fbpx

Goldman Sachs và vụ bê bối thế kỷ 1MDB ở Malaysia

Chính phủ Malaysia muốn đòi một số tiền phạt rất lớn đối với ngân hàng Goldman Sachs, lên tới 7.5 tỷ USD cho những hậu quả mà ngân hàng đã gây ra.

Goldman Sachs, một trong những ngân hàng hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới, đang vướng vào một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất ở Malaysia. Tại đây, họ bị cáo buộc đã đưa ra những thông tin sai để lừa dối nhà đầu tư trong ba lần bán trái phiếu với tổng trị giá 6,5 tỷ đô la nhằm giúp huy động vốn cho 1Malaysia Development Berhad (1MDB), được biết tới như quỹ thúc đẩy phát triển kinh tế của Malaysia.

Goldman Sachs và vụ bê bối thế kỷ 1MDB ở Malaysia

Đáng buồn hơn, 4,5 tỷ USD đã bị biển thủ khỏi quỹ, trong đó phải kể đến hơn 680 triệu USD được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của cựu thủ tướng nước này, ông Najib Razak.

Quỹ 1MDB có tiền thân là Cơ quan đầu tư Terengganu (TIA) được thành lập từ năm 2008, với mục đích đảm bảo sự phát triển lâu dài của bang này và an sinh xã hội của cư dân sinh sống tại đây. Đây được xem là một trong những quỹ phát triển ổn định và tương đối lành mạnh của Malaysia.

Đến tháng 7 năm 2009, Bộ tài chính Malaysia (MOFI) tiếp quản quỹ và đổi tên thành 1MDB, chỉ 4 tháng sau khi ông Najib Razak trở thành thủ tướng nước này. Trong thông báo về việc tiếp quản quỹ, ông Najib cho biết mong muốn tiếp quản và nhân rộng mô hình của quỹ nhằm phục vụ lợi ích của toàn bộ dân chúng Malaysia, thay vì chỉ một bang như trước đó.

Goldman Sachs và vụ bê bối thế kỷ 1MDB ở Malaysia
Được thành lập năm 2009, 1MDB được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Malaysia (Ảnh: Reuters)

1MDB được thành lập để đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược phát triển kinh tế lâu dài cho đất nước, bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Malaysia. Quỹ phát triển này tập trung vào các dự án chiến lược trong các lĩnh vực năng lượng, bất động sản, du lịch và kinh doanh nông nghiệp, nổi bật là các dự án Sàn giao dịch Tun Razak, Bandar Malaysia, PetroSaudi Holdings và SRC Group. Tuy nhiên thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược với tinh thần chung của quỹ, khi những người đứng đầu đã đặt lợi ích cá nhân lên trên quốc gia.

Goldman Sachs và vụ bê bối thế kỷ 1MDB ở Malaysia
Một trong những dự án được 1 MDB dự kiến sử dụng tiền huy động được để đầu tư thực hiện, Bandar Malaysia (Ảnh: The Edge Market)

Đầu tiên, 1MDB sử dụng vốn sai mục đích nhiều lần, nổi bật là các thương vụ đầu tư vào bộ phim nổi tiếng “The Wolf of Wall Street”, mua bức tranh “Dusthead” của họa sĩ người Mỹ Jean-Michel Basquiat, mua siêu du thuyền Equanimity (đã bị bán lại cho sòng bạc Genting Malaysia vào đầu năm 2019 với giá 126 triệu USD)… 

Rõ ràng, với mục đích phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, việc sử dụng tiền để thực hiện những thương vụ nêu trên là hoàn toàn phục vụ những mục đích cá nhân của những người đứng đầu quỹ, thay vì lợi ích của người dân Malaysia.

Goldman Sachs và vụ bê bối thế kỷ 1MDB ở Malaysia
Đầu tư vào phim Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall) là một trong nhiều lần sử dụng vốn sai mục đích của 1 MDB (Ảnh: Hollywood Reporter)

Sự minh bạch của quỹ này cũng là một dấu hỏi lớn, khi vào năm 2010, khoản lợi nhuận 425 triệu Malaysia ringgit được các đảng đối lập đánh giá là do chính phủ “bơm” vào thông qua việc chuyển nhượng các quyền sử dụng đất, chứ không phải nhờ các hoạt động đầu tư thành công mà ra. Năm 2013, 1MDB xin gia hạn thêm 6 tháng để gia hạn báo cáo tài chính hàng năm; đồng thời quỹ cũng thay đổi tới 3 công ty kiểm toán kể từ khi thành lập càng làm tăng sự nghi ngờ về việc hoạt động lành mạnh của quỹ này.

Cuối cùng và cũng là phần quan trọng nhất của vụ bê bối này, đó là việc quỹ 1MDB thuê ngân hàng Goldman Sachs huy động cho họ 6.5 tỷ USD từ trái phiếu để lấy tiền phục vụ cho các mục đích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong đó có Bandar Malaysia – một dự án tích hợp thương mại, công nghệ cao và môi trường xanh.

Từ năm 2012 đến 2013, qua ba lần phát hành trái phiếu cho 1MDB với tổng giá trị 6.5 tỷ USD, Goldman Sachs đã thu được 600 triệu USD tiền phí dịch vụ (khoảng 9% tổng giá trị trái phiếu phát hành), cao hơn đáng kể so với mức phí trung bình của các thương vụ tương tự. Các công tố viên của Malaysia cáo buộc Goldman Sachs đã đưa ra những thông báo không đúng sự thực nhằm lừa dối nhà đầu tư để có thể thực hiện phát hành trái phiếu và bán chúng ra một cách trót lọt.

Goldman Sachs và vụ bê bối thế kỷ 1MDB ở Malaysia
Ba lần phát hành trái phiếu của Goldman Sachs cho 1MDB (Ảnh: Bloomberg)

Mặc dù ngân hàng phủ nhận những cáo buộc nêu trên, khi cho rằng họ luôn thực hiện đúng quy trình và báo cáo lại với thủ tướng Malaysia, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Năm 2015, số trái phiếu của quỹ này trị giá 12 triệu USD bị các công ty xếp hạng là S&P và Fitch hạ bậc xuống dưới mức đầu tư (thấp hơn hạng BBB-).

Tháng 2 năm 2016, Tim Leissner, một trong những giám đốc điều hành hàng đầu của Goldman Sachs đã bị FBI điều tra và nhận tội tại Mỹ về việc rửa tiền và đưa hối lộ. Tim có mối quan hệ mật thiết với nhiều quan chức cấp cao của Malaysia, trong đó có cả thủ tướng Najib Razak; và ông này cũng bị cáo buộc về tội rửa tiền và tham nhũng cùng với 2 nhân viên của 1MDB là Jasmine Loo Ai Swan và Jho Low – người được coi là nhân vật quan trọng nhất của bê bối này. Low được cho là đã đạo diễn tất cả những thương vụ quan trọng nhất, và cũng “cao chạy xa bay” khi tất cả bị lật tẩy.

Goldman Sachs và vụ bê bối thế kỷ 1MDB ở Malaysia
Jho Low – đạo diễn của những thương vụ đầu tư sai lầm tại 1MDB, hiện đã bỏ trốn ở Trung Quốc (Ảnh: FMT)

Tất cả những điều trên được đưa ra ánh sáng sau khi ông Mahathir trở lại làm thủ tướng sau cuộc bầu cử đầy bất ngờ năm 2018. Najib Razak bị bãi nhiệm và đối mặt với 42 cáo buộc hình sự liên quan đến việc lợi dụng quỹ 1MDB để làm giàu cho bản thân, mà rõ ràng nhất là số tiền lên tới 680 triệu USD (tương đương 3 tỷ Malaysia ringgit) được chuyển vào tài khoản của ông này.

Những hậu quả khủng khiếp mà vụ bê bối này gây ra tới nay vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới Malaysia. Liên minh cầm quyền của nước này hiện vẫn đang phải xử lý khoản nợ lên tới 10,5 tỷ USD liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước, và để cân bằng tài chính, nước này đã phải hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng lớn bao gồm hai đường ống dẫn dầu và khí ga trị giá 795 triệu đô la xuất phát từ bang Malacca tới nhà máy lọc hóa dầu Petronas ở bang Johor.

Do đó, chính phủ Malaysia muốn đòi một số tiền phạt rất lớn đối với ngân hàng Goldman Sachs, lên tới 7.5 tỷ USD cho những hậu quả mà ngân hàng đã gây ra. Mới đây nhất, chính phủ nước này vẫn bảo lưu quan điểm và từ chối khoản bồi thường 3 tỷ USD mà Goldman đề nghị; họ cho rằng số tiền bồi thường đó là quá khiêm tốn so với nhưng hậu quả mà Malaysia phải gánh chịu.

Có thể thấy, vụ bê bối chính trị 1MDB đã gây rung chuyển Malaysia trong vài năm qua. Bắt đầu bằng một quỹ đầu tư có mục đích tốt và hướng đến lợi ích của người dân, tuy nhiên những người đứng đầu quỹ vì lợi ích cá nhân đã sử dụng tiền sai mục đích, dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề mà cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục được.

Nguồn: CafeF

Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance

Nhận diện SIÊU BONG BÓNG

Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán

Giải mã từ khóa “lạc quan tếu” trong tâm lý đầu tư

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề