fbpx

Hiểu vốn hóa thị trường để cân bằng danh mục hiệu quả

Nếu bạn đang trên con đường xây dựng một chiến lược đầu tư nhằm đạt được những mục tiêu tài chính dài hạn của mình, thì hiểu biết đúng đắn về mối quan hệ giữa quy mô công ty, lợi nhuận tiềm năng, và rủi ro là rất quan trọng. Với những kiến thức về những khái niệm trên, bạn sẽ có được kế hoạch cân bằng danh mục tốt hơn với sự kết hợp các cổ phiếu tại các mức vốn hóa khác nhau.

Giá trị vốn hóa là tổng giá trị của các cổ phiếu của công ty. Giá trị vốn hóa được tính bằng cách lấy tổng cổ phiếu đang lưu hành của công ty nhân với giá thị trường mỗi cổ phiếu. Ví dụ, một công ty với 20 triệu cổ phiếu đang được giao dịch với mức giá 50.000 đồng một cổ phiếu có giá trị vốn hóa là 1 nghìn tỷ đồng.

Tại sao khái niệm vốn hóa lại quan trọng đối với nhà đầu tư? Khái niệm này cho phép nhà đầu tư có trực quan về quy mô tương đối của một công ty so với các công ty khác. Giá trị vốn hóa đo lường giá trị mà công ty đang được định trên thị trường, cũng như kỳ vọng của thị trường về triển vọng phát triển của công ty bởi vì giá trị vốn hóa đang thể hiện nhà đầu tư đang sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho cổ phiếu công ty.

  • Các công ty vốn hóa lớn: các công ty với giá trị vốn hóa trên 10.000 tỷ VND1. Đây là các công ty có nhiều danh tiếng với sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, lịch sử chi trả cổ tức đều đặn, và đạt mức tăng trưởng tương đối chắc chắn qua các năm. Các công ty này thường đóng vai trò là các người chơi chính trong lĩnh vực của mình, và với danh tiếng ở tầm quốc gia trở lên. Vì thế, đầu tư vào các công ty vốn hóa lớn thường được xem là thận trọng hơn các khoản đầu tư vào công ty vốn hóa vừa và nhỏ, ít tiềm ẩn rủi ro và ít cơ hội đạt tăng trưởng cao.
  • Các công ty vốn hóa trung bình: các công ty với giá trị vốn hóa trên 1.000 tỷ VND đến 10.000 tỷ VND. Thông thường, đây thường là các công ty đang hoặc kỳ vọng có mức tăng trưởng khá nhanh. Các công ty ở quy mô này có thể đang trong quá trình mở rộng thị phần và hoàn thiện khả năng cạnh tranh một cách toàn diện. Đây là giai đoạn phát triển mang tính quyết định liệu một công ty có thể phát triển tới giới hạn cao nhất của nó hay không. Đối với công ty vốn hóa trung bình, rủi ro-lợi nhuận rơi vào khoảng giữa công ty vốn hóa lớn và nhỏ. Các công ty này có thể mang lại tiềm năng tăng trưởng cao hơn công ty vốn hóa lớn và bớt rủi ro hơn các công ty vốn hóa nhỏ.
  • Các công ty vốn hóa nhỏ: các công ty với giá trị vốn hóa từ 100 tỷ VND đến 1.000 tỷ VND. Nhìn chung đây là các công ty khá trẻ và hoạt động trong một vài thị trường sản phẩm/dịch vụ đặc biệt, dù nhỏ nhưng rất giá trị hoặc các ngành mới nổi. Với nguồn lực tương đối hạn chế, các công ty vốn hóa nhỏ thường tỏ ra khá nhạy cảm với các giai đoạn bất lợi của thị trường hoặc của cả nền kinh tế. Các công ty này cũng tỏ ra khá dễ bị tổn thương khi vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ cũng như các yếu tố chưa thể tiên liệu trước từ thị trường đang tăng trưởng mạnh.   

Giá trị vốn hóa và giá trị vốn hóa free-float

Giá trị vốn hóa, như đã nói trên, được cho bởi tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Trong số các cổ phiếu đang lưu hành của công ty thường có một phần bị hạn chế giao dịch vì lý do nào đó (ví dụ các cổ phiếu nắm giữ bởi ban lãnh đạo công ty hay chính phủ), vì thế phát sinh khái niệm về số cổ phiếu được phép giao dịch (free-float) của công ty. Phương pháp tính giá trị vốn hóa trên khối lượng cổ phiếu free-float đã được áp dụng cho nhiều chỉ số quan trọng của thế giới, bao gồm chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P 500.

Điều gì có thể ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa của công ty?

Có một vài yếu tố có thể anh hưởng đến giá trị vốn hóa của một công ty. Đơn giản nhất là biến động trong giá cổ phiếu hoặc biến động trong số lượng cổ phiếu của công ty. Khi các nhà đầu tư thực hiện quyền mua cổ phiếu được phát hành bởi công ty, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty sẽ tăng lên, qua đó sẽ pha loãng một phần giá trị của các cổ phiếu hiện hữu. Do đó việc thực hiện quyền có thể ảnh hưởng một phần lên giá trị vốn hóa của công ty.

Tuy nhiên giá trị vốn hóa không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động như chia nhỏ cổ phiếu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đối với trường hợp chia nhỏ cổ phiếu, giá cổ phiếu sẽ giảm nhưng tương ứng với mức tăng lên của số lượng cổ phiếu, dẫn đến tổng giá trị cổ phiếu không đổi. Tương tự như vậy, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, tổng số cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên bằng số cổ phiếu được chia thêm cho nhà đầu tư dưới dạng cổ tức, nhưng cùng lúc giá cổ phiếu sẽ giảm tương ứng.

Trên đây là những ý niệm đã được đơn giản hóa, có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về vấn đề giá trị vốn hóa của công ty. Điển hình là Lý thuyết MM (đặt theo tên của hai nhà nghiên cứu Modigliani và Miller, đều là những nhà nghiên cứu được trao thưởng Nobel kinh tế).

Nhằm xây dựng một danh mục phân bổ hợp lý giữa cổ phiếu vốn hóa nhỏ, lớn, hay trung bình, nhà đầu tư cần cân nhắc tới mục tiêu tài chính của mình, khả năng chịu rủi ro, và thời gian đầu tư. Đa dạng hóa danh mục đầu tư với nhiều cổ phiếu tại các mức vốn hóa khác nhau sẽ giảm thiểu các rủi ro không cần thiết và sẽ hỗ trợ nhà đầu tư theo đuổi mục tiêu tài chính dài hạn đã đặt ra.

Nguồn: vinacapital/fidelity

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề