Lạm phát lắng dịu, Fed có thể tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 2
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 12/2022, đúng như kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Theo báo cáo ngày 12/1 của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát khép lại năm 2022 với mức giảm khiêm tốn. Cụ thể, chỉ số CPI giảm 0,1% trong tháng 12, đúng với dự đoán của Dow Jones. Đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2020 do nhiều nơi ở Mỹ phải phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19.
Tính cả mức giảm tháng 12, lạm phát toàn phần của Mỹ năm 2022 vẫn tăng 6,5% so với năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021.
Nếu không tính các mặt hàng có giá cả biến động mạnh như lương thực và năng lượng, chỉ số CPI lõi của Mỹ chỉ nhích 0,3% trong tháng 12, nhưng tăng tới 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xăng giảm mạnh là nguyên nhân kéo giảm chỉ số CPI tháng 12 của Mỹ. Giá xăng bơm tại cửa hàng đã lao dốc 9,4% trong tháng 12 và giảm 1,5% so với một năm trước sau khi vượt mốc 5 USD/gallon vào giữa năm 2022.
Giá thực phẩm tại Mỹ tăng 0,3% trong tháng 12, trong khi mức phí sinh hoạt tăng tới 0,8% trong tháng và tăng 7,5% so với một năm trước. Mức phí sinh hoạt chiếm khoảng 1/3 tổng chỉ số CPI.
Giá xe đã qua sử dụng cũng là một tác nhân quan trọng gây ra lạm phát ở Mỹ. Tuy nhiên, giá ô tô đã qua sử dụng giảm 2,5% trong tháng 12 và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, giá dịch vụ chăm sóc y tế tăng 0,1% trong tháng 12, sau khi sụt giảm trong hai tháng liên tiếp. Giá cả các mặt hàng may mặc tăng 0,5% và dịch vụ vận tải tăng 0,2% trong tháng 12 nhưng vẫn tăng hơn 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vé máy bay tại Mỹ lại giảm 3,1% trong tháng 12, nhưng vẫn tăng 28,5% so với một năm trước.
Thị trường tài chính Mỹ ngày 12/1 không có phản ứng mạnh sau thông tin lạm phát có chiều hướng đi xuống, với cổ phiếu trượt nhẹ khi mở cửa còn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm trong hầu hết thời gian giao dịch.
Thực tế, hai chỉ số, gồm: lạm phát toàn phần tháng 12 của Mỹ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và CPI lõi (không tính các mặt hàng dễ biến động giá như lương thực và năng lượng) tăng 5,7%, đều cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Tuy nhiên, lạm phát Mỹ đang có xu hướng đi xuống.
“Tình hình lạm phát tăng nhanh đang được kiểm soát. Rõ ràng, nó vẫn còn cao một cách khó chịu, nhưng nó đang nhanh chóng đi đúng hướng”, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics đánh giá. “Tôi không thấy gì ngoài tin tốt trong báo cáo lạm phát, ngoại trừ mức 6,5% là quá cao”.
CPI là thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ nhất vì nó tính đến biến động của mọi mặt hàng ở Mỹ, từ một gallon xăng đến một chục trứng hay chi phí vé máy bay.
Fed lâu nay ưa dùng một thước đo lạm phát khác – chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – để làm căn cứ điều chỉnh chính sách nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ quan này gần đây thu thập rất nhiều thông tin khi đo lường lạm phát, trong đó chỉ số CPI là một phần quan trọng.
Các chuyên gia cảnh báo lạm phát tháng 12 của Mỹ “hạ nhiệt” chủ yếu nhờ giá xăng giảm, nhưng biến động này có thể không bền vững và phụ thuộc vào thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng.
“Chúng ta biết rằng sẽ không nhận được sự hỗ trợ tương tự từ giá xăng. Vì vậy, đừng mong đợi báo cáo lạm phát sắp tới sẽ tốt như báo cáo lần này”, bà Simona Mocuta, nhà kinh tế trưởng tại Công ty quản lý tài sản State Street Global Advisors, nhận định.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường