh vực này nhưng vẫn đủ khả năng cung cấp lương thực cho cả nước, thậm chí là xuất khẩu. Đây là thành quả của quá trình phát triển công nghệ nông nghiệp trong nhiều thập kỷ qua của Israel.

Chiến lược thu hút nhân tài và đầu tư cho startup

Để một đất nước nghèo nàn tài nguyên thiên nhiên như Israel đạt được thành tựu như vậy, những nhà lãnh đạo đã đặt con người làm trọng tâm chính trong công cuộc phát triển đất nước. Cụ thể, lãnh đạo Israel đề cao giá trị của trí tuệ con người, qua đó tăng cường đầu tư cho giáo dục cũng như phát triển các ngành công nghiệp.

“Đầu tư cho giáo dục của chúng tôi nhiều hơn rất nhiều so với đầu tư cho quốc phòng. Và chúng tôi cũng đổ rất nhiều tiền đầu tư vào công nghiệp cũng như các công ty trong hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Barak nói.

Theo đó, ông Barak chia sẻ trẻ em Israel bắt đầu học chữ từ năm 3 tuổi, mặc dù đến 6 tuổi mới phải đến trường. Học sinh được khuyến khích theo học các ngành tự nhiên như toán học, hóa học, sinh học, ngoại ngữ…

Ở bậc giáo dục Đại học, Israel thực hiện dự án nuôi dưỡng nhân tài. Theo đó, họ lựa chọn các sinh viên giỏi, tập trung đào tạo nhanh trong vòng khoảng 3 năm và gửi nhóm “hạt giống” này tới các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm… để làm việc. Từ 25.000 sinh viên giỏi nhất cả nước, Israel đã chọn ra khoảng 500 người và đào tạo họ trở thành lực lượng chuyên gia đầu ngành của đất nước.

Trong suốt 45 năm thực hiện chiến lược này, Israel đã đào tạo không biết bao nhiêu nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo. Thậm chí, nếu Israel không có chuyên gia trong lĩnh vực nào, họ sẵn sàng trải thảm vàng để đón chào nhân tài từ các quốc gia khác.

Nhờ đó, lĩnh vực công nghệ cao của Israel rất phát triển. Đây là lĩnh vực sử dụng khoảng 14% lực lượng lao động, nhưng chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp khoảng 40% GDP.  Ông Barak cho biết chỉ khoảng nếu xét về trình độ thì không phải 14% lực lượng lao động thực sự là chuyên gia công nghệ cao. Các chuyên gia công nghệ cao có lẽ chỉ chiếm khoảng 2% dân số. Phần còn lại là những người hỗ trợ các chuyên gia công nghệ. Mỗi nhà khoa học, kỹ sư, nhà phát triển ứng dụng cần tới 4-5 người trong các ngành khác hỗ trợ.

Bằng những chính sách ươm mầm nhân tài như vậy, Israel đã tạo ra không chỉ các chuyên gia mà họ cũng “thu hoạch” được rất nhiều nhà sáng lập kỳ lân (công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD – PV). Các công ty khởi nghiệp của Israel xuất hiện trên sàn chứng khoán Mỹ, các quỹ đầu tư lớn đều có văn phòng ở Tel Aviv để tiếp cận những startup non trẻ của Israel.

“Để tôi đưa ra một ví dụ, năm 2021, Mỹ có 45 kỳ lân, Trung Quốc là 25 và Israel có 17 doanh nghiệp kỳ lân”, ông Ehud Barak nói.

Muốn khởi nghiệp phải có tiền

Israel là một quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp và với khách mời tham gia buổi trò chuyện của ông Ehud Barak, những thắc mắc về khởi nghiệp cũng là chủ đề được đem ra bàn luận.

Trả lời câu hỏi rằng những người trẻ Việt cần làm gì để khởi nghiệp thành công nếu không có sự hỗ trợ tốt như Israel, cựu Thủ tướng Ehud Barak nêu quan điểm rằng ngoài yếu tố con người thì tiền vẫn luôn là yếu tố tiên quyết đối với khởi nghiệp.

“Điều này rất là khó, nếu không có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ chính phủ thì các công ty khởi nghiệp của các bạn trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi nhắc tới khởi nghiệp, tiền là yếu tố tiên quyết. Chúng ta sẽ không thể khởi nghiệp nếu thiếu tiền, bất kể bạn làm việc chăm chỉ đến mức phải ngủ trên sàn. Ở Israel, chúng tôi có những cá nhân được gọi nhà nhà đầu tư thiên thần, họ đưa tiền cho các bạn trẻ và đổi lại là số cổ phần lớn trong các doanh nghiệp khởi nghiệp này”, ông Barak chia sẻ.

Ngoài ra, cựu Thủ tướng Israel cho biết các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng thường tiếp cận các công ty khởi nghiệp non trẻ – những startup đang gây dựng mọi thứ trong các phòng thí nghiệm, gara ô tô… Dẫu vậy, ông Barak vẫn đề cao sự hỗ trợ từ chính phủ đối với những startup non trẻ.

Về vấn đề các startup Việt bị quỹ đầu tư ngoại bán sau khi nắm phần lớn cổ phần, cựu Thủ tướng Ehud Barak cho biết Israel cũng đã từng xảy ra tình trạng như vậy trong suốt 10 năm, tuy nhiên mọi chuyện đã khác.

“Tôi kể cho các bạn câu chuyện như này, một công ty về công nghệ của Trung Quốc muốn đặt trụ sở ở Israel. Và họ nhờ tôi tư vấn những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng để mua lại”, ông Barak nói.

Nhờ quá trình rà soát hàng chục nghìn công ty khởi nghiệp tiềm năng, cựu Thủ tướng Israel đã có cơ hội gặp được nhiều nhà đầu tư lớn. Ông Barak cho biết bản thân đã từng trò chuyện với một nhà đầu tư của Facebook và biết được người này không có nhu cầu đầu tư vào Israel.

“Tôi hỏi anh ta sao lại không muốn đầu tư vào đất nước chúng tôi và người đó trả lời rằng ở Israel có rất nhiều bạn trẻ tài năng và tự tin. Họ không muốn nhận mức cổ phần nhỏ, thay vì có thể thu về nhiều hơn từ việc được công ty khác mua đứt”, ông Barak chia sẻ. 

Ngài cựu Thủ tướng tiết lộ Israel mất tới 30 năm để nhận ra rằng nếu muốn đẩy mạnh công cuộc khởi nghiệp, quốc gia nào cũng cần có những doanh nghiệp lớn hơn.  

“Sẽ không có một con đường tắt nào để chúng ta xử lý được vấn đề này, tôi chỉ khuyên rằng cần Việt Nam cần tập trung vào tạo dựng những công ty khởi nghiệp lớn mạnh, tạo ra lợi nhuận khổng lồ nhưng bên trong vẫn thuần túy là một doanh nghiệp Việt, có giá trị riêng”, ông Barak nói. Ngoài ra, ngài cựu Thủ tướng cũng đề cao kinh nghiệm nhóm nhân lực, chuyên gia từng làm việc tại các tập đoàn lớn như Apple, Google, Amazon,…

Hà An

Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH LÀM GIÀU TỪ KINH DOANH

Tủ sách Làm giàu từ kinh doanh - Làm giàu từ kinh doanh

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề