fbpx

Không nghĩ đến chuyện tiết kiệm cho tuổi hưu, ta sống như thể mình không già

Gần 90% người cho biết không dành dụm gì cho các khoản chi phí tương lai. Họ sống như thể họ sẽ không già! Chỉ 1/4 người trên toàn cầu là biết tiết kiệm cho tuổi hưu. Và gần một nửa số người đang sống “ngày qua ngày”. Đó là kết quả từ báo cáo mới nhất của HSBC.

Sống quên ngày mai

Theo báo cáo “Lấp đầy khoảng cách” của HSBC, gần 90% người cho biết, họ không dành dụm gì cho các khoản chi phí trong tương lai như nhà dưỡng lão, chăm sóc y tế. Đa số làm ngày nào biết ngày đó. Điều này càng rõ nét ở Việt Nam. Trong một khảo sát nghiên cứu cách đây 2 năm, tác giả Trần Thị Minh Thi, thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đã chỉ ra, gần 50% người cao tuổi ở Việt Nam sống dựa hoàn toàn vào con cái. Chỉ 29% người cao tuổi, ở các tầng lớp xã hội cao hơn mới sống chủ yếu bằng lương hưu, theo Liên hiệp Quốc (UN). Tuy nhiên, số liệu của Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội cho hay, lương hưu bình quân ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Điều đó lý giải vì sao, khoảng 40% người trong độ tuổi 70-74 vẫn làm việc dưới một hình thức nào đó, theo UN. Khoảng 3/4 trong số này đang làm trong những ngành không chính thống như buôn bán ngoài chợ, tài xế taxi, thu nhặt rác, bán hàng rong. Tất cả đều là công việc tay chân có thu nhập thấp, khiến người già ở Việt Nam ít được thanh nhàn.

Có phải vì người Việt Nam không biết lo xa? Thực tế không phải. 70% người Việt được khảo sát cho biết họ dùng tiền nhàn rỗi vào mục đích tiết kiệm, xếp thứ 2 toàn cầu, theo báo cáo mới nhất Nielsen. Tuy nhiên, Nielsen cũng nhận xét người Việt sẵn lòng chi tiêu. Sau khi chi trả các chi phí sinh hoạt thiết yếu, gần một nửa số người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho du lịch, quần áo và các sản phẩm công nghệ mới. Nhiều người Việt muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình, nâng cấp, trang trí nhà cửa. HSBC đánh giá, đây là những chi tiêu cho nhu cầu tức thời của bản thân hơn là lập kế hoạch nghỉ hưu.

Người Việt khó tích lũy cho tuổi già còn vì bối rối trong hoạch định tài chính. Họ không biết đến tuổi hưu thì cần đến các chi phí nào, phải trả bao nhiêu cho chi phí ấy. Một khảo sát của MasterCard còn kết luận: Người Việt rất hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản. Trong đó, phụ nữ, vốn được giao nhiệm vụ “tay hòm chìa khóa”, lại càng không tự tin. Theo báo cáo HSBC, chỉ khoảng 27% phụ nữ được hỏi là khẳng định có kiến thức tài chính cao hơn bạn đời.

Với những khoảng trống đó, người ta vẫn sống như thể sẽ không bao giờ già. Nhưng theo đánh giá của World Bank, Việt Nam hiện tại có thể là quốc gia đang già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam đã có khoảng 1 triệu người nghỉ hưu. Dự kiến đến năm 2035, con số này sẽ là 1,3 triệu người về hưu. Vì thế, Việt Nam dự tính tăng tuổi hưu để giảm áp lực trả lương hưu.

Về phía người dân, 95% số người Việt khi được hỏi đều đang lo không đủ tiền sinh sống khi về hưu, theo số liệu từ Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu. Nhất là khi hầu hết người cao tuổi đều bệnh, trung bình mắc 2,69 bệnh. Theo Bộ Y tế, chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ và họ sử dụng 50% tổng lượng thuốc.  Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một kế hoạch cho tuổi già.

Lo xa để khỏi buồn gần

Nếu có chuẩn bị kế hoạch hưu trí từ trước, theo ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản HSBC, “nghỉ hưu có thể là một khoảng thời gian dài giúp mọi người an hưởng cuộc sống”. Ở giai đoạn đó, con người có thể tận dụng cơ hội để theo đuổi đam mê, tham gia những cuộc phiêu lưu mới.

Nhưng để lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và tiết kiệm cho hưu trí, con người  có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn hoặc các công cụ trực tuyến. Hiện website của nhiều công ty bảo hiểm đều có lập chuyên mục này để mỗi người ước lượng được số tiền và thời gian cần dành dụm cho kế hoạch hưu trí. Nên kiểm tra, xem xét những khoản phúc lợi mình có thể nhận trong tương lai để biết chính xác số tiền được hưởng khi về hưu.

Trong bài toán dành dụm, theo triệu phú tự thân Tony Robbins, bước đầu tiên là xác định số tiền cần chi tiêu trong tương lai. Sau đó xác định mục tiêu tài chính, theo dõi chi tiêu từng khoản, chống lại sự cám dỗ của mua sắm, kiếm tiền từ nhiều nguồn hơn… Từ đây, theo USNews, bạn có thể dành 10% thu nhập cho nghỉ hưu. Nhưng nếu tỉ lệ này hơi quá sức, có thể bắt đầu trích 2-3% thu nhập, sau đó từ từ nâng tỉ lệ đó lên. Để đảm bảo tuân thủ kỷ luật, Robbins cho rằng, mỗi người cần tự động chuyển tiền tiết kiệm.

Cho dù công việc biến động, thu nhập không ổn định, theo USNews, lựa chọn tài khoản Roth IRA, IRA vợ chồng sẽ phù hợp. Đây là một dạng quỹ hưu trí cá nhân, cộng thêm lợi ích của miễn giảm thuế. Vì quyền lợi này, chính phủ các nước thường đưa điều kiện tham gia (căn cứ mức lương) và hạn chế số tiền đóng góp mỗi năm. Ở Mỹ, những người dưới 50 tuổi chỉ được đóng vào 5.500 USD/năm, trên 50 tuổi là 6.500 USD/năm.

Thông thường, tiền từ các quỹ IRA/Roth IRA được dùng cho đầu tư vào cổ phần, trái phiếu, quỹ tín thác và các tài sản khác. Cuối cùng, tiền và tiền lời sẽ được lấy ra khi bạn về già.

Cũng có thể đầu tư vào  các quỹ chỉ số và một số loại chứng khoán phản ánh thị trường, nhưng lợi nhuận cao, rủi ro cao. Vì thế, nếu mong muốn tiền được an toàn, gửi tiết kiệm là một cách. Càng tiết kiệm sớm và biết tận dụng chế độ hỗ trợ đóng góp cho nhân viên từ công ty, thì mỗi người sẽ dễ đạt mục tiêu.

Ở Việt Nam, mặc dù đã có đề án và dự kiến đến năm 2020 sẽ hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện với doanh số tích lũy khoảng 10.000-12.000 tỉ đồng, nhưng vì nhiều vương mắc, mô hình này vẫn chưa thể thành lập. Dù vậy, 25% người được khảo sát đều hy vọng, khi về hưu, họ sẽ có thu nhập từ các sản phẩm bảo hiểm, niên kim, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ.

Nguồn: Nhipcaudautu

 

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư tài chính happy.live

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề