Sự tương quan giữa một số yếu tố vĩ mô và biến động thị trường chứng khoán
Việc thay đổi trong các chính sách cũng như các yếu tố vĩ mô thường có tác động khá mạnh lên thị trường chứng khoán (TTCK) và tâm lý của các nhà đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế
Nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và vốn đầu tư gián tiếp FII. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ giúp cải thiện tính minh bạch, năng động và hiệu quả của thị trường.
Tăng trưởng kinh tế tạo ra nhu cầu về nhiều loại dịch vụ tài chính, phát triển hệ thống tài chính và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cần huy động vốn để mở rộng kinh doanh.
Trái lại, GDP tăng trưởng nóng sẽ đẩy TTCK phát triển tột độ, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế, kéo theo đó là khủng hoảng TTCK. Điển hình như thời kỳ “bong bóng chứng khoán” 2007 – 2008 tại Việt Nam. Năm 2007, GDP tăng trưởng 8,48%, VN-Index đạt đỉnh 1.170 điểm vào tháng 3/2007. Bất chấp cảnh báo về tăng trưởng thiếu bền vững, mục tiêu tăng trưởng năm 2008 vẫn được đặt ra ở mức 8,5 – 9%. Cơn say tăng trưởng và lợi nhuận đã cuốn rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia TTCK. Không lâu sau, hậu quả của tăng trưởng nóng bắt đầu bộc lộ rõ ràng. Các biện pháp kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ ngay từ quý 1/2008 đã tạo nên cú sốc thanh khoản và lan đến toàn bộ thị trường tài sản. TTCK Việt Nam chính thức bước vào một chu kỳ sụt giảm “kinh hoàng” do lo ngại bất ổn vĩ mô. Tháng 6/2008, VN-Index ngay lập tức rơi xuống mức 370 điểm. Nhà đầu tư chỉ còn biết tháo chạy.
Lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng
Lạm phát và TTCK có mối liên hệ nghịch chiều, bởi lẽ xu hướng của lạm phát xác định tính chất tăng trưởng. Lạm phát cao là dấu hiệu của nền kinh tế đang nóng, báo hiệu tăng trưởng kém bền vững, và TTCK như chiếc nhiệt kế đo sức khỏe nền kinh tế.
Khi lạm phát tăng cao, tiền mất giá, người dân không muốn giữ tiền mặt hoặc gửi tiền trong ngân hàng mà chuyển sang nắm giữ vàng, bất động sản, ngoại tệ mạnh,… khiến lượng vốn nhàn rỗi đáng kể của xã hội nằm im ở dạng tài sản “chết”. Thiếu vốn đầu tư, không thể tích lũy để mở rộng sản xuất, sự tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung sẽ chậm lại, làm thu hẹp dòng đầu tư trên TTCK.
Với doanh nghiệp, CPI tăng gắn liền với tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận. Khi đó doanh nghiệp sẽ bị giảm sức hút đối với nhà đầu tư do báo cáo tài chính không khả quan. Dù hoạt động kinh doanh vẫn có lãi, chia cổ tức ở mức cao nhưng tỷ lệ cổ tức khó gọi là hấp dẫn. Điều này khiến đầu tư chứng khoán không còn là kênh sinh lợi.
Lạm phát tăng cao còn ảnh hưởng đến TTCK theo con đường chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến các nhà đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng khó khăn hơn, dẫn đến giảm đầu tư vào cổ phiếu.
Chính sách tiền tệ
Mối quan hệ cùng chiều giữa cung tiền và TTCK được thể hiện thông qua chính sách tiền tệ.
Lượng cung tiền mở rộng dẫn đến gia tăng tiêu dùng hàng hóa cũng như gia tăng sử dụng các tài sản tài chính mà chứng khoán là một trong số đó. Cung tiền tăng, thanh khoản vượt trội sẽ ảnh hưởng đến TTCK khá mạnh do tác động của chính sách tiền tệ tương đối nhanh và trực tiếp. Chính sách tiền tệ mở rộng làm giảm lãi suất của nền kinh tế, giảm lãi suất chiết khấu của chứng khoán qua đó làm tăng giá kỳ vọng và tăng thu nhập.
Ngược lại, lãi suất cao do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt thường tác động xấu đến TTCK. Lý do: thứ nhất, làm giảm giá chứng khoán do tăng lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá; thứ hai, các chứng khoán thu nhập cố định trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn làm giảm thanh khoản vào cổ phiếu; thứ ba, làm giảm xu hướng vay mượn để đầu tư chứng khoán; và cuối cùng, làm tăng chi phí vận hành doanh nghiệp do đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Các chỉ số vĩ mô phần nào là công cụ giám sát động lực của nền kinh tế. Với việc VN-Index đạt đỉnh mới 1.200 điểm sau đó lại kết thúc ở mức dưới 900 điểm trong năm 2018, TTCK năm 2019 vẫn ẩn chứa rất nhiều thách thức từ tình hình vĩ mô trong nước và diễn biến khó lường từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên cũng có không ít cơ hội dành cho các nhà đầu tư biết nắm bắt kịp thời. Do đó các nhà đầu tư nên tham khảo và theo dõi sát tình hình vĩ mô trong nước cũng như quốc tế để đưa ra chiến lược đầu tư hợp lý trong năm sắp tới.
Nguồn: SIC
Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán