HOSE lưu ý nguy cơ hủy niêm yết Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN)
(ĐTCK) Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có công văn lưu ý về nguy cơ hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) do tình trạng thua lỗ trong ba năm liên tiếp.
Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đang âm khoảng 10.200 tỷ đồng trong khi đầu năm vẫn dương 500 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Vietnam Airlines cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 19.573 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá vốn tăng cao hơn, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến HVN báo lỗ gộp 827 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ của năm trước là 634 tỷ đồng. Chi phí tài chính gấp 3,6 lần lên 1.023 tỷ đồng chủ yếu là lãi tiền vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá 538 tỷ đồng.
Trong đó, phần lỗ trong công ty kinh doanh liên kết lên tới 65,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng các khoản lỗ tại công ty mẹ, Pacific Airlines, công ty dịch vụ mặt đất.
Các loại chi phí trong quý IV/2022 đồng loạt tăng mạnh, gồm chi phí tài chính gấp 3,6 lần cùng kỳ chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá (540 tỷ đồng) và lãi vay (370 tỷ đồng), chi phí bán hàng cũng tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Riêng quý IV/2022, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 2.585 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế cả năm 2022, tổng doanh thu của HVN đạt 70.959 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với cả năm 2021). Tuy nhiên, giá nhiên liệu bay cùng tỷ giá tăng mạnh khiến HVN vẫn lỗ trước thuế 10.091 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 10.369 tỷ đồng, qua đó nâng mức lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2022 lên hơn 34.000 tỷ đồng.
Mặc dù hàng không Việt Nam đã dần hồi phục trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng Vietnam Airlines vẫn đối mặt với khó khăn, các giải pháp mà hãng đưa ra để khôi phục tình hình kinh doanh vẫn chưa khả thi.
Với kết quả lỗ của năm 2022, Vietnam Airlines có 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ, giá trị lũy kế lỗ đến hết năm 2022 là 34.199 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 10.199 tỷ đồng. Nợ phải trả là 70.777 tỷ đồng. Gánh nặng tài chính đang đè nặng lên hãng hàng không quốc gia Việt Nam cùng áp lực thanh khoản lớn khi tiền mặt chỉ có 3.400 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn chỉ còn 12.300 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN đã thuộc diện kiểm soát từ 3/11/2021 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm tại 30/6/2021 là số âm.
Với kết quả kinh doanh 3 năm thua lỗ liên tiếp khả năng cao cổ phiếu HVN sẽ bị huỷ niêm yết theo luật định nếu các chỉ số trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 không đổi.
Ngày 2/2/2023, trên thị trường hiện có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang giao dịch với mức giá 13.250 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa gần 29.150 tỷ đồng.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường