fbpx

Kinh tế Mỹ dần cảm nhận được tác động từ việc Fed nâng lãi suất

Nền kinh tế Mỹ rốt cuộc đã nhận được thông điệp kỷ nguyên tiền rẻ đang dần kết thúc. Các tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đang dần được cảm nhận tại nhiều bộ phận của nền kinh tế, từ hoạt động mua bán bất động sản cho tới các khoản vay mua ô tô.

Đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất và thị trường đã có những phản ứng mạnh mẽ.

Ảnh hưởng đến toàn thị trường

Trong suốt 15 năm qua, các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ chỉ phải trả mức chi phí đi vay cực kỳ thấp. Người dân Mỹ có thể mua ô tô, nhà và các thiết bị nhờ việc tận dụng mức lãi suất thấp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng sinh lời tốt, có nhiều khả năng tiếp cận thị trường tín dụng.

Đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất và thị trường đã có những phản ứng mạnh mẽ.

Dấu hiệu đầu tiên là lãi suất thế chấp. Hồi đầu năm 2022, lãi suất trung bình của một khoản vay thế chấp kỳ hạn 30 năm dao động ở trên ngưỡng 3%. Giờ đây, theo Freddi Mac, con số này là 4,72%, mức cao nhất kể từ tháng 12-2018. Điều đó dẫn đến chi phí đi vay cao hơn nhiều đối với những người Mỹ muốn mua nhà – và đó mới chỉ là bước khởi đầu.

Hồi tháng 12, nhà đầu tư đã đặt cược rằng lạm phát tại Mỹ sẽ dần ổn định và Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản lên khoảng 0,75 điểm phần trăm trong năm nay với tổng cộng ba lần nâng lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm. Giờ đây, mọi thứ đã trở nên quyết liệt hơn, khi nhà đầu tư dự đoán lãi suất sẽ tăng lên mức cao nhất là 2,5% vào cuối năm nay và 3% trong năm tiếp theo – mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Điều này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt trong những tuần gần đây. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phần lớn phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với lãi suất ngắn hạn được điều chỉnh bởi Fed. Khi Fed nâng lãi suất hoặc báo hiệu về động thái đó, lợi suất trái phiếu cũng tăng. Đó là những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế khi chi phí đi vay cao hơn, gây sức ép lên cả các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Hãy nhìn vào trường hợp của Home Depot, tháng trước vừa bán một lô trái phiếu đáo hạn trong 10 năm với lãi suất 3,25%, trị giá 1,25 tỉ đô la. Trong khi chỉ sáu tháng trước đó, nhà bán lẻ này đã bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm chỉ với lãi suất 1,875%.

Những nỗ lực trước đây của Fed nhằm nâng lãi suất kể từ sau khủng hoảng tài chính đều khiến thị trường hoảng loạn. Hồi năm 2013, Chủ tịch Fed khi đó là ông Ben Bernake cho biết sẽ giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu để giữ mức lãi suất thấp và gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu. Năm 2018, Fed nâng lãi suất tổng cộng 4 lần, khiến thị trường chứng khoán Mỹ theo đó giảm 6% và Fed phải bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm sau đó.

Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate.com, cho biết: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại là một rủi ro, nhưng đó là điều mà Fed phải chấp nhận. Lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm, và nay đã đến thời điểm ngân hàng trung ương cần phải gắt gao hơn”.

Người mua nhà gặp khó vì lãi suất cao

Hiện tại, không đối tượng nào nhận thấy rõ ảnh hưởng của lãi suất cao tới chi phí đi vay như người mua nhà ở Mỹ.

Khi Jennifer Osorio bắt đầu lên kế hoạch mua một ngôi nhà ở Houston vào đầu năm nay, cô nghĩ rằng mình sẽ phải trả lãi suất thế chấp là 3,5%. Tuy nhiên, hồi tháng trước, khi cô sẵn sàng đưa ra đề nghị mua nhà, mức lãi suất thấp nhất cô nhận được là 4,99%.

Trước khi lãi suất tăng, cô đã cân nhắc mua những ngôi nhà với giá lên tới 230.000 đô la, còn hiện tại mức giá phù hợp là hơn 180.000 đô la.

Nhìn chung, bối cảnh hiện tại được tạo ra có chủ đích. Fed nâng lãi suất để kiềm chế hoạt động vay nợ và do đó khiến nền kinh tế giảm tốc để kiểm soát lạm phát.

Công cụ chính của Fed để chống lại lạm phát là lãi suất. Ngân hàng trung ương tạo ra một mức sàn cho chi phí đi vay trong nền kinh tế bằng cách đặt mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang – mức mà các ngân hàng trả cho nhau để vay qua đêm. Fed cũng nắm giữ trái phiếu và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp; và tốc độ mua bán chúng cũng có thể ảnh hưởng đến lãi suất trong cả nền kinh tế.

Khi Fed cố gắng hạ nhiệt một nền kinh tế phát triển quá nóng như hiện tại, Fed tăng lãi suất cho vay, giảm tỷ lệ sở hữu trái phiếu và phát đi tín hiệu rằng sẽ làm những điều tương tự trong tương lai. Các động thái này có tác động đặc biệt rõ ràng đến lãi suất thế chấp.

Lãi suất thế chấp 30 năm được đưa ra “neo” với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm – vốn đang tăng cao do thị trường dự đoán lãi suất sẽ tăng trong tương lai. Hơn nữa, quyết định của Fed về việc giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu thế chấp sẽ khiến các nhà phát hành trái phiếu phải đưa ra mức lợi suất cao hơn để thu hút nhà đầu tư.

Lãi suất tăng sẽ khiến các khoản thanh toán thế chấp hàng tháng – vốn đã ở mức cao nhất kể từ tháng 11-2008, nay còn khó chi trả hơn. Theo Fed chi nhánh Atlanta, một hộ gia đình Mỹ trung bình cần 34,2% tổng thu nhập để thanh toán các khoản thanh toán vay thế chấp cho một ngôi nhà có mức giá trung bình vào tháng 1. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 29% của một năm trước đó.

Lãi suất cao cũng ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua. George Ratiu, nhà kinh tế cấp cao và điều hành bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Realtor.com cho biết: “Tiền lương đang không theo kịp tốc độ tăng gấp đôi của các loại chi phí và lãi suất vay thế chấp”.

Cũng theo ông Ratiu, “vấn đề mấu chốt là lãi suất vay thế chấp sẽ vượt qua mức 5% – mức cao chưa từng có kể từ tháng 2-2011, khi một ngôi nhà điển hình ở Mỹ có giá chỉ 166.000 đô la – chưa bằng một nửa mức giá thông thường hiện nay”. Rõ ràng, việc lãi suất vay thế chấp tăng mạnh sẽ là một bước ngoặt lớn đối với thị trường bất động sản Mỹ, đẩy nhiều người mua tiềm năng ra khỏi thị trường và làm giảm đáng kể nhu cầu.

Có những dấu hiệu cho thấy hiện tượng này đã bắt đầu xảy ra. Các số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp cho thấy số đơn đăng ký vay thế chấp trong tuần cuối cùng của tháng 3 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc lãi suất vay thế chấp kỳ hạn 30 năm dao động quanh mức 3,18%, số đơn xin tái cấp vốn cũng giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tác động của lãi suất cao tùy thuộc vào loại khoản vay

Lãi suất đối với một số khoản nợ, chẳng hạn như số dư thẻ tín dụng và khoản vay mà các công ty cổ phần tư nhân sử dụng để thực hiện các thương vụ thâu tóm sáp nhập (M&A) vẫn chưa tăng nhiều. Fed chỉ nâng lãi suất đối với các khoản vay này trong năm nay từ 0,25% lên 0,5%.

Nhiều khoản vay thế chấp, như vay để mua ô tô và trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Lãi suất trung bình đối với khoản vay mua ô tô mới kỳ hạn 5 năm đạt 4,21% vào đầu tháng 4, cao hơn mức 3,86% hồi đầu năm.

Lợi suất trung bình của trái phiếu doanh nghiệp loại đầu tư – thước đo chi phí đi vay mới của các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh, hiện ở mức 3,8% – tăng đáng kể so với mức 2,3% hồi đầu năm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu các doanh nghiệp được xếp hạng thấp hơn đã tăng từ 4,2% lên 6,3%. Mức lợi suất này đã dẫn đến việc hoạt động vay nợ của các công ty có xếp hạng thấp hơn sụt giảm mạnh.

Theo hãng nghiên cứu và cung cấp thông tin Leveraged Commentary & Data, trong ba tháng đầu năm nay các doanh nghiệp Mỹ đã phát hành 157 tỉ đô la trái phiếu và các khoản vay nằm ngoài điểm đầu tư. Con số này giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất tính theo quí kể từ cuối năm 2019.

Hiện tại, lãi suất đối với các khoản nợ doanh nghiệp được xếp hạng thấp vẫn còn khá thấp so với thời gian trước đây. Dựa vào mức lãi suất thấp mà nhà đầu tư chấp nhận khi nắm giữ trái phiếu kho bạc, họ dường như không lo ngại về việc các doanh nghiệp đang gặp rủi ro về khả năng tiếp cận nguồn vốn.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi. Theo các chiến lược gia của Bank of America, nếu tốc độ phát hành trái phiếu không tăng vào giữa tháng 5, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu cảm thấy lo ngại hơn về việc các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt.

Trong khi những người dân và doanh nghiệp muốn vay các khoản vay mới cảm nhận được rõ ràng nhất tác động từ việc tăng lãi suất, những người đã vay vốn trước đó cũng có thể trở nên dễ bị tổn thương nếu lãi suất của họ được thả nổi – tăng và giảm theo lãi suất ngắn hạn hoặc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Nợ thẻ tín dụng được “neo” với lãi suất cơ bản. Lãi suất phần trăm hàng năm (APR) mà người đi vay thường phải trả trên số dư bao gồm lãi suất cơ bản cùng một khoản tiền ký quỹ mà tổ chức cho vay thu thêm. APR của thẻ tín dụng ở Mỹ đạt mức trung bình là 16,4% vào ngày 6-4, tăng nhẹ so với mức 16,3% hôm 5-1.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người dùng thẻ tín dụng sẽ không bị ảnh hưởng khi lãi suất cơ bản cao hơn. Brian Riley, Giám đốc dịch vụ tư vấn tín dụng tại công ty tư vấn nghiên cứu lĩnh vực thanh toán Mercator Advisory Group, cho biết lãi suất và giá tiêu dùng có thể sẽ tăng song song, ít nhất là trong thời gian ngắn.

Theo Riley, người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn để bù đắp cho tác động của lạm phát và lãi suất cơ bản cao hơn. Song, điều này có thể khiến các nhà cho vay thắt chặt điều kiện tín dụng. Ông nói: “Các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn nhiều. Họ sẽ không cho vay một cách mù quáng để bị cuốn vào cơn bão”.

Nguồn: vietstock

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề