fbpx

Mô hình “Kiểm tra thất bại” – Chỉ dẫn cho các giao dịch thực tế

Đây là mô hình “kiểm tra thất bại” đơn giản và được xác định rõ ràng nhất trong tất cả 8 mô hình ở chương 6 của quyển “The Art & Science of Technical Analysis – Phân tích Kỹ thuật: Sự kết hợp giữa Khoa học và Nghệ thuật trong đầu tư chứng khoán”.

Mô hình “Kiểm tra thất bại” - Chỉ dẫn cho các giao dịch thực tế

Ý tưởng 

Thị trường thăm dò các lệnh dừng và các hoạt động ở sau các mức giá quan trọng. Nhiều khi không có niềm tin thực sự nào hỗ trợ những biến động này, các biến động thất bại và đảo chiều nhanh chóng sau khi các lệnh dừng được kích hoạt. Tham gia thị trường sau một động thái như vậy sẽ cho tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro tiềm năng tuyệt vời với điểm rủi ro rõ ràng. 

Thiết lập 

Thị trường phải bị mở rộng quá mức hoặc sẵn sàng đảo chiều. Các ví dụ tốt nhất về giao dịch này xuất hiện trong các xu hướng mở rộng đã thịnh hành, và thường sẽ đi kèm với sự phân kỳ động lượng trên khung thời gian giao dịch. Một biến thể phổ biến khác xảy ra trong một vùng tích lũy mở rộng ngay dưới ngưỡng kháng cự. 

Kiểu tích lũy này thường có khả năng cao tạo ra một chân xu hướng khác bên trên ngưỡng kháng cự đó, vì vậy những nhà giao dịch theo dõi khu vực này và thường tham gia vào một đột phá tiềm năng. Nếu đột phá này xảy ra và thất bại, sẽ có nhiều nhà giao dịch bị mắc kẹt, điều này có thể làm tăng thêm đà giảm ở mức kháng cự đó.

Điểm vào 

Đối với một điểm vào lệnh bán khống, thị trường giao dịch cao hơn so với một vùng kháng cự được xác định rõ ràng, nhưng ngay lập tức đảo chiều ở trên cùng một nến hoặc nến ngay sau đó và nến đóng cửa trở lại dưới vùng kháng cự. 

Có thể xuất hiện biến động, khối lượng và hoạt động đáng kể khi đột phá, nhưng niềm tin thực khi giá cao hơn kháng cự không được phép xuất hiện. Vào vị thế bán khống ở giá đóng cửa của nến đóng cửa trở lại dưới kháng cự. Thiết lập vị thế mua hoàn toàn ngược lại.

Điểm dừng 

Điểm cắt lỗ cho giao dịch này được xác định rõ ràng: Một điểm dừng lỗ cố định phải đặt ngay sau điểm cực hạn của lần kiểm tra ngưỡng đó.

Bởi vì đây là một giao dịch nghịch hướng mạnh, điều quan trọng là không gia tăng vị thế khi thua lỗ. Tôn trọng tuyệt đối điểm cắt lỗ. Ngoài ra, rủi ro về khoảng trống giá là rất đáng kể đối với các giao dịch nắm giữ qua đêm. Đối với các giao dịch thua lỗ, đôi khi áp lực bị dồn nén đến mức tạo ra khoảng trống giá mở cửa sau điểm dừng, vì vậy hãy thực hiện các giao dịch này với quy mô và rủi ro nhỏ hơn so với các thiết lập khác.

Mục tiêu lợi nhuận 

Đa số các nhà giao dịch kiếm được nhiều nhất với một kế hoạch cho phép chốt lời một phần khi thị trường cho phép, ví dụ chốt lời lần đầu khi lợi nhuận bằng với rủi ro ban đầu của giao dịch. Mục tiêu lợi nhuận thứ hai là tùy biến, nhưng hãy nghĩ đến khả năng đây là điều chỉnh phức tạp dài hơn dẫn đến sự tiếp diễn của xu hướng ban đầu. 

Một số giao dịch kiểu này sẽ chuyển thành xu hướng đảo chiều mạnh mẽ, nhưng đây không phải là kỳ vọng dự tính của bạn. Nói chung, việc tích lũy gần kháng cự hoặc hỗ trợ là một dấu hiệu xấu, đặc biệt nếu mục tiêu lợi nhuận đầu tiên không đạt được.

Các mô hình thất bại

Mô hình “Kiểm tra thất bại” - Chỉ dẫn cho các giao dịch thực tế

Nếu có thể nhận ra những dấu hiệu thất bại này ngay từ đầu, bạn có thể giảm kích thước vị thế và tổn thất phải chịu. Ngoài ra, việc nghiên cứu cẩn thận các mô hình điển hình liên quan đến thất bại có thể giúp hiểu sâu hơn về các động lực đằng sau giao dịch. 

Chìa khóa của phần lớn các mô hình thất bại là hiểu điều gì không được xảy ra nếu giao dịch tiến triển tốt – đó là tìm ra những biến động giá, cấu trúc thị trường đang hình thành chống lại lý do tham gia giao dịch.

Trong trường hợp này, dấu hiệu thất bại của mô hình này rất đơn giản: Thị trường có thể tích lũy gần kháng cự hoặc hỗ trợ, hoặc vượt quá điểm cắt lỗ. Tích lũy gần hỗ trợ hoặc kháng cự phù hợp hơn với đột phá sắp xảy ra và sự tiếp tục của xu hướng hiện tại. Nếu giao dịch thử nghiệm thất bại đã thành công, giá sẽ di chuyển xa ngưỡng đó và bạn sẽ ngay lập tức có lời (trong vòng một đến ba nến trên khung thời gian giao dịch). Đây là một biểu hiện khác của sự từ chối giá điển hình, một dấu hiệu xác nhận thêm về việc giá không thể phá hỗ trợ hoặc kháng cự.

Một điểm cuối cùng cần xem xét là một số các giao dịch kiểu này sẽ chạm điểm cắt lỗ, giá sẽ quay vào trong kháng cự hoặc hỗ trợ ngay trong cùng một nến hoặc nến tiếp theo sau nến cắt lỗ. Mặc dù về mặt tâm lý, việc vào lệnh lại ngay sau khi thua lỗ sẽ khó khăn, nhưng giao dịch với lần thất bại thứ hai này cũng là một điểm vào lệnh xuất sắc. Đây là một lý do để sử dụng cả hai điểm vào lệnh với rủi ro ít hơn –  điểm vào lệnh thứ hai này phải thường được thiết lập (và gần như là bắt buộc) sao cho tổng rủi ro trên cả hai giao dịch không được lớn hơn quá nhiều so với rủi ro tối đa của các loại giao dịch khác.

Nhận xét

Điểm dừng lỗ rất khách quan và quản lý các giao dịch thua lỗ cũng không mang nhiều tính chủ quan – nếu thị trường tạo ra một điểm cực hạn mới, thì bạn đã sai và phải thoát khỏi giao dịch. 

Điều quan trọng là phải cân bằng giữa việc chốt lời một phần để đảm bảo toàn bộ giao dịch là có lãi, trong khi vẫn duy trì đủ vị thế chuẩn bị cho một cú nước rút ít xảy ra hơn nhưng có thể mang lại lợi nhuận đáng kể. Đây không phải là vấn đề đơn giản, và sự lựa chọn sẽ phụ thuộc nhiều vào tính cách và khuynh hướng của từng nhà giao dịch.

Trích từ quyển sách The Art & Science of Technical Analysis – Phân tích Kỹ thuật: Sự kết hợp giữa Khoa học và Nghệ thuật trong đầu tư chứng khoán”.

Phân tích kỹ thuật

Sự kết hợp giữa KHOA HỌC và NGHỆ THUẬT trong đầu tư chứng khoán

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề