Hãy thử quy tắc 1% để giảm thói quen mua sắm bốc đồng
Theo chuyên gia, quy tắc này sẽ giúp bạn giảm bớt chi tiêu và tiết kiệm thu nhập để sớm đạt cân bằng tài chính.
Thói quen mua sắm bốc đồng
Mua sắm, đặc biệt là mua sắm online ngày càng trở nên tiện lợi vì sự phát triển của các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng gây ra những thói quen mua sắm độc hại. Chính vì sự tiện lợi mà nhiều bạn trẻ đã mua sắm bất chấp, họ không ngần ngại xuống tay mua hàng chỉ vì món đồ đang được giảm giá hoặc để tận hưởng cảm giác vui sướng khi “chốt đơn”.
Ngẫu hứng mua một món đồ mà bạn không có ý định mua có thể khiến bạn vui vẻ hoặc hài lòng về mặt cảm xúc. Nhưng những cảm xúc dâng trào đó chỉ thoáng qua, để lại cho bạn những khoản mua sắm ngoài ngân sách mà bạn không thực sự cần hoặc những món đồ không sử dụng.
Khi chi tiêu quá nhiều, cảm giác xấu hổ hoặc hối tiếc có thể lấn át bạn – và thậm chí cản trở bạn thực hiện các mục tiêu tài chính của mình. Mặt khác, việc không chi tiêu cho những thứ hoặc trải nghiệm mang lại niềm vui cho bạn có thể gây ra cảm giác thiếu thốn.
Vậy làm thế nào để tìm thấy sự cân bằng phù hợp?
Quy tắc 1%
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát các khoản mua sắm bốc đồng của mình, hãy cân nhắc thử áp dụng quy tắc 1% khi tiêu tiền, nhằm mục đích giảm thiểu các khoản mua sắm bốc đồng lớn hơn mà bạn có thể hối tiếc.
Quy tắc này đến từ Glen James, người dẫn chương trình podcast tài chính của Úc mang tên My Mill Years Money.
Cách thức áp dụng rất đơn giản: khi bạn muốn mua một món đồ vượt quá 1% tổng thu nhập hằng năm của mình, bạn hãy chờ một ngày trước khi mua. Quy tắc này áp dụng cho những khoản chi tùy ý, những thứ bạn muốn mua nhưng không cần, ví dụ như là giày thể thao mới hoặc máy chơi game.
Giả sử, bạn muốn mua một chiếc máy PS5 có giá 800 USD. Nếu bạn kiếm được 50.000 USD mỗi năm, giá của chiếc máy đã vượt quá giới hạn 1% là 500 USD. Trong trường hợp đó, bạn phải đợi một ngày trước khi mua hàng.
Khoảng thời gian 24 giờ được xem như một khoảng “hạ nhiệt”, cho bạn thêm thời gian để suy nghĩ lại về việc mua sắm. Nếu bạn thực sự muốn món đồ đó, thì không có hại gì khi dành thêm một ngày để suy nghĩ xem có thực sự cần nó không.
Cũng theo James, quy tắc 1% áp dụng tốt nhất nếu thu nhập của bạn ít hơn 200.000 đô la và các khoản thanh toán nợ có thể quản lý được. Và nếu bạn cảm thấy giới hạn 1% quá cao, thay vào đó, bạn có thể giới hạn bản thân ở mức 0.5% hoặc 0.25%.
Dù bạn chọn giới hạn nào, hãy lên sẵn ý tưởng về số tiền bạn có thể chi tiêu trước khi đi mua sắm. Nếu quy tắc này giúp bạn tránh mua sắm bốc đồng – dù chỉ một lần – thì bạn sẽ tiết kiệm được tới 1% thu nhập của mình.
Hà An