fbpx

Review Nghệ thuật đầu tư Dhandho – Khai sáng góc nhìn về đầu tư

Góc nhìn của mình – Lương Nguyễn về cuốn sách Nghệ Thuật Đầu Tư Dhandho và cũng là phần tóm tắt về cuốn sách này, trong đây mình trích dẫn những đoạn mình tâm đắc nhất và muốn khắc cốt ghi tâm cho sự nghiệp đầu tư lâu dài của mình.

Lời nói đầu: 

“Tập thể công ty Happy Live xin cảm ơn bạn Lương Nguyễn đã chia bài review rất chi tiết và truyền cảm hứng về quyển sách “Nghệ thuật đầu tư Dhandho” trong “Cộng đồng Happy Live – Đầu tư tài chính & thịnh vượng”

Mình xin phép được trích dẫn bài review hết sức tâm huyết này lại và một lần nữa xin cảm ơn bạn vì đã ủng hộ anh Thái và Happy Live.”

TRÍCH DẪN BÀI REVIEW:

Với xuất thân là một người vừa chập chững bước chân vào lĩnh vực đầu tư, mọi thứ dường như đều mới lạ, thật sự là có rất nhiều khó khăn, lo lắng, hoảng loạn với sự lên xuống xanh đỏ của thị trường cũng như những tin tức từ chiến tranh, bỏ cọc, bán chui cổ phiếu,…

Mình bắt đầu viết bài này là vì lúc xem video hướng dẫn cách đọc sách của anh Thái Phạm mình thấy cách đọc sách của anh với mình có rất nhiều điểm tương đồng, và khi nghe anh chia sẻ sau mỗi cuốn sách đọc xong anh đều tóm tắt lại mình thấy điều này hay nên bắt chước.

Vì đa số các cuốn sách đọc xong đều gần như quên hết nên mình nghĩ việc này là rất cần thiết

Một câu chuyện về đọc sách mình rất thích đó là khi tiểu hòa thượng hỏi sư phụ của mình con đọc rất nhiều sách nhưng rồi sau đó lại quên hết, vậy đọc sách có ý nghĩa gì? Vị sư phụ đưa cho cậu chiếc giỏ tre đựng than và bảo cậu đi gánh nước, bỏ bao thời gian công sức, dù chạy nhanh hết sức nhưng sau khi từ suối về thì trong giỏ không còn lấy một giọt nước. Tiểu hòa thượng mới chạy về hỏi, vị sư phụ điềm tĩnh trả lời: Con hãy thử nhìn cái giỏ xem!

Tiểu hòa thượng nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.

Mình có thói quen đọc lại những cuốn sách thấy hay hằng năm, nhưng nếu là bảng tóm tắt thì có lẽ nó sẽ được thực hiện hằng tháng. Mình viết cho bản thân mình, nhưng hôm nay mình chia sẻ lên đây hy vọng nó cũng giúp ích cho bạn, và mong rằng sẽ mở ra được nhiều góc nhìn hơn cho mình!

Trong cuốn sách này chứa đựng rất nhiều bài học cũng như tinh túy mà bản thân mình, một người mới chưa thể nào học hỏi hết được. Mình chia sẻ quan điểm cá nhân và hy vọng các bạn cũng sẽ chia sẻ góc nhìn về cuốn sách này, chúng ta giao lưu, chia sẻ, học hỏi và góp ý mang tính chất xây dựng với nhau nhé!

Bước vào con đường trading mang theo tâm lý fomo chẳng khác nào ngồi trên con thuyền thúng bơi giữa biển chao đảo sóng đánh mà không biết hướng gió, không biết cách chèo thuyền,.. sau một hồi sóng đánh tả tơi muốn lật cả thuyền thì mình cũng quyết định mua quyển sách đầu tiên về nghiên cứu đầu tư theo kiểu có ăn, có học, có đọc ạ.

“Nghệ thuật đầu tư Dhandho” – Điểm bắt đầu bền vững cho F0 chứng khoán

“ Nghệ thuật đầu tư Dhandhoo” với mình như một vị chuyên gia tâm lý, một nhà giáo dục giúp mình có cái nhìn đúng đắn hơn về thuật ngữ đầu tư. Mình bắt đầu với tâm lý liều ăn nhiều, theo cách này thì không khác gì con bạc, rồi lại chẳng mấy chốc mà vốn bay vèo, nhưng Mohnish Pabrai đã đưa mình về với con đường đúng đắn, nhận thức lại rằng “ ngửa thì tôi thắng lớn, sấp tôi chẳng thiệt bao nhiêu”.
Và không chỉ với người đầu tư mà đối với những người kinh doanh mình thấy rằng cuốn sách này cũng giúp ích rất nhiều, nhất là với các bạn trẻ khởi nghiệp.

Mình đọc Nghệ Thuật đầu tư Dhandho như một quyển sách tâm lý học hơn là đầu tư, mình thấy rõ những cảm xúc tâm lý qua từng câu chuyện trong cuốn sách, thường thì sau mỗi câu chuyện mình hay dừng lại để quán chiếu vào cuộc sống, cảm xúc, tâm lý khi một sự kiện tương tự xảy ra và cảm giác như có những lúc tác giả đang kể câu chuyện của chính bản thân mình.

Lợi ích phụ của thói quen đọc sách 

Thực sự thì học và đọc sách về đầu tư cải thiện chất lượng cuộc sống của mình rất nhiều, mình thấy bản thân có thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình, không tức giận kể cả với những người không dễ thương, những hành động thô lỗ mà nếu như trước đây thì nó đủ để làm mình bực mình đôi khi là cả ngày.

Rèn luyện tính kiên nhẫn, bình tĩnh trong mọi trường hợp, sống kỷ luật hơn, hình thành nhiều thói quen tốt. Cảm giác con người mình có nhiều năng lượng hơn, tích cực hơn, mọi chuyện cũng hanh thông thuận lợi hơn. Hoặc là mình đã không còn quan tâm tới mấy chuyện vặt vãnh lông gà vỏ tỏi, chỉ tập trung vào những thứ quan trọng, sức khỏe, gia đình, …

Câu chuyện và bài học gần gũi nhưng thiết thực từ Nghệ thuận đầu tư Dhandho

Những câu chuyện rất gần gũi và chân thực Mohnish chia sẻ giúp mình dễ hiểu, dễ hình dung hơn, mình đặc biệt ấn tượng với Papa Patel.
Mình thích tư duy của Papa Patel một người đàn ông cùng gia đình đi tị nạn với tất cả tài sản chỉ là vài nghìn đô la Mỹ, với kỹ năng nói tiếng anh bồi gánh cả gia đình sau lưng tới sống ở một vùng đất xa lạ nhưng vẫn mang tâm thế làm chủ mà không phải là tìm một việc làm công ăn lương. Và với khối lượng công việc của một nhà nghỉ cần ít nhất 4 người làm việc thay vì thuê người làm và tốn một khoản chi phí kha khá để trả lương thì cả gia đình Papa chia nhau làm, những đứa trẻ phụ giúp cha mẹ chúng và buổi tối, cuối tuần và ngày lễ. Điều đó lại tạo nên những đứa trẻ có trách nhiệm, biết giúp đỡ cha mẹ, biết sắp xếp cân bằng cuộc sống học hành và làm việc. Những đứa trẻ kiểu không phải sống trong sự bảo bọc quá mức, kiểu cơm bưng nước rót, chúng sống trong một môi trường lạnh mạnh, lao động vừa sức chứ không phải suốt ngày dán mắt vào màn hình điện thoại. Cứ như thế, những người sau tiếp nối và học hỏi thế hệ đi trước, rồi như hiệu ứng hòn tuyết lăn, mọi thứ cứ tiếp diễn cho tới lúc con số đáng kinh ngạc, một nửa trong số tổng nhà nghỉ ở Mỹ đứng tên người Patel.

Bài học về Papa Patel còn chia sẻ việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và tinh thần lạc quan

Câu chuyện của Papa Patel không chỉ góp thêm góc nhìn về phương diện đầu tư, bằng cách tối giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, ăn chay và sống đơn giản. Mà mình thấy cách giáo dục con cái của họ cũng rất hay, không phải là còng lưng gánh hết mọi thứ cho con cái rồi lại chiều hư con, mình thấy không ít cha mẹ tần tảo kiếm từng đồng vẫn cưng chiều sắm cho con chiếc Iphone cả chục triệu vì chúng thấy thua kém bạn bè nên đòi bỏ học. Họ cho chúng san sẻ, lao động vừa sức, tạo cho con cái sống trong một môi trường mà cha mẹ chúng nỗ lực làm việc, cha mẹ chúng sống lành mạnh và có lối sống giản dị. Mình không hề nghe một tiếng than phiền, bi quan hay trách móc chính quyền vì sao tống cổ họ ra khỏi đất nước của mình, cũng chưa từng oán thán, đổ lỗi trách móc lẫn nhau, mỗi người một việc họ cần mẫn làm tốt công việc của mình mỗi ngày.

Có rất nhiều câu chuyện trong cuốn sách này, dù họ là những người ở những vùng đất khác nhau, kinh doanh những lĩnh vực khác nhau, họ đã từng biết đến hay không biết gì về dhandhoo. Họ có rất nhiều điểm chung, tất cả đều bắt đầu từ những thứ rất nhỏ, với một số vốn nhỏ, mô hình nhỏ, với một rủi ro cực kỳ thấp. Nó hoàn toàn trái ngược với những điều mình thường thấy, chúng ta hay tích cóp cả cuộc đời và đổ hết trứng vào một cái rổ đem đi đầu tư và rồi hầu hết trong số đó nhận lại thất bại.

Họ sống cực kì đơn giản, chăm chỉ làm việc, ít vui chơi dù lúc đó họ đã có kha khá tài sản trong tay. Nhưng tình huống có vẻ ngược lại, mình sống ở trong một xã hội mà mọi người mua những thứ họ không cần bằng số tiền mình không có (cà thẻ tín dụng), để thể hiện với những người không hề quen biết.

Góc nhìn phân tích cá nhân về quyển sách “Nghệ thuật đầu tư Dhandho”

Chỉ mới một năm trước đây thuật ngữ đầu tư với mình thật xa lạ, cứ nghĩ rằng phải có một số vốn nhất định, ít gì cũng vài trăm triệu, vài tỷ mới đầu tư được, nó như một thứ gì đó thật xa vời, cao siêu nhưng khi thật sự bước chân trên con đường này mới nhận ra nó cũng đơn giản và gần gũi thôi. Đầu tư có thể bắt đầu từ những khoản tiết kiệm nhỏ, có thể làm nên những điều lớn lao từ những việc nhỏ bé.
Với một f0 mới tinh như mình thì 9 nguyên tắc cốt lõi trong khuôn khổ Dhandhoo thực sự giúp ích rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định chọn doanh nghiệp để đầu tư.

NGUYÊN TẮC 1: Đầu tư vào doanh nghiệp đang tồn tại

NGUYÊN TẮC 2: Đầu tư vào các doanh nghiệp đơn giản 

“ Nếu nhìn thấy khoảng cách tách biệt giữa giá cả và giá trị nội tại của một doanh nghiệp nhất định và khoảng cách đó nghiêng về lợi thế của chúng ta thì ta có thể hành động và mua doanh nghiệp đó”

NGUYÊN TẮC 3: Đầu tư vào doanh nghiệp rệu rã trong lĩnh vực rệu rã.

“Quan sát thấy thị trường thường xuyên diễn biến hiệu quả, (các nhà học thuật hàn lâm và chuyên gia phố Wall) đi đến kết luận không chính xác rằng nó luôn hiệu quả. Sự khác biệt giữa các mệnh đề này giống như sự khác biệt giữa ngày và đêm”
– Warren Buffet –

“Thị trường không hoàn toàn hiệu quả vì con người kiểm soát cơ chế định giá dựa vào đấu giá. Con người dao động giữa trạng thái sợ hãi cực độ và tham lam cực độ. Khi cả nhóm người sợ hãi cực độ, việc định giá tài sản có xu hướng giảm xuống dưới mức giá trị nội tại; còn tham lam cực độ có xu hướng dẫn đến giá cả tăng nhiệt.”

“Đối với thị trường chứng khoán, một nhà đầu tư cá nhân trong lối tư duy bi quan dường như gỡ bỏ toàn bộ vị thế của mình trong vài phút. Do đó, giá cổ phiếu biến động mạnh so với giá trị nội tại của cổ phiếu. Tác động của tâm lý con người đến tỷ lệ mua và bán của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán lớn hơn nhiều so với mua và bán toàn bộ doanh nghiệp.”

“Ngài thị trường mua hoặc bán không dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp cơ sở mà được xác định bởi cảm xúc của ông ấy”
“Tất cả những gì chúng ta cần làm là trước hết phải thu hẹp thế giới các ứng viên doanh nghiệp sao cho chỉ còn những doanh nghiệp chứng ta thấu hiểu và đang trong tình trạng rệu rã”

“Các nhà quản lý trên không tập trung 100% vào các tình huống khó khăn, mà tập trung vào giá trị. Các tình huống khó khăn là tập hợp con của đầu tư giá trị, do đó một số khoản đầu tư của họ rơi vào hạng mục doanh nghiệp rệu rã.”

NGUYÊN TẮC 4: Đầu tư vào doanh nghiệp có con hào kinh tế bền vững

“Tôi không muốn mua một doanh nghiệp dễ dãi với đối thủ cạnh tranh. Tôi muốn doanh nghiệp có con hào xung quanh. Tôi muốn lâu đài giá trị nằm ở giữa và tôi muốn vị công tước trông nom lâu đài phải rất mực trung thực và chăm chỉ. Sau đó tôi muốn có con hào bao quanh lâu đài. Con hào có thể là những thứ khác nhau: Con hào bao quanh doanh nghiệp nảo hiểm xe ô tô của chúng tôi hãng GEICO, là chi phí thấp.

– Warren Buffett –

“ Không có cái gọi là con hào vĩnh cửu. Ngay cả những doanh nghiệp bất khả chiến bại như aBay, Google, Microsoft, Toyota và American Express đều sẽ có ngày suy yếu và biến mất.”

“Ngay cả những doaanh nghiệp với những con hào kinh tế cũng không tồn tại mãi mãi. Do đó, khi sử dụng công thức giá trị nội tại của John Burr Williams, chúng ta phải giới hạn số năm thịnh vượng của doanh nghiệp.Chúng ta không bao giờ tính dòng tiền chiết khấu vượt quá 10 năm hoặc kỳ vọng doanh thu năm thứ 10 có thể vượt gấp 15 lần dòng tiền ở thời điểm đó.”

NGUYÊN TẮC 5: Không đặt cược thường xuyên nhưng đặt cược lớn vào những sự kiện hiếm xảy ra

“ Những người không ngoan dám đặt cược lớn khi thế giới dâng cho họ cơ hội đó. Họ đặt cược lớn khi họ có lợi thế. Và phần thời gian còn lại, họ không đặt cược. Chỉ đơn giản thế thôi.”
– Charlie Munger –

“ Điều gì sẽ làm cổ phiếu của bạn đạt đến giá trị nội tại của nó trong một vài năm tới? Thương nghị sĩ William Fulbright băn khoăn câu hỏi trên và chất vấn Benjamin Graham suốt cuộc trao đổi thú vị tại phiên điều trần Ủy ban Ngân hàng và Ủy ban Thương mại vào ngày 11 tháng Ba năm 1955:

Fulbright:… Điều gì khiến một cổ phiếu giá rẻ tìm lại được giá trị của nó?

Graham: Đó là một trong những bí ẩn của lĩnh vực chúng ta và đó là điều bí ẩn đối với tôi cũng như tất cả mọi người. Nhưng nhờ kinh nghiệm chúng ta biết rằng thị trường cũng tìm về với giá trị.

Bất cứ khi nào có sự kiện rung chấn như 11/9 hoặc Trân Châu Cảng giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngắn hạn, nhưng chúng có xu hướng hồi phục theo thời gian. Bảng 10.1 mô tả các mốc đỉnh điểm hoảng loạn.

Chín sự kiện trong bảng 10.1 dẫn đến sự sụt giảm hai con số của Dow trong vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, một vài tháng sau, chỉ số Dow gần như phục hồi toàn bộ suy giảm. Khủng hoảng ở doanh nghiệp đều có những đặc điểm tương tự, như nỗi sợ Tylenol, sự cố tràn dầu Exxon Valdez hoặc “khủng hoảng dầu dấm” ở American Express vào thập niên 1960. Tất cả dẫn đến cú sụt giảm tức thời vì hoảng loạn và sợ hãi kéo đến. Theo thời giam, tính hợp lý thắng thế giá cả phục hồi ở mức hợp lý hơn.

Tương tự, nếu bạn đầu tư vào bất kỳ doanh nghiệp nào định giá cao hoặc thấp, cuối cùng nó cũng sẽ giao dịch quanh mức giá trị nội tại – đem đến lợi nhuận hoặc thua lỗ tương thích. Chúng ta có thể coi điều này như một luật đầu tư và bám vào đó.”

“ Bí quyết của nhà đâug tư Dhandho là cược ít, cược lớn, không cần cược thường xuyên và công thức Kelly hỗ trợ cho giả thuyết này. Cách tiếp cận này mang hiệu quả cao trong đầu tư thụ động đối với thị trường chứng khoán. Cuối cùng như Charlie Munger thường nói, “ Đảo ngược, luôn đảo ngược!”(Invert, always invert!”). Nếu chúng ta kiểm tra thành tích của những người đặt nhiều khoản cược lắt nhắt và thường xuyên thì có thể tiên đoán được kết quả thảm hại.”

P/S: Tại thời điểm bắt trúng con dao rơi cổ phiếu bất động sản sau vụ bỏ cọc Tân Hoàng Minh, trong tâm thế hoảng loạn thì mình đọc được những dòng này, những lời giải đáp hoàn hảo cho những khúc mắc rối ren lúc đó.

NGUYÊN TẮC 6: Tập trung vào chênh lệch 

“ Giao dịch chênh lệch giá là cấu trúc mạnh và là công cụ cơ bản trong kho vũ khí của bất kỳ nhà đầu tư giá trị nào. Với giao dịch chênh lệch giá, chúng ta kiếm được lợi nhuận khá khá mà hầu như không vướng rủi ro gì. Việc loại bỏ những tình huống bất lợi, ngay cả khi kết quả vượt kỳ vọng (upside) bị giới hạn đi nữa thì vẫn tuyệt vời – và đó chính xác là những gì giao dịch chênh lệch giá đem lại cho chúng ta. Với giao dịch chênh lệch giá, phương châm hàng đầu là “ Ngửa thì tôi thắng, sấp thì tôi hòa vốn!””

“ Chìa khóa đầu tư không phải nằm ở việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của một ngành lên xã hội, hoặc nó sẽ phát triển như thế nào, mà là xác định lợi thế cạnh tranh của công ty, và trên tất cả là độ bền vững của lượi thế đó.”
– Warren Buffet –

P/S: Đọc những lời của Buffet mình liên tưởng tới anh Thái Phạm, như mua cổ phiếu dầu khí Bsr nhìn và giá trị thật của doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh chứ không chỉ nhìn vào giá dầu lên lên xuống xuống.

NGUYÊN TẮC 7:  Luôn luôn có biên an toàn

“ Gần như các lớp sinh viên đều hỏi Buffett tựa sách khuyên đọc. Vài chục năm nay, Buffett luôn trung thành với đề bạt cho cuốn sách Nhà đầu tư thông minh của Benjamin Graham. Những gì ông phát biểu trước sinh viên Trường Kinh doanh Columbia ở Omaha, Nebraska, vào ngày 24 tháng Ba năm 2006, như sau:

Nhà đầu tư thông minh vẫn là cuốn sách chỉ dạy đầu tư đỉnh nhất. Gói gọn chỉ ba ý tưởng bạn thực sự cần:

1) Chương 8 – Phép loại suy ngài Ngài Thị Trường. Để thị trường chứng khoán phục vụ bạn. Phần C của Wall Street Journal là nhà môi giới kinh doanh của tôi – nó báo cho tôi mỗi ngày để tôi có thể chọn hoặc bỏ, và không có cái gọi là giá phải thực hiện (strike).

2) Cổ phiếu là một phần của doanh nghiệp. Đừng bao giờ quên rằng bạn đang mua một doanh nghiệp có giá trị cơ sở dựa trên dòng tiền vào và ra.

3) Chương 20 – Biên an toàn. Hãy đảm bảo bạn đang mua một doanh nghiejeo với giá thấp hơn giá trị thận trọng mà bạn nghĩ.
– Warren Buffett –

NGUYÊN TẮC 8: Đầu tư vào doanh nghiệp rủi ro thấp, bất định cao

“ Sợ hãi và tham lam là chất liệu nền trong tâm lý con người. Miễn là con người còn giữ vai trò đưa ra quyết định mua bán trong thị trường chứng khoán, giá cả sẽ chịu ảnh hưởng bởi bản tính sợ hãi và tham lam. Khi sỡ hãi đến tột độ, người ta dễ hành động phi lý trí. Trong tình huống đó, thị trường chứng khoán giống như nhà hát chật kín chỗ ngồi. Rồi có người nhìn thấy khói bốc và hét toáng “Lửa,lửa!” Thế là nổi cơn sốt điên cuồng tìm lối thoát.

Trong nhà hát có tên thị trường chứng khoán, bạn chỉ có thể thoát ra nếu người khác mua chỗ ngồi của bạn – mỗi cổ phiếu phải được ai đó nắm giữ! Nếu xảy ra cuộc chạy trốn hàng loạt vì muốn rời khỏi nhà hát đang cháy, bạn nghĩ những chiếc ghế này sẽ có giá bao nhiêu? Bí quyết là chỉ mua chỗ ngồi trong rạp hát nào diễn ra cuộc di cư hàng loạt và bạn biết không hề có ngọn lửa nào, hoặc tình hình trở nên khả quan hơn khi ngọn lửa đã dập tắt. Đọc miệt mài và kiên nhẫn chờ đợi, rồi theo thời gian các khoản cược tuyệt vời tự nó sẽ xuất hiện.”

NGUYÊN TẮC 9: Đầu tư vào doanh nghiệp bắt chước thích hơn các doanh nghiệp sáng tạo

“ Hầu hết các quỹ tương hỗ và quỹ phòng hộ bàn bạc thời gian nắm giữ và vị thế đầu tư với nhà đầu tư của mình theo định kỳ. Còn Buffett thì giấu nhẹm đối với phần lớn các nhà đầu tư của mình. Ngay cả ngày hôm nay, ông Buffett hiếm khi bàn về các vị thế danh mục đầu tư công khai của mình. Ông kết luận việc đầu tư không phải môn thể thao thu hút đông đảo khán giả, còn ông thì dễ thỏa hiệp suy nghĩ độc lập và vô cùng quan trọng khi đem các khoản đầu tư hiện tại hoặc tiềm năng ra thảo luận với người khác. Dưới đây là những suy luận của Buffett về chủ đề này:

Bất chấp chính sách công bình của ta đi chăng nữa, chúng ta sẽ chỉ thảo luận các hoạt động chứng khoán có tính thanh khoản theo yêu cầu trong phạm vi của pháp luật. Ý tưởng đầu tư tốt thì hiếm, có giá trị và chịu sự tranh đua chiếm dụng, cũng tựa như sản phẩm hoặc thương vụ kinh doanh béo bở.
– Warren Buffett –

Suy nghĩ độc lập là nền tảng của đầu tư vững chắc.”

“ … biến công việc quản lý tiền chuyên nghiệp trở thành sự nghiệp mà người ta cảm thấy thư thasivaf sung sướng khi theo đuổi. Có lẽ vì vậy nên quý ngài Buffett cứ thế chân sáo đi làm mỗi buổi sáng.”

“ Lợi nhuận có khả năng sẽ đạt đỉnh khi bạn có một nhà đầu tư giá trị, tập trung và duy nhất dẫn dắt.”

“ Nếu bạn nghiên cứu kỹ các doanh nghiệp thành công ngoài kia, bạn sẽ thấy phần lớn được nâng tầm và phát triển theo quy mô bởi những nhà quản lý tuyệt vời.

Khi tìm kiếm các khoản đầu tư ở thị trường vốn đại chúng, đừng ngại bỏ qua những kẻ tiên phong đổi mới. Hãy luôn tìm kiếm các doanh nghiệp do những người chứng minh được khả năng liên tục nâng cấp và phát triển theo quy mô điều hành. Đó là nghệ thuật đầu tư Dhandho”

P/S: Điều này mình đang ứng dụng trong việc học tiếng anh, mình thích nghe Jack Ma nói tiếng anh cảm giác ông nói rất từ tốn, chận rãi dễ nghe, đặc biệt ông cũng là một người gốc Á nói tiêng anh nên kiểu tròn vành rõ chữ cho một đứa như mình. Mình nghe đi nghe lại rồi bắt chước theo cách phát âm, ngữ điệu nhấn nhá, thấy hay hơn là cứ ngồi ôm sách vở. Nghe miết thành ra ngấm, rồi rừ từ cũng bật được âm ná ná. Hy vọng sớm ngày xem phim mà không cần đọc sub.

CHƯƠNG 15: Tiến thoái lưỡng nan của người hùng Abemimanyou và nghệ thuật bán cổ phiếu

Câu chuyện của người hùng Abhimanyu xâm nhập chakravyuh:

“Nhớ lại thủ thuật của vua Krishna, Abhimanyu xâm nhập chakravyuh thành công rồi chớp nhoáng tiến về phía trung tâm của nó – hạ thủ những tên địch Kaurava đang cố ngăn cản cậu lại. Tuy nhiên, Kauravas đã tranh thủ “vá” liền chakravyuh ngay sau khi Abhimanyu đột nhập, do đó, không một người Pandava nào có thể lọt vao nhờ sự dẫn dắt của Abhimanyu. Ở trung khu, chín chiến binh tinh nhuệ nhất của Kaurava đồng thời ập vào Abhimanyu. Không biết làm thế nào để thoát ra khỏi chakravyuh, Abhimanyu vẫn còn ở trung khu và chiến đấu dũng cảm với cả chín tên. Cuối cùng, chàng trai đã không chịu nổi thương tích, đành hy sinh.”

P/S: Mình cảm tưởng người hùng Abhimanyu xâm nhập chakravyuh cứ như một con thiêu thân lao vào lửa vậy dù biết lửa đỏ rực nóng rát thiêu cháy bản thân nhưng vẫn lao đầu vào mà không có cách nào dừng lại được. Điều đó làm mình liên tưởng tới những con bạc khát máu, thua ở đâu gấp đôi ở đó, còn thở là còn gỡ.

“ CÂU HỎI LÀ CÓ BƯỚC VÀO HAY KHÔNG

1. Đó có phải là doanh nghiệp tôi hiểu rất rõ, tưc nằm trong vòng tròn năng lực (circle of competence) của tôi?

2. Tôi có biết giá trị nội tại của doanh nghiệp hiện nay không và, trả lời với độ tự tin cao về những khả năng thay đổi của nó trong vài năm tới?

3. Doanh nghiệp có đang đề giá ở mức chiết khấu lớn so với giá trị nội tại ( intrinsic value) của nó ngày hôm nay cũng như hai đến ba năm nữa không? Và trên 50% chứ?

4. Tôi có sẵn sàng trích một phần lớn giá trị tài sản ròng để đầu tư vào doanh nghiệp này không?

5. Bất lợi có nằm ở mức tối thiểu không?

6. Doanh nghiệp có con hào kinh tế không?

7. Nó có được ban lãnh đạo tài năng và trung thực điều hành không?

Người ta chỉ nên cân nhắc quyết định mua nếu đáp án cho tất thảy bảy câu hỏi trên là chữ CÓ vang dội. Nếu doanh nghiệp mà bạn hiểu rõ chào giá bằng hoặc thấp hơn một nửa so với giá trị nội tại cơ sở của nó, từ hai đến ba năm kể từ bây giờ, với rủi ro bất lợi ở mức tối thiểu, thì mạnh dạn đầu tư ngay. Còn không, hãy lược bỏ mê cung chakravyuk này. Bạn sẽ có cơ hội tốt hơn trong tương lai.”

“ Doanh nghiệp là những thực thể sống và trảu qua những giao đoạn thăng trầm giống như con người. Chúng ta không biết chính xác tương lai sẽ diễn ra thế nào…. Một quy tắc quan trọng trong việc xuyên qua vòng vây chakravyuh là dù bạn mua cổ phiếu nào,, thì cũng không thể bán đi ở mức giá thua lỗ trong vòng hai đến ba năm kể từ lúc mua. Trừ khi bạn có thể tự tin khẳng định rằng giá trị nội tại hiện thời thấp hơn mức giá mà thị trường đang chào mua.”

“ Quy tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền.

Quy tắc số 2: Đừng quên quy tắc số 1.

… Chúng ta cần kiên nhẫn chờ mây tan…

… Hầu hết các đám mây bết định sẽ tiêu tan trong vòng hai đến ba năm.

Quy tắc ba năm cũng cho phép ta thoát khỏi một vị thế khi đưa ra nhận định sai về giá trị nội tại. Nếu chúng ta không thoát ra mà cứ chờ đến khi hội tụ về giá trị nội tại, chúng ta có thể chờ đến vô tận. Chi phí chờ đợi rất tốn kém. Đó là chi phí cơ hội khi lỡ dịp đầu tư vào những tài sản khác. Do đó, cần có sự cân bằng giữa việc cho cổ phiếu một khung thời gian để trở về giá trị nội tại của nó và chờ đợi đến vô tận.”
“Quy tắc “giữ kẻ thua cuộc trong ít nhất hai đến ba năm” đã ngăn hành động bán tháo vào thời điểm bi quan đối với USAP lên ngút trời…
Sau ba năm, nếu khoản đầu tư vẫn còn chìm dưới đáy, hầu như nguyên nhân luôn là đánh giá sai giá trị nội tại hoặc các tác nhân định hướng giá trị thiết yếu của doanh nghiệp. Cũng có thể là do giá trị nội tại thực sự bị giảm theo thời gian. Đừng ngần ngại gánh chịu khoản lỗ thực ( realized loss) sau ba năm. Mất mát đó là người thầy tốt nhất của bạn trong hành trình trở thành nhà đầu tư bản lĩnh hơn.”

“CÓ BAO NHIÊU CHAKRAVYUH XẢY RA ĐỒNG THỜI?

Nhiều người siêu giàu trên thế giới nhờ sở hữu một doanh nghiệp tuyệt vời duy nhất. Nếu bạn thấu hiểu doanh nghiệp bạn không cần sở hữu nhiều.
– Warren Buffett –

Vào năm 2003, ông tiếp tục:
Cơ hội đầu tư thực sự nổi trội thì hiếm gặp nên khi náo vây quanh, bạn phải đầu tư ngay và đặt một phần lớn tài sản của bạn vào đấy tôi đã từng chia sẻ rồi bạn nên liên tưởng đầu tư như tấm thẻ đục lỗ chứa 20 lỗ. Bạn phải suy nghĩ thật kỹ trước mỗi quyết định, và trên thực tế 20 khoản đầu tư (trong cuộc đời) là con số nhiều hơn cần thiết để trở thành một nhà đầu tư tài năng.
– Warren Buffett –

Và như Charlie Munger quan sát:
Ý tưởng này (về đầu tư giá trị tập trung) không phổ biến trong các vòng tròn học thuật. Các nhà quản lý đầu tư không cảm thấy sẽ kiếm đủ tiền nếu theo cách này. Nó quá xa lạ đối với họ.
– Charlie Munger –

Như Warren Buffett khẳng định:
Billy Róe (diễn viên kịch Broadway) từng nói rằng nếu “hậu cung” của bạn có cả trăm cô, bạn sẽ không tài nào hiểu sâu được một ai cả. Bí quyết là hiểu rõ những gì bạn đang sở hữu chứ không phải sở hữu cho lắm.
– Warren Buffett –“

CHƯƠNG 16: Có nên đầu tư theo chỉ số thị trường hay không

“ Nhiều nghiên cứu và dữ liệu thực nghiệm cho thấy chỉ số thị trường là chiến lược đầu tư tuyệt vời. Các nhà quản lý chủ động phải tốn chi phí ma sát rất lớn. Với tập hợp hàng trăm tỷ đô la nằm dưới sự quản lý, chúng là thị trường có sức ảnh hưởng. Một nửa trong tổng số vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu sẽ có thành tích kém hơn thị trường và một nửa làm tốt hơn – còn mức trung bình là thứ chỉ số thị trường đem lại. Nhưng đó là khi không tính đến chi phí ma sát. Một khi bạn gánh thêm chi phí ma sát, đa số ( thường là trên 80) nhà đầu tư các cổ phiếu này sẽ có kết quả tệ hơn chuẩn chỉ số thị trường. Các chỉ số đa dạng như S&P 500 hay Russell 2000 chắc cahwns sẽ hoạt động hiệu quả hơn hầu hết các tay quản lý tiền chủ động trong dài hạn. Đó là quy luật đầu tư. Miễn anh tạo ra chi phí ma sát, phần lớn tài sản được quản lý theo hình thức giao dịch năng động sẽ kém hơn các giỏ chỉ số. Điều này sẽ luôn đúng. Mua theo chỉ số thị trường là lựa chọn hữu hiệu cho hầu hết các nhà đầu tư – đảm bảo kết quả đầu tư của họ sẽ tốt hơn so với hầu hết các nhà đầu tư ngang hàng.

Nhưng chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa vì hai lý do:

1. Luôn có một bộ phận các nhà đầu tư và quản lý tiền thành công trong việc đánh bại thị trường trong dài hạn. Đó là vì họ là những nhà đầu tư Dhandhu hoặc số tiền được quản lý theo phong cách đầu tư Dhandho. Bạn nên nghiên cứu phương pháp của những nhà đầu tư này. Nếu bạn muốn đầu tư thụ động, bạn cần tìm những nhà quản lý như thế này và đặt tài sản của mình vào tay họ.

2. Có những bài học đúc kết từ cách chỉ số hoạt động. Kết hợp một số đặc điểm của các chỉ số này vào trong danh mục của bạn có thể dẫn đến kết quả vượt trội so vưới thị trường.”

P/S: Mình có hỏi bác mình thì được giải đáp như thế này: Chỉ số thị trường chứng khoán là một giá trị thống kê phản ánh tình hình của thị trường cổ phiếu. Nó được tổng hợp từ danh mục các cổ phiếu theo phương pháp tính nhất định. Thông thường, danh mục sẽ bao gồm các cổ phiếu có những điểm chung như cùng niêm yết tại một sở giao dịch chứng khoán, cùng ngành hay cùng mức vốn hóa thị trường.

CHƯƠNG 17: Trọng tâm của Arjuna: Những bài học từ chiến binh vỹ đại 

“Dronachrya là một chiến binh tài năng, và ông đã dạy cho các học trò hoàng thất của mình nghệ thuật bắn cung. Một ngày nọ, ông quyết định kiểm tra kỹ nghệ bắn cung của họ. Ông gắn một con cá gỗ sơn màu lên trên ngọn của một cây sào, rồi đặt vào tâm một hồ nước cạn. Ông bảo với các học trò của mình rằng ông muốn họ nhìn vào cái bóng của con ác in trên mặt nước để bắn vào mắt của con cá nằm trên cây sào.

Cậu học trò đầu tiên đứng dậy và bước vào vị trí. Dronacharya hỏi cậu nhìn thấy cái gì, thì cậu này trả lời nhìn thấy mặt đất, nước, cây sào và con cá. Dronacharya bảo người này chưa sẵn sàng và yêu cầu cậu ngồi xuống. Sau đó, ông yêu cầu học sinh tiếp theo tiến về phía trước. Khi cậu đã vào vị trí Dronacharya hỏi cậu nhìn thấy cái gì thì cậu này trả lời nhìn thấy nước, cây sào,và hình ảnh phản chiếu của con cá. Dronacharya bảo người ấy chưa sẵn sàng và yêu cầu cậu ngồi xuống. Ông yêu cầu các hoàng tử tiến lên từng người một, hỏi xem họ đã thấy gì rồi yêu cầu họ ngồi xuống. Cuối cùng, ông yêu cầu Arjuna tiến lên phía trước. Arjuna vào vị trí. Dronacharya hỏi cậu nhìn thấy cái gì, thì Arjuna trả lời rằng chỉ có thể nhìn thấy tâm của mắt con cá. Dronacharya yêu cầu học tròn bắn tên. Arjuna làm theo hướng dẫn và mũi tên của anh găm vào ngay giữa mắt con cá gỗ.

… đoạn trích từ sử thi Mahabharata thì liên quan như thế nào đến nhà đầu tư Dhandho?

Ta hãy cùng lướt qua bối cảnh đầu tư trong một phút. Hiện có hơn một trăm nghìn công ty đại chúng giao dịch trên hàng tá sàn giao dịch trên toàn thế giới… Phạm vi và số lượng của các khoản đầu tư mục tiêu có sẵn khiến nhà đầu tư thoái chí.

Nhà đầu tư Dhandho chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp đơn giản dễ hiểu. Chỉ riêng yêu cầu đó thôi đã có thể loại 99% các lựa chọn đầu tư. Bây giờ giống như Arjuna chúng ta chỉ phải nghiên cứu những doanh nghiệp đơn giản, dễ hiểu. Chúng ta phải giữ mình trong vòng tròn năng lực của bản thân, thậm chí không để tâm đến âm thanh phiền nhiễu bên ngoài vòng tròn. Trong vòng tròn đó, hãy đọc những cuốn sách, ấn phẩm, báo cáo công ty, tạp chí ngành,… phù hợp. Biết đâu sẽ có ý tưởng về một doanh nghiệp nào đó nhảy chồm trước mặt bạn. Nếu như còn một ít thịt trên cục xương và bạn cảm thấy doanh nghiệp có thể bị định giá thấp so với giá trị nội tại của doanh nghiệp, thì đó là lúc biến nó thành mục tiêu. Vào thời điểm này, bạn cần trở nên siêu tập trung như Arjuna. Tất cả những gì bạn thấy là duy nhất doanh nghiệp này. Đóng mọi thứ khác lại. Không còn gì khác tồn tại trên đời nữa. Bóc tách và xem xét liệu đây có phải là cơ hội đầu tư hiếm có hay không. Hãy tự hỏi mình rằng doanh nghiệp đó phù hợp với cách mà nhà đầu tư Dhandho mua hay không. Hầu hết trường hợp sẽ không rẻ như bạn mong muốn hoặc có điều gì đó phiền lòng khiến bạn lược qua cơ hội này. Trong trường hợp đó, trở về dò quyeest trong vòng tròn thu hẹp lại của bạn. một lần nữa, khi một ý tưởng xảy ra, hãy sống chết tập trung vào nó cho đến khi hoặc ý tưởng đó bị bác bỏ hoặc vượt qua tất thảy các bộ lọc Dhandho để bạn có thể tiến hành đầu tư.

Đừng phạm sai lầm nghiêm trọng vì việc phân tâm cho năm doanh nghiệp cùng một lúc. Hãy nghiên cứu tất cả thông tin có thể về doanh nghiệp khi nó nảy ra xuất thần vì bất cứ lý do gì đi nữa. và chỉ tập trung vào mình nó thôi. Cho tới khi bạn hoàn thành phân tích của mình, chỉ khi đó mới xem xét nới rộng vòng tròn năng lực.”

P/S: Với tâm lý fomo khi vừa bắt đầu trading thì danh mục đầu tư của mình dài như sớ đi chợ mùa dịch vậy. Vì có quá nhiều doanh nghiệp trong danh mục đầu tư nên mình gần như mù mờ thông tin về chúng, mình cũng siêng đọc chớ mà đọc nhiều quá nên qua tới ngày hôm sau lại trả hết về cho bác Google. Và vì không nắm đủ thông tin cần thiết, không hiểu rõ về doanh nghiệp mà mỗi lần rung lắc hay sóng đánh thay vì kiên định với lựa cho của mình, tin tưởng vào doanh nghiệp thì mình hoang mang lo sợ, hơn đó nữa là hoảng loạn và rơi vào trạng thái mua mua bán bán trong sự vô định.

Thật sự là sau rung chấn bỏ cọc Tân Hoàng Minh mình cũng tự ý thức cần tối giản danh mục, vốn chỉ muốn đầu tư gói gọn trong hai doanh nghiệp nhưng với cái đầu nóng thì thật sự là khó khăn. Số hai đó được nhân đôi lên tận 4, con số này khá là khó để kiểm soát thông tin đối với mình, có lẽ nên học sâu sắc những lời nhắc nhở trên.

“ Abraham George đến từ Kerala, Ấn Độ…

Ông chọn cho đi phần lớn số tiền vào Quỹ George (www.tgfworld.org), và quỹ đã thực hiện một số dự án tầm cỡ ở Ấn Độ, giúp đỡ những người cùng cực nhất trong số hộ nghèo. Gần đây, một người nghèo khổ nhờ quỹ của anh thị được giúp đỡ, mới hỏi anh rằng “ Tại sao lại giúp tôi” George gạt đi câu hỏi và nói “Tôi thích anh, đó là lý do đấy”. người đàn ông vẫn tiếp tục hỏi, “Tại sao anh giúp tất cả chúng tôi” George có thể thấy rằng người đàn ông đó muốn có câu trả lời thực sự. Anh đành trả lời thực tình, rằng “ giúp đỡ anh khiến tôi hạnh phúc””

P/S: Câu trả lời “ giúp đỡ anh khiến tôi hạnh phúc” đã chạm đến trái tim mình, mình thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc của sự cho đi. Mình thấy rằng dù cho đi những thứ nhỏ bé, cho đi nụ cười, ánh mắt yêu thương, sẻ chia cơm áo, vài đồng bạc lẻ nhưng trong lòng tràn ngập niềm vui. Cho đi và không cầu mong sự nhận lại, cho đi đơn giản chỉ là sự cho đi mà thôi, vì ngay tại thời điểm cho đi đó bản thân chính người cho đi đã được nhận lại rồi, thứ được nhận lại đó thật vô giá. Và giống như câu nói của Hoàng tử bé trong cuốn sách cùng tên, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupery: “ người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường mù lòa trước điều cốt tử”

“ Kahlil Gibran có một số quan điểm tuyệt vời về cuộc sống khi chia sẻ trong cuốn sách nhỏ nhắn của mình The Prophet (Ngôn sứ). không có một câu từ hoặc trang sách bị dùng thừa trong cuốn sách tuyệt vời đó. Sống theo các tiêu chuẩn cao của Gibran thật sự rất khó, nhưng chỉ cần nhận thức được điều đó, chúng có thể khiến chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Tôi thấy rung cảm trước những dòng chữ này:

Các bạn cho đi những vật mình sở hữu thì chỉ là cho đi rất ít. Khi cho đi bản than các bạn mới thật sự cho. Trong tất cả những thứ mà bạn đang chiếm hữu thì chỉ có những vật bạn nắm giữ và bảo vệ nó một cách sợ hãi thì có thể bạn sẽ cần chúng trong tương lai?… Có những kẻ cho đi một số ít trong vô số những thứ họ đang có – và họ cho đi chỉ để được công nhận và lòng ham muốn thầm kín ấy biến cái họ đem đi cho trở thành của độc.

Có những người cho đi và họ biết không có sự đau đớn khi cho đi, họ cũng không tìm kiếm niềm vui, hoặc cũng không cho đi với mong muốn được quan tâm hay tìm kiếm đức hạnh… Qua bàn tay họ Thượng Đế đã lên tiếng, và từ phía sau đôi mắt họ, Thượng Đế mỉm cười nơi trần thế.

Bạn thường nói “ Tôi sẽ cho nhưng chỉ cho những người xứng đáng”… Chắc chắn kẻ xứng đáng nhận những ngày và đêm của mình thì xứng đáng với mọi thứ khác đến từ bạn. Và kẻ xứng đáng uống nước biển lớn cuộc đời cũng xứng đang được rót đầy ly từ con suối nhỏ nhoi của bạn.

Trước tiên các bạn hãy thấy rằng bản thân mình xứng đáng là người cho, và là khí cụ của việc cho. Nhưng thật ra, chính cuộc đời cho cuộc đời – trong khi các bạn, kẻ xem mình là người cho chỉ là người làm chứng.
– Kahlil Gibran –

Chúng ta không thể thay đổi thế giới, nhưng chúng ta có thể cải thiện thế giới này cho một người, mười người, một trăm người, và thậm chí có thể vài nghìn người.”

P/S: Mở rộng tấm lòng, mở rộng sự bao dung, bớt sự nghi kị đối với mọi người, yêu thương tất cả mọi người, giúp đỡ trong khả năng là cách mình làm cho cuộc sống của mình trở nên vui vẻ, bình an, nhẹ nhàng. Cứ như thế mỗi ngày bản thân mình tốt hơn 1% so với ngày cũ, sống hết mình cho ngày hôm nay để không hối tiếc mai này, cuộc sống êm đềm, bình dị trôi vậy thôi!

Bản thân mình thì suy nghĩ rằng không có nhiều cơ hội để giúp đỡ mọi người, bởi họ chỉ cần nó khi khó khăn mà thôi. Thời đại học mình ở chung dãy trọ với một bạn miền trung, cả gia đình bạn đều bi bệnh thận vì khu công nghiệp gần đó xả thải ra nguồn nước, anh trai bạn mất vì bệnh thận, chị gái mỗi tháng đi chạy thận vài lần, ba mẹ, em trai và bạn cũng bị ảnh hưởng sức khỏe. Mình thì cũng sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, mình và chị gái lại vào đại học liền kề luôn nên tụi mình cũng đi làm thêm, dạy gia sư trang trải bớt cuộc sống.

Nhưng nhìn vào bạn một cô gái, bước vào đại học, tự làm thêm trang trải, xin học bổng làm học phí một cô gái thật sự nghị lực. Bạn thân cấp ba của bạn từ thời Quốc học Huế kể rằng kỷ niệm với bạn là những lần nằm hành lang bệnh viện. Đợt đó miền trung bão lớn, mình hỏi nó xem nhà ảnh hưởng gì không nó kêu nhà tau còn cái móng mi ạ. Nó kiểu bị cuộc đời quật trật trầy nên thấy mấy chuyện này như chuyện ngày ở huyện, nó vẫn vui vẻ, lạc quan hiên ngang, sống quật cường. Thật sự rất là thương gia đình nó nhưng thời điểm đó mình cũng chắc giúp được gì nhiều, lâu lâu mẹ gửi đồ ăn thì nấu rồi kêu nó qua ăn thôi. Nhưng mình chưa kịp giàu thì năm rồi nhà nó đã xây nhà cửa khang trang rồi. Vậy nên cuộc sống vô thường nghĩ đơn giản thôi, người xứng đáng thì có quan trọng gì!

Mình gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc tới những bạn đã dành thời gian quý giá để đọc hết bài viết này. Và có lẽ bạn cũng là một người thích đọc sách, thích nghiên cứu tìm hiểu, và mong rằng bạn cũng sẽ chia sẻ cùng mình quan điểm, góc nhìn của bạn.

P/S: Review cuốn sách đầu tiên mình rất hào hứng, nó hơi dài và sẽ phù hợp với những người đã đọc cuốn sách này cùng nhau nhìn lại. Với những cuốn sách sau có lẽ mình sẽ viết ngắn lại thiên về góc nhìn hơn là trích dẫn để mang đúng nghĩa review sách hơn, và cũng là ngắn gọn hơn, để có thể truyền cảm hứng tới những bạn chưa đọc.

Nguồn: Lương Nguyễn ( Cộng đồng Happy Live – Đầu tư tài chính & thịnh vượng )

Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao
)

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề