Báo cáo tài chính là gì?
Nhắc đến
thị trường chứng khoán, nhiều người sẽ nghĩ đến ngay những chiến lược kinh doanh hết sức phức tạp, đòi hỏi sự phân tích với kiến thức vững chắc. Để có thể lựa chọn được một đơn vị phát hành cổ phiếu an toàn và đáng tin cậy, nghiên cứu báo cáo tài chính là một công việc rất quan trọng và cần thiết. Vậy báo cáo tài chính chứa đựng những nội dung gì mà lại nhận được sự quan tâm như vậy?
Báo cáo tài chính của một doanh nghiệp là báo cáo chi tiết về những số liệu liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp đó. Bao gồm các danh mục như tài sản, vốn của chủ sở hữu, các khoản nợ đang có, lợi nhuận của công ty qua từng thời kỳ nhất định, sự vận động của dòng tiền,…
Báo cáo này sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được tình trạng hoạt động cũng như tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu. Một công ty có hoạt động tài chính ổn định và vững mạnh thì cổ phiếu trên sàn giao dịch cũng có khả năng sinh lợi nhuận tốt hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp có hoạt động tài chính không ổn định thì cổ phiếu của doanh nghiệp đó cũng không thật sự an toàn.
Một bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ có nhiều văn bản hợp thành. Thông thường những báo cáo này sẽ được doanh nghiệp công bố định kỳ vào mỗi cuối năm hoặc mỗi quý.
Một bộ báo cáo đầy đủ sẽ bao gồm:
Báo cáo của Ban giám đốc công ty;
Báo cáo đánh giá của công ty kiểm toán;
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
Thuyết minh báo cáo tài chính.
Nhà đầu tư cần trang bị cho mình một lượng kiến thức nhất định để có thể đọc một cách cụ thể, đầy đủ và chính xác nội dung báo cáo. Từ đó, có thể đưa ra những đánh giá và kế hoạch phù hợp cho danh mục đầu tư của mình. Đọc và hiểu báo cáo tài chính thực sự là một kỹ năng rất quan trọng và cần thiết đối với nhiều nhà đầu tư.
Hướng dẫn đọc báo cáo tài chính theo thứ tự chi tiết
Báo cáo tài chính là một tập hợp gồm rất nhiều văn bản khác nhau nhưng cùng có ý nghĩa trong việc thể hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi khía cạnh của hoạt động này sẽ được thể hiện tại từng văn bản cụ thể và nhà đầu tư sẽ cần phải đọc lần lượt tất cả các văn bản trong bộ báo cáo tài chính này. Dưới đây là hướng dẫn đọc báo cáo tài chính theo thứ tự chi tiết để bạn có được cách nhìn tổng quan nhất.
Kiểm tra độ tin cậy thông qua đánh giá của Kiểm tra viên
Một trong những văn bản quan trọng trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp chính là bản báo cáo đánh giá của công ty kiểm toán độc lập. Là một đơn vị nghiệp vụ chuyên thẩm định các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, công ty kiểm toán là nơi tập hợp những kiểm tra viên chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề. Họ sẽ đưa ra những đánh giá về tính trung thực của báo cáo tài chính do công ty cung cấp.
Nội dung đánh giá của kiểm toán viên sẽ được thông qua 04 mức độ: chấp nhận toàn phần, ngoại trừ, không chấp nhận hoặc từ chối. Trong đó, việc không chấp nhận hoặc từ chối báo cáo tài chính của kiểm toán viên sẽ thể hiện cho việc doanh nghiệp đó đã không trung thực. Đi kèm theo đánh giá đó sẽ là những lý do, nhận xét về việc vì sao kiểm toán viên lại đưa ra đánh giá như vậy.
Thông qua các mức độ này, bạn có thể đánh giá được mức độ chính xác của những nội dung khác trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà bạn đang quan tâm. Trong kinh doanh, chữ tín cần được đặt lên hàng đầu, nếu doanh nghiệp không trung thực, bạn không nên đầu tư vào doanh nghiệp này thông qua việc mua cổ phiếu do họ phát hành.
Bản báo cáo này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng lại rất nhiều nhà đầu tư mới bỏ qua với suy nghĩ là nó không cần thiết. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều bạn trẻ đã thất bại liên tiếp tại sàn giao dịch chứng khoán ở giai đoạn ban đầu. Đây là văn bản đầu tiên cần phải đọc trong các bước hướng dẫn đọc báo cáo tài chính đối với một nhà đầu tư chứng khoán.
Đọc hiểu báo cáo tài chính
Đọc hiểu Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp
Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp thể hiện tỷ lệ giữa hoạt động thu – chi của doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định. Những số liệu thể hiện trong bảng này sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách chắc chắn nhất. Tuy nhiên, để đọc hiểu được bảng cân đối kế toán, bạn cần phải lưu ý rất nhiều nội dung, đặc biệt là về tài sản, vốn và các khoản nợ.
Là một nhà đầu tư chứng khoán thông thái, bạn cần xác định và tách biệt rõ ràng phần tài sản và phần vốn trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp. Phần tài sản của doanh nghiệp sẽ bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Trong khi đó, phần vốn sẽ được cấu tạo từ vốn của chủ sở hữu góp vào doanh nghiệp và các khoản nợ doanh nghiệp cần phải thanh toán.
Bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp phải tuân theo quy tắc tổng vốn bằng tổng tài sản. Ngoài ra, nếu sự chênh lệch giữa hai yếu tố này không vượt quá mức 10%, công ty đó vẫn là một đối tượng đầu tư rất tiềm năng.
Thông qua nội dung bảng cân đối kế toán, bạn có thể nhận định được về khả năng biến động của các nguồn thu và chi, bản chất của sự biến động này là gì,…
Đối với những nhà đầu tư mới, việc đọc hiểu toàn bộ bảng cân đối tài chính này của doanh nghiệp là điều cực kỳ khó khăn. Bạn có thể lựa chọn những điểm trọng yếu, điển hình là tính tỷ lệ đối trọng giữa tài sản ngắn hạn với các khoản nợ ngắn hạn để có thể có được cái nhìn khái quát nhất về tình hình kinh doanh.
Đọc hiểu Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Báo cáo này sẽ thường được thực hiện theo hằng quý hoặc hằng năm tùy theo từng doanh nghiệp cụ thể. Đọc hiểu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư sẽ nắm được thông tin về:
Doanh thu: là thu nhập được tạo nên từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ. Số liệu này thể hiện doanh thu thuần trong việc bán hàng hóa, dịch vụ và doanh thu trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Các thu nhập phát sinh khác: thanh lý tài sản, thu tiền phạt từ việc vi phạm hợp đồng của đối tác, nhượng bán tài sản cố định,…
Chi phí phát sinh thêm trong kỳ: số liệu này thể hiện khoản chi của công ty cũng như các khoản khấu trừ và nợ phát sinh. Cụ thể chi phí được chia ra thành hai loại cụ thể là chi phí kinh doanh sản xuất và chi phí khác.
Lợi nhuận trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bằng hiệu của doanh thu và chi phí của doanh nghiệp.
Thông thường, ở mỗi doanh nghiệp, báo cáo kinh doanh sẽ được chia thành 03 phần nhỏ là hoạt động kinh doanh chính, hoạt động tài chính và hoạt động khác. Phần lợi nhuận trước thuế sẽ tập trung chủ yếu từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, được tính bằng cách lấy doanh thu trừ đi chi phí. Sau đó để có được lợi nhuận sau thuế ta chỉ cần lấy lợi nhuận trước thuế trừ đi số thuế từ thu nhập của doanh nghiệp. Và đây cũng là phần mà những nhà đầu tư cần hết sức quan tâm khi đọc báo cáo kinh doanh.
Tùy vào từng thời kỳ nhất định, lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được sẽ có sự thay đổi khác nhau. Con số này chính là biểu hiện cho sự phát triển của công ty trong khoảng thời gian đó, đồng thời cũng có thể là căn cứ dự đoán cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Lợi nhuận càng cao, càng chứng tỏ được sự vững bền của doanh nghiệp, và cổ phiếu của họ có khả năng sinh lợi nhuận rất tốt.
Đọc hiểu Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ gồm ba dòng tiền chính:
Dòng tiền đến từ các hoạt động kinh doanh: dòng tiền này không phải đến từ vay nợ hay từ vốn huy động mà thực chất có được từ kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, đây là dòng tiền phát sinh do các hoạt động thanh toán người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, nộp thuế,…
Dòng tiền đến từ hoạt động đầu tư: có thể kể đến một số khoản như đầu tư tài sản cố định và tài sản dài hạn, thanh lý hoặc mua sắm trong doanh nghiệp.
Dòng tiền đến từ các hoạt động tài chính: nói một cách đơn giản đây là dòng tiền biến động thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, góp vốn mới hay chi trả cổ tức, vay nợ hay chi trả nợ gốc,… tuỳ vào từng khoản mà dòng tiền tăng giảm vốn chủ sở hữu khác nhau.
Dữ liệu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể âm hoặc dương tuỳ vào tình hình thu chi của dòng tiền trong doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chi trả cổ tức đều đặn và dài hạn chứng tỏ doanh nghiệp đó làm ăn có lợi nhuận và đang trên đà phát triển. Ngoài ra, đối với một số doanh nghiệp khi không chi trả cổ tức không hoàn toàn có nghĩa là doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ mà có thể doanh nghiệp đang trong thời gian tăng cường vốn để tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai.
Đọc hiểu Thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Ở bước cuối cùng của việc hướng dẫn đọc báo cáo tài chính, bạn sẽ được tìm hiểu về thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Đối với phần thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ bao gồm một số nội dung sau: đơn vị tiền tệ được sử dụng trong báo cáo, chế độ kế toán được áp dụng trong báo cáo, chuẩn mực kế toán, chính sách kế toán, kỳ kế toán, nêu ra đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp và một số thông tin trọng yếu khác,…
Nếu khi đọc những báo cáo trước đó bạn có thấy những danh mục cần lưu ý thì trong thuyết minh báo cáo tài chính bạn sẽ nhận được những lý do giải thích cho các thay đổi đã nêu trên. Bao gồm những trình bày chi tiết về từng khoản mục tăng giảm trong kỳ được diễn giải bằng công thức và lời văn cụ thể để làm rõ cho người đọc báo cáo.
Các lưu ý trước khi đọc hiểu báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là một trong những nội dung rất quan trọng được các doanh nghiệp có phát hành cổ phiếu thực hiện theo định kỳ và công khai trên website của mình. Là một nhà đầu tư chứng khoán thông minh, chắc hẳn bạn không thể bỏ qua việc đọc hiểu một văn bản chứa đựng rất nhiều thông tin này. Bên cạnh tìm hiểu những hướng dẫn đọc báo cáo tài chính, bạn cũng cần lưu ý thêm một số yếu tố trước khi đọc hiểu báo cáo. Cụ thể:
Bạn cần xác định được đâu là những nội dung trọng tâm mà khi đầu tư chứng khoán, bạn cần quan tâm để xác định được việc đầu tư đó có khả năng sinh lời hay không. Điển hình như hệ số nợ của công ty qua các năm, doanh thu của công ty qua từng giai đoạn tăng hay giảm,…
Bạn không nên chỉ đọc duy nhất báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp. Điều này sẽ không giúp bạn có được những đánh giá khách quan nhất về khả năng phát triển của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh sẽ thể hiện đúng nhất sau một khoảng thời gian từ 3 – 5 năm, và nhà đầu tư sẽ nên tham khảo, đánh giá tất các báo cáo tài chính trong thời gian này để có cái nhìn tổng quan nhất.
Bạn nên tham khảo và có sự đánh giá báo cáo tài chính giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong cùng một lĩnh vực bạn muốn đầu tư cổ phiếu. Điều này cũng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định chính xác nhất vì doanh nghiệp có khả năng sinh lợi sẽ đảm bảo sự an toàn hơn cho bạn tại thị trường đầy rủi ro này.
Nguồn: Happy, sưu tầm.