Guy Spier: Tôi từng nghĩ Warren Buffett là ông già dở hơi, mèo mù vớ cá rán
Bài viết dưới đây là những chia sẻ của Guy Spier về cuộc gặp gỡ với huyền thoại đầu tư Warren Buffett khi ông còn là một chàng sinh viên ngạo mạn của Đại học danh giá Havard, trước khi được soi sáng bởi trí tuệ của Warren Buffett.
Guy Spier: Tôi từng nghĩ Warren Buffett là ông già dở hơi, mèo mù vớ cá rán
“Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”
Khi chúng ta chưa sẵn sàng, khi chúng ta chưa hoàn toàn xác định rõ mục đích của mình, chúng ta đang đắm chìm trong một thế giới quan hoàn toàn khác, một thế giới mà ở đó tất cả những người có thể giúp chúng ta sẽ trở nên không thể thấy được.
Nhưng đến một ngày chúng ta trở nên sẵn sàng, khi con đường đi đã được xác định rõ ràng, khi chúng ta đã vững chí, tự nhiên chúng ta lại nhận ra những người thầy, những người chúng ta đang mong chờ lại bỗng nhiên xuất hiện, không biết từ đâu hiện ra.
Thật sự không phải là họ hiện ra, mà là tâm trí mới của ta cho phép ta thấy được họ, nhận ra họ. Họ trước giờ vẫn ở đó. Câu chuyện của nhà đầu tư Guy Spier là mình chứng rõ nhất cho triết lý này.
Lần đầu tiên gặp Warren Buffett
Trong học kỳ đầu tiên tại HBS của tôi (Guy Spier), Warren Buffett đã đến phát biểu tại trường. Với cái nhìn thiển cận và ngạo mạn, tôi lập tức bác bỏ ông và xem như một tay đầu cơ “mèo mù vớ cá rán”. Rõ ràng là những mô hình lý thuyết tôi được học tại Oxford là những sự thực bất khả xâm phạm cho thấy việc tìm kiếm những cổ phiếu bị định giá thấp hơn giá trị thực là nỗ lực vô vọng, vì thị trường rõ là hiệu quả mà. Đối với tôi, chấp nhận rằng ông đã kiếm được cả một gia tài bằng cách tận dụng tính không hiệu quả của thị trường chẳng khác nào lật đổ toàn bộ những mô hình học thuật tôi khó khăn lắm mới lĩnh hội được. Và tôi đã làm điều mọi người vẫn làm khi sự thật trái với giả thuyết của họ: tôi bác bỏ sự thật và bám chặt vào lý thuyết. Lúc ấy, suy nghĩ trong đầu tôi là thế này, “Ông Buffett, đừng lấy sự thật ra để làm nhiễu tôi, vì tôi đã có quan điểm vững vàng về thị trường hiệu quả rồi”.
Nhưng thú thực, tôi ở trong giảng đường ngày hôm ấy chỉ vì tôi đang theo đuổi một cô bé năm hai, mà cô này vừa bước ra ngoài để đi chơi cùng một cậu bạn học làm tôi phát điên lên được. Thậm chí trong buổi học ấy, tôi còn chẳng ngồi xuống ghế nữa mà, và tôi chẳng nhớ nổi một lời nào ông Buffett đã phát biểu.
Đó là một lời nhắc nhở buồn cười rằng với tôi, cái tôi mong manh dễ vỡ còn quan trọng hơn cơ hội được học hỏi. Trái ngược với tôi, một trong những điều làm Warren thành công là ông không ngừng tìm kiếm cơ hội nâng cấp bản thân và ông học không ngừng nghỉ. Như Charlie Munger từng nói, “Ở 80 tuổi, Warren, về nhiều phương diện, còn giỏi hơn ngày xưa. Nếu bạn lúc nào cũng tiếp tục học tập, bạn sẽ có một lợi thế vô cùng lớn”. Tuy nhiên, vào lúc ấy, Buffett với tôi hoàn toàn là một ông già dở hơi.
Thế nhưng, như người xưa thường nói, khi người học trò đã sẵn sàng, thì người thầy sẽ xuất hiện. Warren Buffett tái xuất hiện trong đời tôi bốn năm sau khi tôi vô tình biết đến quyển Nhà đầu tư thông minh qua lời giới thiệu của ông và rồi đọc về ông trong hồi ký của Lowenstein.
Khi ấy, tôi đang trải nghiệm địa ngục trần gian ở ngân hàng đầu tư D. H. Blair (Với chức danh chuyên viên thẩm định xuất thân từ một trường đại học danh giá – Guy Spier trở thành con tốt để che đậy cho các giao dịch cổ phiếu phi pháp của ngân hàng này). Sự tự mãn của tôi đã nhận một cú đòn quá đau đớn khiến tôi sẵn lòng tiếp thu lời ông giảng dạy, khác hẳn với hồi tôi còn là một sinh viên MBA. Tôi cảm thấy quá bé mọn và nhục nhã do những trải nghiệm tại D. H. Blair đến nỗi tôi buộc phải xem lại mọi điều tôi đã hằng tin tưởng.
Vào D. H. Blair làm việc rõ là sự lựa chọn tồi nhất đời tôi. Nhưng nó cũng là một món quà – không chỉ vì nỗi xấu hổ này đã khai lòng mở trí tôi ra, mà còn bởi những trải nghiệm tại nơi này thực sự đã dạy tôi những bài học tôi không bao giờ học được trong những ngôi trường danh giá. Sự thực, tuy mâu thuẫn nhưng D. H. Blair có thể là sự khởi đầu hoàn hảo cho sự nghiệp của tôi vì nơi này cho tôi thấy, một cách hoang sơ và trần trụi, những điều sai trái ở phố Wall. Tôi được dịp nhìn cận cảnh những người sẵn lòng bóp méo sự thật để tăng lợi ích cá nhân – họ có xu hướng đối xử với khách hàng như một mỏ vàng để mặc tình đào xới, hơn là một đối tượng để phục vụ.
Và điều tệ hại nhất chính là những ngân hàng đầu tư danh giá như Goldman Sachs và J. P. Morgan cũng không khác gì. Khác chăng là sự bóc lột khách hàng được che đậy bởi nhiều lớp vecni bóng bẩy đáng kính của họ. Khi tôi bắt đầu hiểu những nguyên tắc mà Warren Buffett là đại diện của nó, tôi nhận ra rằng còn một con đường khác để thành công. Khám phá này đã thay đổi cuộc đời tôi.
Lần gặp gỡ thứ hai với Warren Buffett
Cuộc gặp thứ hai là với chính ông, bằng xương bằng thịt, không lâu trước giờ khai mạc cuộc họp thường niên. Tôi đang trên đường vào toilet và gặp một người đi ra, không ai khác ngoài Warren. Ông mỉm cười với tôi và bảo, “Tôi luôn căng thẳng trước những chuyện thế này”. Và rồi ông bước đi.
Khi tôi gặp Buffett bằng xương bằng thịt, lúc còn là một sinh viên Harvard, tôi chẳng buồn nghe ông phát biểu. Giờ chỉ gặp ông đi ra từ toilet, tôi đã sung sướng đến run người!
Với thành công ông đạt được, tôi cứ ngỡ ông sẽ là một người xa cách. Tôi chưa từng nghĩ ông có thể thân thiện và gần gũi với một người hoàn toàn xa lạ như tôi. Thậm chí từ cuộc gặp gỡ chớp nhoáng này, tôi có thể thấy được tấm lòng của ông dành cho các cổ đông của mình. Xuyên suốt cuộc họp, tôi có thể thấy ông rất dung dị, không hoa mỹ, không ra vẻ. Ông đơn giản chỉ là chính ông.
Happy Live Team
Nguồn: Sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị“
Có thể bạn quan tâm: Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị
(Hành trình từ một tay “mafia” cò mồi phố Wall trở thành NĐT giá trị chân chính)