fbpx

Ông chủ Gốm sứ Minh Long kể về hành trình nung nấu giấc mơ hơn 1 thập kỷ để làm ra sản phẩm không thua kém thế giới

Trong suốt hành trình hơn nửa đời người tìm cách đưa gốm sứ Việt ra toàn thế giới, ông Lý Ngọc Minh đã trải phải làm những gì?

“Tôi không sợ cũ, chỉ sợ mình không kịp thích ứng với những trào lưu tiến hóa của xã hội. Mình phải luôn tập thích ứng, khi đó mình đã đổi mới rồi”, ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Gốm sứ Minh Long I nói về hành trình 50 năm làm gốm sứ của mình tại một chương trình cho báo VnExpress tổ chức.

Nửa đời người gắn bó với nghề gốm sứ, ông Lý Ngọc Minh tự nhận mình là “người mê gốm sứ”, đam mê khám phá, rong ruổi trên hành trình cuộc đời để mang tới những điều tốt đẹp cho xã hội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm sứ, từ ngày còn bé, ông Lý Ngọc Minh đã được bố dắt đi xem triển lãm những món đồ gốm đẹp đẽ của nước ngoài – những trải nghiệm đã mang tới cho ông chủ gốm sứ Minh Long ước mơ được làm ra những đồ vật chất lượng cao của người Việt.

Năm 17 tuổi, ông Minh đã “bất đắc dĩ” tiếp quản cơ nghiệp từ rất sớm khi gia đình gặp biến cố. Khi đó, ông bắt tay vào học và nghiên cứu đồ gốm trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, sau 3 năm vùi đầu vào nghiên cứu, ông Minh nhận ra hành trình này quá viển vông.

“Tôi nhận thấy dù nghiên cứu ra nhiều men màu độc đáo nhưng bản thân không đủ thiết bị máy móc để sản xuất ra nó. Đây là dấu mốc quan trọng mà tôi thấy cần làm một cuộc cách mạng nhỏ, chuyển từ làm chén bát thủ công sang làm mỹ nghệ”, ông Lý Ngọc Minh hồi tưởng.

Dấu mốc tiếp theo đến với ông Minh là sự kiện ông Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về thăm tỉnh Bình Dương và gặp gỡ các doanh nghiệp. Sau bữa tối, ông Đỗ Mười đã hỏi: “Đất nước này có rất nhiều nơi làm gốm sứ, đặc biệt là Bình Dương nhưng sao lại không làm nổi một bộ ấm trà mà phải dùng sản phẩm của nước ngoài để đi tiếp khách?”.

Sau khi nghe câu chuyện đó, ông Lý Ngọc Minh đã khăn gói lên đường, mang theo giấc mơ thuở nhỏ để tìm kiếm và học hỏi những kỹ thuật, máy móc sản xuất gốm sứ hiện đại nhất nhì thế giới, mang về nước. “Đó là cuộc cách mạng thứ hai”, Chủ tịch Gốm sứ Minh Long nói.

Hành trình tìm tòi và học hỏi ở nước ngoài đã giúp ông Minh xây dựng được hệ thống sản xuất gốm sứ tự động hóa ở mọi quy trình. Bên cạnh đó là công nghệ nung một lần, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

“Để đạt được điều đó không dễ. Trước Minh Long có 4 nhà sản xuất của Đức thực hiện công nghệ này và mất 7, 8 năm thì họ dừng vì quá tốn kém. Trong khi đó, chúng tôi kiên trì đi tới 15 năm, cho đến khi có được sự công nhận của Nhà nước, nhận được ưu đãi chính sách thuế cho lĩnh vực công nghệ”, ông Lý Ngọc Minh trải lòng về hành trình đổi mới của gốm sứ Minh Long.

Hiện nay, nhờ đổi mới công nghệ, hệ thống tự động của Minh Long chỉ mất 24 giờ để hoàn thành quá trình nung. Minh Long được cho là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới thực hiện nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C, giúp sản phẩm có lớp men cứng, chắc, đạt độ bóng cao, ít bám bụi, đồng thời không chứa các chất độc hại. 

Được đối tác nước ngoài gọi với cái tên “tổng công trình sư”, ông Lý Ngọc Minh tin rằng điều đó đến từ quá trình học hỏi từ những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực. Không học theo cách bài bản vì cho rằng quá tốn thời gian, ông chủ gốm sứ Minh Long lựa chọn con đường “học tắt” nhưng học rất sâu.

“Học hỏi không phải là sự bắt chước, không phải là “con bò ăn cỏ” mà là “con tằm ăn lá dâu nhả ra tơ”. Mình “tiêu hóa” những điều mình học được. Nếu các bạn trẻ muốn làm nên chuyện thì phải hiểu sâu nguyên lý vận hành của việc muốn làm”, ông Lý Ngọc Minh nói.

Nói về sản phẩm sứ dưỡng sinh của mình, ông Minh cho biết công ty đã đầu tư phát triển sản với mục đích phục vụ sức khỏe cộng đồng. Ông ví sản phẩm là một gánh tuồng. “Để diễn hay thì gánh tuồng đó cần hội tụ nhiều yếu tố, trong đó có diễn viên. Nếu mình đạo diễn giỏi mà diễn viên không có tố chất thì mình sao làm được?”, Chủ tịch gốm sứ Minh Long ví von. Theo ông Minh, các nguyên liệu làm nên sản phẩm phải được xử lý thật tốt và có tố chất phù hợp.

“Tuy vậy, diễn viên muốn có tố chất thì mình cũng cần phải training cho họ nhưng với vật chất là đất đá thì bạn tính dạy dỗ ra sao? Điều đó khó vô cùng. Tôi tâm đắc câu nói của Napoleon nói rằng “Trong từ điển không có từ khó, với chuyện dễ thì làm trong thời gian nhất định còn việc khó thì làm lâu hơn”, ông Lý Ngọc Minh chia sẻ về quá trình Minh Long nghiên cứu sứ dưỡng sinh Minh Long, có thể luộc thức ăn mà không cần nước với độ sốc nhiệt lên tới 850 độ C. Công ty mất hơn 20 năm để ra mắt sản phẩm.

Ông Minh cho rằng trong quá trình đổi mới, hướng tới tương lai, chi phí đầu tư quá lớn chính là cái bẫy cho Minh Long, khi thị trường không đủ khả năng đáp ứng được mức giá hay sản lượng không đủ. “Trong cái khó ló cái khôn, chúng ta phải tìm cách sáng tạo để thích nghi. Bà mẹ chồng có khó thì con dâu mới nên”, ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.  

Đứng trước các quyết định khó khăn, cần một sự thay đổi táo bạo, ông Lý Ngọc Minh cho rằng thử thách sẽ ngày càng khó, đỉnh núi cao sẽ có núi cao hơn. Vì thế, Minh Long chọn giải pháp là học hỏi, khảo sát nhu cầu của thị trường và xã hội rồi dựa vào khả năng của mình để đáp ứng theo phương châm “đơn giản hiệu quả”.

Đây là lý giải của ông Minh cho việc sản phẩm của Minh Long dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu trước khi ra mắt thị trường. Trên hành trình đó, Minh Long đã và đang thực hiện nghiên cứu cùng lúc hàng trăm sản phẩm nhằm tiết kiệm thời gian nghiên cứu, đồng thời tìm ra nhiều điểm cần cải tiến trong quá trình phát triển sản phẩm.

Để bắt kịp, đón đầu những tín hiệu thị trường, ông chủ gốm sứ Minh Long cho biết công ty có nghiên cứu thị trường để chạy theo xu hướng nhưng có đôi lúc, Minh Long đi trước nhiều năm trời để nghiên cứu vì “phải chấp nhận sản phẩm đó không thể có ngay được”. 

“Tôi muốn nhắn các bạn trẻ rằng ngay cả khi chúng ta không còn cách nào khác nữa thì vẫn luôn xuất hiện một giải pháp. Người nào kiên trì sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề. Nếu bạn muốn ít phạm sai lầm thì bạn phải hiểu mình đang muốn làm gì, năng lực của mình có làm được không và nó có phù hợp hay không?”, Chủ tịch Lý Ngọc Minh đưa ra lời khuyên.

Đối với Chủ tịch Lý Ngọc Minh, người trẻ cần có ba chữ: học, hỏi, và hành. Ông nói: “Nếu học không biết thì hỏi, mà đã học hỏi mà không mang kiến thức ra hành thì lấy gì để trải nghiệm, cải tiến. Tôi nghĩ đây là cái ghế ba chân chon người chủ đưa doanh nghiệp cất cánh”. 

Nguồn: Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH MARKETING – BÁN HÀNG ĐỈNH CAOBí quyết marketing bán hàng đỉnh cao

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề