Hệ thống đầu tư Canslim: Đừng đầu tư một cách mù quáng “Sử dụng đồ thị để tìm thời điểm Mua và Bán” tốt nhất
Hệ thống đầu tư Canslim được phát triển bởi huyền thoại đầu tư William O’Neil, giúp nhà đầu tư xác định cổ phiếu tiềm năng và lựa chọn thời điểm mua bán phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro.
Sẽ là một bác sĩ vô trách nhiệm nếu như không sử dụng tia X để chẩn đoán cho bệnh nhân trước khi thực hiện phẫu thuật, một nhà đầu tư rõ ràng rất ngu xuẩn nếu như anh ta không chịu học cách giải thích ý nghĩa của các mẫu hình giá và khối lượng được tìm thấy trên đồ thị.
Tại sao nên sử dụng đồ thị
Tôi không thể tưởng tượng nổi việc đưa ra bất cứ quyết định mua hoặc bán mà trước đó không cần phải kiểm tra đồ thị giá. Nó giống như bạn đang bịt mắt lái xe. Sẽ ra sao nếu tôi không thể nhìn thấy chướng ngại vật phía trước? Sẽ ra sao nếu tôi đạp nhầm chân ga thay vì đạp thắng?
– Đồ thị giá thực sự rất quan trọng. Sau đây chính là lý do.
– Hãy nghĩ về “Hòn Đá Tảng #3″ mà chúng ta đã thảo luận:
Mua các cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư tổ chức thu gom. Tránh xa các nhà đầu tư tổ chức bán tháo nó.
Chúng ta đã biết một thực tế quan trọng: Chính các nhà quản lý quỹ và các nhà đầu tư lớn chuyên nghiệp khác mới là những người quyết định số mệnh cổ phiếu của bạn. Bằng cách sử dụng đồ thị, bạn có thể biết được các nhà đầu tư lớn đang làm gì. Thực sự, điều đó cũng không phải là quá khó, một khi bạn hiểu được điều gì đang diễn ra trên đồ thị.
Đồ thị sẽ kể cho bạn nghe “Một câu chuyện”
Khi mới bắt đầu, các đồ thị giá đối với tôi dường như trông rất “kỹ thuật”. Tôi chỉ thực sự thấu hiểu nó khi rốt cuộc nhận ra, tất cả các đường và thanh giá trên đồ thị không phải quá bí ẩn. Thực ra, chúng đang làm một điều cực kỳ đơn giản: kể cho bạn nghe một câu chuyện”. Rồi bạn sẽ thấy ngay sau đây, các đồ thị giá đang vẽ ra một bức tranh hậu trường về những gì đang thực sự diễn ra đối với cổ phiếu:
• Liệu các nhà quản lý quỹ đang hào hứng thu gom cổ phiếu hay không? Hay là họ đang chuẩn bị rời tàu và vứt bỏ tất cả cổ phiếu nhanh nhất có thể?
• Liệu có bàn tay của các nhà đầu tư tổ chức tham gia để hỗ trợ giá cổ phiếu trong các đợt giảm giá gần đây? (Nếu có, khả năng cổ phiếu sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng và thiết lập đỉnh mới).
• Các nhà đầu tư lớn phản ứng như thế nào với những tin tức mới gần đây của cổ phiếu? Liệu họ có bán tháo bất chấp thông tin cực kỳ tốt? Hay là họ đang mua nhiều cổ phiếu hơn mặc dù tin tức rất xấu?
Khi hiểu được câu chuyện này và quan sát một số tín hiệu nhất định, bạn sẽ biết được liệu bây giờ là thời điểm để mua, để bán hay tiếp tục nắm giữ.
Đọc đồ thị 101: Đồ thị bao gồm những cái gì
Để hiểu được “câu chuyện” mà đồ thị tiết lộ, chúng ta sẽ đề cập đến ba khái niệm cơ bản:
– Xu hướng là gì?
– Luôn kiểm tra giá và khối lượng.
– Liệu cổ phiếu có tìm được mức hỗ trợ chưa hay đang gặp phải kháng cự?
Một khi bạn hiểu được những điều này, tất cả những thứ khác trong danh sách kiểm tra tín hiệu mua và tín hiệu bán như: mẫu hình, điểm mua tín hiệu bán… sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Nhưng trước hết, chúng ta cần trả lời câu hỏi thậm chí còn cơ bản hơn: Đồ thị bao gồm những cái gì?
Những thành phần cơ bản trên đồ thị ngày và đồ thị tuần
Điều quan trọng cần nhớ: Bạn phải đồng thời sử dụng cả đồ thị ngày và đồ thị tuần. Đồ thị tuần giúp bạn nhìn thấy xu hướng dài hạn, trong khi đồ thị ngày giúp bạn chỉ ra những điểm mua và bán cụ thể. Đồ ngày giúp bạn nhận ra các điểm mua cụ thể và các tín hiệu cảnh báo sớm.
– Thanh giá màu xanh và thanh giá màu đỏ: Trong cuốn sách này, các ngày hoặc tuần có giá đóng cửa cao hơn sẽ có màu xanh. Màu đỏ thể hiện các ngày có giá đóng cửa thấp hơn.
– Thanh giá dài và thanh giá ngắn: Trong khu vực giá (nằm ở nửa trên của đồ thị), các thanh có thể dài hoặc ngắn. Thanh giá cho biết khung giá (chênh lệch giá cao nhất và giá thấp nhất) của ngày hoặc tuần. Thanh giá dài cho thấy biến động giá mạnh hơn, trong khi các thanh giá ngắn cho thấy cổ phiếu ít biến động hơn.
– Khối lượng cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình: Ở khu vực khối lượng (nằm ở nửa dưới của đồ thị), bạn sẽ thấy một đường màu đen. Đường này thể hiện khối lượng giao dịch bình quân (nghĩa số lượng cổ phiếu được giao dịch) của cổ phiếu trong 50 ngày (trên đồ thị ngày) hoặc trong 10 tuần (trên đồ thị tuần).
Nếu thanh khối lượng cao hơn đường màu xanh nghĩa là khối lượng giao dịch của ngày hoặc tuần đó cao hơn mức thanh khoản bình quân. Như bạn sẽ sớm thấy, các thanh khối lượng cao bất thường (spike) cho thấy các nhà đầu tư tổ chức đang tham gia vào cổ phiếu.
– Đường trung bình di động: Được thể hiện ở vùng giá (nằm ở nửa trên của đồ thị), nhằm theo dõi mức giá bình quân trong một khoảng thời gian cụ thể.
Trên đồ thị tuần, đường màu đỏ là đường trung bình di động 10 tuần (tương đương đường trung bình di động 50 ngày), và đường màu đen là đường trung bình di động 40 tuần (thể hiện đường trung bình di động 200 ngày).
Bạn sẽ sớm hiểu ra tầm quan trọng to lớn của việc theo dõi xem cổ phiếu của bạn đang giao dịch ở trên hay ở dưới so với đường trung bình di động.
– Đường RS: Được thể hiện ở vùng giá (nằm ở nửa trên của đồ thị), nhằm so sánh mức tăng giá của cổ phiếu trong 52 tuần gần nhất so với mức tăng giá của chỉ số S&P500.
Nếu đường RS dốc lên, nghĩa là cổ phiếu này đang tăng giá tốt hơn so với chỉ số S&P500, tín hiệu tích cực cho thấy đây là cổ phiếu dẫn dắt (xét theo hành động giá). Nếu đường RS dốc xuống, nghĩa là cổ phiếu này đang bị thị trường lãng quên và tăng giá rất yếu so với toàn bộ thị trường chung.
Tiếp theo: Hãy quan sát ba cách để hiểu được “câu chuyện” mà đồ thị giá nói với bạn và nhận ra các nhà đầu tư tổ chức đang thu gom hay bán tháo cổ phiếu.
Đọc đồ thị 101: Xu hướng là gì
“Câu chuyện” này khá rõ ràng, nhưng điều quan trọng mà bạn cần biết là: Xu hướng hiện tại của cổ phiếu là như thế nào?
Chỉ có ba tình huống cơ bản:
Bạn chắc chắn chỉ muốn mua cổ phiếu khi nó đang thể hiện sức mạnh hay xu hướng tăng giá rõ ràng, chứ không phải đang suy yếu. Sức mạnh nghĩa là cổ phiếu đang ở trong xu hướng tăng và nhận được sự hỗ trợ tích cực tại các điểm quan trọng (là nơi mà các nhà đầu tư tổ chức đang mua vào cổ phiếu).
Hãy quan sát một ví dụ về xu hướng giảm. Hãy xem cổ phiếu đang thể hiện sức mạnh hay suy yếu? Liệu cổ phiếu này còn giảm bao nhiêu nữa trước khi tìm thấy mức hỗ trợ quan trọng và bật tăng trở lại?
Liệu trước đây nó có từng tăng giá trở lại sau khi giảm giá mạnh như vậy hay không? Chẳng ai có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra! Nó có thể tăng giá mạnh vào ngày mai, hoặc có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa.
Đây là vấn đề mấu chốt: Tại sao bạn lại đặt cược rủi ro vào sự không chắc chắn khi bạn không cần thiết phải như thế?
Đừng bao giờ nghĩ rằng, cổ phiếu đang giảm giá là một món hời. Hãy ghi nhớ điều mà chúng ta từng học trước đây: Các cổ phiếu tạo đáy mới có khuynh hướng sẽ giảm sâu hơn nữa. Các cổ phiếu thiết lập đỉnh mới thường có khuynh hướng tăng cao hơn nữa.
Vì thế, chỉ mua cổ phiếu đã cho thấy sức mạnh của nó và đang ở trong xu hướng tăng rõ ràng.
Đồ thị trường 101: Luôn kiểm tra GIÁ và KHỐI LƯỢNG
Một vài người cho rằng đọc hiểu đồ thị là rất phức tạp, hoặc nó giống như là một “thuật bói lá trà” thời kỳ hiện đại. Nhưng sự thực là, các đồ thị giá không có gì hơn là một hình ảnh về hành động giá và khối lượng.
Thuật Bói Lá Trà (tea leaf) là hình thức bói lâu đời nhất và được thực hiện từ khi người tiền sử lần đầu đặt chân lên hành tinh này. Đó là thuật dự đoán tương lai từ những vật thể tự nhiên được tìm thấy trên trái đất như gậy, cát, sỏi, vỏ sò và những hình vẽ chúng tạo ra trong những điều kiện cụ thể, chẳng hạn như bị gió cuốn hay bị nước rửa trôi – Chú thích của người dịch.
Bức tranh vẽ đồ thị giá này tiết lộ một điều rất rõ ràng: Đó là sự kết hợp của giá và khối lượng nhằm cho bạn biết các nhà đầu tư lớn đang làm gì. Sau đây là cách thức hoạt động của nó…
Các nhà đầu tư lớn giống như câu châm ngôn cổ: “Con voi ở trong bồn tắm”, tức họ không thể che giấu hành động của mình. Khi các nhà đầu tư lớn đang nhảy vào hoặc nhảy ra khỏi thị trường, bạn không thể bỏ lỡ hành động của họ nếu như sử dụng đồ thị.
Điều này là vì đồ thị giá sẽ thể hiện rõ những phiên khối lượng tăng đột biến hoặc thanh khoản thấp bất thường khi giá thay đổi. Sự thay đổi của khối lượng nói cho bạn biết sức mua và áp lực bán của các nhà đầu tư tổ chức mạnh như thế nào.
Các ví dụ sau sẽ cho bạn thấy mối quan hệ giữa giá và khối lượng hoạt động như thế nào trên đồ thị. Những yếu tố khác cũng có vai trò quan trọng nhưng bây giờ, chỉ cần bạn hiểu được những khái niệm cơ bản này. “
Điều đó thật bất thường
Sau khi bạn kinh qua các ví dụ này, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của việc tìm kiếm sự bất thường của khối lượng, nghĩa là khối lượng tăng cao bất thường hoặc thấp bất thường.
Ví dụ, nếu một cổ phiếu bình thường được giao dịch 1 triệu cổ phiếu mỗi ngày nhưng gần đây đột ngột được giao dịch 2 triệu cổ phiếu, bạn phải chú ý đến nó. Đó chính là giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức và bạn phải tìm hiểu ý nghĩa “câu chuyện” này là gì.
Chỉ cần mất vài phút để quan sát cẩn thận dòng ghi chú ở các đồ thị sau. Hãy chú ý sự gia tăng bất thường của khối lượng được chúng tôi làm nổi bật lên và “câu chuyện” này đang tiết lộ các nhà quản lý quỹ cũng như các nhà đầu tư lớn khác đang tham gia vào cổ phiếu này. Biết được sự bất thường của khối lượng và hiểu được ý nghĩa của nó, đó là mấu chốt cho thành công của bạn.
Thế nào là một cuộc điều tra phỏng vấn có ý nghĩa
Sau đây là một cách nghĩ khác về khối lượng.
Giả sử bạn đang kinh doanh một cửa hàng quần áo thời trang nhỏ và đang phải đưa ra quyết định chọn mua loại quần áo nào để bán trong mùa hè. Trên tạp chí thương mại, bạn thấy một kết quả điều tra cho biết “70% phụ nữ có dự định mua đồ bơi liền mảnh màu đỏ trong năm nay. Phản ứng đầu tiên của bạn có thể là: “Wow, mình nên tập trung kinh doanh đồ bơi liền mảnh màu đỏ.
Nhưng sau khi tìm hiểu sâu hơn một chút và bạn phát hiện, chỉ có 10 người tham gia cuộc điều tra này!
Liệu bạn có quyết định nhập kho đồ bơi liền mảnh màu đỏ để kinh doanh chỉ vì ý kiến của 10 người? Tất nhiên là không. Bây giờ, nếu cuộc điều tra này dựa trên một số mẫu hợp lý, do các chuyên gia thực hiện khảo sát và có đến 10,000 trả lời phỏng vấn, kết quả sẽ trở nên đáng tin cậy hơn.
Điều tương tự cũng đúng với khối lượng. Nếu giá cổ phiếu tăng 2% một ngày, điều đó chưa nói lên được nhiều điều, cho tới khi bạn kiểm tra khối lượng. Liệu khối lượng có tăng cao bất thường hay không? Hay khối lượng đang thấp hơn mức thanh khoản bình quân?
Không có sự xác nhận của khối lượng, bạn sẽ không thể hiểu được sự thay đổi giá thực sự có ý nghĩa như thế nào. Liệu các nhà quản lý quỹ có đang hào hứng và đẩy mạnh thu gom cổ phiếu hay không? Hay đó chỉ là một đỉnh giả (hoặc điểm phá vỡ giả)?
Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhiều hãng thông tin tài chính chỉ nói những đại loại như: “Cổ phiếu IBM hôm nay đóng cửa tăng 1%” và tuyệt nhiên không nói gì thêm về khối lượng. Điều này về cơ bản giống hệt như bài điều tra: “70% phụ nữ thích mặc đồ bơi liền mảnh màu đỏ vào mùa hè năm nay” mà không hề đả động gì số lượng người tham gia phỏng vấn (chính là khối lượng) để kết luận trên trở nên có ý nghĩa.
Câu châm ngôn của giới kinh doanh bất động sản là: “Địa thế, địa thế, địa thế Để phát hiện thời điểm mua và bán hợp lý bằng cách sử dụng đồ thị, câu châm ngôn của bạn là: “Khối lượng, khối lượng, khối lượng -Vì vậy, bạn chỉ hiểu được ý nghĩa thực sự của những thay đổi giá khi luôn kiểm tra khối lượng.
Đọc đồ thị trường 101: Cổ phiếu đã tìm thấy điểm hỗ trợ chưa hay đang gặp phải kháng cự
Bây giờ, bạn đã hiểu được mối liên hệ quan trọng giữa giá và khối lượng giao dịch, nhưng vẫn còn một khái niệm quan trọng khác: hỗ trợ và kháng cự.
Hãy nghĩ nó giống như mức sàn (hỗ trợ) và mức trần (kháng cự).
Mẫu hình đồ thị và “các điểm mua” mà chúng ta sắp thảo luận hoàn toàn dựa trên một khái niệm đơn giản: Để cổ phiếu có nhiều khả năng tăng giá hơn là giảm giá khi bạn quyết định mua, điều đầu tiên là cổ phiếu này phải thiết lập được một mức sàn vững chắc (hỗ trợ) và từ đó nó có thể tăng giá cao hơn. Tiếp theo, bạn chờ cổ phiếu này thể hiện một sức mạnh vượt trội để bứt phá qua mức trần (kháng cự). Đây chính là cách để cổ phiếu tạo nên sóng tăng giá mạnh.
Một lần nữa, chúng ta hãy xem một số ví dụ nhằm giúp bạn hiểu rõ khái niệm cơ bản này.
Luôn quan sát khối lượng tại các mức hỗ trợ và kháng cự
Luôn chú ý theo dõi sự thay đổi khối lượng tại các mức hỗ trợ và kháng cự. Ví dụ, khi một cổ phiếu vượt qua vùng kháng cự, bạn muốn nhìn thấy khối lượng cao bất thường. Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang rất háo hức và đẩy mạnh thu gom cổ phiếu. Giá vượt kháng cự với khối lượng thấp cho thấy bên mua còn do dự và không thực sự thuyết phục, điều có thể khiến cổ phiếu bị rớt trở lại xuống dưới điểm kháng cự.
Cổ phiếu đang được hỗ trợ hay gặp kháng cự bởi đường MA50 ngày
Rất quan trọng để xem cổ phiếu của bạn đang nằm ở đâu so với đường trung bình di động. Đó chính là đường trung bình di động 10 tuần trên đồ thị tuần và tương đương với đường trung bình di động 50 ngày trên đồ thị ngày. Lý do rất đơn giản: Các nhà đầu tư tổ chức thường sử dụng đường trung bình di động 50 ngày như một thước đo chuẩn. Vì thế, bạn có thể nhận ra một cổ phiếu đang nhận được hỗ trợ hay gặp phải kháng cự bằng cách quan sát vị trí của nó so với đường trung bình di động 50 ngày.
• Hỗ Trợ: Nếu các nhà đầu tư tổ chức vẫn lạc quan về triển vọng giá cổ phiếu, họ thường sẽ mua nhiều hơn và bảo vệ vị thế của mình khi cổ phiếu điều chỉnh về tại hoặc thấp hơn đôi chút so với đường trung bình di động 50 ngày.
Trong tình huống này, bạn thường nhìn thấy cổ phiếu điều chỉnh về đường trung bình di động 50 ngày hoặc 10 tuần với khối lượng thấp (cho thấy các nhà đầu tư tổ chức không hoảng loạn bán tháo cổ phiếu), sau đó nảy lên với khối lượng lớn (cho thấy các nhà quản lý quỹ đang nhảy vào mua nhiều cổ phiếu hơn để hỗ trợ giá).
• Bán Tháo: Nếu một cổ phiếu không tìm thấy được điểm hỗ trợ tại đường trung bình di động quan trọng này và thậm chí là phá thủng nó với khối lượng lớn, điều này nói lên điều gì? Chính là các nhà đầu tư lớn bây giờ có thể không còn hứng thú với cổ phiếu này và đang tìm cách thoát khỏi nó.
Một lần nữa, mấu chốt là bạn hãy quan sát khối lượng: nếu giá phá thủng đường trung bình di động 50 ngày với khối lượng lớn bất thường, đó là tín hiệu cảnh báo quan trọng. Nhưng nếu khối lượng thấp, thì việc giá phá thủng đường trung bình di động 50 ngày không quá nghiêm trọng.
Như bạn có thể thấy ở đồ thị trên về F5 Networks, chẳng có gì là bất thường khi một cổ phiếu nằm dưới đường trung bình di động 10 tuần hoặc 50 ngày trong vài ngày hoặc vài tuần. Xu hướng chính vẫn là tăng giá. Vì thế, việc giá cổ phiếu nằm dưới các đường trung bình di động chuẩn này không phải lúc nào cũng là tín hiệu bán. Chúng ta sẽ thảo luận nhiều hơn về các tín hiệu bán cụ thể trong Danh Sách Kiểm Tra Tín Hiệu Bán.
Sự hỗ trợ hoặc kháng cự tại một số điểm giá cụ thể
Bên cạnh quan sát cổ phiếu nằm ở đâu so với đường trung bình di động 10 tuần, bạn cũng có thể tìm thấy những dấu hiệu hỗ trợ hoặc kháng cự tại một số vùng giá nhất định. Đây là phần quan trọng giúp bạn hiểu được như thế nào và tại sao các mẫu giá có tính dự báo mà chúng ta sắp thảo luận có thể giúp bạn tìm kiếm thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu.
Và sau khi bạn mua, khái niệm này sẽ giúp bạn biết liệu có nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hay không. Liệu nó đang xây dựng “viên đá vững chắc” bằng cách tìm thấy sự hỗ trợ tại một số vùng giá quan trọng, hay đây là thời điểm để bán vì giá đã xuyên thủng “mức hỗ trợ”.
Các ví dụ sau sẽ cho bạn thấy hỗ trợ và kháng cự hình thành như thế nào trên đồ thị giá. Khi bạn quan sát các dòng ghi chú ở mỗi ví dụ, hãy chú ý kỹ đến mối liên hệ vô cùng quan trọng giữa giá và khối lượng. “
Tiếp theo: Hãy sử dụng ba khái niệm mà chúng ta vừa thảo luận để xác định các mẫu hình thường tạo ra các con sóng tăng giá mạnh.
Happy Live team biên soạn/Làm giàu từ chứng khoán