fbpx

3 lời nói dối khiến bạn hiểu sai về người thành công

Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett, Jeff Bezos, Larry Page đều là những nhà thông thái.

Dưới đây là bài chia sẻ của Michael Simmons, một cây viết hàng đầu về Startup, các bài học cuộc sống trên trang Medium.

Có lẽ, đa phần người dân trên khắp hành tinh này đều biết đến Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett, Jeff Bezos, Larry Page, những cái tên nổi đình nổi đám, nhà sáng lập của 5 công ty lớn nhất thế giới. Tôi tin rằng, nhờ hai đức tính này, họ đã vươn lên vị trí tỷ phú tự thân, có tầm ảnh hưởng và nổi tiếng trong suốt nhiều năm qua. Thực tế, tôi đã đặt quá nhiều niềm tin vào hai đặc điểm đó đến nỗi tôi áp dụng chúng vào chính cuộc sống của mình để khởi nghiệp, trở thành một người viết bài tốt hơn, một người chồng tuyệt vời hơn và đạt được sự ổn định tài chính. Hai tính cách đó là:

  • Họ đều là người ham học hỏi
  • Họ đều là nhà thông thái

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem hai đức tính này là gì và học hỏi một số mẹo đơn giản để sử dụng trong cuộc sống của bạn.

Đầu tiên, về định nghĩa, tôi cho rằng, một người ham học hỏi sẽ dành ít nhất 5 giờ mỗi tuần cho việc học. Một nhà thông thái sẽ thành thạo ít nhất ba lĩnh vực và tích hợp chúng thành một bộ kỹ năng để đưa họ lên top 1% trong lĩnh vực đó. Nếu bạn học theo hai tính cách này, tôi tin rằng, chúng sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn và thực sự làm gia tăng khả năng thành công cho những mục tiêu bạn đề ra. Khi bạn trở thành một người ham học hỏi, bạn nên kết hợp giá trị các kỹ năng đã có để tạo thành một bộ kỹ năng đặc biệt, điều này sẽ mang đến một lợi thế lớn cho bạn.

Theo ước tính của Bill Gates, trong suốt 52 năm qua, cứ mỗi tuần trôi qua, ông lại đọc hết một cuốn sách. Điều đáng chú ý là nhiều cuốn sách ông đọc không có nội dung nào liên quan đến phần mềm hay kinh doanh. Ông cũng luôn tham dự kỳ nghỉ đọc sách thường niên kéo dài hai tuần.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đầy hấp dẫn với tạp chí Playboy vào năm 1994, ông nghĩ bản thân mình là một học giả.

– PLAYBOY: Phải chăng ông không thích được gọi là một doanh nhân?

– GATES: Vâng. Tôi chỉ dành một phần mười chất xám để suy nghĩ về công việc kinh doanh. Kinh doanh không quá phức tạp. Tôi không muốn đưa nghề nghiệp đó vào danh thiếp của mình.

– PLAYBOY: Vậy ông điền chức danh gì vào danh thiếp của ông vậy?

– GATES: Tôi đề “Nhà khoa học” trong danh thiếp của tôi. Tôi không lừa dối bản thân mình. Khi tôi đọc sách về các nhà khoa học như Crick, Watson và cách họ phát hiện ra DNA, tôi cảm thấy rất vui sướng. Các câu chuyện thành công trong kinh doanh không hấp dẫn tôi đến vậy.

Về mặt này, Gates vui sướng khi nghĩ mình là nhà khoa học có thể vì ông từng bỏ học giữa chừng và dành cả cuộc đời cho ngành phần mềm.

Điều thú vị nằm ở chỗ, Elon Musk cũng chưa từng xem bản thân là một doanh nhân. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CBS, Musk nói rằng, ông nghĩ bản thân mình giống một nhà thiết kế, kỹ sư, kỹ thuật viên và thậm chí người hướng dẫn.

Danh sách này vẫn còn tiếp tục. Larry Page lâu nay vẫn được biết là người dành nhiều thời gian trò chuyện sâu về nhiều chủ đề từ người gác cổng Google đến các nhà khoa học nghiên cứu hạt nhân. Ông luôn tìm kiếm những kiến thức mới lạ ở họ.

Warren Buffett xác định yếu tố chính làm nên thành công của ông là: “Đọc 500 trang sách mỗi ngày. Đó là cách ông xây dựng kiến thức cho bản thân.”

Jeff Bezos vẫn cho rằng, suốt đời mình, ông là một độc giả cuồng nhiệt.

Cuối cùng, Steve Jobs đã kết hợp nhiều môn học khác nhau và coi bản thân như một lợi thế cạnh tranh của Apple. Ông từng nói:

“Một mình công nghệ không bao giờ là đủ. Chính công nghệ đã kết hợp với nghệ thuật tự do và nhân loại. Điều này khiến trái tim chúng ta cũng biết hát.”

Đương nhiên, các nhà sáng lập 5 công ty này không phải là những cá nhân thành công vang dội duy nhất có chúng hai nét tính cách này. Như tôi đã viết lúc đầu, nếu bạn mở rộng danh sách tới các tỷ phú tự phú tự thân khác, bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy Oprah Winfrey, Ray Dalio, David Rubenstein, Phil Knight, Howard Mark, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Charles Kock và nhiều người khác co chung thói quen này.

Tại sao một vài cá nhân trong số những người bận rộn nhất thế giới lại đầu tư thời gian, nguồn lực quý giá nhất của họ, vào việc học các chủ đề mà dường như không liên quan lắm đến lĩnh vực họ đang hoạt động, chẳng hạn như sức mạnh tổng hợp, thiết kế phông chữ, tiểu sử của các nhà khoa học và hồi ký của các bác sĩ?

Mỗi một người trong số họ đều đứng đầu các tổ chức quy tụ hàng nghìn người thông minh nhất thế giới. Và họ đã giao hầu hết các công việc trong đời mình cũng như nhiều thương vụ kinh doanh cho người tài giỏi, sáng dạ nhất. Vậy vì sao họ lại cố gắng tiếp thu lượng kiến thức căng thẳng này?

Sau khi viết một số bài báo thử trả lời những câu hỏi này, đây là điều cuối cùng tôi nhận được:

Ở cấp độ cao nhất, học hành không phải là thứ gì đó bạn làm để chuẩn bị cho công việc. Học hành mới là nhiệm vụ quan trọng nhất. Đây chính là năng lực cốt lõi cần phải xây dựng và bạn không thể ủy thác cho ai. Đây mới là thứ tạo ra thành tựu lâu dài cho bản thân bạn.

Khi bạn nhận ra điều này, tôi băn khoăn rằng: “Tại sao việc tất cả chúng ta trở thành những người ham học hỏi hay các nhà thông thái trong suốt cả cuộc đời mình lại không phải là chuyện hiển nhiên khi chúng ta đang sống trong một nền kinh tế tri thức tiên tiến, thay đổi nhanh chóng và phức tạp chăng? Tại sao người bình thường lại nghĩ đến việc học có chủ đích như một lựa chọn bên lề?

Tôi nghĩ đó là bởi vì ba thông điệp mạnh mẽ tôi từng được dạy ở trường phổ thông, đại học và xã hội rằng, điều đó có thể đúng trong quá khứ nhưng không còn đúng trong hiện tại. Và dưới đây là 3 lời nói dối:

– Lời nói dối thứ nhất: các môn học là cách tốt nhất để phân loại kiến thức

– Lời nói dối thứ hai: mọi người học chủ yếu ở trường phổ thông hoặc đại học

– Lời nói dối thứ ba: bạn phải chọn một lĩnh vực và phải thực sự thành thạo trong lĩnh vực đó

Lời nói dối thứ nhất: các môn học là cách tốt nhất để phân loại kiến thức

Hệ thống giáo dục ở Mỹ được xây dựng dựa trên mô hình chia kiến thức thành các môn khác nhau: toán, đọc, lịch sử, khoa học. Ngay từ mẫu giáo, chúng ta đã nhận được thông điệp rằng, đó là những môn học tốt nhất cho từng cá nhân.

Chúng ta thậm chí chia các môn học đó thành nhiều lĩnh vực nhỏ hơn để nghiên cứu, chẳng hạn như, kinh tế được phân chia ra thành kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô. Việc chia nhỏ các môn học và giảng dạy riêng rẽ các bộ môn được gọi là chủ nghĩa rút gọn. Mặc dù, cách làm này vẫn được xem là khuôn mẫu ở xã hội Mỹ nhưng nhiều quốc gia tiến bộ đang dần thay đổi lối suy nghĩ này.

Chủ nghĩa rút gọn có nhiều lợi thế đáng kể. Trong những lĩnh vực đan cài chặt chẽ với nhau, những ý tưởng tưởng thường dễ được tiếp nhận bởi vì mọi người sống trong cùng một nền văn hóa và nói cùng một ngôn ngữ. Việc xem xét những phần khác nhau trong một hệ thống có vẻ dễ hơn là tìm hiểu toàn bộ hệ thống. Mô hình này đã dẫn đến nhiều khám phá quan trọng.

Nhưng một nhược điểm quan trọng của chủ nghĩa rút gọn là người học không thấy được mối liên hệ rõ ràng giữa các lĩnh vực. Kết quả này là điều mà mọi người gọi là “chuyển giao học tập tiêu cực”. Đó là khi học một điều gì đó khó hơn học những thứ khác. Chẳng hạn như, bạn mắc lỗi trong khi đang học ngôn ngữ thứ hai vì những quy tắc ngữ pháp, trật tự từ vựng, thì động từ hoặc cách chia số ít/ số nhiều không giống với tiếng mẹ đẻ của bạn và vì thế, bạn trải qua quá trình chuyển giao học tập tiêu cực.

Một điểm yếu khác là những người không hoạt động trong một lĩnh vực nào đó thường không nắm bắt được những gì đang diễn ra bên trong lĩnh vực đó. Chúng ta cứ hình dung cảnh một nhà phẫu thuật thần kinh nói về chuyện mua bán với một người khác sẽ thấy. Không sao cả phải không? Bây giờ, chúng ta hãy hình dung một bác sĩ phẩu thuật đang cố gắng giải thích về những tiến bộ trong ngành phẫu thuật thần kinh với một nhà thiết kế. Mỗi lĩnh vực đều có ngôn ngữ, văn hóa riêng và chính vì thế, những đánh giá sâu sắc trong một lĩnh vực này không thể áp dụng cho lĩnh vực khác mặc dù đôi khi chúng có thể phát huy tác dụng.

Nhà sinh vật học James Zull giải thích lý do vì sao chuyển giao học tập lại phức tạp như vậy trong cuốn The Art of the Changing Brain của ông rằng: “Chúng ta thường không có mạng thần kinh kết nối một vật thể với những vật thể khác. Những mạng lưới ấy được tạo ra một cách riêng rẽ, đặc biệt nếu chúng ta từng nghiên cứu trong chương trình giảng dạy tiêu chuẩn, vốn chia kiến thức thành nhiều môn như toán, ngôn ngữ, khoa học và khoa học xã hội.” Bởi vì chúng ta không được dạy để xem nguồn gốc chung của kiến thức là gì nên chúng ta không nhìn thấy sự liên kết giữa chúng.

Elon Musk tự tin rằng, hệ thống giáo dục Mỹ đã không dạy trẻ em “nguồn gốc chung” và chính vì thế, ông đưa những kiến thức này vào chương trình học tại trường do ông thành lập. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Trung Quốc, tỷ phú Elon Musk chia sẻ về lý do vì sao ông đưa ra quyết định này và thách thức mô hình chủ nghĩa rút gọn.

Điều quan trọng là phải dạy cho học sinh về các vấn đề. Chúng ta hãy cùng nói về việc bạn đang cố gắng dạy mọi người về cách vận hành máy móc. Một cách tiếp cận truyền thống hơn là “chúng ta sẽ dạy tất cả mọi người về tua vít và cách vặn… Đó là một nhiệm vụ khó khăn.”

Cách tốt hơn để nói về vấn đề này là: “Đây là động cơ. Chúng ta hãy tháo nó ra thành từng bộ phận. Chúng ta phải làm thế nào để tách rời các chi tiết ra. Ồ, chúng ta cần một cái tua vít. Đó chính là cách dạy vặn tua vít.”

Và sau đó, một điều rất quan trọng đã diễn ra. Sự liên quan đã trở nên rõ ràng.

Nhiều năm trôi qua, tôi đã tìm ra được một cách phân loại kiến thức tốt hơn. Đó là tìm hiểu những điều cơ bản được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực và các kỹ năng tồn tại trên thế giới này. Những nguyên tắc cơ bản đó được gọi là Các mô hình tinh thần.

Chúng ta hãy nhìn vào một mô hình tinh thần, được gọi là “căng thẳng và phục hồi”. Trở lại ví dụ về việc tập thể dục, hiện tượng căng cứng và phục hồi là lý do để các bài tập khiến chúng ta khỏe hơn: nó tạm thời làm căng cơ và hệ tim mạch của chúng ta và chúng ta sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn sau quá trình hồi phục. Chúng ta có thể tìm kiếm mô hình tinh thần này ở nhiều lĩnh vực khác. Trong thế giới tâm lý, điều này được gọi là sự phát triển hậu chấn thương. Ở thế giới tâm lý xã hội, kiểu kinh nghiệm này được gọi là những trải nghiệm đa dạng. Trong quá trình phát triển ở người trưởng thành, chúng được nhắc đến với tư cách là xung đột tối ưu. Với những dẫn chứng đó, chúng ta có thể hiểu cách mô hình tinh thần cơ bản tương tự nhau được gọi bằng những cái tên khác nhau ở những lĩnh vực ứng dụng không giống nhau.

Các mô hình thần kinh là mạng lưới vô hình, bao gồm nhiều ý tưởng kết nối các môn học lại với nhau.

Những người ham học hỏi và các học giả hàng đầu thế giới thường sử dụng mô hình tinh thần để vươn tới vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế trí thức.

Lời nói dối thứ 2: Mọi người học chủ yếu ở trường phổ thông hoặc đại học

Trên thực tế, trường học chỉ là một không gian diễn ra việc học. Bởi sự thật là việc học trong suốt cuộc đời mỗi chúng ta lại thường diễn ra ở ngoài nhà trường: tại nhà, trên sân chơi, sân thể thao trong khi đi du lịch, từ các cuốn sách chúng ta đọc và những sở thích chúng ta theo đuổi và đặc biêt là từ công việc. Tuy vậy, chúng ta lại được đào tạo để suy nghĩ về nền giáo dục truyền thống như là một quá trình giáo dục thực sự.

Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng, ở lớp học, những người làm theo hướng dẫn và tuân theo các quy tắc đều nhận được phần thưởng cho các hành vi của mình. Nhưng ở thế giới thực, các đặc điểm của nhà lãnh đạo chủ chốt bao gồm chấp nhận rủi ro và tư duy phản biện, cả hai tính cách đó đều đi ngược lại với việc học ở trên lớp. Nói tóm lại, phần lớn chương trình giáo dục chính thức đã đào tạo chúng ta thành những người đi theo đuôi chứ không phải trở thành lãnh đạo.

Trải qua năm tháng, suy nghĩ của tôi ngày càng trần trui hơn. Dưới đây là quan điểm của tôi về nền giáo dục ở Mỹ:

Các nhà lãnh đạo, nghệ sĩ và nhà khoa học có ảnh hưởng nhất gần như đều say mê với việc học và duy trì thói quen đó suốt đời. Họ luôn dành thời gian cho việc học dù học có bận như thế nào đi chăng nữa. Cuộc phỏng vấn diễn ra vào năm 1991 với Bill Gates đã đưa ra nhận định như vậy, ông ấy tự hào chia sẻ về cách ông làm việc đến khuya ra sao và sau đó vẫn đọc sách khi ông về nhà vào lúc nửa đêm. Khi Elon Musk có ý định tuyển những người thông minh nhất thế giới, điều ông quan tâm nhất là những kỹ năng chứ không phải bằng cấp của họ.

Việc học ở cấp 2 và cấp 3 không hướng học sinh trở thành người tự học hoặc có ý thức tự học suốt đời. Trên thực tế, việc học chỉ phục vụ cho các kỳ thi hoặc đơn giản là để đạt điểm cao ở trường đại học thường không tạo ra động lực học tập thực sự. Nền giáo dục chính thống đã không cho sinh viên thấy được mối liên hệ giữa các môn học hoặc dạy học sinh cách áp dụng những gì họ đã học vào thế giới thực để nhận được kết quả họ mong muốn.

Kết quả quan trọng nhất trong nền giáo dục chính thống mà bạn có được là niềm say mê học tập và khả năng trở thành một người tự học. Một người tự học có thể xác định và xếp loại các vấn đề họ đang phải đối mặt, nghiên cứu cách giải quyết những khó khăn mới nảy sinh, dành thời gian học ít nhất 5 giờ mỗi tuần và áp dụng những bài học họ nhận được để giải quyết các thách thức trong thế giới thực. Một lần nữa, ai đó yêu thích việc học thì học sẽ tiếp tục học suốt cuộc đời. Và một cách tự nhiên, nỗ lực này được tiếp diễn suốt nhiều thập kỷ sẽ cung cấp nhiều giá trị hơn một tấm bằng đại học 4 năm mà bạn từng nhận được.

Giáo dục chính thống không phải là giải pháp: Trong suốt nhiều năm, tôi đã nói chuyện trước hàng trăm học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông và trường đại học, từ những người ưu tú nhất đến những người có hoàn cảnh khó khăn nhất và cách quan điểm của tôi đã mềm dần. Tôi có hai đứa con đang học tiểu học. Giáo viên của chúng đã làm thay đổi cuộc đời bọn trẻ. Tôi đã gặp nhiều giáo viên tuyệt vời trong hệ thống giáo dục mang đến những thay đổi đó. Những giáo viên ấy, được trả lương thấp và không nhận được sự tôn trọng đúng mức, lại đang có những đóng góp đầy giá trị cho xã hội. Và trong toàn bộ hệ thống, đó là những cơ quan rất tuyệt vời. Các nhà lập pháp đã đưa ra nhiều yêu cầu cho quá trình kiểm tra tăng cường, điều này dẫn đến một nền văn hóa dạy và học chỉ để đi thi. Các nhà lãnh đạo làm như vậy bởi vì họ muốn các hệ thống trường học trở nên có trách nhiệm hơn. Đó thực sự là một thử thách phức tạp.

Lời nói dối thứ 3: Bạn phải chọn một lĩnh vực và phải thực sự thành thạo trong lĩnh vực đó

Ngay trang đầu tiên trong kiệt tác của Adam Smith, Sự hưng thịnh của các quốc gia, ông đã lấy hình ảnh một nhà máy sản xuất ghim giấy để làm ví dụ cho sức mạnh của sự chuyên biệt. Tại nhà máy đặc biệt đó, theo phân công lao động, 10 nhân viên có thể sản xuất 48.000 chiếc ghim mỗi ngày. Mỗi người chỉ cần đảm nhiệm tốt một công đoạn trong quá trình sản xuất ghim giấy. Smith ước tính rằng, nếu mỗi người trong số 10 công nhân đó thực hiện tất cả các công đoạn thì họ chỉ sản xuất được 200 ghim giấy mỗi ngày. Nói cách khác, chính sự chuyên biệt đã cho phép họ tăng năng suất lên 240 lần.

Hầu hết tất cả chúng ta đều được dạy rằng, để dẫn đầu xã hội thì chúng ta cần phải có một chuyên môn nào đó. Và khi bạn nhìn vào nhà máy sản xuất pin ở ví dụ trên, bạn sẽ không cảm thấy nghi ngờ gì về lời dạy này. Trong kỷ nguyên công nghiệp, năng suất được đo bằng sản lượng. Đối với hầu hết những ai đang làm việc trong ngành sản xuất, mô hình đó luôn đúng.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết chúng ta đều đang sống trong nền kinh tế tri thức, nơi năng suất không đo bằng định lượng mà bằng sáng tạo. Và một trong những cách tốt nhất để đưa ra các ý tưởng sáng tạo là học, tổng hợp các kỹ năng và ý tưởng có giá trị mà những người khác vẫn chưa biết. Trong nền kinh tế tri thức, việc học về các lợi ích và năng lực đa dạng và sau đó áp dụng hiểu biết của bạn vào chuyên môn cốt lõi đó, nói cách khác là trở thành một nhà thông thái, chính là điều khiến chúng ta nổi bật trước đám đông.

Sự thật: Chuyên sâu là chìa khóa tạo ra nền kinh tế công nghiệp. Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, các học giả hiện tại thường học qua ít nhất ba lĩnh vực và tích hợp chúng thành một bộ kỹ năng khiến họ trở thành top 1% trong lĩnh vực họ hoạt động và chính điều đó đã tạo ra lợi thế cho họ.

3 sự thật cần nhớ

Nói tóm lại, cách giáo dục ở trường học hiện nay không còn thích hợp với nền kinh tế tri thức đang thay đổi với tốc độ rất nhanh chóng. Điều người học cần làm là luôn phải lưu giữ những chân lý mới ở trong tâm trí mình:

– Điều quan trọng là ngoài việc phân chia kiến thức thành các môn học, chúng ta nên chia thành các mô hình tinh thần bởi vì các mô hình tinh thần tạo ra nền tảng và giúp liên kết các chủ đề với nhau.

– Hầu hết việc học đều diễn ra ở bên ngoài trường học và trong suốt cuộc đời mỗi chúng ta vì thế tự học là yếu tốt quan trọng nhất tạo nên thành công chứ không phải điểm số hay bằng cấp.

– Chuyên sâu là chìa khóa dẫn đến nền kinh tế công nghiệp. Trong nền kinh tế tri thức, các học giả thường thông thạo ít nhất 3 lĩnh vực và tích hợp chúng thành một bộ kỹ năng mà chỉ 1% số người trên thế giới này có được và điều đó đã tạo nên lợi thế lớn cho họ.

Nguồn: Tramdoc

Có thể bạn quan tâm: Làm chủ tuổi 20 – Kim chỉ nam thành công tuổi trẻ

Làm chủ tuổi 20

ĐẶT SÁCH

 

Các viết cùng chủ đề