fbpx

Ông Donald Trump thắng cử, thao túng tiền tệ, và tỷ giá

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, ông Donald Trump không chỉ giành chiến thắng áp đảo mà đảng Cộng hòa cũng chiếm đa số trong cả hai viện Quốc hội. Kết quả này sẽ có những tác động sâu rộng không chỉ đối với Mỹ mà cả thế giới. Trong đó, có câu chuyện tỷ giá hối đoái đối với các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, mà Việt Nam là một trường hợp khá đặc biệt.

Ông Donald Trump thắng cử, thao túng tiền tệ, và tỷ giá

Ông Donald Trump thắng cử, thao túng tiền tệ, và tỷ giá

Thặng dư thương mại và thao túng tiền tệ

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới nên Mỹ là đối tác thương mại lớn của nhiều nước khác. Trong số này, có những nước/vùng lãnh thổ mang lại thặng dư cho Mỹ như Hà Lan, UAE, Úc, Anh và Hồng Kông. Nhưng thâm hụt lớn với một số nước là một tình thế lưỡng nan với Mỹ.

Tính đến tháng 9-2024, ba nước mà Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn nhất là Trung Quốc, Mexico và Việt Nam, với các giá trị tương ứng là 217,5 tỉ đô la; 125,5 tỉ đô la và 90,6 tỉ đô la. Tuy vậy, “thái độ” của Mỹ đối với các quốc gia này phụ thuộc vào mối quan hệ chính trị ngoại giao nên có thể thấy trùng hợp với ba nhóm: không thiện cảm, trung lập và có thiện cảm.

Vào năm 2015, Mỹ ban hành đạo luật Tạo thuận lợi và thực thi thương mại (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015) nhằm dán nhãn những quốc gia bị coi là thao túng tiền tệ (currency manipulator), từ đó có những chính sách hà khắc hơn trong thương mại, ngoại giao và chính trị. Bộ Tài chính Mỹ xác định ba yếu tố để xem là có thao túng tiền tệ hay không bao gồm: thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai, và liên tục can thiệp một chiều thị trường ngoại hối.

Trung Quốc, Việt Nam, Thụy Sỹ là những nước từng bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ, và danh sách trong diện theo dõi hiện nay là những nước/vùng lãnh thổ có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Việt Nam, trường hợp khá đặc biệt

Việt Nam, từ sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1993 đã mở cửa với thế giới, và Mỹ là một trong các đối tác thương mại quan trọng nhất. Không những vậy, Việt Nam luôn là nước có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ. Chỉ tính riêng thị trường Mỹ đã bằng vài thị trường lớn khác cộng lại. Còn với Trung Quốc, mặc dù Việt Nam có giá trị xuất khẩu lớn nhưng lại nhập siêu lớn nhất từ nước này.

Việt Nam từng bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ năm 2020 (nhiệm kỳ của ông Donald Trump) và được gỡ bỏ năm 2021 (nhiệm kỳ của ông Joe Biden) khiến cho không ít người lo ngại rằng chuyện này sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý hơn sẽ thấy mặc dù chính quyền ông Trump lúc đó dán nhãn nhưng thực tế không có các hành động trừng phạt, một kiểu giơ cao đánh khẽ.

Thử nhìn lại dưới nhiệm kỳ trước của ông Trump, mối quan hệ Mỹ – Việt có nhiều điểm tích cực. Một số điểm nổi bật như: đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam tăng từ 2,46 tỉ đô la năm 2017 lên 2,53 tỉ đô la năm 2020, với mức cao nhất là 2,9 tỉ đô la vào năm 2018; tài sản của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ tại Việt Nam cũng tăng từ 13 tỉ đô la vào năm 2017 lên 18,9 tỉ đô la vào năm 2021; lực lượng lao động tại các công ty Mỹ ở Việt Nam mở rộng, từ 54.700 người năm 2017 lên 75.700 người vào năm 2021. Ông Trump đã đến thăm Việt Nam hai lần, thể hiện sự ưu tiên hơn so với các nước Đông Nam Á khác.

Với việc chính quyền mới của ông Trump ủng hộ doanh nghiệp, chú trọng đến sự hiệu quả, nếu không nói là có phần thực dụng thì Việt Nam nếu tiếp tục khéo léo trong quan hệ ngoại giao của mình sẽ có lợi nhiều hơn là thiệt. Đồng đô la Mỹ mạnh lên thì sức ép về tỷ giá là câu chuyện chung của rất nhiều nền kinh tế trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Trong trường hợp cần điều chỉnh tỷ giá linh động có kiểm soát thì có lẽ điều Mỹ cần nhất là các kênh trao đổi thiện chí.

Nguồn: thesaigontimes

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH

 

Các viết cùng chủ đề