Nghiên cứu của Google: 10 tính cách tạo nên một lãnh đạo hoàn hảo
Một công ty có thể chi rất nhiều tiền để tìm kiếm, phỏng vấn và tuyển dụng những nhân viên giỏi nhất. Tuy nhiên nếu lãnh đạo lại không đủ ‘tầm’, những nhân viên này cũng sớm nghỉ việc.
Ngược lại, nếu công ty có một đội ngũ quản lý tốt, thì không những thu hút được nhiều nhân tài tụ về, mà còn khiến họ gắn bó lâu dài với công ty.
Trong hơn 10 năm, Google đã tiến hành một dự án tên Project Oxygen nhằm vạch ra những tính cách tạo nên một người quản lý hoàn hảo, từ đó họ sẽ hướng đội ngũ lãnh đạo đi theo hướng đó. Và nghiên cứu đã đem đến những thành quả xứng đáng, khi Google nhận lại được những sự cải thiện đáng kể về tinh thần, năng suất làm việc lẫn sự hài lòng của nhân viên.
Một điều thú vị về nghiên cứu này là những kỹ năng cứng không phải là vấn đề, thay vào đó các kỹ năng mềm về thấu hiểu cảm xúc lại được nhắc đến nhiều hơn. Những người quản lý phải có khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc, cho cả bản thân và đối với những nhân viên khác.
Cụ thể hơn, theo nghiên cứu của Google, một người sếp tốt cần có những đặc điểm dưới đây.
1. Là một huấn luyện viên giỏi
Thay vì giải quyết vấn đề ngay khi vừa xảy ra, một người quản lý giỏi phải biết lấy vấn đề ấy để chỉ dạy lại nhân viên, hướng dẫn họ và chia sẻ những kiến thức hữu ích. Khi đó, các thành viên trong nhóm sẽ có được những bài học hữu ích và phát triển khả năng bản thân.
2. Trao quyền cho nhân viên và không kiểm soát từng li từng tí
Chẳng có nhân viên nào thích cảm giác bị kiểm soát từng li từng tí, đó là sự thật đã được công nhận.
Một người lãnh đạo giỏi phải biết tạo không gian tự do cho nhân viên để họ khai thác ý tưởng, dám chấp nhận nguy hiểm và không sợ phạm lỗi. Bên cạnh đó, người lãnh đạo còn nên tạo ra một môi trường và lịch trình làm việc linh hoạt.
3. Tạo nên môi trường hòa hợp trong đội ngũ, quan tâm đến thành công và lợi ích
Trong một nghiên cứu khác, Google nhận thấy rằng chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy khả năng làm việc chính là tạo ra một môi trường có tính an toàn về mặt tâm lý.
Google đưa ra quan điểm rằng: Khi một đội nhóm làm việc với mức độ an toàn tâm lý cao, các nhân viên sẽ cảm thấy tự tin khi chấp nhận những thử thách, khi bị bắt lỗi, khi đặt câu hỏi hoặc đưa ra những ý tưởng mới.
Nói cách khác, một đội ngũ làm việc năng suất cần được xây dựng dựa trên niềm tin – và người lãnh đạo giỏi phải biết xây đắp nên niềm tin ấy.
4. Năng suất và hướng đến kết quả
Người quản lý giỏi không chỉ là người làm tốt, mà còn là người khiến các thành viên khác cũng phải tốt hơn từng ngày. Họ phải biết lấy ví dụ đúng chỗ, phải biết hăng hái tham gia làm việc và tạo niềm động lực cho toàn nhóm.
5. Một người ngoại giao giỏi – biết lắng nghe và chia sẻ thông tin
Những người quản lý giỏi đều biết lắng nghe. Việc này cho phép họ hiểu rõ nhân viên của mình và thể hiện niềm tôn trọng cũng như sự thấu cảm.
Thêm vào đó, người quản lý giỏi phải biết được kiến thức chính là sức mạnh, phải biết sẵn sàng chia sẻ những thông tin cho nhân viên, để nhân viên biết được những lý do cụ thể đằng sau mỗi hành động, mỗi việc làm.
6. Hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và đóng góp ý kiến về khả năng
Những người quản lý giỏi biết khuyến khích nhân viên của mình bằng những lời khen cụ thể và chân thành, đồng thời không ngại nói ra những góp ý, phê bình, miễn sao có tính xây dựng. Họ cũng biết “đầu tư” vào nhân viên bằng cách giúp nhân viên đạt được các mục tiêu nghề nghiệp cá nhân. Bằng cách này, người quản lý đã tạo động lực một cách tự nhiên để nhân viên có thể cống hiến.
7. Đưa ra tầm nhìn/ chiến lược cụ thể cho đội nhóm
Những người quản lý giỏi phải biết rõ đội nhóm của mình đang hoạt động như thế nào, phương hướng tương lai ra sao, và làm cách nào để đạt được những mục tiêu đó. Thông qua những cuộc trò chuyện phù hợp, họ sẽ giúp đội nhóm của mình đi đúng hướng. Họ cũng cần đảm bảo rằng mọi thành viên trong nhóm nắm rõ được trách nhiệm cá nhân khi thực hiện chiến lược.
8. Có những kỹ năng cứng quan trọng để đưa ra lời khuyên
Người quản lý giỏi phải nắm rõ được công việc của nhân viên, kể cả những nhiệm vụ hàng ngày và các thử thách họ phải đương đầu.
Nếu người quản lý đó chuyển tới phòng ban hoặc nơi làm việc mới, họ cần thời gian tìm hiểu cách thức hoạt động, học cách xây dựng niềm tin trước khi tạo ra những thay đổi lớn hoặc đưa ra lời khuyên cho nhân viên.
9. Hợp tác hiệu quả
Người quản lý tồi xem nhóm của họ là số một, luôn tìm cách ngáng chân và chống lại những đội nhóm khác cùng công ty.
Ngược lại, người quản lý giỏi sẽ biết nhìn toàn cảnh và suy nghĩ xa hơn. Họ thực hiện những điều tốt cho toàn công ty, và khuyến khích nhân viên của mình làm điều tương tự.
10. Một người giỏi đưa ra quyết định
Một quản lý giỏi không được hấp tấp, bốc đồng, họ phải là người quyết đoán. Sau khi thu thập thông tin và cân nhắc đầy đủ những khía cạnh của đội nhóm, họ mới đưa ra quyết định – dù quyết định đó không phải ai cũng chấp nhận. Sau đó, họ sẽ tự chứng minh quyết định đó là đúng đắn.
Nếu một công ty có thể đào tạo và định hướng những người lãnh đạo thực hiện 10 điều trên đây, họ sẽ xây dựng được niềm tin và truyền cảm hứng cho tất cả nhân viên để đạt thành tựu tốt nhất. Các nhân viên sẽ rất trung thành với công ty, không phải vì họ bị bắt buộc, mà là do mong muốn.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
Có thể bạn quan tâm: Siêu Cò – Cách thức biến Quan hệ thành Tiền tệ – Judy Robinett