Doanh nghiệp bất động sản cứ lỗ là kêu gọi giải cứu, chơi kỳ vậy?
Đó là phản hồi của rất nhiều bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online khi đề cập đến việc giải cứu các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Sao không giảm giá để bán sản phẩm?
Có ý kiến về việc này, bạn đọc Minh Trần cho rằng các DN bất động sản sợ chết trên đống tài sản thì sao không giảm giá sản phẩm để tăng đầu ra, lấy thêm vốn nhằm hoạt động tiếp mà lại kêu ca.
“Lời ăn, lỗ cầu cứu thì các ông lời mãi sao, rồi ai cứu người có nhu cầu mà không mua được nhà khi giá bất động sản tăng phi mã do bị thổi giá?”, bạn đọc Minh Trần đặt vấn đề.
Tương tự, theo bạn đọc Thành Thật: Các doanh nghiệp bất động sản phất lên nhanh chóng trong mấy thập kỷ nhờ vay tiền ngân hàng, liên kết với nhau buôn bán nhà đất, bất động sản rồi trở thành các doanh nghiệp đại gia đình giàu có về kim tiền.
Họ có cuộc sống sang chảnh, con cháu xuất ngoại định cư nhà cửa ở Mỹ, châu Âu sao không thấy kêu giúp đỡ tháo gỡ khó khăn này nọ.
Cứ theo quy luật kinh tế thị trường, các công ty đại gia đình bất động sản đối mặt với rủi ro thì tự chịu trách nhiệm lấy. Hãy chuyển đổi nguồn lực vào những ngành hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Để từ đó tạo ra sản phẩm sạch, xanh bền vững giúp kinh tế nước nhà hội nhập cạnh tranh với nền kinh tế khu vực và thế giới thay vì đi làm “cò” đất, “cò” dự án ăn xổi ở thì rủi ro như vừa qua.
Lý giải thêm về thị trường bất động sản gặp khó, bạn đọc Hai Lúa Miền Tây viết: Giá trị bất động sản đang bị đẩy quá cao và được doanh nghiệp bất động sản tạm tính giá trị tài sản dự án đó theo giá cao, có thể đã tín chấp hay phát hành trái phiếu theo giá trị cao đó.
Vì vậy tiến thoái lưỡng nan. Nếu tín chấp vay vốn được 50 – 60% thì làm sao mà giảm giá xuống 40 – 50% được. Vì vậy bất động sản đóng băng là điều tất nhiên.
“Lấy nguồn tiền lẽ ra cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư và chủ dự án vốn ít cũng lao vào làm giàu từ bất động sản, đua nhau đưa giá ảo nhử khách hàng nhưng lại ỷ vào dòng tiền vay từ ngân hàng.
Bây giờ Nhà nước thắt chặt dòng tiền cho vay bất động sản thì chổng vó. Tôi nghĩ những dự án nào gần đổ bể thì giao hết cho ngân hàng xử lý. Những dự án nào còn cầm hơi thì bán rẻ để người dân có cơ hội mua nhà mua đất. Chứ cứ ôm khư khư, neo giá cao thì cái ngày tan tành nó cũng tới thôi”, bạn đọc Da Nang lý giải thêm.
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Nguyên cho rằng làm ăn kinh doanh phải chấp nhận có khi thắng khi thua. Cũng do doanh nghiệp bất động sản thời gian qua ỷ lại vào vay vốn tín dụng ngân hàng, đảm bảo phát hành trái phiếu bằng cổ phiếu, bành trướng doanh nghiệp quá mức, xin quy hoạch, xây dựng tràn lan.
“Tốt nhất bây giờ là bán giải chấp, chiết khấu tài sản giá rẻ để thu hồi gỡ gạc vốn, cơ cấu, thu hẹp đầu tư lại cho phù hợp tình hình mới”, bạn đọc Nguyên đề xuất.
Đừng để hình thành “nền kinh tế phân lô”
Không ít bạn đọc có ý kiến rằng việc đề xuất giải cứu các doanh nghiệp trong ngành bất động sản cần xem xét kỹ, việc giải cứu, rót vốn vào các đơn vị này sẽ đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế chung của đất nước.
“Theo tôi thấy ngành bất động sản của Việt Nam phát triển khập khiễng, mất cân đối nên tiêu thụ sản phẩm khó khăn, tồn kho quá nhiều.
Phải hiểu rằng, nếu muốn ra làm ăn thì phải có vốn mạnh, chứ đừng chăm chăm vào vốn vay ngân hàng là không được.
Phen này tôi thấy phải để các doanh nghiệp bất động sản tự vận động để sàng lọc, loại trừ bớt các thành phần yếu kém ra khỏi ngành.
Do đó, ngành ngân hàng mà chỉ cứu các doanh nghiệp bất động sản là không công bằng trong khi những lúc người nông dân kêu cứu thì anh không mặn mà giải cứu”, bạn đọc Võ Văn Nhân viết ý kiến.
Ở góc độ khác, bạn đọc Nguyễn Văn Thành cũng đề xuất: Hãy cứ để cho thị trường bất động sản trở về đúng với khách quan, với tính chất của kinh tế thị trường. Từ đó kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tốt hơn, mạnh hơn.
Tôi nghĩ cần dồn nguồn vốn, nguồn lực quốc gia để phát triển những yêu cầu cấp thiết khác. Đừng để kinh tế Việt Nam trở thành một “nền kinh tế bất động sản”, “nền kinh tế phân lô”, cả xã hội lao vào kinh doanh bất động sản.
Viết thêm về mặt giải pháp, bạn đọc Chính bày tỏ: Ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản vay có bảo đảm. Cần thì ngân hàng phát mại tài sản là bất động sản thế chấp. Không thể nói ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cùng một con thuyền.
Lấy lý do đó để nới tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản mới dẫn đến chết trên đống tài sản. Khi bất động sản được đẩy giá lên quá cao và doanh nghiệp lấy nợ ngân hàng làm lãi thì chết luôn. Nới tín dụng trong trường hợp này mới cùng thuyền chết chìm nè.
“Hãy để cho nền kinh tế thị trường đào thải những doanh nghiệp bất động sản làm ăn thiếu chuyên nghiệp, đầu cơ chộp giật. HoREA không nên cào bằng và thổi phồng sự thật để cùng các doanh nghiệp bất động sản gây áp lực cho Nhà nước phải giải cứu.
Nhà nước không có trách nhiệm phải giải cứu một ngành nào, thay vào đó chỉ có hỗ trợ bằng chính sách và bản thân doanh nghiệp phải tự thích nghi để vượt qua khó khăn chung”, bạn đọc có nick name Không Nên Giải Cứu nêu ý kiến.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường