fbpx

Detroit – Thành phố bị phá sản lớn nhất của Mỹ

Bước vào thế kỷ 21, ngành ô tô kém khởi sắc, ngành địa ốc chao đảo và những tác động từ khủng hoảng tài chính càng làm cho Detroit trở nên điêu tàn.

Từng được xem là “kinh đô ô tô” của thế giới, Detroit có khoảng thời gian có trong tay tất cả. Những thương hiệu xe ô tô hàng đầu thế giới như GM, Ford, Chrysler đều có mặt tại đây. Những tòa nhà chọc trời, phố phường sầm uất, dân số tăng chóng mặt kèm theo những dịch vụ xa xỉ xuất hiện.

Tuy nhiên, ánh hào quang đó không kéo dài được lâu khi tới khoảng những năm 1950, lượng dân số di cư ồ ạt, các tập đoàn sản xuất chủ chốt chuyển nhà máy sản xuất ra các vùng ngoại ô nhằm tiết kiệm chi phí cũng như cách thức quản lý yếu kém của chính quyền đã khiến Detroit rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Detroit từng là biểu tượng của sự thịnh vượng

20 năm chìm đắm trong ánh hào quang

Khởi đầu từ năm 1896, cùng với việc chiếc Ford đầu tiên được thử nghiệm, Detroit bắt đầu phát triển theo hướng trở thành trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành này sau đó đã nhanh chóng làm nên sự phồn hoa và thịnh vượng ở Detroit.

Không ít gia đình Mỹ đã có nhiều thế hệ làm việc tại Detroit và hi vọng sự cần cù sẽ mang lại cho họ nhà riêng và ô tô. Detroit thời đó có thể nói sánh ngang với Chicago – nơi tập trung các khu chế biến thịt và Cleveland với các nhà máy nung thép. Đây là những nơi biến giấc mơ đổi đời của người Mỹ thành hiện thực.

Sự thịnh vượng của Detroit khởi nguồn vào đầu những năm 1920. Đến cuối năm 1940 là thời điểm bùng nổ của ngành sản xuất xe hơi tại thành phố này, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người da đen nhập cư.

Dân số của Detroit cũng tăng nhanh với tốc độ khủng khiếp, từ 285.000 người vào năm 1900 vọt lên tới 1,5 triệu người vào năm 1930. Thậm chí đã có lúc dân số của họ lên tới hơn 1,8 triệu người và trở thành thành phố đông dân thứ 5 tại Mỹ.

Cảnh lụi tàn

Từng giàu có là vậy nhưng giống như nhiều thành phố khác, Detroit không tránh khỏi làn sóng bất ổn kinh tế lan rộng tại nhiều nơi.

Từ thập niên 1960, vấn đề chủng tộc cùng với sự thu hẹp của ngành ô tô đã khiến Detroit mất dần vị trí dẫn đầu. Bước vào thế kỷ 21, ngành ô tô kém khởi sắc, ngành địa ốc chao đảo và những tác động từ khủng hoảng tài chính càng làm cho Detroit trở nên điêu tàn.

Ngoài ra, thời điểm ấy, các hãng chế tạo chủ lực bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất với việc xây dựng các công xưởng ở vùng ngoại ô, những thành phố lân cận và các quốc gia có giá nhân công rẻ mạt. Hệ quả là nguồn việc làm tại Detroit bị ảnh hưởng và người dân thành phố rơi vào cảnh thất nghiệp.

Việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu thuế của thành phố. Vấn đề là trong khi nguồn thu ngày một ít đi mà việc chi vẫn phải tiến hành. Các nghiệp đoàn muốn duy trì quyền lực và bảo vệ việc làm. Trong khi đó, giới chính trị gia không muốn thừa nhận rằng họ đang điều hành một thành phố “hấp hối”, do đó bắt đầu khơi mào một cuộc chiến với công đoàn để giảm bớt chi phí lao động.

Trong khi đó các chủ nợ, ngân hàng lại sẵn lòng giữ cho thành phố sống sót bằng cách bơm tiền vào Detroit một cách đầy rủi ro.

Cuối cùng, khâu quản lý tài chính yếu kém của chính quyền địa phương như giọt nước làm tràn ly. Hậu quả là, Detroit phải gánh trên vai khoản nợ công lên tới 18 tỉ USD và đến năm 2013 họ phải nộp đơn phá sản, biến đây trở thành thành thành phố lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đệ đơn phá sản.

Những căn nhà rẻ mạt

Lúc này, báo chí phô bày một Detroit hết sức hoang tàn, với các tòa nhà bị bỏ hoang, đèn đường không được thắp sáng, các dịch vụ công cộng kém hiệu quả, tỉ lệ thất nghiệp 18% – nghĩa là gấp đôi so với phần còn lại của đất nước và tệ nạn tội phạm rất cao.

Các dịch vụ công cộng đều trong tình trạng sắp sập và khoảng 70.000 bất động sản bị bỏ hoang.

Ngân hàng “siết nợ” bằng cách tịch thu nhà cửa hàng loạt của những người không thể trả thế chấp, sau đó bán những nhà trống hoặc hư hỏng với giá chỉ một đô-la. Những căn tốt hơn cũng có giá rất thấp so với giá trị thật của nó. Đốt nhà để nhận bảo hiểm và khỏi trả tiền thế chấp không phải là hiếm ở Detroit. Tuy nhiên, đa số chọn giải pháp bỏ nhà ra đi.

Điều này khiến giá nhà ở đây trở nên rẻ chưa từng có và thu hút sự quan tâm của nhiều người ở những nơi khác. Joan Wilson – một chuyên gia bất động sản – cho biết nhiều khách hàng của cô đến từ bang California của Mỹ, thậm chí từ nước Anh xa xôi. Họ tỏ ý muốn mua những ngôi nhà bị tịch thu mà họ nhìn thấy chúng được rao bán trên mạng Internet. Cô thường yêu cầu họ nhìn quanh khu vực đó và tìm hiểu xem liệu căn nhà họ mua có phải đứng trơ trọi một mình không. Không chỉ nhà cửa của người dân, đồn cảnh sát, trường học và các trung tâm xã hội cũng đã đóng cửa.

Có nhiều người không cam tâm nhìn thấy thành phố của mình phải chịu tình trạng này. Anh John George là một ví dụ. Anh đã lập ra một nhóm tái thiết thành phố với tên gọi Blight Buster. Nhóm của anh tiến hành dỡ bỏ những căn nhà không còn khắc phục được nữa, tạo ra những ngôi vườn nhỏ trồng nhiều rau xanh và cho mọi người trong thành phố sử dụng. Còn những căn nhà có thể sửa chữa được sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một vài tổ chức.

Nguồn: Tri thức trẻ

 

Các viết cùng chủ đề