Đầu tư cho người mới bắt đầu: Cách xây dựng một chiến lược đầu tư – Phần 1
Đa số người Việt Nam ta trước giờ chỉ có thói quen tiết kiệm, gửi tiền ngân hàng lấy lãi định kỳ với khoảng 7%/năm. Và thực chất, con số 7% mỗi năm là không đủ nếu bạn muốn đạt được tự do tài chính. Vì vậy trong bài viết này, Happy Live xin tổng hợp cho các bạn cách xây dựng chiến lược đầu tư để các bạn có thể rút ngắn thời gian đạt được tự do tài chính.
Để bắt đầu bài viết, các bạn hãy đặt câu hỏi: TẠI SAO CHÚNG TA CẦN ĐẦU TƯ?
Trong thực tế, con số 7% lãi suất mà mọi người nhận được từ việc gửi ngân hàng chỉ là lãi suất danh nghĩa, chưa tính tới lạm phát (sự trượt giá của đồng tiền). Ta có công thức:
Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – Lạm phát
Hiện tại, mức lạm phát tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại (tháng 10/2020) vào khoảng 4%, từ đó ta suy ra được lãi suất thực tế bạn nhận được chỉ có 3%/năm.
Phải mất đến 24 năm để có thể nhân đôi số tiền của bạn (ví dụ phải mất 24 năm để từ 1 tỷ biến thành 2 tỷ, và thêm 24 năm nữa để từ 2 tỷ biến thành 4 tỷ). Quá lâu để bạn có thể đạt được tự do tài chính!
Bằng cách học đầu tư, bạn có thể nâng cao tỉ suất sinh lợi (từ 3% của việc gửi ngân hàng lên một mức lãi suất cao hơn), từ đó rút ngắn thời gian nhân đôi số tiền, rút ngắn thời gian trở nên giàu có của bản thân.
Và cũng như tất cả những công việc kinh doanh khác, đầu tư cũng cần có một kế hoạch.
Tại sao cần phải có kế hoạch đầu tư?
Nếu bạn chưa từng nghĩ đến việc Tại sao tôi phải đầu tư?, thì bây giờ là thời điểm tốt nhất để bắt đầu đặt câu hỏi. Câu trả lời rất đơn giản:
Đầu tư để có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, cho gia đình, để có thể nghỉ hưu trong thoải mái, hoặc chỉ đơn giản để có thêm một nguồn thu nhập thụ động.
Bạn sẽ không thể toàn tâm chú ý đến việc đầu tư nếu bạn không có một lý do để đầu tư. Và chính lý do thúc đẩy bạn đầu tư sẽ tác động đến phong cách đầu tư của bạn. Đây là yếu tố cơ bản nhất của một kế hoạch đầu tư.
Những điều cần làm trước khi xây dựng kế hoạch đầu tư
Bước 1: Trả hết những khoản nợ và tìm cách tránh khỏi những chiếc bẫy tiền tệ.
Đừng nghĩ đến việc đầu tư nếu bạn chưa thực sự trả hết những khoản nợ không cần thiết. Số tiền kiếm được từ đầu tư sớm muộn cũng sẽ bị bào mòn bởi lãi suất từ những khoản nợ. Trừ khi bạn chắc chắn về khả năng quản lý tài chính cá nhân, tốt nhất là nên giải quyết hết những khoản nợ trước khi bắt đầu đầu tư.
Một rắc rối khác mà bạn cần học cách tránh khỏi những chiếc bẫy tiền bạc như liên tục mua những chiếc điện thoại đời mới, một con xe sang trọng hơn,… Những khoản mua sắm này không giúp bạn trở nên giàu có hơn, ngược lại còn khiến bạn mất đi cơ hội sinh lợi từ số tiền lẽ ra bạn sẽ dùng để đầu tư.
Bước 2: Có cho bản thân một quỹ khẩn cấp
Sau khi học cách chi tiêu hợp lý, bạn sẽ biết cách tiết kiệm khoản tiền dư mỗi tháng. Một quỹ tiền dùng cho các trường hợp khẩn cấp sẽ là một lựa chọn an toàn để bạn bắt đầu.
Quỹ này nên được bạn trích ra dự phòng liên tục, sẽ là số tiền đủ để bạn chi trả cho tất cả những nhu cầu thiết yếu trong vòng 3 – 6 tháng. Cuộc sống vốn dĩ rủi ro, và sự chuẩn bị sẵn không bao giờ là thừa (ví dụ như đợt bùng nổ dịch COVID-19 đầu năm 2020, nếu có sự chuẩn bị, bạn sẽ đỡ gặp khó khăn hơn).
Bước 3: Bắt đầu học đầu tư cơ bản
Như tất cả các lĩnh vực khác trong cuộc sống, bạn không thể nhảy xổ vào đầu tư khi trong đầu chưa có một chút kiến thức gì. Trước khi xây dựng sự giàu có, bạn nên dành thời gian tìm hiểu về những yếu tố cơ bản của đầu tư, những công cụ đầu tư cũng như cách thức để bạn có thể đạt được sự tự do tài chính mong muốn.
Ví dụ: Khái niệm cơ bản nhất của đầu tư có thể xuất phát từ việc bạn mua một tờ tiền mệnh giá 100.000đ với giá 50.000đ. Bản chất giá trị tờ tiền kia không thay đổi, nhưng thông qua nghiên cứu, bạn có thể bắt được thời điểm mọi người đang định giá sai tờ tiền kia, và kiếm lời từ việc mua giá rẻ hơn giá trị.
Bước 4: Tối ưu hóa những nguồn kiến thức dành cho nhà đầu tư mới bắt đầu
Bí mật duy nhất của một nhà đầu tư thành công nằm ở chỗ nhà đầu tư ấy không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, duy trì sự kỷ luật với phương pháp của chính mình. Những nguồn kiến thức về đầu tư ngày nay có thể được tìm thấy ở hầu hết các trang mạng, bạn có thể tham khảo các bài viết tại Happy Live để có thể biết thêm về kiến thức đầu tư.
Bên cạnh đó, kiến thức đầu tư có thể được tìm thấy ở những quyển sách dạy đầu tư được viết bởi những nhà đầu tư lỗi lạc, thành công trên các thị trường khác nhau. Đọc sách là hình thức tiết kiệm chi phí nhất nếu bạn muốn tìm hiểu về đầu tư (nếu so sánh với chi phí các khóa học và khả năng mất tiền nếu không chuẩn bị kỹ).
(Còn tiếp … )
⇒ Đọc thêm: Đầu tư cho người mới bắt đầu: Cách xây dựng một chiến lược đầu tư – Phần 2
⇒ Đọc thêm: Đầu tư cho người mới bắt đầu: Cách xây dựng một chiến lược đầu tư – Phần Cuối
Nguồn: RuleOneInvesting, Happy Live tổng hợp.
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)