Năm nay, chúng ta buông bỏ được điều gì?
Trong bài viết này mình sẽ kể bạn nghe về hai câu chuyện đã giúp mình rất nhiều để buông bỏ trong năm vừa qua.
Trong tuần cuối năm, mình đã dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm lại những sự kiện của năm vừa qua. Tới thời điểm này, mình đã có một năm với mức độ hài lòng 150%. Dù kế hoạch lớn đặt ra đầu năm đã không thể đạt được, nhưng có một thứ khác lại hoàn thành sớm hơn dự tính – đó là cuốn sách đầu tay của mình.
Hồi đầu năm, mình và nhà xuất bản dự định sẽ ra mắt cuốn sách này vào tháng 4 năm 2024. Thế nhưng suốt vài tháng sau khi thống nhất kế hoạch này, mình mãi vẫn không thể bắt đầu viết, do lòng còn nặng nề.
Cuốn sách này là lời hứa còn dang dở giữa mình và ba. Cứ mỗi lần mình ngồi xuống định viết, những ký ức lại hiện về, cứa sâu thêm nỗi đau về sự vắng mặt vật lý mãi mãi của ba mình – vết thương mà mình tưởng đã lành. Nhưng cuối cùng thì mình đã hoàn thành nó vào tháng 11 năm nay.
Trong bài viết này mình sẽ kể bạn nghe về hai câu chuyện đã giúp mình rất nhiều để buông bỏ trong năm vừa qua.
Buông bỏ như người Mông Cổ
Mình đã có một chuyến đi đến Mông Cổ vào hồi tháng 5. Lý do một phần là vì mỗi năm mình đặt ra mục tiêu phải có ít nhất hai “trải nghiệm đắt đỏ”. Lý do khác là do người bạn tổ chức chuyến đi này đã chia sẻ những thông tin mà mình thấy rất thú vị.
Bạn nói rằng lối sống du mục của người Mông Cổ đang bị mất dần, do các thế hệ sau bắt đầu muốn một cuộc sống ổn định và đầy đủ tiện nghi ở các thành phố lớn. Thế nên cơ hội để sống cùng với các gia đình Mông Cổ và trải nghiệm cuộc sống du mục thật sự cũng ngày càng ít đi.
Ngoài ra, người bạn này cũng có một mục tiêu là mỗi năm phải quay lại Mông Cổ để quan sát sự trưởng thành của một đứa bé trong gia đình du mục mà bạn ấy hay đi cùng.
Lúc đó mình đã nghĩ, chắc hẳn con người và văn hóa của đất nước này phải đặc sắc đến nhường nào thì mới khiến cho một người cảm thấy gắn bó như vậy. Thế là mình đã quyết định đi cùng bạn và nhiều người khác tới Mông Cổ để trải nghiệm đời sống du mục là thế nào.
Nói qua một chút về Mông Cổ để bạn dễ theo dõi. Đất nước này có khoảng gần 3,5 triệu dân, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn. Theo mình quan sát thì cuộc sống thành phố ở Mông Cổ cũng không khác so với các nước phát triển khác là mấy.
Còn ở trên thảo nguyên, bức tranh lại hoàn toàn khác. Công việc chủ yếu của người dân ở đây là chăn nuôi và buôn bán những thành phẩm như thịt, mỡ, sữa, da, lông,… Giá trị tài sản của họ được sắp xếp theo thứ tự như sau: lạc đà, ngựa, bò và thấp nhất là cừu, dê.
Trong chuyến đi mình để ý thấy rằng, nhà nào giàu sẽ có khoảng 3 tới 5 con lạc đà, hơn chục con ngựa và rất nhiều cừu dê. Ước tính tổng giá trị cả bầy có thể lên tới 2 triệu đô. Tuy nhiên loại tài sản này lại khá rủi ro, vì nếu chẳng may có dịch bệnh hay vấn đề gì làm chết cả bầy thì coi như mất trắng.
Câu chuyện mình muốn kể xảy ra vào giữa chuyến đi.
Trong một lần xe dừng lại để mọi người giải quyết những nỗi buồn riêng. Mình để ý thấy có một con ngựa đang ngồi. Trên cả hành trình này, tới bất cứ đồng cỏ nào mình cũng thấy bọn này đang đứng cúi mặt xuống đất để ăn cỏ. Còn con ngựa này, tại sao nó lại ngồi?
Bị sự tò mò thôi thúc, mình đã chầm chậm tiến lại gần. Nhác thấy mình, con ngựa cố nhúc nhích, nhưng không thể đứng dậy dù có vẻ rất gắng gượng.
Mình hiểu ngay là nó đang có vấn đề về sức khỏe. Đang đứng sững đó không biết nên làm gì, thì có một chú chó chạy tới. Nó đánh đủ một vòng quan sát mình rồi chạy đi. Rồi từ hướng chú chó này đi khuất, một lúc sau có một chú người Mông Cổ cưỡi ngựa xuất hiện.
Lúc đó, chỗ mình đứng là vùng trũng thấp. Ngước đầu lên mình thấy rõ được nét mặt căng thẳng của chú khi nhìn thấy mình và chú ngựa đang ngồi.
Cho là chú đang nghĩ mình có ý đồ gì đó với chú ngựa, nên mình đã chủ động lùi ra xa để quan sát. Lúc này, chú ấy bắt đầu cưỡi ngựa tiến tới gần chú ngựa đang ngồi, xuống khỏi lưng ngựa và bắt đầu giúp đỡ con ngựa này đứng dậy.
Thậm chí, mình còn thấy chú ngồi sụp xuống nỗ lực đẩy phần mông để giúp con ngựa đang ngồi có thể đứng dậy bằng hai chân sau. Chú hoàn toàn không lo sợ rằng sẽ bị con ngựa đá, như lời khuyên mà người ta vẫn hay nói là không nên ở phía sau của một con ngựa.
Mãi như vậy một lúc mà tình hình không có vẻ gì khá khẩm hơn, chú lại cột con ngựa đang ngồi vào con ngựa chú cưỡi tới, vừa dùng sức người và vừa dùng sức ngựa kéo giúp chú ngựa kia đứng dậy. Loay hoay đâu đó hơn 15 phút, cuối cùng chú từ bỏ, gỡ mọi thứ ra, leo lại lên lưng ngựa và quay đi. Khi đi ngang qua mình, chú nhìn thẳng vào mắt mình và nở một nụ cười rồi tiếp tục đi.
Chính nụ cười đó làm một người nãy giờ chỉ biết đứng quan sát là mình bừng tỉnh. Và nụ cười đó đã ở lại với mình trong suốt cả chuyến đi.
Quay trở lại xe, kể lại câu chuyện này cho bạn mình thì mình cũng nhận được thông tin rằng: Trong những trường hợp như vậy, người Mông Cổ sẽ để những con vật này chết một cách tự nhiên, như một phần hoàn trả lại cho thiên nhiên mà không lấy lại bất kỳ thứ gì. Họ chỉ ăn và thu hoạch những con mà họ chủ động giết.
Chỉ trong khoảng 15 phút, mình đã được chứng kiến cảnh một người trải qua đủ cung bậc cảm xúc, từ hết sức nỗ lực cho đến hoàn toàn buông bỏ một thứ có giá trị lớn để mỉm cười.
Thậm chí, mình nghĩ sự mất mát này có thể kèm theo cả giá trị cảm xúc, chứ không chỉ giá trị vật chất. Người ta thường dùng ngựa để lùa bầy gia súc về chuồng vào cuối ngày, nên theo thế giới quan của mình, những chú ngựa có thể còn được xem là đồng đội của những người Mông Cổ.
Vậy mà, một người Mông Cổ chỉ mất một thời gian ngắn để lấy lại niềm vui cho bản thân.
Còn chúng ta, những người thành thị mất bao lâu để vượt qua sự tiếc nuối dù đôi khi chỉ là những việc nhỏ nhặt đời thường?
Cắt những sợi dây niềm tin trói buộc
Câu chuyện thứ hai mình muốn kể là một câu chuyện mình vô tình đọc được trên Quora, trong khoảng thời gian mình tự tìm hiểu xem người ta đã làm thế nào để vượt qua nỗi đau mất người thân. Câu chuyện như thế này:
Có một người đàn ông muốn leo lên ngọn núi cao nhất thế giới. Sau nhiều năm chuẩn bị, anh ta quyết định thực hiện một mình vì muốn tự mình đạt được vinh quang.
Khi màn đêm buông xuống, trời thì lạnh, tầm nhìn thì không rõ, nhưng anh vẫn muốn tiếp tục leo lên. Đột nhiên, chân anh bị trượt và mất kiểm soát. Với tác động của trọng lực, anh ta bắt đầu rơi tự do. Trong khoảnh khắc vô cùng sợ hãi đó, anh bắt đầu nhớ đến tất cả những điều tốt và xấu mà anh đã làm trong đời.
Lúc này khi đang nghĩ đến việc cái chết của mình đã đến rất gần, đột nhiên anh cảm thấy sợi dây buộc vào thắt lưng bị kéo mạnh.
Cơ thể của anh lúc này đang bị treo lơ lửng. Anh khóc và hét lên: “Chúa ơi, hãy cứu con.”
Một giọng nói vang lên từ đám mây: “Cậu muốn tôi làm gì?”
Người đàn ông kêu lên: “Chúa cứu tôi với!”
Giọng nói vang lên: “Cậu sẽ làm như tôi nói chứ?”
Người đàn ông kêu lên: “Tất nhiên, làm ơn cứu tôi với!”
Giọng nói đó lại vang lên: “Hãy cắt sợi dây buộc ở thắt lưng của cậu đi.”
Nhưng người đàn ông không dám cắt sợi dây và giữ nó bằng tất cả sức lực của mình.
Sáng hôm sau đội cứu hộ đến thì thấy anh đã chết vì lạnh, tay anh ôm chặt sợi dây đã bị đóng băng, và chỉ cách mặt đất khoảng chừng gần 2 mét.
Mình đoán câu chuyện này là một câu chuyện hư cấu, và ý đồ của tác giả là để cho người đọc tự đối chiếu lại bản thân mình thông qua hình ảnh người leo núi, thượng đế và sợi dây. Có lẽ khi nghe xong câu chuyện này bạn sẽ có những suy nghĩ riêng, còn đây là chiêm nghiệm của mình.
Người đàn ông leo núi đã có thể sống sót nếu chịu cắt bỏ sợi dây, với khoảng cách 2m và lớp tuyết dài thì sẽ không có sự nguy hiểm nào nghiêm trọng.
Mỗi lần gặp vấn đề và tuyệt vọng, chúng ta lại thường tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng lại mong muốn sự giúp đỡ này phải hợp lý với những niềm tin có sẵn ở bên trong.
Và trong câu chuyện vừa kể, sợi dây đại diện cho những niềm tin đó lại là thứ đang trói buộc chúng ta. Đó có thể là niềm tin nhỏ nhặt về giọng nói khó nghe của mình, về việc mình chỉ làm việc hiệu quả vào ban đêm, hay niềm tin lớn hơn như tin rằng cuộc đời là hành trình tìm ra chính mình, thay vì tạo ra chính mình.
Bạn có bao nhiêu sợi dây như vậy, và đang giữ chặt nó tới mức nào?
Năm nay, chúng ta đã buông bỏ được điều gì?
Khi đặt mục tiêu, phấn đấu và nhìn lại, chúng ta thường nói nhiều về việc đã đạt những gì, mà ít khi nói về sự buông bỏ. Nhưng cũng như mùa thu, lá phải rụng thì mùa xuân mới tới với cây cỏ tốt tươi.
Ở phần đầu, mình nói năm nay dù không đạt được kế hoạch lớn của năm, nhưng mức độ hài lòng lại tới 150%. Đó là vì năm nay mình đã buông bỏ được nhiều thứ nặng nề ở trong lòng. Nhờ vậy mà hiện tại mình đang bước đi những bước chậm rãi, nhẹ nhàng.
Năm nay là năm đầu tiên và tiếp tục là những năm về sau, mỗi khi làm tổng kết năm mình sẽ có thêm câu hỏi: “Năm nay, mình đã buông bỏ được điều gì?”
Mình đã buông bỏ được hình ảnh là đứa con trai vừa mất cha. Mình đã buông bỏ được sự tiếc nuối về những mộng tưởng không thể thành hiện thực. Mình đã buông bỏ được những con người, sự vật, sự việc mà mình đã gán cho chúng những ý nghĩa quan trọng, nhưng hóa ra lại không hề quan trọng như mình tưởng.
Mình đồng ý là một trong những bài học khó nhất trong cuộc đời là buông bỏ. Cho dù đó là cảm giác tội lỗi, giận dữ, tình yêu, mất mát hay phản bội. Thay đổi không bao giờ là dễ dàng.
Nếu thời điểm này bạn đang cảm thấy áp lực vì nhiều thứ của năm vừa rồi không như mong đợi, còn nhiều mục tiêu dang dở chưa hoàn thành, thì mình mong là bài viết này có thể giúp bạn bớt được phần nào áp lực luôn phải tiến về phía trước thật nhanh.
Như trong biệt đội Navy SEALs có một câu slogan rất hay:
Slow is smooth and smooth is fast. (Chậm thì trôi chảy, mà trôi chảy thì tạo nên tốc độ.)
Chúc bạn năm mới có thể buông bỏ được nhiều thứ.
Happy Live Team
Nguồn: vietcetera
Có thể bạn quan tâm: Từ Tâm Trí Đến Vật Chất
Cuốn sách dựa trên khoa học giải mã sự biểu hiện và cách suy nghĩ ảnh hưởng đến thế giới vật chất của con người