Dòng tiền lớn hỗ trợ thanh khoản, ngân hàng giảm lãi suất trên khắp các ”mặt trận”
Không chỉ được hỗ trợ thanh khoản từ NHNN, Kho bạc Nhà nước cũng liên tiếp có các đợt chào mua ngoại tệ, bơm lượng lớn VND cho hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đồng loạt giảm những ngày gần đây.
Vào cuối tuần qua, lô cuối cùng trong gói 110.700 tỷ đồng tín phiếu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 đã đáo hạn hết. Như vậy, Nhà điều hành đã trả lại hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền rút khỏi hệ thống ngân hàng hồi đầu năm.
Trước đó, từ ngày 15/2, NHNN đã triển khai việc phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày để hút bớt thanh khoản hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu. Sau gần 1 tháng ròng rã hút thanh khoản, lượng tín phiếu 91 ngày lưu hành đến giữa tháng 3 đạt gần 110.700 tỷ đồng.
Với kỳ hạn 3 tháng, 110.700 tỷ đồng tín phiếu 91 ngày bắt đầu đáo hạn từ trung tuần tháng 5 và kéo dài đến đầu tháng 6. Qua đó làm dồi dào hơn thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần giảm thêm các loại lãi suất trên thị trường.
Những tháng gần đây, NHNN luôn nhất quán với định hướng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng khi giảm lãi suất điều hành, dừng phát hành tín phiếu mới và liên tục chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở với lãi suất thấp hơn.
Cụ thể, lãi suất chào thầu giấy tờ có giá (OMO) đã giảm về 4,5%, khi mà không xa trước đó từng lên tới 6% (và cao hơn ở một số phiên đấu thầu lãi suất). Đồng thời, Nhà điều hành cũng bật tín hiệu sẵn sàng cung ứng vốn cho các nhà băng, với luôn có 10.000 tỷ đồng chào thầu hàng ngày, cùng cơ cầu hai kỳ hạn 7 và 28 ngày.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng lượng tiền cung ứng thông qua kênh mua ngoại tệ. Theo số liệu gần nhất được công bố, cơ quan này đã mua được khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Với giá chào mua 23.450 đồng/USD, ước tính khoảng 140.000 tỷ VND đã được Nhà điều hành bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.
Không chỉ được hỗ trợ thanh khoản từ NHNN, Kho bạc Nhà nước cũng liên tiếp có các đợt chào mua ngoại tệ đáng chú ý, với 250 triệu USD hai đợt vừa qua, đồng nghĩa với một nguồn cung VND đáng kể được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Thực tế, sự dồi dào về thanh khoản được thể hiện rất rõ khi những tuần gần đây khi gần như không có ngân hàng nào cần NHNN hỗ trợ vốn qua kênh thị trường mở. Đồng thời lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh trong đầu tháng 6, với kỳ hạn qua đêm giảm từ mức 4 – 5% duy trì trong hầu hết tháng 5 xuống còn hơn 3%.
“Vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và thường trong tình trạng dư thừa (số dư tiền gửi của hệ thống TCTD tại NHNN liên tục vượt số dư dự trữ bắt buộc)”, NHNN cho biết trong các thông cáo phát đi gần đây.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp và liên tục được Nhà điều hành hỗ trợ thanh khoản, cả lãi suất huy động và cho vay đều cho xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Đầu tháng 6, một loạt ngân hàng tư nhân lớn tiếp tục giảm lãi suất huy động, tập trung tại các kỳ hạn dài.
Mới nhất, Sacombank cho biết, từ ngày 12/6, nhà băng này áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Theo đó, lãi suất tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,2-0,35 điểm %.
Tương tự với HDBank , ngân hàng cũng giảm đồng loạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng từ ngày 12/6, mức giảm 0,2%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng của HDBank chỉ còn 7,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng được giữ nguyên mức 6,9%/năm.
Trước đó, từ ngày 7/6, VPBank giảm đồng loạt 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. SCB cũng giảm 0,4 – 0,45 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Từ đầu tháng 6, Techcombank giảm thêm 0,05 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Một ngân hàng tư nhân lớn khác là SHB cũng đã giảm 0,2-0,3 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, bắt đầu từ ngày 1/6.
So với giai đoạn đỉnh điểm cuối tháng 1, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tại các ngân hàng tư nhân lớn đã giảm 0,5 – 1 điểm %, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 1 – 2 điểm %.
Về phía lãi suất cho vay, thông tin tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay mới bình quân vào khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.
“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Hà cho hay.
Tiến Phát