fbpx

Bí quyết làm chủ đồng tiền: Những sai lầm trong tiết kiệm và tâm lý “tiết kiệm hoang phí” (kỳ 1)

Trong quan niệm của nhiều người, nếu mỗi tháng thắt chặt chi tiêu, dành dụm được một số tiền lớn thì sẽ nhanh chóng trở nên giàu có. Nhưng trớ trêu thay, trái với những hy sinh và kỳ vọng của chúng ta, “thắt lưng buộc bụng” lại không phải là cách giúp chúng ta làm giàu!

Ken Honda – tác giả quyển sách Bí quyết làm chủ đồng tiền đã phân tích rằng, người tiết kiệm tiền quá mức cũng như người nhịn ăn để giảm cân. Hai phương pháp đều không có hiệu quả và dễ phản tác dụng: người nhịn ăn vì kiềm chế quá lâu sẽ ăn nhiều hơn bình thường, người tiết kiệm tiền thì vì muốn bù đắp lại khoảng thời gian mình “bấm bụng” mà tiêu xài gấp mấy lần số tiền mình tiết kiệm:

Bí quyết làm chủ đồng tiền: Những sai lầm trong tiết kiệm và tâm lý "tiết kiệm hoang phí" (kỳ 1)

“Không sử dụng tiền thì tiền sẽ không đến

Chúng ta thường có một cái “công tắc” để khi nói về tiền thì bật ngay sang “chế độ tiết kiệm”. Giống như khi bạn muốn giảm cân thì phương pháp đầu tiên bạn sẽ nghĩ đến là nhịn ăn. Thế nhưng nhịn ăn là phương pháp phản khoa học, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược. Cứ kìm hãm bản thân chống lại cơn thèm ăn, đến khi không thể kìm hãm được nữa thì bạn sẽ ăn nhiều hơn lúc bình thường. Câu chuyện này rất quen thuộc đúng không?

Bí quyết làm chủ đồng tiền: Những sai lầm trong tiết kiệm và tâm lý "tiết kiệm hoang phí" (kỳ 1)
Cứ kìm hãm bản thân chống lại cơn thèm ăn, đến khi không thể kìm hãm được nữa thì bạn sẽ ăn nhiều hơn lúc bình thường

Việc tiết kiệm tiền cũng tương tự. Tiết kiệm thì tốt nhưng nếu quá “thắt lưng buộc bụng” sẽ có lúc bạn tự dưng tiêu xài hoang phí. Trong khóa học Truyền thông với tiền bạc mà tôi tổ chức, có một mục gọi là “Xác định kiểu xài tiền của bạn”. Trong đó có một kiểu được gọi là “tiết kiệm kết hợp hoang phí”. Những người thuộc kiểu người này chi tiêu dè sẻn trong khoảng nửa năm, sau đó vì quá bó buộc, họ trở nên tiêu xài hoang phí để bù đắp cho cảm giác cực khổ vì phải tiết kiệm quá mức gây ra. Kết cục là họ tiêu xài một khoản tiền nhiều khoản mấy lần khoản tiền mà mình đã tiết kiệm được. Bạn có thấy điều này có gì giống với việc ăn kiêng không?

Điều tôi muốn nói với bạn là “Không có ai chỉ bằng việc tiết kiệm mà trở nên sung túc được.” Tại sao ư? Vì nếu lúc nào cũng giữ cho tiền của mình không chảy ra thì những cơ hội để tiền chảy ào cũng sẽ giảm đi. Để không bị khốn khó vì tiền trong tương lai, chú ý tiết kiệm thôi là chưa đủ mà quan trọng là phải suy nghĩ làm thế nào để tiêu xài một cách khôn ngoan.

Nếu ta không sử dụng tiền thì tiền sẽ không bao giờ đến với ta. Dòng tiền cần có sự tuần hoàn, để chảy vào thì trước tiên phải chảy ra đã. Vì tiết kiệm tiền mà bạn ít gặp gỡ người khác, không đi ăn uống bên ngoài, điều này sẽ khiến bạn lỡ mất cơ hội quý giá mà có thể có được khi tương tác với cuộc sống. Bên cạnh đó, các mối quan hệ của bạn sẽ dần thu hẹp lại. Đến một lúc nào đó, dù bạn muốn rủ ai đi ăn hay cà phê trò chuyện thì cũng không có người nào vui vẻ đi với bạn nữa.

Một công ty khi gặp khó khăn thì người ta cũng thường cắt giảm khoản tiền dùng để quan hệ, giao tiếp với những người cần thiết. Điều này chắc chắn sẽ gây tổn hại cho công ty. Việc giao tiếp trong giới kinh doanh thoạt nhìn có vẻ là lãng phí nhưng thực ra lại cự kì cần thiết. Khi gặp gỡ, ăn uống với người khác, những thông tin có ích sẽ đến với bạn. Hơn nữa khi vui vẻ trò chuyện với những người trong giới sẽ giúp bạn có cơ hội lấy được những hợp đồng, hay cơ hội hợp tác mới. Những cuộc gặp gỡ như vậy sẽ giúp sinh ra tiền. Đương nhiên không có chuyện tiền mới sẽ vào mà không cần bỏ tiền ra. Điều quan trọng là phải nhìn ra được, nên bỏ tiền vào đâu, và không nên bỏ tiền vào chỗ nào.

Đồng tiền sống, đồng tiền chết

Tôi đã nói rằng không có ai trở nên giàu có nhờ tiết kiệm nhưng những người giàu có lại là những chuyên gia trong lĩnh vực tiết kiệm. Họ không chỉ tiết kiệm hiệu quả mà còn lựa chọn lĩnh vực đầu tư với tư duy tiết kiệm của mình. Cách tiết kiệm của họ dựa trên việc biết được đâu là “tiền sống” và đâu là “tiền chết”. Biết được điều này họ sẽ lựa chọn đầu tư tiền vào lĩnh vực đúng đắn.

Bí quyết làm chủ đồng tiền: Những sai lầm trong tiết kiệm và tâm lý "tiết kiệm hoang phí" (kỳ 1)
Cách tiết kiệm của người giàu dựa trên việc biết được đâu là “tiền sống” và đâu là “tiền chết”

“Đồng tiền sống” là khi được sử dụng sẽ mang lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần giá trị đã bỏ ra ban đầu. “tiền sống” là đồng tiền sẽ mang lại cho người sử dụng sự hạnh phúc và giàu có. “Đồng tiền chết” là đồng tiền mà khi sử dụng sẽ không mang lại ích lợi cho ai hết. Nghĩa là đồng tiền dùng để mua những thứ mình không cần mà vẫn mua, để rồi sau đó chỉ biết than thở rằng “thật lãng phí”. Trong thực tế, nhiều người không phân biệt được hai loại tiền này nên sử dụng chúng không hiệu quả.

Bằng việc biết được sự khác nhau giữa “tiền sống” và “tiền chết”, sự giàu có sẽ ghé thăm bạn.

Quy tắc dùng tiền của bạn là gì?

Ai cũng có quy tắc xài tiền của riêng mình. Thông thường khi bạn muốn mua một thứ gì đó bạn sẽ lựa chọn trên tiêu chí nào? Ví dụ như khi bạn muốn mua một bịch muối ở siêu thị, bạn sẽ lựa chọn ra sao? Ở siêu thị có bày bán rất nhiều loại muối, giá cả đa dạng, khi đứng trước quầy , có người sẽ chọn loại đắt thứ 2, cũng có người lựa chọn giá rẻ nhất, cũng sẽ có người lựa chọn loại giá vừa phải.

Những quy tắc dùng tiền của bạn đã hình thành từ khi nào và chịu ảnh hưởng từ ai vậy? Hãy tìm hiểu về điều đó.
Bạn hãy thử kiểm tra xem những quy tắc này có giúp bạn trở nên hạnh phúc hay không. Nếu nó không phù hợp với bạn, hãy thử thay đổi nó. Việc thiết lập những quy tắc về tiền của riêng mình ngay từ bây giờ chắc chắn sẽ làm thay đổi tình trạng tài chính của bạn trong tương lai.

Hãy thôi tiết kiệm một cách quá độ

Hãy thôi tiết kiệm một cách quá độ, bởi như tôi đã từng nói nếu không xài tiền thì tiền sẽ không đến. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tiêu xài hoang phí.

Ví dụ như khi bạn được mời đến một buổi tiệc, chi phí hội viên là 1 triệu đồng. Nếu bạn thấy mức phí đó quá cao và quyết định không tham gia thì đó là bạn đang quá tiết kiệm. Sự tiết kiệm này có thể khiến bạn mất đi cơ hội gặp gỡ những người giúp bạn mở rộng mối quan hệ cũng như cơ hội có những thông tin hữu ích. Đừng quá tiết kiệm như vậy.

Bí quyết làm chủ đồng tiền: Những sai lầm trong tiết kiệm và tâm lý "tiết kiệm hoang phí" (kỳ 1)
Khi ấn nút tiết kiệm trong một số trường hợp có thể khiến bạn mất đi cơ hội gặp gỡ những người giúp bạn mở rộng mối quan hệ cũng như cơ hội có những thông tin hữu ích.

Tuy nhiên, không phải bữa tiệc nào cũng nên đi. Nhưng việc đi hay không thì không nên do số tiền phải đóng quyết định. Trong mối quan hệ hàng ngày cũng vậy , bạn chỉ nên từ chối một cuộc gặp gỡ vì bạn không muốn đến chứ đừng nên là vì mức phí phải cho trả cho cuộc gặp gỡ đó. Thời gian và tiền bạc của chúng ta có hạn nên nếu cảm thấy cuộc gặp chẳng mang lại lợi ích gì thì đừng miễn cưỡng đồng ý. Bên cạnh đó cũng đừng bao giờ có cách suy nghĩ “Nếu như có người đã sẽ đi”.

Tiết kiệm là cắt bỏ những thứ lãng phí chứ không phải là hạn chế hoạt động của mình để dành dụm tiền bạc. Những cơ hội của đời người, bạn có nghĩ là lãng phí không? Từ giờ mỗi khi bạn nghĩ đến việc tiết kiệm tiền bạc, hãy thử kiểm tra xem đó là cơ hội hay là sự lãng phí.”

Còn tiếp

Nguồn: sách Bí quyết làm chủ đồng tiền

Có thể bạn quan tâm

Trọn bộ Sách phân tích kỹ thuật 2023

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề