Richard Branson: Vào tù hoặc trở thành tỷ phú?
“Nếu bạn muốn lái máy bay thì hãy tới sân bay xin một chân pha trà; bạn muốn làm thiết kế thời trang thì xin vào làm nhân viên quét dọn ở công ty thời trang, hãy mở mắt thật to mà học việc”, Richard Branson nói.
Richard Branson sinh ngày 18/7/1950 tại Blackheath, London. Mặc dù cha ông là luật sư nhưng gia đình ông không hề giàu có. Khi còn nhỏ, ông bị mắc bệnh khó đọc và học rất kém ở trường. Vì vậy, Branson đã bỏ học vào năm 16 tuổi. Thầy hiệu trưởng của ông từng nói rằng ông hoặc sẽ phải vào tù hoặc sẽ thành triệu phú.
Và điều bất ngờ là cả hai điều đó đều thành sự thật với Branson. Ông trở thành triệu phú năm 23 tuổi, và sau đó xây dựng tập đoàn Virgin thành một đế chế với hàng trăm công ty. Theo ước tính của tạp chí Forbes, Branson đang sở hữu khối tài sản trị giá 5,1 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ 10 nước Anh. Năm 2000, Branson còn được phong danh hiệu hoàng thân xứ Wales nhờ những đóng góp trong ngành kinh doanh.
Thế nhưng, con đường dẫn đến thành công của vị doanh nhân nổi tiếng là “kỳ dị” này không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Thương vụ kinh doanh đầu tiên của Branson là tờ tạp chí “Student” mà ông thành lập khi mới 16 tuổi, từng gặp rắc rối với cơ quan thi hành luật của Anh. Branson suýt phải vào tù vì cho đăng phương thuốc chữa bệnh hoa liễu trên tạp chí.
Năm 19 tuổi, Branson mở công ty thu âm nhận đơn hàng qua thư và đưa ra một quyết định rất tệ là bán lậu các bản thu âm không qua cơ quan hải quan để tránh thuế. Kết quả ông bị cán bộ hải quan Anh bắt và sau một đêm ngồi tù, mẹ Branson phải đến và trả 60.000 USD để ông được tại ngoại.
Trải nghiệm đó, như Branson hồi tưởng lại, đã có ảnh hưởng lớn tới ông: “Tôi đã thề với bản thân rằng sẽ không bao giờ làm điều gì khiến mình phải ngồi tù một lần nữa hoặc làm bất kỳ thương vụ kinh doanh nào làm tôi bẽ mặt.”
Tuy vậy, sau này Branson vẫn phải đối mặt với hàng tá thất bại khác. Trong đó có thể kể đến việc hãng hàng không giá rẻ Virgin Expess kinh doanh thua lỗ và phải đóng cửa vào năm 2006, công ty ô tô Virgin đóng cửa năm 2005 do đạt doanh số ảm đảm, hay hai sản phẩm Virgin Pulse và Virgin Digital cạnh tranh với Apple thất bại.
“Mặc kệ nó, làm tới đi”
Đây là tựa đề một cuốn sách do Richard Branson viết và cũng là phương châm giúp ông thành công trong sự nghiệp kinh doanh.
“Châm ngôn của tôi là ‘làm tới đi’. Nếu bạn muốn lái máy bay thì hãy tới sân bay xin một chân pha trà; bạn muốn làm thiết kế thời trang thì xin vào làm nhân viên quét dọn ở công ty thời trang, hãy mở mắt thật to mà học việc”, ông chủ tập đoàn Virgin nói.
Năm 1984, Branson tài trợ một chiếc tàu để tranh giải Blue Riband cho nước Anh. Lần đầu bị thất bại, tàu bị chìm vì bão tố và ông suýt chết. Nhưng rồi Branson vẫn quyết tâm tranh giải vào năm sau. Trải qua nhiều gian nan nguy hiểm trên biển, cuối cùng đội của ông chiến thắng và phá kỷ lục giải Blue Riband.
Sau đó, Branson cùng nhà thám hiểm nổi tiếng Thụy Điển tham gia chuyến vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu. Họ là những người đầu tiên vượt Đại Tây Dương bằng phương tiện này. Branson cho biết, từ Mỹ, họ bay đến Ireland chỉ sau 29 giờ. Sự nguy hiểm gấp nhiều lần so với vượt tàu trên mặt nước, nhưng chuyến đi là sự trải nghiệm tuyệt vời.
“Nếu bạn thực sự muốn làm gì đó thì cứ làm đi. Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu không vượt qua được nỗi sợ hãi và bắt tay vào làm”, tỷ phú người Anh nhấn mạnh.
Branson cũng cho biết ông không có bí quyết gì đặc biệt trong kinh doanh. “Tôi làm việc chăm chỉ, thích thú công việc và tin mình làm được, đồng thời phải cân bằng giữa công việc và vui chơi giải trí. Luôn luôn vui vẻ, biết yêu thương và tôn trọng kẻ khác”, doanh nhân này bộc bạch.
Người đứng đầu Virgin chia sẻ, ông dấn thân vào kinh doanh không phải để làm giàu mà là để thử thách trong cuộc sống. “Hãy làm việc một cách vui vẻ thì bạn sẽ có tiền. Tôi không hiểu vì sao nhưng nếu một công việc không còn vui vẻ thì tôi không làm việc đó nữa. Tôi cũng đã từng có những kế hoạch kiếm tiền không thành công, nhưng tôi đã học được nhiều điều ở chúng”, ông nói.
Nguồn: ndh
Có thể bạn quan tâm:
LINH HỒN CỦA TIỀN – ĐÁNH THỨC SỰ GIÀU CÓ TỪ NỘI LỰC CỦA CHÚNG TA