fbpx

Ngưng So Sánh Bản Thân Mình Với Người Khác

Chúng ta rất thường hay so sánh bản thân mình với người khác. Chúng ta ngưỡng mộ những thứ hay ho ở người khác để rồi quay lại dằn vặt, trách móc bản thân vì sao lại không được như họ. Nhưng ít ai ngẫm nghĩ lại rằng, ngay từ đầu đã có sự khác biệt rất lớn giữa bạn và những người đó không?

Ở một khu rừng xa xôi nào đó phía nam Brussel – Bỉ, có một cây thông to lớn tọa lạc ở giữa trung tâm. Một ngày nọ, có một cây con mọc lên ở gần đó. Nó ngước nhìn lên, trầm trồ và thán phục sự to lớn, uy nghiêm của cây thông và hào hứng hỏi: “Bác thông ơi, một ngày nào đó cháu có thể được như bác không ạ?”. Cây thông cúi xuống và dõng dạc bảo: “Chỉ cần cháu cố gắng hết sức thì không có chuyện gì là không được”. “Dạ vâng ạ” – cây con trả lời, mắt sáng rực. Rồi một thời gian sau, cây con trở thành một bông hoa lavender xinh đẹp. Nhưng rồi nó ngước nhìn lại cây thông cao to và thất vọng vô cùng, vì nó biết nó không bao giờ có thể được như vậy. Từ đó bất cứ ai đi ngang qua khu rừng, đều trông thấy một bông hoa lavender kế bên một cây bông, tuy màu tím của hoa rất đẹp nhưng cánh hoa lại héo úa, tàn phai.

Câu chuyện ở phía trên có nhiều khía cạnh để phân tích. Tôi xin lấy một khía cạnh đó là: “Bông hoa lavender không nhìn thấy bản thân rất xinh đẹp của mình mà thay vào đó chỉ thấy hình ảnh to lớn của cây thông – đối lập hoàn toàn với thân hình thấp bé của mình”.

Nếu bạn ở trong một môi trường năng động, mang tính ganh đua (lành mạnh nha) – như môi trường đại học chẳng hạn, bạn rất dễ bắt gặp những “siêu nhân”, chính xác hơn là những người cái gì cũng biết, cũng làm được và làm rất tốt. Nhưng nếu bạn để ý kĩ một chút, có thể những thứ mà bạn nhận thấy được là điểm mạnh của người khác hầu hết là thứ bạn không thể làm, hoặc làm không tốt như họ. Nếu bạn không có cảm xúc tiêu cực khi nghĩ về điều này thì xin chúc mừng, bạn đã có thể “quẳng gánh lo đi” mà “vui sống” rồi đấy. Nhưng nếu bạn cũng giống như tôi, một vài lúc cũng cảm thấy ghen tị với họ, rồi tự ti vì sao mình không được như họ, thì cũng rất là bình thường, không sao hết nhé.

Vì các bạn đều là những người rất tuyệt vời. 

Hội chứng The Missing Tile (Tạm dịch: Hội chứng Miếng ô vuông bị thiếu)

Nếu bạn là fan hâm mộ của Dennis Prager hay Prager University với những video ngắn rất thú vị, cung cấp những kiến thức xoay quanh về hầu hết tất cả lĩnh vực trong đời sống trên Youtube thì có lẽ bạn sẽ nghe đến tên hội chứng này. Đại ý của hội chứng chính là: “Nếu bạn ngồi trong một căn phòng, nhìn lên trên trần nhà và phát hiện có một ô vuông bị thiếu, thì bạn sẽ chú ý vào khoảng không bị thiếu nhiều hơn là chú ý vào các ô vuông còn lại”. Nghe khá hiển nhiên đúng không? Và giải pháp cho vấn đề là chúng ta bổ sung một ô vuông vào khoảng trống ấy, rồi trần nhà sẽ lại hoàn hảo như trước.

Nhưng trong thực tế thì rõ ràng có những thiếu sót không thể bù đắp một cách tuyệt vời như vậy. Dennis đã chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng chỉ nhìn thấy được ở người khác những điều mà chúng ta thiếu sót hoặc không hoàn hảo như họ. Nếu một người bị hói đầu bước vào một hội nghị, thứ đầu tiên anh ta nhìn thấy chính là tóc của những người tham gia và đó cũng có thể là thứ duy nhất anh ta tập trung để ý trong suốt hội nghị. 

Hội chứng thực sự là cản trở rất lớn trên con đường dẫn đến hạnh phúc. Vì sẽ luôn tồn tại ít nhất một "miếng ô vuông bị thiếu" trong mỗi con người chúng ta.

Chấp nhận cuộc sống có những bất công “tự nhiên”

Theo cấu trúc sinh học bình thường thì đàn ông sẽ có khối lượng cơ bắp và mật độ xương nhiều hơn phụ nữ, dẫn đến việc là họ có thể chạy nhanh hơn và khỏe hơn. Việc một người phụ nữ tập luyện ngày đêm cũng có thể dẫn đến khả năng là họ sẽ thua một người đàn ông tập luyện không chăm chỉ bằng ở một cuộc thi thể lực chỉ đơn giản là vì cấu trúc sinh học của họ khác nhau. Bông lavender cũng thế, dù nó có mong muốn đến mấy cũng không thể trở thành cây thông được, vì nó không phải cây thông. Vậy nên, lần tiếp theo khi bạn cảm thấy thua kém một ai đó ở một khoản nào đó – kiến thức, kĩ năng, tích cách, phẩm chất… – thì hãy nghĩ đó là do họ có… “tài năng thiên phú” đi. Bạn và người đó rõ ràng ngay từ đầu đã không ở cùng một điểm xuất phát kia mà.

Tất nhiên có những trường hợp họ đạt được điều đó nhờ vào cả một quá trình phấn đấu miệt mài không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, dù như thế nào đi nữa, khi bạn bắt đầu so sánh bản thân mình với họ thì rõ ràng bạn đang không ở cùng một vị trí với họ. Việc bạn có nên phấn đấu để được như họ hay không thì chúng ta sẽ nói đến ở phần bên dưới. Còn hiện tại, như mình đã nói, có những thứ không phải chúng ta cứ nỗ lực hết mình là có được, thế nên hãy đổ lỗi là do…trời quên ban cho bạn đi. Mình từng rất ghen tị với một anh bạn có thể đánh đàn ghita rất hay và cũng lao đầu vào tập luyện, tất nhiên là sau 3 tháng mình đã gác cây đàn đi. Mình hiểu là mình vẫn có thể đánh tốt nếu như kiên trì và cố gắng hơn, nhưng mình biết rằng mình không thể đánh hay như anh chàng kia, vì đơn giản là mình không có khiếu.

Bill Bates

Hãy làm những việc ở thế mạnh của mình

Việc có nên phấn đấu để có được khả năng của một người khác hay không thì phải xem đó có phải là thế mạnh (sở trường) của bạn không. Nếu cho mình phải chọn giữa việc cải thiện điểm yếu và phát triển điểm mạnh, mình sẽ chọn phát triểm điểm mạnh. Các bạn biết tại sao không?

Thứ nhất, khi làm những việc mà bạn giỏi, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để làm nó. Dễ dàng thấy khi chúng ta học tốt một môn Toán, Văn hay tiếng Anh, chúng ta sẽ thấy thích thú hơn khi học nó hơn là những môn chúng ta học không tốt bằng.

Thứ hai, trong một thời đại mà con người lẫn máy móc đều chuyên môn hóa thì rõ ràng chúng ta nên mãi dũa điểm mạnh của mình thật sắc bén chứ đúng không? “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Sức lực, thời gian và tinh thần của bạn có hạn, vậy nên hãy tập trung vào điểm mạnh của bản thân và phát triển nó lên đến mức “tuyệt kĩ”. Nếu bạn có khả năng về vẽ, thì hãy luyện tập sao cho khả năng ấy có thể phát triển lên đến mức chuyên nghiệp nhất. Bạn không cần phải là một họa sĩ tài ba với những bức tranh được treo trong một triển lãm của thành phố, nhưng bạn phải biến nó thành một điểm riêng mà không phải ai cũng có thể bắt chước hay đạt được mức độ của bạn một cách dễ dàng.

Vì sau cùng, chính những “giá trị riêng” ấy sẽ là thứ giúp cho bạn vượt qua được sự so sánh bản thân mình với người khác.  Tất nhiên, việc bạn có thể cải thiện một điểm yếu của bản thân cũng là một điều rất đáng quý. Nhưng hãy nhớ, con cá nên tập trung vào việc bơi hơn là cải thiện điểm yếu không thể leo cây của nó.

Chúng ta được chọn cách mình sẽ sống.

Lời kết

So sánh mình với một ai khác vượt trội hơn không hẳn luôn là điều không hay. Nhiều lúc, chính sự so sánh đó cho ta một cơ hội nhìn lại những điểm yếu mà chúng ta thật sự có thể cải thiện (mình hay gọi đó là những ô vuông cần được quét vôi vì nó không bị thiếu, chỉ là không được sáng thôi). Tuy nhiên, bạn hãy hết sức thận trọng khi làm điều đó nhé, đừng sa vào ý nghĩ bản thân mình kém cỏi rồi dẫn đến tự ti, chán nản, dằn vặt bản thân. Hãy cố gắng hết sức trong khi làm bất kì việc gì, phấn đấu không ngừng, khiêm tốn, học hỏi, sáng suốt nhận định, rồi bạn sẽ có được mọi thứ mà bạn thật sự cần. Bạn có thể không phải là một cây thông hùng vĩ trong rừng, nhưng bạn có thể là bông hoa lavender xinh đẹp nhất bên ven đường. Hãy sống một cuộc đời không hối tiếc, bạn nhé!

Nguồn: Happy Live tổng hợp

Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm

Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn

Sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng - Thái phạm

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề