fbpx

H&M lãi đậm khi khách hàng ồ ạt quay lại trung tâm thương mại sau đại dịch COVID-19

Dù gặp đôi chút khó khăn ở Trung Quốc và Nga, song H&M dự báo sẽ lãi đậm trong quý II của năm tài chính 2022.

H&M, nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, mới đây đã dự báo lợi nhuận của công ty có thể tăng khoảng 33% trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 khi người tiêu dùng đổ xô tới các trung tâm mua sắm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát trên toàn cầu, theo Reuters.

Công ty bán lẻ thời trang đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Điển đã báo cáo lợi nhuận trước thuế là 471 triệu USD cho quý tài chính thứ hai trong năm, tăng so với mức hơn 353 triệu cùng kỳ năm trước. Trước đó, các chuyên gia phân tích của Refinitiv kỳ vọng H&M sẽ đạt lợi nhuận trước thuế cho quý tài chính thứ hai là hơn 380 triệu USD.

Giám đốc điều hành Helena Helmersson cho biết: “Doanh số bán hàng tại các cửa hàng truyền thống đã tăng đáng kể trong khi doanh số bán hàng online của chúng tôi tiếp tục tăng trưởng tốt”.

Công ty cũng cho biết họ đã quyết định sử dụng sự ủy quyền của các chủ sở hữu tại cuộc họp đại hội đồng thường niên vào tháng 5 để mua lại số cổ phiếu trị giá hơn 295 triệu USD. Giá cổ phiếu H&M đã tăng khoảng 2,7% trong phiên giao dịch sáng 29/6.

Đầu tháng này, nhà bán lẻ thời trang có trụ sở tại Thụy Điển đã báo cáo doanh số bán hàng trong quý tăng khoảng 12%, đạt mức hơn 5,3 tỷ USD. Tuy nhiên, ngày 29/6, công ty cho biết doanh số bán hàng trong tháng 6, tháng đầu tiên của quý tài chính thứ ba trong năm tài chính 2022, đã giảm khoảng 6%, chủ yếu là do việc phải tạm dừng hoạt động kinh doanh ở Nga, Ukraine và Belarus.

Nhà phân tích Richard Chamberlain của công ty phân tichsh dữ liệu RBC cho biết trong một lưu ý rằng doanh số tháng 6 của H&M thấp hơn dự kiến mà các chuyên gia nhận định trước đó.

Nhà bán lẻ thời trang đa quốc gia đã phải tạm thời đóng cửa các cửa hàng ở Nga vào tháng 3 sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra. Xứ sở Bạch Dương này là thị trường lớn thứ 6 của H&M, chiếm khoảng 4% doanh số bán hàng trong quý IV/2021.

Tại Trung Quốc, H&M đã chứng kiến ​​doanh số sụt giảm trong năm qua trong bối cảnh người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay những nhận xét của công ty về khu vực Tân Cương. Nhu cầu của người tiêu dùng nói chung cũng sụt giảm đáng kể do những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cũng như các đợt phong tỏa mà chính phủ Trung Quốc ban hành.

Thậm chí, vài ngày trước, H&M cũng đã đóng cửa cửa hàng lớn nhất tại Thượng Hải, khi nhu cầu tiêu dùng giảm do việc phong tỏa nhằm kiểm soát dịch COVID-19 và tập đoàn này bị tác động trước sự phản đối nhằm vào các công ty từ chối sử dụng bông của vùng Tân Cương.

Đối thủ lớn nhất của H&M, Inditex, chủ sở hữu của thương hiệu nổi tiếng Zara, cũng đã báo cáo lợi nhuận tăng vọt 80% vào đầu tháng này trong quý đầu tiên của năm tài chính 2022, chủ yếu nhờ doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Giá nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển tăng cao đã trở thành một trở ngại đối với các nhà bán lẻ thời trang. Để giảm bớt áp lực, các công ty sản xuất thời trang đã phải tăng giá các sản phẩm, và khách hàng chính là những người chịu tác động lây từ những yếu tố trên.

“Sự gián đoạn và trì trệ vẫn tồn tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đang dần được xoa dịu trong thời gian gần đây”, CEO Helena Helmersson nhấn mạnh. Mặc dù chi phí tăng tăng cao, song doanh số bán hàng nguyên giá tăng và giảm tỷ lệ chênh lệch đã góp phần giúp H&M tăng tỷ suất lợi nhuận hoạt động từ 8,3% lên 9,2%.

Nguồn: Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: MARKETING GIỎI PHẢI KIẾM ĐƯỢC TIỀN –

Quyển sách được viết bởi cựu CMO Coca-Cola Sergio Zyman

Marketing giỏi phải kiếm được tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề