Định giá đầu tư: Số liệu quá khứ tuyệt vời chưa chắc đã thoát khỏi bất trắc
Mỗi tháng, nhà đầu tư Phil Town đều có ba buổi gặp gỡ với công chúng để nói chuyện và trả lời các câu hỏi liên quan đến đầu tư dưới vai trò nhà quản lý quỹ phòng hộ (AUM hơn 17 tỉ đô la).
Với quy mô tham sự lên đến hàng nghìn người, trong đó có cả những cựu tổng thống Mỹ và nhiều cựu thư ký liên bang, Phil Town không thiếu những câu hỏi hóc búa cần được giải đáp.
Dưới đây là một câu hỏi lạ nhưng đánh thẳng vào cốt lõi của định giá đầu tư:
Thưa ông Phil Town, mặc dù ông hướng dẫn các nhà đầu tư cách tính toán mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty dựa trên các dữ liệu kinh doanh của các năm trước hoặc phân tích của các chuyên gia, thì ông có nghĩ rằng nó vẫn có những lỗ hổng không?
Tôi cho rằng những gì xảy đến cho Công ty AIG vào đầu năm 2007 khác hoàn toàn những gì ông đã hướng dẫn chúng tôi, ít ra thì các con số cho thấy điều đó, hoặc là trường hợp của Công ty Fannie Mae, hay là Countrywide cũng đều như thế. Chúng ta đều biết cả ba công ty vừa nêu là những công ty đáng gờm và hấp dẫn (ít nhất là dựa trên số liệu về chúng vào thời điểm 2007), và giờ cả ba đều đang lao đao.
Theo phương pháp của ông, chúng ta nhìn thấy số liệu quá khứ tuyệt vời, và đinh ninh rằng tương lai hẳn nhiên không thể có bất trắc (một sự kiện thiên nga đen – black swan). Thế thì vì sao, thưa ông, những công ty đang lao bon bon với vận tốc 100 km/h trên xa lộ lại có thể đột ngột lao xuống vực như thế? Theo Nassim Nicholas Taleb thì điều gì cũng có thể xảy ra. Ông giải thích thế nào về chuyện này, thưa ông?
@Phil Town: Tôi gọi đây là một câu hỏi hóc búa. Ông Nassim Taleb, một giáo sư toán học chuyên ngành tài chính, rất nổi tiếng với cuốn sách tựa đề Thiên nga đen, một cuốn sách nói về các nguy cơ tiềm tàng có thể xảy đến mà chúng ta lại thường phớt lờ, đã gọi những yếu tố bất ngờ đó là Thiên nga đen. Trước kia cả thế giới ai cũng nghĩ rằng mọi con thiên nga đều có lông màu trắng, chẳng bao giờ có thiên nga đen. Nhưng rồi các nhà khoa học đã phát hiện thiên nga đen sống ở Úc châu. Đó là lý do Nassim Taleb đặt tên cho các sự kiện bất ngờ xảy đến là Thiên nga đen.
Nhưng câu hỏi chết tiệt đó khiến cho tôi muốn làm rõ vấn đề này:
Làm sao chúng ta chắc chắn được cái công ty mà chúng ta định mua cổ phiếu, sẽ không bỗng nhiên từ thiên nga trắng biến thành thiên nga đen?
Tôi cho rằng câu trả lời đã hàm chứa ngay trong câu hỏi. Ông Taleb, người viết cuốn Thiên nga đen, khẳng định rằng một công ty mà mọi số liệu đều tuyệt vời cũng luôn có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng mà chẳng có lý do nào giải thích được. Warren Buffett và Charlie Munger thường đưa ra các quyết định đúng đắn vì họ là mẫu người thường có những quyết định cực kỳ hợp lý. Trong một bức thư viết năm 1990, ông Buffett nói rằng “sự lạc quan khiến cho người mua cổ phiếu mất đi những quyết định hợp lý”.
Nói một cách khác, dù có một công ty chín năm liền có chỉ số tăng trưởng tuyệt vời, những người mua bằng lý trí vẫn khăng khăng chỉ mua khi có giá hợp lý mà thôi, còn không họ sẽ không mua. Trong khi đó, những người đưa ra quyết định không dựa trên lý trí không chỉ mong tiếp nhận toàn tin tốt, mà lại còn chấp nhận mua với giá cao và không bao giờ nghĩ rằng sẽ có hiện tượng thiên nga đen xảy ra. Khi hiện tượng thiên nga đen xảy ra, họ sẽ mất tiền. Vì vậy, nếu bạn muốn mua tích trữ cổ phiếu và vẫn cân nhắc đến hiện tượng thiên nga đen của ông Taleb, chúng ta chỉ mua với biên độ an toàn lớn.
Muốn có mức giá nằm trong biên độ an toàn MOS, ta cần tính được giá trị thực của công ty ta đang nhắm tới. Thực ra phương pháp của tôi không hoàn toàn dựa vào các số liệu của năm cũ hoặc nhận xét của các chuyên gia, chúng ta xác định giá trị thật (sticker price) dựa vào cách nhìn nhận của chúng ta về công ty cần mua, dĩ nhiên chúng ta cần tham khảo các dữ liệu về tình hình làm ăn trong quá khứ, nhưng chủ yếu ta nhìn về tương lai, cũng giống như khi lái xe ô tô, bạn phải nhìn kính chiếu hậu, nhưng để lái xe mắt bạn chủ yếu phải nhìn về phía trước, vì bạn muốn tiến lên.
Khi tôi và bạn mua tích trữ một công ty, chúng ta nhìn về tương lai xa của nó. Thông thường cổ phiếu mà chúng ta mua được là những cổ phiếu mà nhóm các tai to mặt lớn nhả ra khi thị trường biến động xấu. Để có thể mua khi họ đang bán đổ bán tháo đòi hỏi một sự tự tin ở tầm cao mà chỉ có những người thực sự hiểu rõ về công ty mới dám can đảm thực hiện. Bạn phải hiểu thật rõ món hàng bạn muốn mua.
Tôi cần giải thích thêm vài dòng về “hiểu thật rõ món hàng bạn muốn mua”: có nghĩa là bạn phải hiểu rõ đến mức bạn rất vui sướng nắm giữ cổ phiếu của công ty này suốt 10 năm, cho dù không có tồn tại thị trường chứng khoán và thanh khoản trong suốt 10 năm này.
Ý tôi là bạn phải hiểu thật rõ về công ty đó, đến nỗi khi vừa có được giá tốt ở biên độ an toàn giá – MOS đầu tiên, bạn muốn đổ tiền mua hết cả công ty, và mua với niềm vui sướng khôn cùng. Và nó cũng có nghĩa là bạn hiểu đến mức không để bị lừa mua hớ một công ty tồi. Và bạn có thể tránh hầu hết các quả lừa bằng cách chọn mặt gửi vàng, hãy tìm hiểu vị CEO đang điều hành công ty. Nếu có gì đó khiến bạn không tin vị CEO này, đừng đầu tư vào đó.
Tôi kể cho bạn nghe những chuyện mà tôi biết để bạn lưu tâm hơn về việc chọn mặt gởi vàng khi mua cổ phiếu.
1. Bạn có biết ông ty Enron, một công ty lớn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp năng lượng có trụ sở tại Texas. Giai đoạn cuối những năm 1990, cổ phiếu của công ty này từng có thời điểm lên cao chót vót, và nó còn vươn xa từ nước Mỹ ra các châu lục khác, nhưng thực sự tôi không biết công ty này kiếm tiền ra sao và các thông tin về nó khá mù mờ. Hồi đó tôi không mua cổ phiếu của Enron. Sau này các vụ bê bối của Enron dần bị phanh phui và đến 2007 công ty này phá sản. Nếu bạn không hiểu, bạn không đầu tư. Hết chuyện.
2. Một công ty khác là WorldCom hoạt động về lĩnh vực viễn thông. Bạn có rành về lĩnh vực viễn thông không? Bạn có biết tay CEO của WorldCom là kẻ vung tiền như nước, là một tay chơi thứ thiệt không? Năm 2002 công ty này rơi vào tình trạng khốn khổ, bị phá sản sau những scandal tài chính. Này nhé, nếu CEO vung tiền xây lâu đài của riêng hắn ta, hãy chạy và né thật xa!
3. Rồi nữa, tôi kể bạn nghe về ba công ty hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực bất động sản là Countrywide, Ngân hàng Washington Mutual và Fannie Mae. Khoảng đầu những năm 2000 giá cổ phiếu của cả ba gia tăng liên tục. Hồi đó, tôi thấy không nên mua cổ phiếu của ba công ty này, vì các chỉ số phân tích của tôi cho thấy giá của cổ phiếu và tổng tài sản của ba công ty này đang rất rõ hiện tượng bong bóng. Thời điểm đó tôi cho rằng giá cổ phiếu của các công ty bất động sản rất ảo và có hiện tượng bong bóng. Ông Robert Shiller, người mà chúng ta đã lấy biểu đồ để phân tích trong sách này, hồi đó cũng có quan điểm hết sức quan ngại về Countrywide và hai công ty kia. Ngoài ra tôi còn biết hàng chục chuyên gia cổ phiếu có cùng suy nghĩ với tôi và ông Shiller. Tôi còn đoán rằng tới năm 2005 thì ba công ty này sẽ khốn khổ. Và dĩ nhiên là không nên mua bong bóng, mà nếu đang giữ chúng thì phải bán ngay. À, còn chuyện này nữa – mấy ông sếp của Countrywide đã bán đổ bán tháo cổ phiếu của Countrywide mà họ đang có, như thể ngày mai là nó phá sản. Và họ đã đúng! Phải không?
4. Ví dụ cuối cùng là Công ty bảo hiểm AIG. Ông Warren Buffett rất rành về lĩnh vực bảo hiểm, nhưng ông ta nhất định không mua cổ phiếu của AIG dù nó từng nổi đình nổi đám. Cái tên AIG từng được quảng cáo trên áo thi đấu của đội bóng Manchester United, và dĩ nhiên chi phí marketing này phải tốn hàng tỉ đô la. Nói như thế để bạn mường tượng rằng AIG rất có thế lực vào thời hoàng kim của nó. Nhưng AIG đã sa thải cả người sáng lập lẫn chủ tịch của mình, bạn nhớ điều này nhé, đó là không cần biết các lý do ẩn phía sau thế nào, việc công ty sa thải CEO và chủ tịch là một mối lo ngại cho người mua cổ phiếu. Và dĩ nhiên bạn không hiểu gì về những người mới, thì đừng mua vì chẳng biết họ sẽ đưa công ty đi về đâu. Mà AIG kinh doanh theo hình thức chứng khoán phái sinh trong bảo hiểm dựa trên hoạt động thế chấp, mà tôi thì chưa tìm ra cách đánh giá những rủi ro của dạng kinh doanh này. Mà qủy quái làm sao AIG lại bổ nhiệm một tay cũng chả rành về lĩnh vực này làm CEO mới. Nhân tiện đây, tôi cũng khuyên bạn rằng đừng mở công ty về lĩnh vực không phải là sở trường của bạn. Và dĩ nhiên tôi cũng nhắc nhở ai đầu tư cổ phiếu: đừng mua cổ phiếu của công ty mà CEO không rành về lĩnh vực kinh doanh của công ty.
Nguồn: sách Payback Time – Ngày Đòi Nợ
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town (sách dành cho các nhà đầu tư giá trị kiểu Warren Bufffett)