fbpx

Robot cướp việc làm – nỗi lo “bò trắng răng”?

Mối đe dọa mà sự tự động hóa gây ra cho các việc làm truyền thống thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà kinh tế và nhà khoa học xã hội.

Có một số lo ngại rằng, nếu không được kiểm soát, trí tuệ nhân tạo và một số sự tiến bộ công nghệ khác sẽ khiến nhiều người lao động bị mất việc làm và không thể tìm việc mới.

Business Insider trích dẫn một nghiên cứu của PwC ước tính, khoảng 38% công việc ở Mỹ có xu hướng sẽ được tự động hóa bởi robot và trí tuệ nhân tạo vào khoảng những năm 2030. Con số tương tự ở Vương quốc Anh là 30%, Đức 35% và Nhật Bản 21%. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng đã cảnh báo đến năm 2020, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm biến mất hơn 5 triệu việc làm, tương tự như kết quả của sự tự động hóa trong những giai đoạn tiến bộ công nghiệp trước đây.

Tuy nhiên, PwC vẫn tin rằng sẽ có những việc làm mới xuất hiện trong nền kinh tế để bù đắp vào các chỗ trống đó.

Mối lo sợ “đến hẹn lại lên”

Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen – người phát triển trình duyệt web Netscape và là nhà đồng sáng lập của công ty đầu tư vốn mạo hiểm Andreessen Horowitz – cho rằng cách nhìn nhận của phần đông mọi người về trí tuệ nhân tạo là chưa hợp lý. Trên thực tế, nỗi sợ rằng máy móc sẽ thay thế con người đã hiện hữu trong suốt chiều dài lịch sử phát triển nhân loại.

Marc Andreessen đã so sánh nỗi ám ảnh hiện tại về việc robot thay thế con người với nỗi sợ về một hình thức vận chuyển mới sẽ thay thế sức lao động của con người khi xe hơi xâm nhập vào đời sống cách đây 100 năm. Thay vào đó, ngành công nghiệp ô tô lại trở thành một trong những ngành sử dụng lao động nhiều nhất nước Mỹ và tạo ra những thị trường hoàn toàn mới mẻ, chẳng hạn như vật liệu lát đường. Theo Andreessen, các tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như ô tô tự lái, sẽ không chỉ giữ an toàn cho con người mà còn có thể giúp tăng năng suất theo những cách mà chúng ta chưa thể hình dung ra.

Như với bất kỳ xu hướng công nghệ mới nổi nào, Thung lũng Silicon đang “nướng tiền” vào trí tuệ nhân tạo. Andreessen cho biết các nhà đầu tư mạo hiểm đang đầu tư vào robot với đủ kiểu dáng và kích cỡ, tạo ra một trong những sự bùng nổ lớn nhất ông từng thấy. Và cũng giống như kỷ nguyên internet và di động trước đây, sẽ có rất nhiều “tay chơi” thất bại và chỉ còn lại một vài tên tuổi thực sự mạnh giành chiến thắng.

Cướp mất hay tạo ra công việc?

Eric Schmidt – Chủ tịch Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng là một trong những nhà lãnh đạo tỏ ra không quá lo lắng về viễn cảnh robot cướp việc làm của con người. Tại buổi nói chuyện về khoa học máy tính và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo vào ngày 3/5, Eric Schmidt mô tả bản thân là một “job elimination denier” – “người không đồng tình với viễn cảnh loại bỏ bớt việc làm”.

Quan điểm của ông là, mặc dù một số việc làm bị mất đi bởi sự tự động hóa, nhưng sau đó lại có thêm nhiều việc làm khác được tạo ra để thay thế. Đó là kết quả của sự tiến bộ công nghệ.

Khi được hỏi về tác động của trí tuệ nhân tạo lên lĩnh vực việc làm, Schmidt cho rằng, không thể phủ nhận thực tế là sẽ có một sự thay đổi diễn ra, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. “Bạn có thể nhìn thấy những công việc mất đi, nhưng bạn hiếm khi nhìn thấy những công việc được tạo ra”, ông nói và nêu dẫn chứng về trường hợp một chiếc xe tải nặng gần nửa tấn được phép xuống đường mà không có bất kỳ người nào ở trong, dĩ nhiên, vị trí rất quan trọng là tài xế cũng sẽ bị để trống.

Chiếc xe tải không người lái được Schmidt lấy làm ví dụ xuất phát từ thực tế Waymo (công ty con của Alphabet) đang tập trung phát triển mảng xe tự lái. Nếu thành công, hàng triệu tài xế xe tải – một trong những công việc phổ biến nhất tại Mỹ – sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời, theo Business Insider.

Giá trị của con người trong thời đại công nghệ

“Khi con người không còn là sinh vật thông minh nhất hành tinh, khi máy móc có thể làm tốt hơn công việc của bạn, bạn sẽ làm gì với cuộc sống của mình?”

Học giả Tim Dunlop – tác giả cuốn Why the Future Is Workless đặt vấn đề trong một bài viết trên The Guardian. Sau đó, ông cho rằng kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Ke Jie (Trung Quốc) đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Trên thực tế, tại Diễn đàn The Future of Go Summit 2017 do Google và Ủy ban Cờ vây Trung Quốc tổ chức từ 23 – 27/5 vừa qua, Ke Jie đã bị đánh bại hoàn toàn với tỷ số 0 – 3 bởi chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaGo của Công ty phát triển trí tuệ nhân tạo DeepMind (thuộc Alphabet). Ke Jie phát biểu sau trận thua: “Với tôi, AlphaGo hoàn hảo 100%. Nó là vua cờ vây”. Và rồi sau đó, anh quyết định sẽ… quay trở lại chơi với con người.

Đây là một quyết định rất con người, và rất khôn ngoan, Tim Dunlop nhận định. Ke Jie không bỏ cuộc, chỉ là anh nhận ra có nhiều thứ quan trọng hơn việc cố gắng cạnh tranh với máy móc, và rằng giá trị của con người không được xác định bằng sự đo lường thành công của chúng ta so với công nghệ, mà bằng khả năng có được sự hài lòng trong giới hạn của riêng mình. Và có lẽ sự xuất hiện của những loại máy móc thông minh hơn bao giờ hết sẽ giúp chúng ta nhận ra điều đó dễ dàng hơn.

Tim Dunlop đưa ra một góc nhìn thú vị về vấn đề này: Hầu hết các nền văn minh được cho rằng khởi nguồn từ thời đại còn hiện hữu chế độ nô lệ, bởi sự giải thoát một bộ phận dân số ra khỏi những trở ngại của các phần công việc cơ bản hằng ngày là điều kiện cho sự tiến bộ của loài người. Chẳng hạn, người Hy Lạp cổ đại đã phát minh ra phần lớn văn minh phương Tây, từ nghệ thuật, triết học đến nền dân chủ. Họ chỉ có thể làm điều đó vì họ có nô lệ đảm đương các phần việc hằng ngày trong đời sống.

“Không ai đề xuất chế độ nô lệ nhưng máy móc và sự tự động hóa có thể có chức năng tương đương như vậy. Khi vượt qua được cách tư duy thông thường, đánh giá con người dựa trên sự “bán” sức lao động trong một nền kinh tế được thống trị bởi sự tiêu dùng và tăng trưởng, trí thông minh nhân tạo nói riêng và công nghệ nói chung có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của con người”, Tim Dunlop nói.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn – Bích Trâm

Các viết cùng chủ đề