Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp
Ngày 28/07 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp trong cuộc chiến chống lạm phát.
Cụ thể, Fed nâng lãi suất cho vay qua đêm (Fed fund rate) lên 2.25%-2.5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Việc nâng lãi suất 75 điểm trong 2 cuộc họp liên tiếp là động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ khi họ bắt đầu sử dụng loại lãi suất này làm công cụ chính của chính sách tiền tệ hồi đầu thập niên 90.
Lãi suất chuẩn của Fed sẽ tác động tới nhiều sản phẩm cho vay như các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi, các khoản cho vay mua xe và thẻ tín dụng.
Thị trường cũng đã dự báo trước về động thái này sau khi các quan chức Fed truyền tải về ý định nâng 75 điểm cơ bản trong thời gian gần đây. Các quan chức Fed cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát ngay cả khi phải làm giảm tốc kinh tế.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cảnh báo “các chỉ báo gần đây về chi tiêu và sản xuất đã yếu đi”.
“Tuy nhiên, thị trường việc làm vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong vài tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp”, FOMC nói thêm, sử dụng từ ngữ tương tự với tuyên bố tháng 6/2022.
Các quan chức cho rằng lạm phát hiện tại xuất phát từ các vấn đề về chuỗi cung ứng, đà tăng của giá thực phẩm, năng lượng cùng với “áp lực giá cả chung”.
Quyết định tăng 75 điểm cơ bản được tất cả quan chức đồng tình. Hồi tháng 6/2022, Chủ tịch Fed khu vực Kansas Esther George tỏ ra không đồng tình, cho rằng nên nâng lãi suất chậm hơn ở mức 50 điểm cơ bản.
Những đợt tăng này diễn ra trong một năm bắt đầu với mức lãi suất chuẩn quanh mức 0%, nhưng lại chứng kiến lạm phát tăng mạnh 9.1%. Fed muốn kiểm soát lạm phát quanh mức 2%, mặc dù họ đã điều chỉnh sang mục tiêu lạm phát trung bình trong năm 2020. Theo đó, Fed cho phép lạm phát tăng nóng hơn đôi chút để đạt trạng thái toàn dụng lao động (full and inclusive employment).
Hồi tháng 6/2022, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3.6%, gần mức toàn dụng lao động. Tuy nhiên, lạm phát – ngay cả xét theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) của Fed – cũng ở mức quá cao, 4.7% trong tháng 5/2022.
Nguy cơ suy thoái
Các nỗ lực kiểm soát lạm phát dĩ nhiên sẽ đi kèm với nhiều rủi ro. Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ bước vào suy thoái khi lạm phát bào mòn túi tiền của người tiêu dùng và gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Trong quý 1/2022, GDP Mỹ giảm 1.6% và thị trường đang chờ đợi số liệu GDP quý 2 dự kiến công bố vào ngày 28/07 (giờ Mỹ). Nếu GDP quý 2 tiếp tục âm, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái về kỹ thuật. Các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones ước tính GDP quý 2 của Mỹ tăng trưởng 0.3%.
Cùng với các đợt nâng lãi suất, Fed cũng đang giảm bớt quy mô 9,000 tỷ USD của bảng cân đối kế toán. Từ tháng 6/2022, Fed bắt đầu để một số trái phiếu đến hạn mà không tái đầu tư.
Quy mô của bảng cân đối kế toán chỉ giảm 16 tỷ USD kể từ khi bắt đầu quá trình cắt giảm. Con số này vẫn thấp hơn mức trần 47.5 tỷ USD mà Fed thiết lập ra trước đó. Theo lộ trình của Fed, mức trần này sẽ được tăng lên trong mùa hè năm nay và cuối cùng sẽ chạm mức 95 tỷ USD/tháng vào tháng 9/2022.
Cùng với đó, thị trường đang kỳ vọng Fed nâng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản trong tháng 9/2022. Các trader cho rằng có xác suất 53% Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng 9, theo dữ liệu từ CME Group.
FOMC sẽ không họp về chính sách tiền tệ trong tháng 8/2022, thay vào đó họ sẽ họp mặt tại Jackson Hole, Wyoming cho sự kiện hàng năm.
Nhiều thành phần trên thị trường dự báo Fed thậm chí sẽ bắt đầu giảm lãi suất trở lại vào mùa hè năm 2023, dù rằng dự báo của FOMC cho thấy phải tới ít nhất 2024, họ mới giảm lãi suất trở lại.
Nhiều quan chức Fed kỳ vọng NHTW sẽ tiếp tục nâng lãi suất quyết liệt cho tới tháng 9/2022 và sau đó sẽ đánh giá tác động của các đợt nâng lãi suất tới lạm phát. Mặc dù đã nâng lãi suất tổng cộng 1.5 điểm phần trăm trong tháng 3-6/2022, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng mạnh. Trong tháng 6/2022, CPI lên cao nhất kể từ tháng 11/1981.
Fed hứng chịu nhiều lời chỉ trích, đầu tiên là vì hành động quá chậm và kế đó là có thể nâng lãi suất quá trớn và gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Hôm 27/07, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren bày tỏ lo ngại các đợt nâng lãi suất của Fed sẽ gây nguy cơ với những người dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường