fbpx

Tâm điểm chứng khoán: Hiệu ứng vụ án Vạn Thịnh Phát chỉ là ngắn hạn, “bức tranh” lớn đang ổn hơn

Theo chuyên gia, thông tin liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ có tác động nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường nhưng không còn quá hoảng loạn như thời điểm vụ việc bị phanh phui, bắt giam các đối tượng hồi cuối năm ngoái.

tam-diem-chung-khoan-hieu-ung-vu-an-van-thinh-phat-chi-la-ngan-han-buc-tranh-lon-dang-on-hon-happy-live-1
Từ trái qua: ông Nguyễn Thanh Lâm, ông Nguyễn Thế Minh và ông Hoàng Anh Tuấn

Với phiên giảm mạnh cuối tuần (-2,16%), VN-Index đóng cửa ở ngưỡng 1.101,19 điểm. Như vậy, chỉ số sàn HOSE bị cuốn trôi hết thành quả ghi điểm các phiên trong tuần và đóng cửa tuần ở mức thấp hơn vùng điểm tuần trước đó.

Trong khi thông tin liên quan tới nhóm cổ phiếu VIC xuất hiện, cộng với tâm lý lo ngại đợt đáo hạn phái sinh được cho là nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh ở phiên thứ 6, thì thông tin kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát xuất hiện. Con số thiệt hại của vụ án lên tới hơn 300.000 tỷ đồng…

Liệu thông tin trên có gây hiệu ứng tới thị trường, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư còn khá dè dặt, thận trọng?. Chúng tôi ghi nhận nhận định một số chuyên gia xoay quanh kịch bản cho VN-Index trong tuần mới:

Khả năng 1.030 điểm đã là vùng đáy, đi lên nhanh hay không phụ thuộc tâm lý nhà đầu tư

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank

Tuần vừa qua, thị trường vẫn ở trạng thái giằng co, chia làm 3 pha khá rõ, đầu tuần ít biến động, giữa tuần tăng và cuối tuần biến động giảm mạnh, đóng cửa giảm về mức gần như bằng mức điểm của cuối tuần trước đó.

Tôi cho rằng, thị trường vẫn đang trong pha giằng co ngắn hạn. Sau phiên tăng mạnh trọng yếu ngày 8/11, tôi đánh giá thị trường chính thức thoát khỏi xu hướng giảm trước đó. Tuy nhiên, cần lưu ý, khi thoát ra xu hướng giảm không đồng nghĩa sau đó thị trường sẽ tăng mạnh, mà có thể tích lũy, giằng co hay đi lên. Những gì diễn ra tuần rồi cho thấy, áp lực bên bán vùng giá cao vẫn đáng kể.

Trong tuần qua, có đáo hạn phái sinh khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng, trong bối cảnh mọi người đều sẵn sàng tư thế chốt lời bất kỳ lúc nào nếu có thông tin không tốt hoặc họ diễn giải là thông tin không tốt. Trong bối cảnh tâm lý ngờ vực của nhà đầu tư còn lớn, một sự xuất hiện thông tin nào đó cũng dễ dẫn tới hoạt động chốt lời.

Thông tin liên quan nhóm cổ phiếu VIC chắc chắn có ảnh hưởng một phần tới tâm lý nhà đầu tư nhưng được khuếch đại trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư tương đối ngờ vực lúc này.

Vụ việc Vạn Thịnh Phát là câu chuyện đã xảy ra rồi, kết luận điều tra lúc này mang tính chất làm rõ. Tất nhiên, cũng giống như câu chuyện thông tin liên quan tới VIC, vụ Vạn Thịnh Phát được thông tin trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đang yếu, không có độ tin tưởng cao vào thị trường, điều này dễ khiến thị trường giẳng co.

Nhưng tôi không quá bi quan về chiều hướng đi xuống của thị trường. Vì những diễn ra trong 2 tuần lễ gần đây đã cho thấy, trạng thái thị trường tốt hơn giai đoạn trước, không còn ở trong xu hướng giảm.

Nhìn bình diện lớn hơn, đó là câu chuyện về tỷ giá, về rủi ro đảo chiều chính sách, điều mà mọi người cảm thấy lo ngại. Những bức tranh lớn này đang được cải thiện đáng kể ở 1 tuần lễ vừa rồi sau thông tin CPI của Mỹ và khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không còn tiếp tục tăng lãi suất trong giai đoạn tới đây. Áp lực về tỷ giá ở thị trường Việt Nam đã hạ nhiệt khá nhiều, giúp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tập trung mục tiêu điều hành lãi suất theo hướng giảm xuống để hỗ trợ cho kinh tế. Bức tranh lớn ấy đang ổn hơn.

Nhưng thị trường đang bị xáo động một vài vấn đề mang tính chất tâm lý nhiều hơn, từ chuyện liên quan VIC tới vụ Vạn Thịnh Phát. Điều này khiến cho trong ngắn hạn thị trường sẽ giằng co, nhưng dài hạn hơn như từ nay tới cuối năm, tôi nghĩ nếu những biến số vĩ mô trên không có thay đổi bất ngờ thì khả năng vùng 1.030 điểm đã là vùng đáy của thị trường. VN-Index có đi lên nhanh hay không phụ thuộc tâm lý nhà đầu tư được củng cố trở lại như thế nào trong giai đoạn tới đây.

Dòng tiền không quá hoảng loạn, không bán tháo như năm trước

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng có vài nguyên nhân khiến chỉ số chứng khoán giảm mạnh cuối tuần qua, trong đó có nguyên nhân gây bán tháo trên thị trường chịu tác động từ nhóm cổ phiếu VIC. Xét về vốn hóa, nhóm cổ phiếu VIC, VHM, VRE đóng góp khá nhiều trong rổ chỉ số. Khi tin liên quan nhóm này xuất hiện, đà giảm của các cổ phiếu VIC đóng góp đáng kể vào đà giảm của chỉ số. Nếu để ý ở phiên cuối tuần, phần lớn giảm mạnh tập trung nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu vừa và nhỏ dù có giảm nhưng không mạnh bằng.

Nguyên nhân nữa là do tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng khi nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) duy trì đà bán ròng, trong đó Fubon duy trì chuỗi bán ròng liên tiếp. Nhìn lịch sử, từ cuối năm 2022 tới nay Fubon thường có khẩu vị lướt sóng, mua thấp và bán ra khi thị trường lên điểm. Và vừa qua, khi thị trường tăng điểm đã khiến nhà đầu tư e ngại nhà đầu tư ngoại này bán ra.

Bên cạnh đó, tuần rồi là tuần đáo hạn phái sinh. Tâm lý nhà đầu tư thường lo ngại có cú biến động mỗi đợt đáo hạn phái sinh nên dè chừng.

Thông thường, sau những thông tin bán thái quá theo tin tức, thị trường có thể nhanh chóng hồi trở lại. Trong đợt tháng 9, 10 vừa qua, cổ phiếu họ VIC có chuỗi giảm kéo dài tới đầu tháng 11. Nhà đầu tư cũng sợ liệu điều này có lặp lại hay không. Việc bán tháo cổ phiếu ở phiên thứ 6 vừa qua cũng trong sự ngờ vực. Nhìn lại sự kiện trong lịch sử, phiên đầu thường phản ứng theo cú sốc thông tin, sau đó thị trường nhanh chóng quên lãng. Tôi nghĩ phiên đầu tuần áp lực không còn lớn liên quan tới cổ phiếu VFS.

Về tác động thông tin vụ việc Vạn Thịnh Phát, cần phải chờ xem phản ứng của thị trường. Trong báo cáo tài chính của SCB có phản ánh, trước đó NHNN có động thái thông báo tình hình hoạt động của SCB, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Một số ngân hàng có cổ phần nhà nước như Vietcombank, VietinBank cũng cho biết sẵn sàng tiếp nhận, đảm bảo tính thanh khoản cho SCB. Tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ có sự lo ngại nhất định, nhưng sẽ nhanh chóng qua đi. Sự kiện có thể phản ánh vào phiên thứ 2 nhưng áp lực này không lớn.

Với động thái nhanh, kịp thời từ NHNN thông báo đảm bảo tính thanh khoản, tôi cho rằng, dòng tiền không quá hoảng loạn, không bán tháo như năm ngoái.

Thị trường giảm hoặc hoảng loạn nhất chính là thời điểm tốt để bắt đáy

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân cao cấp, CTCK MB

Với mức giảm hơn 2%, VN-Index có phiên giảm điểm mạnh nhất tính từ đầu tháng 11 đến nay. Phiên giảm điểm mạnh chủ yếu tới từ phiên chiều, sau khi thông tin liên quan đến VinFast. Đây chính là nguyên nhân gián tiếp khiến thị trường bị bán xuống mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thị trường giảm mạnh là do nhà đầu tư lớn và khối ngoại đang bán ra mạnh mẽ sau nhịp hồi đáng kể từ đầu tháng 11.

Cụ thể, tôi cho rằng, việc điều tra này không ảnh hưởng đến bản chất của doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam. Còn lực bán sau khi đã hiểu chuyện mới là vấn đề đáng bàn tới, giá trị giao dịch sàn HOSE đạt 24.334 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với trung bình 8 phiên gần nhất. Đây có thể nói là một phiên phân phối điển hình.

Trong tuần mới, tôi cho rằng, sẽ là nhịp giảm do nhiều yếu tố. Thứ nhất đa phần lợi nhuận các doanh nghiệp đều đang kém tích cực, vì vậy xu thế giảm trung hạn (6 tháng – 1 năm) và ngắn hạn (3 – 6 tháng) là khó có thể tránh khỏi.

Thứ hai, xét về xu hướng trên đồ thị kỹ thuật hiện tại vẫn đang là xu hướng giảm từ tháng 9 đến nay. Nhịp hồi phục 2 tuần qua được xem là nhịp phục hồi kỹ thuật khi đã giảm sâu, nhịp hồi phục này đã mang lợi nhuận về tương đối cho nhà đầu tư bắt đáy và đây chính là thời điểm tốt để chốt lời.

Thứ ba, trong phiên ngày thứ 6 tuần rồi, đã có khối lượng khớp lệnh tăng đột biến, thứ 2 và thứ 3 sẽ chịu áp lực giảm khá nhiều khi tâm lý hàng bắt đáy về.

Và cuối cùng, xét về yếu tố công bố các thông tin đến Vạn Thịnh Phát. Đây chính là đại án lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, lúc thị trường giảm hoặc hoảng loạn nhất chính là thời điểm tốt để bắt đáy và có lợi nhuận trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên bám sát thị trường để có hành động kịp thời và chuẩn xác!

Tiến Phát

thitruongtaichinhtiente

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề