Đằng sau vẻ hào nhoáng của Apple: Bỏ qua khách hàng để ưu tiên lợi nhuận, môi trường làm việc có nhiều mặt tối
Không có gì phải bàn cãi về sự nổi tiếng của Apple cũng như sự phổ biến của các sản phẩm mà gã khổng lồ công nghệ này tạo ra, như iPhone, Apple Watch, MacBook,…
Tuy nhiên, theo Make Use Of, nhiều phương pháp kinh doanh cốt lõi của Apple vẫn đặt ra một số nghi vấn. Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của một trong những công ty lớn nhất thế giới vẫn còn đó nhiều ẩn khuất mà không nhiều người biết tới.
Apple không muốn người dùng can thiệp vào thiết bị
Không có gì bí mật về việc từ lâu, Apple đã công khai hạn chế việc sửa chữa thiết bị của họ. Người dùng sẽ chỉ được sửa iPhone của mình tại Apple Store hoặc cửa hàng sửa chữa được Apple ủy quyền.
Khác với ngành ô tô, nơi hầu hết nhà sản xuất bán phụ tùng cho các cửa hàng sửa chữa của bên thứ ba, thế giới công nghệ có thể giống như một khu vườn có tường rào bao quanh.
Apple từ chối bán các bộ phận iPhone chính hãng cho phần lớn cửa hàng sửa chữa. Trang công nghệ MacRumors thậm chí còn điều tra xem các bộ phận thay thế cho iPhone có thể được nhập từ đâu nếu người dùng không mang đến trung tâm sửa chữa được Apple chấp thuận, và kết quả chỉ ra rằng các linh kiện thay thế này chắc chắn không phải hàng chính hãng từ Apple.
Vì vậy, nếu người dùng muốn đảm bảo màn hình iPhone bị nứt không bị thay thế bởi hàng nhái, họ sẽ buộc phải đến Apple Store hoặc cửa hàng sửa chữa được Apple ủy quyền.
Tuy nhiên, các đạo luật như luật về quyền sửa chữa của New York đang thay đổi các thiết bị điện tử. Năm 2021, Apple bắt đầu bán bộ dụng cụ sửa chữa và các bộ phận trực tiếp cho người tiêu dùng. Dù vậy, ngay cả khi người dùng muốn tự mình sửa chữa iPhone, vẫn còn khá nhiều bước cần vượt qua trước khi có thể bắt đầu.
Mặt tối tại nhà máy lắp ráp
Nhiều thương hiệu lớn, từ Nike đến H&M, đều từng bị cáo buộc bóc lột sức lao động của công nhân tại các nhà máy. Đối với một công ty tự nhận là có ý thức xã hội như Apple, thực tế làm việc tại một trong những nhà máy của họ thậm chí còn trái ngược hoàn toàn với hình ảnh PR mà nhiều người biết tới.
Năm 2017, Tech Insider đã chia sẻ câu chuyện của Dejian Zeng, một sinh viên đại học làm chui trong một nhà máy sản xuất iPhone ở Thượng Hải. Là một công nhân trong dây chuyền lắp ráp, anh phải làm việc theo ca 12 giờ trong 6 ngày mỗi tuần và nhận mức lương tháng chỉ 3.100 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 450 USD.
Trong thời gian làm việc tại đây, anh cũng phải chịu đựng môi trường đông đúc và chặt chội với 8 người thường ngủ chung phòng ngủ và hơn 200 người dùng chung phòng tắm. Anh cũng kể lại rằng nhìn thấy lưới trong cầu thang và cửa sổ có rào chắn được thiết kế để ngăn chặn các vụ tự tử của công nhân.
Năm 2010, The Guardian đã đưa tin về một loạt vụ tự tử tại một nhà máy ở Thâm Quyến, Trung Quốc, nơi sản xuất iPhone. Mặc dù Apple không phải là công ty duy nhất dính đến các bê bối bóc lốt sức lao động, nhưng đó là một lời nhắc nhở đáng buồn rằng nhiều chính sách “tiến bộ” của Apple chỉ nằm trên giấy.
Apple có thực sự quan tâm đến môi trường?
Apple đã gây tranh cãi vào năm 2020 khi quyết định bắt đầu bán tất cả iPhone mà không có bộ sạc đi kèm. Trước sự phẫn nộ của người tiêu dùng, Apple trích dẫn rằng hầu hết khách hàng iPhone đã sở hữu một số bộ sạc và chính sách này sẽ giúp giảm thiểu rác thải điện tử.
Tuy nhiên, kể từ khi phát hành iPhone 12, tất cả các iPhone mới đều đi kèm với cáp USB-C to Lightning thay vì cáp USB-A to Lightning cũ hơn. Mặc dù loại cáp mới này cung cấp tốc độ sạc nhanh hơn, nhưng nó không tương thích với 2 tỷ bộ sạc iPhone đã có trên thị trường, có nghĩa là nhiều người dùng vẫn phải mua một bộ sạc mới. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu quyết định của Apple có thực sự là nhằm cứu vãn môi trường hay chỉ là một cách khác để tăng tỷ suất lợi nhuận.
Mặc dù Apple muốn xuất hiện trước công chúng như một công ty có ý thức về môi trường, nhưng phần lớn thiết bị mà “táo khuyết” sản xuất không thể được nâng cấp và thường rất khó sửa chữa. Điều đó có nghĩa là người dùng được khuyến khích loại bỏ các thiết bị cũ và thay thế chúng thường xuyên hơn thay vì sửa chữa. Một lần nữa, đây là một nguyên nhân góp phần vào vấn đề rác thải điện tử toàn cầu.
Ưu tiên lợi nhuận hơn khách hàng
Trước đây, Apple từng bị chỉ trích vì ưu tiên lợi nhuận hơn khách hàng. Người dùng có thể không biết rằng Apple đã cắt phí 30% đối với hầu hết giao dịch trên App Store. Điều này có nghĩa là khoảng 1/3 số tiền người dùng chi tiêu sẽ không đến tay nhà phát triển ứng dụng, mà thay vào đó chuyển thẳng vào túi của Apple. Đây là tỷ lệ hoa hồng cao hơn đa số nền tảng kinh doanh kỹ thuật số khác.
Fortnite là một trong những trò chơi lớn nhất hành tinh, có hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới và được quảng cáo bởi nhiều người nổi tiếng như Travis Scott và Marshmello. Mặc dù Fortnite có vẻ như đã chiếm lĩnh thế giới trong vài năm qua, nhưng có một nơi khách hàng sẽ không tìm thấy tựa game này, đó là App Store.
Nguyên nhân là bởi vào năm 2020, Epic Games, đơn vị đứng sau tựa game Fortnite, đã thêm tùy chọn thanh toán trong trò chơi, bỏ qua phần thu phí của App Store. Đáp lại động thái này, Apple đã xóa Fortnite khỏi App Store kể từ thời điểm đó.
Apple có một lịch sử lâu đời trong việc giới hạn những lựa chọn mà khách hàng có thể và không thể mua. Microsoft và Google vẫn chưa thể đưa nền tảng trò chơi của họ lên App Store do các quy định nghiêm ngặt của Apple đối với việc mua hàng. Mặc dù đôi khi Apple có vẻ như đang bắt đầu lắng nghe những gì người dùng muốn, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để thay đổi điều này.
Hệ sinh thái hạn chế người dùng
Có rất nhiều lý do để yêu thích hệ sinh thái của Apple, nhưng có vẻ như cũng có rất nhiều lý do để người dùng không yêu thích chúng.
SensorTower báo cáo rằng người dùng iPhone ở Mỹ đã chi trung bình 138 USD cho các ứng dụng vào năm 2020, nhiều hơn 38% so với năm trước. Vì vậy, nếu đã là người dùng iPhone lâu năm, khách hàng có thể đã xây dựng một thư viện nội dung và ứng dụng trả phí. Nếu quyết định chuyển sang Android hoặc một nền tảng khác, có nghĩa là người dùng phải bỏ lại tất cả số tiền mà bản thân đã chi cho Apple.
Môi trường làm việc tại Apple có thức sự lý tưởng?
Mặc dù được ca ngợi là một nhà kinh doanh và nhà sáng tạo thiên tài, cố CEO Apple Steve Jobs cũng được biết đến là một nhà quản lý cực kỳ khắt khe. Mặc dù đã qua đời vào năm 2011, nhưng phần lớn văn hóa công ty mà ông xây dựng vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Trên khắp nước Mỹ, nhiều nhân viên Apple Store đã bắt đầu nỗ lực để có thêm tiếng nói. Tuy nhiên, mục tiêu đó thường trái ngược với ý tưởng của ban lãnh đạo công ty. Năm 2022, Vice đã báo cáo về một bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ được gửi đến các nhà quản lý Apple Store. Bức thư bao gồm các điểm nói chuyện nhằm ngăn cản hoạt động công đoàn giữa các nhân viên. Bất chấp những nỗ lực hợp nhất kéo dài nhiều năm, tính đến năm 2022, chỉ có một Apple Store duy nhất trên lãnh thổ nước Mỹ đã hợp nhất thành công.
Có nhiều lý do khiến mọi người thích làm việc tại nhà và quyết định của Apple kết thúc bằng việc các lập trình viên và giám đốc điều hành cấp cao gửi đơn từ chức. Kế hoạch đưa nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc của Apple sau đó đã bị trì hoãn do các trường hợp mắc COVID-19 gia tăng tại Mỹ.
Sự thật khó chịu về Apple
Apple có vô số người hâm mộ nhiệt thành trên khắp thế giới và không ai có thể phủ nhận rằng các sản phẩm của Apple đều có kiểu dáng đẹp và chất lượng tuyệt vời. Nhưng Apple, giống như nhiều thương hiệu mà chúng ta biết và tin tưởng, cũng có những mặt tối.
Những cải tiến công nghệ trên iPhone và iPod đã thúc đẩy sự thành công vượt bậc của Apple, nhưng thành công đó cũng đến với những người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp. Bộ phận PR và marketing của Apple cố gắng hết sức để vẽ ra bức tranh về một gã khổng lồ công nghệ có ý thức xã hội mà người dùng có thể cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài sáng bóng đó, Apple có thể đã bị mục nát ở phần cốt lõi của công ty.
Hà An
Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH LÀM GIÀU TỪ KINH DOANH