Dòng vốn ETF đảo chiều, tích cực vào Việt Nam
Lực cầu đã trở lại trên các quỹ ETF tại Việt Nam, ghi nhận ở mức hơn 2 triệu USD. Mặc dù vẫn còn yếu nhưng dòng tiền quay trở lại tại các quỹ ETF lớn là dấu hiệu khởi đầu cho sự tích cực về nguồn vốn trong thời gian sắp tới…
Thống kê từ Chứng khoán KIS cho thấy, lực cầu đã quay trở lại với các ETF Đông Nam Á, ghi nhận ở mức 23 triệu USD.
Theo đó, dòng vốn vào đã tăng mạnh trên các quỹ ETF tại Indonesia. Bên cạnh đó, áp lực rút vốn đã không còn cùng với lực cầu xuất hiện trở lại tại Singapore và Việt Nam. Ngoài ra, áp lực bán trên các quỹ tại Malaysia lại tăng nhẹ nhưng không đáng kể.
Lực cầu đã trở lại trên các quỹ ETF tại Việt Nam, ghi nhận ở mức hơn 2 triệu USD. Cụ thể, hoạt động mua tập trung chủ yếu trên VANECK VIETNAM ETF (6,9 triệu USD) và X FTSE VIETNAM SWAP (1,4 triệu USD). Ngược lại, áp lực bán lại tập trung trên các quỹ FUBON FTSE VIETNAM ETF (2,4 triệu USD), VFMVN DIAMOND ETF (2,0 triệu USD) và VFMVN30 ETF FUND (1,1 triệu USD).
Có thể thấy, lực cầu gia tăng mạnh trong khi áp lực bán có những chuyển biến trái chiều nhau đã giúp cho dòng vốn ròng ETF vào Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, một số quỹ ETF khác như SSIAM VNX50 ETF, VINACAPITAL VN100 ETF, MAFM VN30 ETF và PREMIA MSCI VIETNAM gần như không có những biến động vốn đáng kể trong tuần.
Nhìn chung, áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm đáng kể trong tuần. Tuy nhiên, lực cầu đã trở lại mạnh mẽ trên một số quỹ ETF cho thấy những tín hiệu khả quan đã bắt đầu xuất hiện. Mặc dù vẫn còn yếu nhưng dòng tiền quay trở lại tại các quỹ ETF lớn là dấu hiệu khởi đầu cho sự tích cực về nguồn vốn trong thời gian sắp tới.
Tính chung tuần qua, khối ngoại duy trì bán ròng trong tuần, với giá trị ròng đạt hơn 1.018 tỷ đồng. Cụ thể, áp lực bán phần lớn tập trung trên lĩnh vực Tài Chính và Năng lượng khi STB, VPB, VCI, EIB và PVD bị bán ròng mạnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực Công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động bán ròng. Ở chiều ngược lại, lực cầu tập trung trên lĩnh vực Công nghệ thông tin và Nguyên vật liệu khi dòng vốn vào gia tăng trên DGW và HPG.
Tiến Phát