fbpx

Kiên định mục tiêu: Kiểm soát lạm phát – ổn định kinh tế vĩ mô

Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 1

Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 2

Thưa ông, nhìn lại năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều sức ép từ tỷ giá, lãi suất, thanh khoản… Theo ông, cách mà Ngân hàng Nhà nước đi qua những thách thức đó là gì?

 Với bối cảnh như đã nói ở trên, trong 8 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo đó, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 2 lần các mức lãi suất điều hành (đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

 Nhờ chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, kịp thời điều chỉnh chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Đến nay, tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 3,81% so với cuối năm 2021, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới. Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, trong khi có đến 80 quốc gia trên thế giới ghi nhận mức lạm phát trên 2 con số, thì lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt: lạm phát bình quân là 3,02%, lạm phát cơ bản bình quân là 2,38%, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Kết quả này cũng là cơ sở để các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam.

Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 3

Thưa ông, đâu sẽ là điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2023?

Như đã nói, nền tảng vĩ mô năm 2022 vẫn được giữ vững và có nhiều điểm sáng. Đây sẽ là khởi đầu rất thuận lợi cho việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2023. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ vẫn còn các áp lực, khó khăn cần phải vượt qua. Trong đó, Fed tiếp tục giữ quan điểm tăng lãi suất trong năm 2023 và dự kiến đến cuối năm 2024 mới bắt đầu giảm lãi suất. Như vậy, mặt bằng lạm phát cao và lãi suất cao vẫn duy tri trong năm 2023. Điều này khiến xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thị trường toàn cầu tiếp tục diễn ra.

Còn trong nước, lạm phát cơ bản tiếp tục trạng thái tăng nhanh. Chúng tôi dự báo lạm phát cơ bản của Việt Nam năm 2022 là trên 5,2%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, thể hiện sức ép lạm phát rất lớn cho năm 2023. Ngoài ra, quy mô nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng lại có độ mở rất lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 hơn 730 tỷ USD. Với độ mở lớn như thế, áp lực từ nhập khẩu lạm phát và tỷ giá trong năm 2023 sẽ còn rất cao.

Đặc biệt, Việt Nam luôn được các tổ chức kinh tế quốc tế cảnh báo về mức rủi ro an toàn hoạt động thông qua chỉ tiêu của Bộ Tài chính về tổng dư nợ tín dụng/GDP. Nếu tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng tín dụng trên 12%, tức gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP thì sẽ tác động rất lớn tới rủi ro an toàn hệ thống, nhất là khi năng lực tài chính của ngân hàng nước ta còn hạn chế.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước luôn hỗ trợ và cung ứng vốn đầy đủ cho nền kinh tế nhưng không hề chủ quan, phải luôn lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tăng trưởng tín dụng.

Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 4

Gói hỗ trợ lãi suất 2% mặc dù được kỳ vọng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch nhưng tốc độ triển khai chậm, đâu là nguyên nhân gây tắc nghẽn và Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để đẩy nhanh tốc độ, thưa ông?

Quả thực, đây cũng là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần giải quyết trong năm 2023. Qua khảo sát cũng như báo cáo từ các ngân hàng thương mại và địa phương cho thấy, vướng mắc lớn nhất đó là tâm lý e ngại của  khách hàng.

Thêm vào đó, theo quy định, khách hàng muốn tiếp cận gói tín dụng phải có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Thế nhưng các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng thương mại thấy rằng, mặc dù có khả năng trả nợ, song không thể khẳng định có khả năng phục hồi hay không, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có sự biến động rất lớn như hiện nay.

Ngoài ra, cũng còn một số khó khăn khác khiến việc giải ngân gặp khó như nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh không đăng ký kinh doanh nên không đủ điều kiện, một số khách hàng lại muốn vay bằng ngoại tệ…

Hiện tại, có một vài kiến nghị rằng nên mở rộng đối tượng thụ hưởng. Ngân hàng Nhà nước đang cho các phòng ban chức năng nghiên cứu. Trong trường hợp khả thi, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xem xét sửa đổi.

Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 5

Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước sẽ có định hướng điều hành như thế nào trong năm 2023?

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số nhóm nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba, triển khai quyết liệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng…

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng…

Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 6

Hà An

Vneconomy

Có thể bạn quan tâm: Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề