Quyền năng từ Lãi kép trong những bức thư của Warren Buffett
Bằng việc sử dụng những câu chuyện hài hước qua các bức thư gửi cổ đông, Warren Buffett dạy cho các nhà đầu tư về sức mạnh của lãi kép xuyên suốt một hành trình lâu dài sẽ luôn là chiến lược tốt nhất.
Quyền năng từ Lãi kép trong những bức thư của Warren Buffett
Einstein gọi lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới và ông cũng nói, “những ai hiểu nó, sẽ kiếm được nó, còn những ai không, thì phải trả nó”. Bằng việc sử dụng những câu chuyện hài hước qua các bức thư gửi cổ đông, Buffett dạy các nhà đầu tư rằng sức mạnh của lãi kép xuyên suốt một hành trình đầu tư lâu dài sẽ luôn là chiến lược tốt nhất của bạn. Theo Warrren Buffett ai câu chuyện dưới đây nhấn mạnh cho chúng ta hai thứ: (1) Lãi kép cũng nhạy cảm với các thay đổi về thời gian cũng như về lợi suất và (2) những thay đổi dù không đáng kể trong mức lãi suất sẽ dồn lại thành một con số lớn khi nhìn qua lăng kính đầu tư dài hạn.
Bức thư ngày 18/01/1963 – Columbus
Từ vài nguồn tin, tôi được biết rằng chi phí của chuyến đi mà Nữ hoàng Isabella tài trợ cho Columbus là khoảng 30.000 đô la. Ít nhất, đây cũng được coi là việc sử dụng tương đối thành công khoản đầu tư mạo hiểm. Nếu không tính sự thỏa mãn về mặt tinh thần có được khi tìm ra một bán cầu mới thì dù cho có được quyền sở hữu đất đai, toàn bộ giao dịch này cũng chẳng bằng giá trị của tập đoàn IBM. Hình dung chung chung thế này, 30.000 đô la được đầu tư ở mức lãi kép 4% mỗi năm sẽ có giá khoảng 2.000.000.000.000 đô la (đó là 2 nghìn tỷ đô la, nếu bạn không giỏi đếm) tính đến năm 1962. Những cấp số nhân huyền ảo đó thể hiện giá trị của việc sống lâu hay việc áp dụng lãi kép với khoản tiền của mọi người ở mức lãi suất kha khá.
Tôi chẳng có gì đặc biệt để nói về việc sống lâu. Việc nhìn vào mỗi khác biệt tương đối nhỏ trong các mức lợi suất dồn lại thành các khoản rất lớn qua nhiều năm luôn làm tôi ngạc nhiên. Đó là lý do tại sao, mặc dù chúng ta luôn muốn nhiều hơn, chúng ta luôn cảm thấy chỉ vài điểm Cao hơn chỉ số Dow Jones cũng đã là một kỳ tích rồi. Nó có nghĩa là có thêm nhiều tiền qua một hay hai thập kỉ nữa.
Bức thư ngày 18/01/1964 – Bức tranh Mona Lisa
Giờ tới phần “phấn khích” trong bài tiểu luận của chúng ta. Năm ngoái, để nhấn mạnh về lãi kép, tôi đã nhắm bừa vào nữ hoàng Isabella và cố vấn tài chính của bà. Mọi người sẽ nhớ rằng họ đã bị phỗng tay trên trong một số vụ lãi kép quá thấp khi tìm ra cả một bán cầu mới. Vì toàn bộ chủ đề lãi kép này có vẻ hơi trần trụi, nên tôi sẽ cố gắng thêm chút sang chảnh vào trong cuộc thảo luận này bằng cách chuyển sang thế giới nghệ thuật. Vua Francis I của nước Pháp đã trả 4.000 ECU vào năm 1540 cho bức tranh Nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Có thể vài người không hay theo dõi biến động của đồng ECU, 4.000 ECU đổi ra được khoảng 20.000 đô la.
Nếu Vua Francis khôn ngoan hơn và ông (cùng người tín thác của mình) có thể tìm được một khoản đầu tư có lợi suất sau thuế là 6%, thì tài sản bây giờ đã đáng giá hơn 1.000.000.000.000.000 đô la. Đó là 1 triệu tỷ đô la hay gấp hơn 3.000 lần tổng nợ quốc gia hiện tại chỉ với mức lợi suất 6% thôi đấy.
Tôi tin rằng điều này sẽ chấm dứt mọi tranh luận trong gia đình chúng tôi về việc mua tranh để đầu tư. Tuy nhiên, như tôi đã chỉ ra ở năm trước, có vài bài học khác được rút ra từ đây. Một là lợi thế của việc sống lâu. Một yếu tố ấn tượng khác là biến động do các thay đổi tương đối nhỏ trong lãi suất kép tạo ra. Biểu đồ dưới đây thể hiện các mức lãi từ khoản 100.000 đô la được tính lãi kép ở các lãi suất khác nhau:
Happy Live team
Nguồn: Sách Luật của Warren Buffett
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Bufffett, Charlie Munger)