Học cách thất bại và yêu những thất bại của mình
Trong suy nghĩ của chúng ta, “thất bại” dường như vẫn là điều gì đó tiêu cực và nguy hiểm. Thực ra, sự thất bại có thể xảy đến trong bất cứ lĩnh vực và hoàn cảnh nào của cuộc sống, từ tình cảm, đến kinh doanh, sự nghiệp và cả với sức khoẻ của chính mình.
Nếu thất bại thường trực ở mọi nơi như vậy, còn chúng ta suốt ngày chỉ nghĩ làm sao để không bị thất bại, học hỏi kinh nghiệm người khác để chính mình “tránh” được, thì sẽ không bao giờ thực sự được “sống”, được trải nghiệm, và sẽ không cho phép bản thân mình có những cơ hội vượt trội để mở mang kiến thức, bay cao lên phương trời mới. Mong rằng những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn thay đổi lại cách suy nghĩ và dần trở nên biết “yêu quý” những thất bại của chính bản thân hơn.
1. Tại sao bạn sợ thất bại?
Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao thất bại lại “đáng sợ” đến thế.
Bạn sợ thất bại vì bạn sợ bị người thân phán xét, bị xã hội chê cười
Bạn thân mến, thất bại không đáng sợ, người thân, bạn bè hay đồng nghiệp của bạn cũng sẽ không chê cười vì bạn thất bại. Điều họ quan tâm chỉ là cách bạn phản ứng với thất bại và sau thất bại mà thôi. Cho dù bạn có đang bị mạng xã hội phán xét, hay bình luận như thế nào đi chăng nữa, thì những lời nói đó sẽ bay đi rất nhanh và mọi người cũng sẽ chóng quên đi để quay lại với những vấn đề của riêng mình. Nói cho cùng thì không ai thực sự bận tâm đến bạn đâu, vậy thì tại sao bạn phải quan tâm đến họ?
Nhưng giới trẻ ngày nay lại quá quan tâm đến hình thức, đến những ý kiến, những nút “like” (thích) hay lời bình trên mạng xã hội, đến việc phụ huynh, người yêu, bạn bè nghĩ gì về mình và muốn mình là người như thế nào. Họ quá sợ phá vỡ hình ảnh “hoàn hảo” của bản thân trước bao nhiêu con mắt đang theo dõi trên “timeline” của mình.
Sự thật là dù làm gì chăng nữa, bạn cũng không thể ngăn được việc người ngoài sẽ phán xét, chê cười hay bàn tán về thất bại của mình. Vậy bạn cố né tránh điều này để làm gì? Điều duy nhất bạn nên quan tâm là suy nghĩ thấu đáo và có quan điểm vững của chính mình, bởi mỗi ngày, bạn sẽ về nhà với chính mình, bạn sẽ ngủ và thức dậy với những suy nghĩ trong đầu mình, và cuối cùng thì mình cũng từ bỏ thế gian này cùng với những hối hận của đời mình. Bạn có muốn bản thân bị dày vò cả quãng đời dài vì mình đã không cố gắng hết sức, dũng cảm bước vào một lĩnh vực mới, bất chấp rủi ro để thất bại không? Những dày vò đấy mới là nguyên nhân gây bất hạnh nhiều nhất ở chúng ta, khiến chúng ta không những khiển trách bản thân mà cả người thân của mình, oán hận vì họ đã “ngăn cản” mình khỏi giấc mơ của mình. Cái đó mới là cái đáng sợ hơn nhiều việc thất bại.
Một khi bạn giải thoát nỗi sợ bị phán xét, thì thất bại sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Rốt cuộc thì bạn không phải là người họ nghĩ bạn là ai, thậm chí bạn cũng không phải là người chính bạn nghĩ mình là ai.
Con người đích thực của chúng ta đôi khi tốt hơn nhiều những gì mình nghĩ về chính mình. Vì vậy, bạn không phải là doanh nghiệp hay sự nghiệp của bạn, cũng không phải là những thành tích hay thất bại của mình, và càng không phải là những mối quan hệ đã tan vỡ và những lỗi lầm mình đã gây ra. Bạn chỉ là bạn – bạn tồn tại trên thế giới này vì một lí do và nhiệm vụ của bạn là khám phá đủ mọi cách để có thể phục vụ được thế giới này ngày một tốt hơn bằng hết khả năng của mình. Sẽ chỉ có bạn làm được những gì bạn làm được. Vì vậy, càng thất bại nhiều, càng nhiều sự kết thúc, thì sẽ có càng nhiều sự bắt đầu và cơ hội để hiểu con người mình hơn nữa, tiến gần thêm một bước đến người mà bạn muốn trở thành. Nếu không có thất bại, bạn sẽ không có cơ hội được lắng nghe chính mình khi ở dưới đáy. Khi đó mới là lúc chúng ta nhìn được rõ nhất mình là ai, mình muốn gì, và trong bóng tối sâu thẳm đó, chúng ta mới nhìn được ánh sáng trong tâm hồn để chỉ dẫn mình đến cánh cửa mở ra một con đường mới tốt đẹp hơn.
Nếu không có thất bại, bạn sẽ không có cơ hội đánh giá lại chính mình và những người xung quanh mình. Loại bỏ những ai không thực sự tốt cho mình, và vẽ ra cho mình những kế hoạch mới để mình có thể được gần với bản chất mình hơn.
Kể cả nếu bạn là một nỗi xấu hổ cho gia đình khi bạn thất bại, thì hãy nhớ rằng mình chỉ là một sự xấu hổ ngắn hạn của họ bây giờ để về lâu dài, bạn sẽ trở thành niềm tự hào lớn lao của họ hơn vì bạn sẽ thành công trên con đường của chính mình.
Bạn sợ thất bại vì bạn nghĩ rằng trong đời bạn chỉ có một cơ hội để thành công
Nhiều người trong chúng ta nghĩ trong đời chỉ có một kiểu “thành công” – tuỳ thuộc vào những điều gì bố mẹ, thầy cô đã dạy chúng ta suốt tuổi thơ ấu. Đối với một số người, đó là trở thành bác sĩ, hoặc luật sư. Đối với người khác, “thành công” lại là đạt được những cột mốc như sở hữu một căn nhà của riêng trước tuổi 30,… Nhưng sự thật là trong cuộc sống, không có thành công nào là “tuyệt đối”.
Thành công, cũng như thất bại, sẽ xuất hiện rất nhiều lần trong đời bạn ở muôn hình muôn vẻ, nếu bạn đủ mở lòng để nó xảy ra. Hãy nghĩ về thành công như một “dòng suối” năng lượng luôn tồn tại và chảy qua xuyên suốt cuộc đời bạn. Nếu nó không chảy vào cuộc sống bạn lúc này, thì nó sẽ chảy vào lúc khác, chỗ khác, nơi bạn sẵn sàng đón nhận nó.
Đa số chúng ta tự “chặn” dòng suối đó khi nghĩ rằng một khi thất bại là “xong”, rằng cơ hội để thành công sẽ không quay lại nữa, rằng chúng ta không đủ khả năng, kinh nghiệm, bản lĩnh để thành công. Vì vậy nhiều người đã từ bỏ giấc mơ ngay sau khi trượt đại học, hay khi thất bại lần đầu trong kinh doanh.
Để thực sự tạo điều kiện cho sự thành công “chảy” vào cuộc sống của bạn và ở bên bạn, bạn phải tự định nghĩa được cho mình “cảm xúc” khi sống một cuộc sống thành công đối với chính bạn là thế nào, thay vì hình dung “kết quả” thành công của bạn là gì. Khi mình nhìn thành công như một thành tích gì đó cụ thể phải đạt được thay vì là một cảm xúc, thì bạn sẽ luôn theo đuổi thành tích đó, và kể cả khi đạt được, bạn cũng sẽ chưa cảm thấy thực sự thoả mãn, và sẽ muốn đạt thành tích cao hơn nữa, có nhiều hơn nữa. Như vậy, thành công sẽ không thực sự ở bên bạn lâu bền, mà nó sẽ điều khiển và dày vò bạn thay vì giúp bạn trở thành người tốt hơn và phục vụ được sâu sắc hơn cho xã hội.
Chỉ cần bạn cảm thấy hạnh phúc nhất có thể với chính mình và cuộc sống của mình, thì đó chính là thành công lớn nhất bạn có thể đạt được. Có vô số cách, có vô số lĩnh vực để bạn có thể thành công cùng một lúc, kể cả khi mình thất bại ở đâu đó, thì mình vẫn đang thành công hàng ngày nếu mình luôn cảm thấy hạnh phúc và “đầy” trong trái tim.
Bạn sợ thất bại vì bạn ngại “vất vả”
Đây có lẽ là lý do phổ biến nhất của chúng ta khi không muốn đối mặt với thất bại. Thực ra không phải là bạn sợ thất bại, mà bạn ngại phải bỏ sức ra phấn đấu, vất vả một thời gian dài để thành công. Việc bạn muốn “tránh” thất bại thực ra chỉ là một lý do để biện hộ cho việc bạn không muốn phải làm việc, không muốn phải cố gắng. Trong trường hợp này bạn đã chính thức thất bại ngay từ đầu vì bạn không chịu bỏ công ra xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mình.
Người ta có câu “Giấc mơ sẽ không tự trở thành hiện thức trừ phi bạn bỏ sức ra làm” (Dreams don’t work unless you do). Bạn có thể mơ ước, hình dung đủ kiểu và viết ra những mục tiêu của mình, nhưng nếu bạn không làm mọi cách để hiện thực hóa những mục tiêu đó bằng chính nỗ lực của bản thân thì nó sẽ chỉ là những ý tưởng vô nghĩa trên giấy. Có quá nhiều người thời buổi này muốn đi đường tắt đến thành công, hoặc muốn học một khoá học để ngay lập tức đủ tư cách làm CEO hoặc giám đốc marketing, thậm chí nhiều người còn muốn biết nói một thứ ngoại ngữ trước khi cả bỏ công ra học và thực hành ngôn ngữ đó hàng ngày hàng giờ. Nhưng mọi chuyện đâu có dễ dàng như vậy. Không có gì tự nhiên mà có, mà nếu nó dễ dàng vậy thì ai cũng đã thành công. Vì vậy ngoài việc bạn phải “yêu quý” thất bại, bạn còn phải “yêu quý” công việc và hành trình vất vả, lặn lội từ ngày này qua ngày khác để đến với thành công của chính mình để thay đổi cuộc sống này. Nếu không bỏ sức ra làm, thì khi rơi vào thất bại, bạn cũng sẽ không học được điều gì cho mình để lần sau làm tốt hơn, và bạn sẽ chỉ tốn thời gian suy nghĩ, tính toán những “ý tưởng”, kế hoạch hão huyền mãi mãi không thành hiện thực.
Hãy nghĩ đến cuộc sống như một cầu thang đi lên. Chúng ta ai cũng muốn trèo lên đỉnh, nhưng để lên cao, bạn phải làm điều khó: đó là bỏ sức ra để leo cầu thang.
Thất bại và thành công là những bậc thang nối tiếp mà bạn phải bước lên theo đúng trình tự của nó. Không thể “nhảy cóc” bậc nào cả, cũng như bạn không thể tránh thất bại mà vẫn thành công, hoặc nếu chỉ thành công mà không thất bại, bạn cũng sẽ không bao giờ lên được đỉnh cao. Chúng ta cần phải đi mãi, vấp ngã, rồi lại đứng dậy, rồi lại ngã… Chu kỳ đó sẽ không bao giờ hết, nhưng chắc chắn là bạn sẽ ngày càng tiến xa hơn và lên cao hơn. Một khi bạn chấp nhận điều đó, bạn sẽ có thể giải phóng nỗi sợ thất bại và đón nhận mọi thất bại cũng như thành công khi chúng đến với mình một cách hài lòng nhất. Và một khi làm vậy, bạn sẽ không ngừng trưởng thành, không ngừng tốt lên.
Để vượt nỗi sợ thất bại, bạn hãy tập yêu thất bại
Điều này thật đơn giản nhưng lại không nhiều người làm được. Bạn chỉ cần thay đổi cách nhìn, biến tất cả nỗi sợ trên thành điều mình mong muốn và yêu thích:
-
- Bạn hãy yêu thất bại để được mọi người phán xét và chê cười, vì điều đó chứng tỏ bạn đang làm một điều mà họ không làm được, và bạn sẽ càng có động lực cố gắng hơn để chứng tỏ với họ là họ sai.
- Bạn hãy yêu thất bại để khám phá thêm những cách mới để thành công, kể cả khi nỗ lực ban đầu của mình đã không thành. Bởi vì cuộc sống có vô số cơ hội để bạn khám phá và đón nhận, bởi vì thành công là một dòng chảy vô tận, và hãy tin rằng điều tốt hơn nữa vẫn đang đón chờ bạn.
- Bạn hãy yêu thất bại vì nó cho bạn cơ hội được bỏ hết sức ra làm, phấn đấu hàng ngày vì một mục đích sống lớn hơn chính mình, không bỏ phí một giây phút nào để từ đôi tay mình tạo ra những thành quả giúp cho cuộc sống bạn và cả cuộc sống của những người khác ngày một tốt hơn.
Đừng nhìn vào thành công của những người khác và ước nó là của mình. Hãy nhìn vào thất bại của họ và ước rằng bạn cũng có cơ hội được trải qua những thất bại như họ để có những kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc như vậy. Vì những người thất bại nhiều nhất, sớm nhất luôn là những người lên trên cao nhanh nhất và ở trên đó lâu nhất.
Bạn hãy học cách yêu quý và trân trọng từng thất bại của chính mình, vì nó làm bạn “giàu có” hơn trong tâm hồn và hiểu biết hơn trong cuộc sống rất nhiều.
Thành công thực sự sẽ đến khi chúng ta làm những gì chúng ta yêu thích, đồng thời phục vụ được cho thế giới với năng lực tốt nhất có thể của mình. Nếu bạn đặt việc “phục vụ” là mục đích tối cao, thì bạn sẽ không còn để cái “tôi” điều khiển mình, và thất bại sẽ không còn là một điều “mất mát” trong mắt bạn. Ngược lại, khi đó thất bại lại là một lợi thế giúp bạn mài giũa bản thân để phục vụ tốt hơn nữa.
Và cũng đừng lừa dối bản thân khi nghĩ là một khi đến thành công là bạn đã đến đích, rằng cuối con đường bạn đi là sự thành công đang đón chờ bạn. Thành công chỉ là một hệ quả tất yếu của việc bạn sống một cuộc sống hết mình, hạnh phúc và có ích nhất cho xã hội. Nếu bạn loại bỏ được suy nghĩ đó, bạn sẽ không còn nghĩ thất bại là một vật trở ngại chặn bạn khỏi nơi bạn muốn đến, mà bạn sẽ nhìn thất bại là một bậc thang để bước lên một phiên bản tốt hơn trong cuộc sống và chính con người mình.
Thất bại và thành công không phải là sự lựa chọn 1 trong 2. Bạn có thể vừa có thất bại, vừa có thành công. Hãy bắt đầu “sưu tầm” những thất bại, những trận thua của mình từ hôm nay, hãy yêu lấy chúng và hẹn gặp bạn ở trên bậc thang của đường đời nhé!
Happy Live Team
Nguồn: her.vn