Người đàn ông từng bỏ ra hơn 5 triệu USD để ăn trưa với Warren Buffett giờ ra sao? Từ kẻ vô danh đến “phó tướng” quản lý hàng tỷ USD của Berkshire
Bỏ ra hơn 5 triệu USD để ăn trưa cùng tỷ phú Warren Buffett, người đàn ông đã trở thành “phó tướng” quản lý hàng tỷ USD của Berkshire.
Kể từ khi bắt đầu truyền thống ăn trưa hàng năm vào năm 2000, Warren Buffett, vị Chủ tịch của Berkshire Hathaway đã quyên góp được hơn 50 triệu USD. Số tiền thu được sẽ chuyển đến Glide Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận ở San Francisco chăm sóc người nghèo, người vô gia cư và chống lại lạm dụng chất kích thích.
Phiên đấu giá quyền dùng bữa trưa đầu tiên với ông Buffett diễn ra vào năm 2000. Các phiên đấu giá không được tổ chức trong năm 2020, 2021 do đại dịch COVID-19 và bữa ăn cuối cùng diễn ra vào năm 2022 với số tiền lên tới 19 triệu USD cho một bữa ăn.
Người chiến thắng cuộc đấu giá sẽ có cơ hội thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau với Buffett, ngoại trừ kế hoạch đầu tư của ông trong tương lai.
Một trong những nhân vật ăn trưa đáng chú ý nhất đó là Ted Weschler. Ông không chỉ gây chú ý bởi khoản quyên góp cho Glide lên tới 5,25 triệu USD mà còn được đích thân “nhà hiền triết xứ Omaha” đề nghị công việc tại Berkshire Hathaway.
Cuộc chiêu mộ “phó tướng” của tỷ phú Warren Buffett
Ted Weschler sinh năm 1962 và tốt nghiệp Trường Kinh doanh Wharton (Đại học Pennsylvania) vào năm 1983. Ông từng làm việc tại một số hãng tài chính, sau đó thành lập quỹ Peninsula Capital Advisors vào năm 1999. Quỹ này có quy mô 2 tỷ USD và từng đạt tỷ suất sinh lời 1.236%.
Trong cuộc phỏng vấn với “I am Home Podcast”, Weschler đã kể lại chuỗi sự kiện bắt đầu từ hai bữa trưa với Buffett vào năm 2010 và 2011.
“Chúng tôi đến nhà hàng Piccolo’s và mọi thứ thật tuyệt vời… Tôi hỏi Buffett rằng ông có phiền không khi tôi muốn xem ghi chú của mình. Sau đó, tôi nói ông có thể hỏi tôi bất cứ điều gì nếu ông muốn”, Weschler kể lại.
Khi Weschler đang xem lại ghi chép của mình, nhà đầu tư huyền thoại đã làm ông ngạc nhiên khi nói: “Tôi nghĩ anh là người khá phù hợp. Liệu anh có muốn làm việc ở Berkshire?”
“Tôi thực sự hoảng loạn. Đó hoàn toàn không phải những gì tôi đang nghĩ. Thực sự không”, Weschler nhấn mạnh.
Bất chấp sự lưỡng lự của Weschler, Buffett vẫn để ngỏ cánh cửa. “Anh không cần phải quyết định ngay bây giờ, nếu anh cảm thấy phù hợp trong 2, 3 hay 5 năm nữa, cứ nói cho tôi biết”, ông chủ của Berkshire nói.
Sau đó, Weschler quay trở lại thành phố Charlottesville (bang Virginia), nơi ông đang phải xử lý một vụ phá sản lớn và cả gia đình đang sống ở đó.
Theo Benzinga, Weschler đã gửi cho Buffett một lá thư, giải thích chi tiết hoàn cảnh của mình. Buffett hồi đáp, đồng ý cho Weschler một cơ hội. Huyền thoại đầu tư còn ủng hộ việc Weschler muốn xử lý việc riêng trước khi đến Berkshire.
Cuối cùng, Weschler gia nhập Berskhire vào ngày 12/9/2011, trở thành một trong hai “phó tướng” chịu trách nhiệm quản lý danh mục đầu tư chứng khoán trị giá hàng trăm tỷ USD của tập đoàn này bên cạnh ông Todd Combs.
Những bài học quý giá đến từ bữa trưa của Warren Buffett
Ted Weschler không phải người duy nhất nhận được những thành quả quý giá sau bữa trưa cùng tỷ phú Buffett. Mặc dù không được đề xuất công việc như Ted nhưng họ đều bày tỏ sự cảm kích về những bài học “quý hơn vàng” từ “nhà đầu tư huyền thoại” Warren Buffett
Như trường hợp của hai doanh nhân Guy Spier và Mohnish Pabrai từng bỏ ra 650.000 USD cho 2,5 giờ ăn trưa vào năm 2007 và sau đó họ phải thốt lên rằng: “Chúng tôi sẵn sàng trả nhiều hơn nữa cơ. Nó rất xứng đáng”.
Dưới đây là 3 bài học Guy Spier và Mohnish Pabrai chia sẻ trên CNBC:
1. Luôn tiếp cận mọi thứ bằng sự thống nhất
Trong bữa trưa, Buffett đã giải thích bằng cách nào ông và người đồng đội lâu năm Charlie Munger tiếp cận sự thật và sự thống nhất. “Ông ấy và Munger sử dụng một thước đo nội bộ”, Pabrai cho biết. Buffett đã cho hai người một phương pháp phi truyền thống để xác định điều này. “Anh muốn là người bạn trai tuyệt vời nhất thế giới, nhưng bị coi là tệ nhất, hay là người tệ nhất nhưng được coi là tuyệt nhất?”, ông hỏi, “Nếu biết câu trả lời, anh đã có thước đo nội bộ đúng rồi đấy”.
“Đó là một người rất thú vị. Cả thế giới có thể coi điều họ làm là kinh khủng, nhưng họ biết rõ mình đang làm đúng”, Spier cho biết.
Buffett từ lâu đã là người tin vào việc gây dựng sự đồng nhất, đặc biệt khi còn trẻ. Ông từng nói rằng đây là tính cách chủ đạo ông tìm kiếm khi tuyển nhân viên. “Một sinh viên đã có thể quyết định được mình sẽ trở thành người thế nào khi 60 tuổi rồi”, ông cho biết trong một buổi phỏng vấn với Nebraska Business, “nếu không có sự thống nhất khi đó, họ sẽ chẳng bao giờ có được”.
2. Cứ thoải mái nói “Không”
Warren Buffett từng nói: “Sự khác nhau giữa những người thành công và thành công thực sự là nhóm thứ 2 nói không với hầu hết mọi việc”. Trong bữa trưa năm đó, Buffett đã chỉ cho Spier xem lịch trình của mình, gần như bỏ trống. “Ông ấy muốn để thời gian biểu của mình không bị sắp xếp, và để lại khoảng trống cho những việc đột xuất”, Spier nói.
Theo Bill Gates – người bạn thân thiết của Buffett, đây không phải thói quen mới của tỷ phú. Gates cho biết trong lần đầu gặp mặt năm 1991, Buffett đã cho ông xem thời gian biểu gần như trống trơn. Việc này đã giúp đồng sáng lập Microsoft học được một bài học quý giá. “Anh là người kiểm soát thời gian của chính mình”, Gates cho biết.
Nhiều năm sau, việc này vẫn không có gì thay đổi. Buffett luôn khẳng định khả năng từ chối đã giúp công ty của ông tăng trưởng mạnh và ổn định.
3. Làm điều mình yêu
Buffett cũng nói về tầm quan trọng của việc làm điều mình yêu thích, Spier nhớ lại. Tỷ phú lấy ví dụ về Cecil Williams – sáng lập quỹ Glide Foundation vì thích quan tâm đến những người kém may mắn. Sau đó, ông lấy ví dụ về chính bản thân, vì yêu công việc CEO của Berkshire Hathaway.
Trên thực tế, Buffett thích công việc này đến mức sẵn sàng làm dù lương thấp hơn nhiều. “Chắc chắn là dù có được trả 100.000 USD một năm, tôi vẫn rất vui”, tỷ phú cho biết trên PBS Newshour năm ngoái.
Ông cũng giục người trẻ tìm công việc mình yêu thích. “Khi ra đời, hãy tìm việc mà mình muốn làm, nếu không quá cần đến tiền”, Buffett cho biết tại Đại hội Cổ đông Berkshire Hathaway 2017, “Khi thực sự nghĩ về điều sẽ làm mình thấy vui vẻ, mình sẽ thế nào khi về già và cuộc sống sẽ ra sao, bạn ít nhất cũng muốn tiếp tục đi theo con đường đó”, ông nói.
Có thể bạn quan tâm