fbpx

Hơn 61.000 tỉ đồng ‘nằm chờ’ trong tài khoản nhà đầu tư chứng khoán

Theo thống kê của VNDirect từ 30 công ty chứng khoán top đầu, có tới 61.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư để trong tài khoản, chờ cơ hội giải ngân, tính đến cuối quý 2-2023.

hon-61-000-ti-dong-nam-cho-trong-tai-khoan-nha-dau-tu-chung-khoan-happy-live-1

61.000 tỉ đồng chờ thời cơ mua chứng khoán

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn xảy ra nhiều biến động, đặc biệt là phiên giảm sốc gần 60 điểm khiến không ít nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên sau đó tâm lý đã dần bình ổn trở lại. Đáng chú ý, dù thị trường tăng sốc, giảm sâu hay lình xình, dòng tiền đổ vào giao dịch trong những phiên gần đây vẫn tăng rõ rệt.

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh – khối phân tích của Chứng khoán VNDirect – cho biết có dấu hiệu tích cực từ dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư đạt khoảng 61.000 tỉ đồng tại 30 công ty chứng khoán top đầu, tăng hơn 3% so với quý trước.

“Chúng tôi tin rằng dòng tiền đã dịch chuyển từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh tài sản khác bao gồm thị trường chứng khoán. Với mặt bằng lãi suất thấp, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như chứng khoán khi chi phí cơ hội giảm”, bà Phương Thanh cho biết.

Kỳ vọng giá trị giao dịch bình quân hằng ngày sẽ đạt 20.000-25.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023. Đây là mức tương đương nửa cuối năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Sức hấp dẫn của thị trường còn thể hiện qua số tài khoản do nhà đầu tư trong nước mở mới đạt 151.000 trong tháng vừa qua, cao nhất trong một năm trở lại đây (nâng tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên 7,5 triệu, tương đương 7,5% dân số).

Ông Michael Kokalari – giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường, VinaCapital – cho rằng thị trường chứng khoán Việt đang có nhiều thông tin hỗ trợ.

Vào năm trước lãi suất tiền gửi cao, nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu và gửi tiền vào ngân hàng, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, VN-Index giảm hơn 33%. Tuy nhiên sang năm nay lãi suất tiền gửi giảm, nhà đầu tư đổi hướng, chọn rót tiền vào chứng khoán.

Theo phía VinaCapital, việc sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất. 

 

Dù vậy, “có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý 4, chủ yếu do chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ đã chạm đáy và do nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Sự phục hồi này kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam từ dưới 5% trong năm nay, lên 6,5% trong năm tới. Điều này cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, tăng từ 6% trong năm nay lên hơn 20% vào năm sau.

Chuyên gia của VinaCapital cho rằng ban đầu thị trường chứng khoán Việt phục hồi do được thúc đẩy bởi lãi suất thấp, nhưng sau đó sẽ tiếp tục duy trì nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng vọt.

Công ty chứng khoán hưởng lợi từ cho vay margin và đầu tư

Theo phía VNDirect, với diễn biến hiện tại, công ty chứng khoán là bên hưởng lợi lớn từ thị trường. Điều đầu tiên có thể thấy là khi nhu cầu cho dịch vụ môi giới cải thiện, giá trị giao dịch cao, doanh thu phí giao dịch của các công ty chứng khoán cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán còn nhận khoản lãi lớn từ hoạt động cho nhà đầu tư vay ký quỹ (margin). Theo tính toán từ 30 công ty chứng khoán top đầu, dự tính tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000-180.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, chỉ tính riêng quý 2 vừa qua, lợi nhuận gộp của 30 công ty chứng khoán hàng đầu đạt xấp xỉ 8.800 tỉ đồng, tăng 39% so với quý trước, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tăng đột biến.

Chưa kể, dự báo thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình Việt sẽ tăng 9,3%/năm trong giai đoạn 2022-2026, đạt gần 185 triệu đồng vào năm 2026. Đồng nghĩa người dân có nhiều khả năng đầu tư vào các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ.

Việc cuối năm nay vận hành hệ thống giao dịch mới do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phát triển cũng góp phần giúp thị trường sôi động hơn.

Dù thị trường được nhiều động lực hỗ trợ về dài hạn, song trong ngắn hạn, FIDT – đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý gia sản – lưu ý nhà đầu tư về “diễn biến vĩ mô quốc tế trở nên khá phức tạp”, chủ yếu đến từ việc lo ngại nền kinh tế Trung Quốc. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến quỹ ngoại liên tục rút ròng khỏi chứng khoán Việt và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Về mặt vĩ mô kinh tế trong nước, dù nỗ lực hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ thị trường chứng khoán, song điểm chưa thuận lợi là việc hấp thụ nguồn vốn từ người dân và doanh nghiệp vẫn còn yếu.

Tiến Phát

tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề