fbpx

Khi không hiểu thấu đáo kinh tế học – lòng nhiệt tình sẽ trở thành phá hoại

Nếu chúng ta có ý định tốt, nhưng lại không hiểu cách nền kinh tế vận hành hay những kiến thức cơ bản thuộc về kinh tế học, ý định tốt đó có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Khi không hiểu thấu đáo kinh tế học - lòng nhiệt tình sẽ trở thành phá hoại

Lầm tưởng về kinh tế học cho đến vai trò thật sự của nó

Một trong số những quan niệm sai lầm về kinh tế học là cho rằng kinh tế sẽ cho bạn biết cách kiếm tiền, điều hành doanh nghiệp, hoặc dự đoán sự thăng trầm của thị trường chứng khoán. Nhưng thực ra kinh tế học không phải là tài chính cá nhân hay quản trị kinh doanh, và việc dự đoán những thay đổi của thị trường chứng khoán vẫn chưa có một công thức chính xác nào.

Ví dụ, khi các nhà kinh tế phân tích giá cả, tiền lương, lợi nhuận hoặc cán cân thương mại quốc tế, họ sẽ phân tích chúng dưới quan điểm xem xét các quyết định kinh tế khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm, để làm tăng hoặc giảm tiêu chuẩn sống của toàn thể mọi người trong xã hội.

Kinh tế học là một nghiên cứu nguyên nhân và kết quả có hệ thống để tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn làm những việc cụ thể theo những cách nhất định.

Một trong những cách để hiểu được hệ quả của các quyết định kinh tế là xem xét chúng dưới góc độ những sự thúc đẩy mà chúng tạo ra, thay vì chỉ đơn giản là những mục tiêu chúng đang hướng đến. Điều này có nghĩa là chúng ta cần coi hệ quả quan trọng hơn ý định – và hệ quả ở đây không chỉ là hệ quả trước mắt, mà còn là những hệ quả lâu dài.

Lòng nhiệt tình cộng với thiếu hiểu biết sẽ thành ra phá hoại

Nếu chúng ta có ý định tốt, nhưng lại không hiểu về cách nền kinh tế vận hành, ý định tốt đó có thể dẫn đến những hệ quả không tốt, thậm chí gây hại cho cả một quốc gia. Hầu hết các thảm họa kinh tế đều là kết quả đến từ các chính sách với ý định ban đầu là mang lại lợi ích cho xã hội, thường thì chúng ta hoàn toàn có thể tránh khỏi những thảm họa kinh tế này nếu những người khởi xướng và ủng hộ các chính sách đó hiểu rõ về kinh tế học.

Cũng như những ngành khoa học khác, mặc dù trong kinh tế học vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng điều này không có nghĩa rằng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế học chỉ là một quan điểm cá nhân.

Chẳng hạn, chúng ta không thể coi những phân tích vật lý của Einstein chỉ là quan điểm của cá nhân Einstein được, thế giới đã hiểu rõ điều này thông qua sự kiện ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Có thể các phản ứng kinh tế không lập tức thu hút sự chú ý hoặc mang tính bi thảm như sự kiện ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới vào những năm 1930 đã đẩy hàng triệu người, ngay cả ở những nước giàu nhất, vào cảnh nghèo đói, nó tạo ra nạn suy dinh dưỡng ở những nước dư thừa lương thực, có lẽ khiến nhiều người tử vong trên toàn thế giới hơn so với sự kiện ở Hiroshima và Nagasaki.

Khi không hiểu thấu đáo kinh tế học - lòng nhiệt tình sẽ trở thành phá hoại

Ngược lại, khi Ấn Độ và Trung Quốc – hai trong số các quốc gia nghèo nhất lịch sử thế giới – bắt đầu thực hiện những thay đổi chính sách kinh tế cơ bản, nền kinh tế của họ bắt đầu tăng trưởng ngoạn mục. Người ta ước tính rằng chỉ trong vòng một thập kỷ, có khoảng 20 triệu người ở Ấn Độ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Ở Trung Quốc, số người sống với số tiền bằng hoặc ít hơn một đô la/ngày đã giảm từ 374 triệu người – chiếm 1/3 dân số Trung Quốc vào năm 1990 – xuống còn 128 triệu người vào năm 2004 (chỉ khoảng 10% dân số đang gia tăng). Nói cách khác, giờ đây gần 1/4 tỷ người Trung Quốc đã sống khá giả hơn nhờ thay đổi chính sách kinh tế.

Hiểu kinh tế học giúp được gì ngoài chủ đề giúp bày tỏ quan điểm hay giải tỏa cảm xúc?

Những kết quả trên chính là thứ khiến việc nghiên cứu kinh tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết – và chúng cũng chứng minh được rằng nghiên cứu kinh tế không chỉ là vấn đề quan điểm hay cảm xúc. Kinh tế học là một công cụ phân tích nguyên nhân-kết quả, là một khối kiến thức đã được kiểm nghiệm – và là các nguyên tắc rút ra từ kiến thức đó.

Để đưa ra quyết định kinh tế, thậm chí chúng ta có thể chẳng cần cân nhắc đến yếu tố tiền bạc. Khi một đội quân y đến chiến trường, nơi binh lính đang phải chịu đựng nhiều vết thương khác nhau, họ sẽ phải đối mặt với vấn đề kinh tế kinh điển là phân bổ các nguồn lực khan hiếm – thứ có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chiến trường gần như sẽ chẳng bao giờ có đủ bác sĩ, y tá hoặc nhân viên y tế để có mặt ở khắp nơi, và thuốc sẽ luôn trong tình trạng thiếu thốn. Một số người bị thương gần tử vong có cơ hội sống sót rất thấp, trong khi một số khác sẽ có thể sống nếu như họ được cứu chữa kịp thời, còn một số khác có thể chỉ bị thương nhẹ và sẽ hồi phục dù họ có được cứu chữa ngay hay không.

Khi không hiểu thấu đáo kinh tế học - lòng nhiệt tình sẽ trở thành phá hoại
Phân bổ hiệu quả thời gian và thuốc men của đội ngũ y tế nơi chiến trường cũng là một vấn đề kinh tế

Nếu đội ngũ y tế không phân bổ hiệu quả thời gian và thuốc men, họ sẽ có khả năng dành thời gian cho những người không cần được chăm sóc khẩn cấp, hoặc những người bị thương quá nghiêm trọng với cơ hội sống sót rất thấp dù được cứu chữa tận tình, hậu quả là một số binh sĩ bị thương sẽ tử vong vì không được cứu chữa kịp thời. Đó là một vấn đề kinh tế, mặc dù như bạn đã thấy, chẳng có yếu tố tiền bạc nào ở đây cả.

Đa số mọi người không thích đưa ra những lựa chọn như vậy, thậm chí chỉ nghĩ thôi cũng không muốn. Thật vậy, một số người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu đã cảm thấy đau khổ khi họ phải đưa ra những lựa chọn và đánh đổi khó khăn với bản thân. Nhưng cuộc sống không hỏi chúng ta muốn gì. Nó chỉ đơn giản là đưa các lựa chọn ra trước mặt chúng ta. Kinh tế học là một trong những cách giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt nhất trong số những lựa chọn đó.

Nguồn: Happy Live Team, tổng hợp từ “Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư”

Có thể bạn quan tâm: Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư

Basic Economics

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề