Ngoài chuyện lãi lỗ hay rủi ro, đâu là vấn đề bạn nên để tâm trong đầu tư?
Thời nay, đầu tư đã trở thành một chủ đề “bình dân” mà bạn có thể bắt gặp ở mọi nơi, từ cafe cho đến điểm dừng ngắn ngủi thang máy. Hầu hết điều người ta quan tâm là lãi lỗ.
Tuy nhiên, thay vì hỏi “đầu tư vào đây có lãi lỗ như nào?”, thì chuyên gia tài chính Christine Benz sẽ muốn hỏi “đầu tư vào đây có đem lại giấc ngủ ngon cho tôi không?”. Sau đây là chia sẻ từ Christine Benz.
Gần đây tôi đã viết một bài báo về “khoản đầu tư khó nhằn” (too hard pile) của mình – thuật ngữ của Charlie Munger để chỉ những khoản đầu tư quá phức tạp để có thể đưa nó vào danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway. Một số người tích lũy nhiều khoản đầu tư hơn và xây dựng danh mục phức tạp hơn khi bề dày kinh nghiệm và tài sản của họ tăng lên. Tôi đang cố gắng theo hướng của Munger và đi theo hướng ngược lại.
Càng biết nhiều, tôi càng không còn bận tâm đến những điều phức tạp, dễ thay đổi, khó hiểu. Thay vào đó, tôi khao khát sự đơn giản, yên bình trong tâm hồn và dễ dàng chìm vào giấc ngủ và biết rằng mọi việc sẽ ổn thay vì tốn thao thức đêm canh. Thời gian với tôi là vàng là bạc. Nếu một khoản đầu tư đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên thì tôi sẽ đứng ngoài.
Tôi không đơn độc. Tôi cũng nhìn thấy nhiều nhà đầu tư vật lộn với những cổ phiếu khó nhằn của họ. Tôi tự hỏi tại sao rủi ro và lợi nhuận lại chiếm ưu thế trong cuộc thảo luận về giá trị đầu tư? Tại sao chúng ta không đánh giá các khoản đầu tư, danh mục đầu tư và các lựa chọn tài chính dựa trên việc liệu chúng có làm ta thấy yên tâm, dễ dàng để quản lý và phù hợp với nhịp sống của bản thân phải không nào.
Sự “độc tài” của những gì có thể định lượng được…
Tôi đoán: Đó là bởi vì những thuộc tính như sự đơn giản và sự yên tâm không thể định lượng được và mang tính chủ quan, trong khi những thứ khác có thể cân nhắc và đo lường được.
Các chuyên gia đầu tư đã tạo ra nhiều số liệu giúp mô tả mức độ cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận của một khoản đầu tư như: tỷ lệ Sharpe, Treynor, Sortino,… Hiệu suất của một khoản đầu tư cũng thường được đánh giá bằng việc lợi nhuận nhận được có xứng với rủi ro mà họ xác định ban đầu hay không.
Trong khi đó, các thuộc tính như liệu một khoản đầu tư có mang lại sự yên tâm không thể định lượng được vì chúng vốn mang tính chủ quan.
Bạn có thể cảm thấy yên tâm khi biết rằng danh mục đầu tư của mình có tiềm năng dài hạn, trong khi định nghĩa về sự yên tâm của người khác lại là tạo ra một nguồn thu ổn định, không thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Bạn có thể hài lòng với việc dành 5 giờ một tuần để nghiên cứu các khoản đầu tư, nhưng người khác có thể nói rằng như vậy là quá nhiều, với họ 5 tiếng một năm là tối đa.
… và cách làm chủ chúng
Có thể nói việc tối ưu hóa các lựa chọn đầu tư của bạn không chỉ liên quan đến rủi ro và lợi nhuận, đó là việc tạo ra một danh mục có thể giúp bạn đạt được mục tiêu mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của cuộc sống. Liệu mình có thoải mái khi sở hữu khoản đầu tư này không? Liệu nó có còn phù hợp với mình tại thời điểm này?
Cũng có khả năng là quan điểm của bạn rồi sẽ thay đổi theo thời gian, theo đó bạn cần phải cơ cấu lại danh mục của mình. Khi mà danh mục chứa nhiều cổ phiếu phức tạp thì bạn sẽ khó lòng điều chỉnh kịp thời.
Lúc này bạn sẽ cần đến những yếu tố “nhẹ nhàng”, “khó đo lường” và “chủ quan” trong kế hoạch tổng thể của mình.
Sự yên tâm
Một số người có thể lập luận rằng sự biến động của khoản đầu tư chính là yếu tố quyết định sự an tâm hay không. Còn đối với tôi, sự an tâm đến từ việc biết rằng kế hoạch của mình đang đi đúng hướng, kể cả khi đó mình đang bỏ tiền vào những tài sản dễ biến động.
Nếu danh mục đầu tư của tôi trải qua những biến động lên xuống theo chu kỳ, tôi coi đó là cái giá mình phải trả cho cơ hội kiếm được lợi nhuận lớn trong tương lai.
Nhưng như tôi đã nói, định nghĩa về sự yên tâm của mỗi người có thể sẽ rất khác nhau, và nhiều nhà đầu tư lại bị những con số phần trăm lên xuống trong danh mục làm mất ngủ.
Điều quan trọng ở đây là tìm ra được cho mình một định nghĩa riêng thế nào là “yên tâm”, và luôn đảm bảo rằng danh mục ở trạng thái cân bằng rủi ro – lợi nhuận phù hợp.
Biết đủ
Nhà đầu tư Bill Bernstein từng khuyên: “Nếu bạn thắng đã thắng một cuộc chơi, hãy ngừng lại”. Jack Bogle đã viết cả một cuốn sách về chủ đề này. Tuy nhiên, tôi không nghĩ chúng ta đã nói đủ nhiều về cách xác định các phiên bản “chiến thắng” và “biết đủ” của riêng mình khi nói về danh mục đầu tư và kế hoạch của mình.
Tôi từng tư vấn cho một người đã nghỉ hưu, có mức sống khiêm tốn và ông bằng lòng với một danh mục khá an toàn. Lời khuyên đầu tiên tôi đưa ra là bổ sung các danh mục rủi ro hơn nhưng mang lại tiềm năng lợi nhuận cao hơn. Như vậy sẽ phù hợp nếu ông ấy muốn chi tiêu thoải mái hơn, hoặc để dành một khoản tích lũy cho con gái chẳng hạn. Nhưng, câu trả lời là không. Ông ấy hài lòng với mức sống hiện tại và ông biết rằng con gái ông cũng sẽ ổn kể cả khi không có khoản kế thừa từ bố.
Tôi ước gì tất cả chúng ta đều đầu tư với sự tự nhận thức về mức độ “đủ” – danh mục đầu tư của chúng ta cần lớn đến mức nào, chúng ta cần tiết kiệm và chi tiêu bao nhiêu để có cuộc sống tốt đẹp, và chúng ta cần chấp nhận bao nhiêu rủi ro trong danh mục đầu tư của mình.
Biết đủ cũng là một trạng thái tương đối và chủ quan như sự yên tâm vậy, nhưng nó cần được để tâm vì liên quan trực tiếp đến việc bạn muốn chọn lối sống nào.
Sự đơn giản
Các câu hỏi dưới đây khiến tôi cảm thấy lo lắng khi rổ cổ phiếu của mình chứa những mã phức tạp: Tôi có hiểu về chúng không? Việc quản lý đòi hỏi bao nhiêu thời gian? Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể theo dõi sát sao trong một thời gian, điều đó có ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh lợi, và tôi có bị mất ngủ không? Để trả lời được những câu hỏi này, tôi phải đảm bảo rằng các khoản mà tôi đầu tư đều đơn giản, dễ hiểu, và nằm trong vòng tròn năng lực của tôi.
Càng có tuổi, tôi càng nhận ra rằng nguồn tài nguyên hữu hạn thực sự duy nhất trên thế giới này là thời gian và tôi không muốn dành cả quãng đời để quản lý nó (trừ khi bạn là chuyên gia hoặc đầu tư là công việc kiếm sống của bạn).
Happy Live Team
Nguồn: Morningstar, Happy Live dịch
Có thể bạn quan tâm
Bộ Sách Đầu Tư Giá Trị Từ A Đến Z