Điểm lại 10 dấu ấn kinh tế nổi bật 2023
Những ngày cuối năm 2023 là thời điểm phù hợp để nhìn lại một hành trình làm kinh doanh đã qua. Hãy cùng Happy Live điểm lại 10 dấu ấn kinh tế nổi bật.
1. Giá vàng miếng liên tục lập đỉnh, đổ xô các kỷ lục trước đây
Trong tháng 12, giá vàng liên tục phá đỉnh lịch sử. Từ đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 13 triệu đồng, tương đương mức tăng 20% – gấp 4 lần gửi tiết kiệm ngân hàng. Giá vàng vượt 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Nhiều phiên giao dịch vàng miếng tăng tới 2 triệu đồng/lượng, với 10-15 lần được các “nhà vàng” điều chỉnh giá. Vàng nhẫn cũng không kém vàng miếng khi mức tăng khoảng 19-20%.
Giá vàng thế giới hiện vẫn neo quanh 2.050 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng quốc tế thấp hơn gần 20 triệu đồng so với vàng miếng và kém 3,5 triệu đồng so với vàng nhẫn.
Thời điểm team soạn nội dung cho bài viết này, 14:30 ngày 28/12, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giá vàng neo về mốc 76 triệu đồng/lượng (bán ra) và 73 triệu đồng/lượng (mua vào).
2. Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản
Tháng 09/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Hơn hai tháng sau, cuối tháng 11/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida ra tuyến bố chung, thông báo Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
3. Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành liên tục 4 lần, mỗi lần từ 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
4. Hãng xe điện VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ
Tối 15/8 (giờ Việt Nam), hãng xe VinFast chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Sự kiện này thu hút gần 8.000 người theo dõi trực tiếp.
Sự kiện rung chuông trên Nasdaq diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade. Theo đó, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến thời điểm trên.
5. 5. Làn sóng ngân hàng Mỹ – Châu Âu phá sản
Tháng 3/2023, thị trường tài chính toàn cầu nói chung và hàng hóa nói riêng trải qua cơn rung lắc dữ dội khi loạt ngân hàng thương mại lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank , Signature Bank, Silvergate Bank tuyên bố phá sản.
Hiệu ứng “domino” chưa dừng lại sau đó, khi bước sáng tháng 4/2023, đến lượt First Republic Bank – ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ, phá sản.
Theo giới phân tích, sự sụp đổ của các ngân hàng nói trên là ví dụ cho thấy áp lực đè trên các ngân hàng khu vực ở Mỹ khi Cục Dự trữ liên bang (FED) tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Hoạt động này đã làm giảm giá trị tài sản được các ngân hàng nắm giữ như trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Tại châu Âu, Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, cũng có nguy cơ phá sản. Các gói hỗ trợ tài chính kịp thời của chính phủ, ngân hàng trung ương các nước đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng, có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
6. Chat GPT và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo
Đạt 13 triệu lượt truy cập mỗi ngày chỉ trong tháng 1/2023, sự kiện ra mắt Chat GPT nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” và tạo tiền đề cho sự xuất hiện và phổ biến của nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác.
Theo giới chuyên gia, ChatGPT hay AI nói chung sẽ là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, song điều quan trọng là cần hiểu rõ hơn về AI để tận dụng và làm chủ công nghệ này một cách có trách nhiệm. Dự báo, đến năm 2028 giá trị thị trường AI có thể vượt 1.000 tỷ USD, đồng nghĩa việc xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn rủi ro từ AI ngày càng cần thiết.
7. Loạt lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý
Giữa tháng 04/2023, ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích bị khởi tố. Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an, cha con ông Thanh bị đề nghị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cuối tháng 6, một nhân vật có tiếng khác là Nguyễn Đỗ Lăng – Tổng Giám đốc tại CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), bị Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội khởi tố và bắt tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại APS, CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).
Với thủ đoạn đưa thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án và cam kết trả lãi suất “trong mơ” từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào Công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, bà Vũ Thị Thúy – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam đã bị Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Chấn động”, “kinh khủng”, “chưa từng có trong lịch sử” là những từ ngữ dư luận dùng để mô tả con số 304 ngàn tỷ mà bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tại vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và một số đơn vị khác. Bà Lan bị đề nghị truy tố ba tội gồm đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Liên quan đến bà Lan, ông Nguyễn Cao Trí – doanh nhân sinh năm 1970 được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành… cũng bị bắt hồi đầu năm 2023 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông Trí bị cáo buộc chiếm đoạt 1 ngàn tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.
Những ngày cuối cùng của tháng 11, ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa dối khách hàng liên quan đến vụ 488 căn biệt thự, nhà liền kề (khu dân cư Tân Thịnh) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
8. Vinamilk thay đổi bộ nhận diện mới
Ngày 6/7/2023, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới. Việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nhằm mục đích mang đến nguồn năng lượng mới, trẻ trung, để người tiêu dùng sẽ ngày càng tin tưởng Vinamilk, ngày càng phù hợp hơn với thế hệ người dùng mới.
Về mặt chiến lược, có thể nhận thấy 4 khía cạnh quan trọng mà Vinamilk đang hướng đến qua lần tới định vị thương hiệu này:
– Tái định vị để phù hợp với thế hệ người tiêu dùng mới: Hướng đến thế hệ người dùng trẻ nhưng không bỏ rơi những giá trị xưa cũ.
– Tái định vị cho tầm nhìn “go global” – vươn xa toàn cầu
– Tái định vị để trở nên nổi bật và khác biệt
– Tái định vị là sự mạo hiểm cần thiết, vì sự thay đổi để tốt hơn.
9. Ngân hàng ACB và chủ tịch Trần Hùng Huy bốc lửa trên sân khấu
Trong gala kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Á Châu tối 4/6, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB Trần Hùng Huy tiếp tục gây sốt khi kết hợp đàn, hát và nhảy “cực bốc” trên sân khấu.
Trong một năm 2023 cực kỳ biến động, những CEO/Founder/Chủ tịch mạnh mẽ xuất hiện trên sân khấu với những hoạt động tuyên truyền/quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội (đặc biệt là video ngắn).
10. FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm
Ngày 22/12/2023, FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm chủ yếu từ ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương.
Kết quả này đưa FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Bạn ấn tượng với dấu ấn nào trong 2023, hãy cùng bình luận dưới bài viết này nhé.
Nguồn: dantri, thanhnien, vietnamplus