fbpx

Số phận khó đoán của TikTok dưới thời ông Trump

TikTok – từ nguy cơ bị cấm đến ‘phao cứu sinh’ dưới thời Trump? Tương lai nền tảng đình đám này tại Mỹ liệu có được định đoạt bởi chính trị và quyền lực pháp lý? Đằng sau sự im lặng của CEO TikTok là chiến lược hay sự bế tắc?

Tài khoản TikTok của ông Donald Trump
Tài khoản TikTok của ông Donald Trump

Số phận khó đoán của TikTok dưới thời ông Trump

Có 14,5 triệu người theo dõi trên TikTok, ông Trump từng nói sẽ không cấm ứng dụng này, nhưng rào cản chính trị và pháp lý để thực hiện lời hứa khá lớn.

Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ tuần trước, các CEO công nghệ như Tim Cook của Apple, Mark Zuckerberg (Meta) và Jeff Bezos (Amazon) đều công khai chúc mừng.

Tuy nhiên, CEO TikTok Shou Zi Chew giữ im lặng. Theo CNBC, đây là điều đáng chú ý vì trong số các công ty công nghệ hàng đầu, TikTok đối mặt với nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Vào tháng 4, Tổng thống Joe Biden ký một đạo luật yêu cầu ByteDance – công ty mẹ của TikTok, phải bán lại hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ trước ngày 19/1, nếu không sẽ bị cấm. Khi ấy, lưỡng đảng đều ủng hộ động thái này.

Giờ việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể mở ra “phao cứu sinh” cho nền tảng này, theo CNBC. Trump bắt đầu thân thiện với mạng xã hội này sau khi gặp tỷ phú Jeff Yass vào tháng 2, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa và là nhà đầu tư của ByteDance.

Cá nhân Yass và công ty Susquehanna International Group của ông lần lượt sở hữu 7% và 15% cổ phần ByteDance, tổng trị giá 21 tỷ USD.

Ông Trump ra mắt tài khoản TikTok vào tháng 6 và đã thu hút hơn 14,5 triệu người theo dõi. Trong chiến dịch tranh cử, ông tận dụng tương lai bấp bênh của ứng dụng này ở Mỹ để thu hút cử tri bỏ phiếu. “Chúng tôi không có ý định làm gì với TikTok, nhưng phe đối lập sẽ đóng cửa nó. Vì vậy, nếu bạn thích ứng dụng này, hãy bỏ phiếu cho Trump”, ông viết trên mạng xã hội Truth Social hồi tháng 9.

Kể từ khi đắc cử, ông chưa công khai thảo luận về kế hoạch với TikTok, nhưng người phát ngôn của nhóm chuyển giao Karoline Leavitt nói tân tổng thống sẽ thực hiện lời hứa. “Người dân Mỹ đã bầu lại Tổng thống Trump với cách biệt lớn, trao cho ông quyền thực thi các lời hứa trong chiến dịch”, bà tuyên bố.

Nguồn tin riêng của Washington Post cho biết tổng thống dự kiến cố gắng ngăn chặn lệnh cấm TikTok sau khi nhậm chức. Long Le, chuyên gia về kinh doanh Trung Quốc tại Đại học Santa Clara cho rằng với kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội, Trump có thể không muốn đưa ra quyết định khiến bản thân mất đi sự chú ý và ảnh hưởng đã tạo dựng trên TikTok.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng việc nỗ lực bãi bỏ lệnh cấm có thể mang đến rủi ro chính trị cho Trump, vì có thể bị coi là thân thiện với Trung Quốc, trái ngược với giọng điệu đối đầu mà ông thể hiện trong chiến dịch tranh cử. “Đây là vấn đề chính trị”, James Lewis, chuyên gia bảo mật dữ liệu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế lưu ý.

Giáo sư Milton Mueller của Trường Chính sách công Georgia Tech cho rằng duy trì lệnh cấm TikTok có thể giúp Trump ghi điểm với các nhà lập pháp quan tâm đến ảnh hưởng chính trị và kinh tế toàn cầu của Trung Quốc. “Tôi không nghĩ ông ấy sẽ ghi điểm lớn nếu đứng ra bảo vệ TikTok”, Mueller nói.

Trong kịch bản muốn tung “phao cứu sinh”, Trump cũng không dễ thực hiện bởi phải đối mặt với những thách thức chính trị và pháp lý đáng kể, theo ABC News. Kết quả có thể phụ thuộc vào sự ủng hộ từ một loạt các tổ chức lớn của quốc hội và Tòa án Tối cao đến các tập đoàn công nghệ như Google và Oracle.

Cụ thể, cách đơn giản nhất để đảo ngược chính sách là từ quốc hội. Để thực hiện, lưỡng viện cần bỏ phiếu chấp nhận bỏ đạo luật của ông Biden và đưa nó cho Trump ký. “Cách dễ nhất là yêu cầu quốc hội đảo ngược lệnh cấm”, Anupam Chander, Giáo sư luật và công nghệ tại Đại học Georgetown đánh giá.

Tuy nhiên, ông lưu ý cách này không hề đơn giản. 7 tháng trước, lệnh cấm được Hạ viện thông qua với tỷ lệ áp đảo 352-65. Tại Thượng viện, 79 thành viên bỏ phiếu ủng hộ, so với 18 phản đối và 3 phiếu trắng.

Cách thứ hai là không cần quốc hội, thay vào đó tìm cách “câu giờ” trong vụ kiện chống lại đạo luật mà TikTok đã đệ đơn và đang được xem xét bởi một hội đồng ba thẩm phán tại Tòa phúc thẩm D.C (Tòa Phúc thẩm Liên bang Đặc khu Columbia, một trong 13 tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ).

Dù Tòa phúc thẩm D.C ra phán quyết chống lại TikTok, họ vẫn có thể kháng cáo và đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Tòa Tối cao có thể quyết định rằng vụ kiện đủ cơ sở để trì hoãn, dẫn đến khả năng lệnh cấm bị bác bỏ hoàn toàn. “Tòa án Tối cao có thể muốn xem xét vụ này”, Alan Rozenshtein, Giáo sư luật tại Đại học Minnesota dự đoán.

Cách nữa là thay vì bãi bỏ luật hoặc dựa vào sự can thiệp của tòa án, ông Trump có thể thông qua Bộ Tư pháp. Về lý thuyết, cơ quan này dưới thời ông có thể chọn không thực thi luật, trấn an các công ty như Apple và Oracle rằng họ sẽ không phải đối mặt với truy tố nếu có vi phạm, như cho phép tải về và cài đặt TikTok.

Hoặc chính quyền Trump có thể đưa ra một cách hiểu về lệnh cấm có nhiều không gian linh hoạt hơn, cho phép họ kết luận rằng TikTok đã tuân thủ yêu cầu tách khỏi công ty mẹ ByteDance. Giáo sư Sarah Kreps từ Đại học Cornell cho rằng Trump có thể chọn phương pháp đề xuất “thực thi chọn lọc” nhằm cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ mà không bị phạt.

Tuy nhiên, nếu Trump chọn không thực thi, điều này vẫn không đủ. Các công ty như Apple và Oracle có thể quyết định vẫn tuân theo lệnh cấm, vì họ chịu rủi ro pháp lý nếu Nhà Trắng thay đổi cách tiếp cận, theo Rozenshtein. “Trump khá khó lường. Nếu bạn là cố vấn pháp lý của Apple, bạn có thực sự muốn rủi ro treo lơ lửng trên đầu không?”, ông nói.

Lựa chọn cuối cùng là đóng vai người kết nối. Ông Trump có thể cố gắng tìm một nhà đầu tư Mỹ mua TikTok, giúp nền tảng này tránh lệnh cấm. Tuy nhiên, thời gian còn lại không nhiều cho giao dịch lớn như vậy. Luật cho phép gia hạn 90 ngày để bán TikTok, miễn là công ty đang đàm phán một thương vụ. Trong trường hợp đó, hạn chót sẽ lùi lại đến tháng 4/2025. Tuy nhiên, thế khó của phương án này là TikTok tỏ ra không mặn mà và Trung Quốc cũng phản đối từ sớm.

Về phần mình, CEO TikTok Shou Zi Chew vẫn giữ thái độ im lặng trước và sau chiến thắng của ông Trump. Theo Long Le, nền tảng này có thể đang áp dụng cách tiếp cận trung lập và chiến lược chờ đợi.

Phiên An (theo CNBC, ABC News, VnExpress)

 

 

Các viết cùng chủ đề