fbpx

Hệ thống tài chính đối mặt với ‘biến số’ lạm phát và lãi suất

Hệ thống tài chính Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro tỷ giá, rủi ro rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khi chỉ số lạm phát trong nước có xu hướng gia tăng và các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Fed tiếp tục tăng lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2022.

Về yếu tố lãi suất, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết cuộc đua tăng lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu khi lãi suất của phần lớn các quốc gia đều đi lên, trừ lãi suất của Trung Quốc là đi ngang hoặc đi xuống.

Cụ thể, có 80 lượt tăng lãi suất toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022, cao hơn 7 lần so với cùng giai đoạn năm 2021. Trong đó, hai nền kinh tế phát triển là Mỹ và EU điều chỉnh mức lãi suất với biên độ khá lớn. Các nước đang phát triển có 60 lần tăng lãi suất với mức tăng bình quân là 0,2% mỗi lần.

Về định hướng điều hành lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, chuyên gia này dự báo Fed sẽ tăng lãi suất lên mức 3,8% vào cuối năm 2023, cao hơn hai lần so với mức lãi suất chuẩn khoảng 1,5-1,75% tại thời điểm tháng 6-2022.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng lãi suất lên mức 2,5% và 0,75% vào cuối năm 2023.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định Fed sẽ đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ qua việc tăng lãi suất với mức cao hơn trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát.

“Với tháng 7, dự báo đặt cược của CME cho biết có 78% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 1 điểm phần trăm trong lần này, cũng có kịch bản tăng 0,75 điểm phần trăm. Như vậy, xác suất cao là lãi suất sẽ tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm”, ông Minh nói tại talkshow “Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh” do báo Đầu tư tổ chức vào tuần trước.

Còn thông tin từ Reuters cho biết các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến thảo luận việc nâng lãi suất thêm 0,25 hoặc 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp diễn ra ngày 21-7.

Theo ông Cấn Văn Lực, hệ thống tài chính của các quốc gia thường đối mặt với 4 rủi ro khi các ngân hàng trung ương lớn điều chỉnh tăng lãi suất. Đó là, đồng đô-la Mỹ tăng giá mạnh, tạo rủi ro tỷ giá; lãi suất tiền gửi bằng đồng đô-la Mỹ và ngoại tệ khác tăng; chi phí vay – trả nợ bằng đồng đô-la Mỹ tăng làm gia tăng tới rủi ro vỡ nợ; nhà đầu tư dịch chuyển nguồn vốn từ thị trường mới nổi về Mỹ và EU vì có vẻ an toàn hơn.

Với Việt Nam, báo cáo của VNDirect cho biết lãi suất đồng đô-la Mỹ tăng sẽ gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng như khiến Việt Nam khó huy động vốn từ thị trường quốc tế.

“Theo ước tính của chúng tôi, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao”, VNDirect cho biết.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho biết việc tăng lãi suất của Fed đã tác động tới các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên thời gian qua, khiến nhiều chỉ số trên các thị trường này giảm mạnh. Lượng tiền rút khỏi các thị trường châu Á khá lớn do lo ngại Fed tăng lãi suất và ảnh hưởng tỷ giá.

“Việc tăng lãi suất của Fed có khả năng vẫn ảnh hưởng tới thị trường nhưng lịch sử cho thấy, trong giai đoạn đầu thì Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường chứng khoán. Các lần sau tác động giảm dần và dần dần không đáng kể”, ông Minh dự báo.

he-thong-tai-chinh-doi-mat-voi-bien-so-lam-phat-va-lai-suat-happy-live-1
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều áp lực vĩ mô trong nửa cuối năm 2022. Ảnh minh hoạ: Thành Hoa

Về yếu tố lạm phát, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết các chỉ số tăng trưởng và lạm phát của của kinh tế Việt Nam đang lệch pha so với thế giới.

Cụ thể, kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 4,6% năm 2021, trong khi Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2,38%. Đến khi kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi, tăng trưởng mạnh thì toàn cầu lại đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Tương tự, chỉ số lạm phát toàn cầu đã vượt mức 3% trong giai đoạn 2020-2021 trong khi Việt Nam lại kiểm soát chỉ số này ở mức thấp chưa từng có.

“Chúng ta không chỉ lệch pha tăng trưởng mà còn lệch pha cả lạm phát. Đó là các yếu tố có thể gây ra lạm phát cao ở Việt Nam trong nửa cuối năm 2022”, ông Ánh cho biết.

Theo ông Ánh, rủi ro lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu khiến Việt Nam đang đối mặt với áp lực điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong bối cảnh phải giữ được lãi suất ở mức tối thiểu không tăng và hỗ trợ cho phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh tăng lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam từ giờ tới cuối năm 2022 do lãi suất đô la Mỹ tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quí tới. Mức tăng dự kiến khoảng 30-50 điểm cơ bản khi Fed siết chặt hơn các chính sách tiền tệ.

“Chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên khoảng 6,0-6,2% một năm vào cuối năm 2022 thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0% một năm”, VNDirect dự báo.

VNDirect cho rằng, những diễn biến này sẽ tác động tâm lý ở các thị trường chứng khoán phát triển và mới nổi. Đồng thời, khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường tài chính chịu tác động tiêu cực bởi “taper tantrum” – một hành vi mô tả những phản ứng cực đoan của nhà đầu tư trên thị trường khi Fed rút lại các gói kích thích qua việc thu hẹp quy mô bảng cân đối tài sản và tăng lãi suất.

Ngoài ra, đồng đô-la Mỹ mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Việt Nam.

Nguồn: vietstock

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề