fbpx

Đại suy thoái năm 1930

Cuộc Đại suy thoái năm 1930 có thể nói là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, đến mức mà ngày nay mọi người đều xem đây là cuộc khủng hoảng “tiêu chuẩn” khi so sánh với các cuộc suy thoái kinh tế khác. Đại suy thoái năm 1930 có nguồn gốc từ Mỹ, bắt đầu từ năm 1930 và kéo dài cho đến cuối những năm 1930. Đồng thời, cuộc đại suy thoái này ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới.

Đại suy thoái năm 1930

NGUYÊN NHÂN CỦA CUỘC ĐẠI SUY THOÁI NĂM 1930

Giống như hầu hết các cuộc khủng hoảng khác, Đại suy thoái năm 1930 xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân:

  • Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929: Sự sụp đổ của thị trường năm 1929 báo hiệu sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng. Thị trường chứng khoán ở Mỹ đã tăng hơn 4 lần từ mức thấp vào năm 1921 đến mức cao nhất vào năm 1929. Điều này rõ ràng là không mang tính bền vững và cuối cùng, thị trường chứng khoán đột ngột sụp đổ vào ngày 24/10/1929 (được gọi là ‘Ngày Thứ Năm Đen Tối’). Thị trường chứng khoán ở Mỹ đã giảm 33% vào tháng 11/1929.
  • Sụt giảm chi tiêu: Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã phá vỡ niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Mỹ. Nhiều người bị mất tiền tiết kiệm. Mọi người cắt giảm chi tiêu của họ, dẫn tới tổng cầu bị giảm, do đó sản lượng sản phẩm tiêu thụ cũng giảm theo.
  • Chính sách tiền tệ của Fed: Dự trữ liên bang FED đã áp dụng chính sách mở rộng tiền tệ trong những năm 1920. Tổng cung tiền đã tăng 28 tỷ đô la, tăng 61,8% từ năm 1921 đến năm 1928. Tăng trưởng kinh tế cao trong những năm 1920 và mở rộng cung tiền đã dẫn đến sự gia tăng giá cổ phiếu (do mọi người đã đầu tư số tiền thặng dư vào thị trường chứng khoán). Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, lẽ ra, FED phải tiếp tục mở rộng tiền tệ, nhưng họ đã thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và không cứu trợ các ngân hàng. Từ đó làm giảm cung tiền trong nền kinh tế.
  • Ngân hàng phá sản: Như đã đề cập, Fed đã không hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình điều hành. Thêm nữa, do giá nông sản giảm nên nông dân không có khả năng trả nợ. Điều này dẫn tới 1/5 số ngân hàng đã phá sản vào năm 1933. Khi đấy nhà đầu tư không còn niềm tin vào hệ thống ngân hàng, họ liền rút khỏi tiền ra khỏi các ngân hàng, dẫn đến cung tiền tiếp tục suy giảm.
  • Đạo luật Smoot-Hawley: Năm 1930, Hoa Kỳ đã ban hành luật để áp thuế đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ một số ngành trong nước. Nhiều quốc gia đã không đồng tình và tiến hành trả đũa. Vì vay, thương mại thế giới giảm sút và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
  • Hạn hán nghiêm trọng ở một số vùng của Hoa Kỳ năm 1931: Điều này càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nông nghiệp.
  • Chế độ bản vị vàng (Gold Standard): Đây là một trong những yếu tố dẫn đến sự lan rộng của cuộc khủng hoảng sang các nước khác. Cuộc khủng hoảng ở Mỹ đã gây ra tình trạng giảm phát, hàng hóa Mỹ trở nên rẻ hơn. Để ngăn chặn thâm hụt thương mại với Mỹ, các nước khác đã chuyển vàng về nước, các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất. Điều này gây ra sự thu hẹp tiền tệ lớn giữa các quốc gia trên thế giới.

ĐẠI SUY THOÁI KẾT THÚC

Sau cuộc Đại suy thoái vào năm 1930, rất nhiều chính sách, yếu tố kinh tế và chính trị đã thay đổi trên toàn thế giới, điển hình trong đó như:

  • Hầu hết các quốc gia từ bỏ Chế độ bản vị vàng: Điều này cho phép các quốc gia tăng cung tiền. (Như đã đề cập bên trên, chế độ bản vị vàng khiến các quốc gia theo đuổi việc thu hẹp tiền tệ)
  • Chính sách tài khóa mở rộng: Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover đã cố gắng giảm thiểu tác động của cuộc Đại suy thoái thông qua Công ty Reconstruction Finance vào năm 1932. Tổ chức này cho phép các ngân hàng, công ty đường sắt và các công ty tư nhân khác cho vay 2 tỷ đô la. Chính phủ cũng dành 300 triệu đô la cho các dự án cứu trợ và công trình công cộng đầu tiên. Tuy vậy sau đó Hoover đã không tái đắc cử vào năm 1933. Vào tháng 3 năm 1933, Tổng thống mới đắc cử Franklin Roosevelt đã thông qua một loạt đạo luật (được gọi là Thỏa thuận mới ), nhằm mở rộng vai trò của Chính phủ trong việc chống lại cuộc suy thoái. Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi liệu việc mở rộng tài khóa có thực sự giúp chấm dứt cuộc đại suy thoái hay không.
  • Chiến tranh thế giới thứ 2: Với việc sử dụng nhiều vốn trong chi tiêu quân sự trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã cung cấp một biện pháp kích thích tài khóa và giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái.

ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI SUY THOÁI NĂM 1930

Có thể nói Đại suy thoái năm 1930 đã gây ra hậu quả rất nặng nề về phương diện kinh tế. Cụ thể tại Mỹ vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 1932:

  • GDP giảm 33%
  • Sản xuất công nghiệp giảm 47%.
  • 1/5 số ngân hàng phá sản
  • Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 25%
  • Tiền lương giảm 42%
  • Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) giảm 27%

Đối với các nước khác trên toàn thế giới, GDP tổng thể bị giảm sút đến 15%. Song song đó, Đại suy thoái này còn dẫn tới các quốc gia đồng loạt từ bỏ chế độ bản vị vàng.

Hoài An Le (Theo: Kinh tế quản trị)

Các viết cùng chủ đề