Tản mạn về kinh tế học: Quyền sở hữu tài sản
Một trong số các khía cạnh luật pháp bị hiểu lầm nhiều nhất là các quyền sở hữu tài sản. Mặc dù những quyền này được coi như lợi ích cá nhân của những người đủ may mắn sở hữu một lượng tài sản lớn, nhưng từ quan điểm kinh tế học, điều quan trọng là quyền sở hữu tài sản có ảnh hưởng như thế nào đến việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm có mục đích sử dụng thay thế khác nhau.
Quyền sở hữu tài sản có ý nghĩa như thế nào đối với chủ sở hữu tài sản không quan trọng bằng việc chúng có ý nghĩa như thế nào đối với toàn bộ nền kinh tế. Nói cách khác, các quyền sở hữu tài sản cần được đánh giá về mặt tác động kinh tế của chúng đối với tình trạng hạnh phúc của toàn bộ dân số nói chung. Cuối cùng thì những tác động này là một câu hỏi thực nghiệm không thể được giải quyết trên cơ sở các giả định hoặc hùng biện cho được.
Việc có và không có quyền sở hữu tài sản sẽ tạo ra các kết quả khác nhau như thế nào? Một ví dụ nhỏ nhưng đáng nói ở đây chính là trải nghiệm của một phái đoàn nông dân Mỹ đến thăm Liên Xô. Họ kinh ngạc trước cách vận chuyển các loại nông sản khác nhau, trước sự đóng gói không cẩn thận và việc để rau củ trái cây hư hỏng lây lan sang cho các loại rau củ trái cây khác trong cùng bao tải hoặc hộp đựng. Bởi vì đến từ một đất nước mà các cá nhân được sở hữu nông sản như một loại tài sản riêng, nên nông dân Mỹ không hề có kinh nghiệm về sự bất cẩn và lãng phí quá mức như vậy – điều nếu xảy ra ở Mỹ có thể khiến nông dân mất nhiều tiền một cách không cần thiết và có thể khiến anh ta phá sản. Ở Liên Xô, thiệt hại còn lớn hơn, do đất nước này đang gặp khó khăn trong việc cung cấp lương thực cho chính họ, nhưng họ lại không có quyền sở hữu tài sản để trực tiếp chuyển những thiệt hại này cho những người xử lý và vận chuyển nông sản.
Ở một quốc gia không có quyền sở hữu tài sản, hoặc cho phép thực phẩm thuộc sở hữu của “người dân”, không có cá nhân nào có động lực khuyến khích đủ lớn để đảm bảo rằng trước khi đến tay người tiêu dùng, số thực phẩm này sẽ không bị hư hỏng một cách không cần thiết.
Những người đang vận chuyển thực phẩm được trả lương, mức lương này không hề liên quan đến việc họ có bảo vệ thực phẩm khỏi hư hỏng hay không. Ít nhất về mặt lý thuyết, việc giám sát chặt chẽ hơn những người vận chuyển sản phẩm có thể làm giảm tỷ lệ hư hỏng. Nhưng giám sát không phải là một việc không tốn kém. Bản thân nguồn nhân lực thực hiện hoạt động giám sát cũng là một trong số các nguồn lực khan hiếm có các mục đích sử dụng thay thế khác nhau. Hơn nữa, việc giám sát đặt thêm ra một câu hỏi: Ai sẽ giám sát các giám sát viên? Liên Xô đã cố gắng giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng và sự kém hiệu quả vẫn xảy ra đã cho chúng ta thấy được những hạn chế của việc để các nhân viên chính quyền giám sát, so với việc để chủ sở hữu tài sản tự giám sát.
Không có người giám sát nào phải đứng cạnh một người nông dân Mỹ và bảo anh ta lấy những quả đào thối ra khỏi giỏ trước khi nó làm hỏng những quả đào khác, bởi vì những quả đào đó là tài sản riêng của anh ta, và anh ta sẽ mất tiền nếu không làm như vậy. Quyền sở hữu tài sản tạo ra sự tự giám sát, việc thường hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn so với sự giám sát của một bên thứ ba nào đó.
Hầu hết người Mỹ không sở hữu đất nông nghiệp hoặc cây trồng nào, nhưng họ ngày càng có sẵn nhiều thực phẩm tốt hơn với giá cả phải chăng hơn so với các quốc gia không có quyền sở hữu đối với đất nông nghiệp hoặc các sản phẩm nông nghiệp, việc có thể khiến nhiều thực phẩm có khả năng bị hư hỏng một cách không cần thiết. Do giá phải trả cho thực phẩm được bán phải bao gồm chi phí của tổng thực phẩm đã được sản xuất ra – bao gồm cả số thực phẩm bị hư hỏng và bỏ đi – nên giá thực phẩm sẽ cao hơn nếu có nhiều thực phẩm bị hư hỏng hơn, mặc dù có thể khi chi phí sản xuất thực phẩm lúc ban đầu là như nhau.
Những loài động vật duy nhất bị đe dọa tuyệt chủng là động vật không thuộc sở hữu của bất kỳ ai. Đại tá Sanders không muốn để loài gà tuyệt chủng. McDonald’s cũng sẽ không đứng yên để bò tuyệt chủng. Điều tương tự cũng xảy ra với những thứ vô tri bị ô nhiễm, bởi vì chúng là những thứ không thuộc sở hữu của bất kỳ ai – chẳng hạn như không khí và nước. Trong nhiều thế kỷ trước, cừu được phép chăn thả trên những vùng đất vô chủ – “những vùng đất chung”, như tên thường được gọi – và kết quả là những vùng đất chung thường chỉ còn lại những mặt đất loang lổ cùng những con cừu gầy còm và người chăn cừu ốm đói của chúng. Nhưng những vùng đất thuộc sở hữu tư nhân liền kề với các khu vực chung thường ở trong tình trạng tốt hơn nhiều. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra đối với đất đai không có sở hữu ở Liên Xô. Theo các nhà kinh tế Liên Xô, “những diện tích rừng bị chặt phá thường không được trồng lại”, mặc dù việc một doanh nghiệp để điều đó xảy ra trên chính tài sản của họ trong nền kinh tế tư bản sẽ là hành động tự sát về mặt tài chính.
Tất cả những điều này, theo những cách khác nhau, đã cho chúng ta thấy giá trị của quyền sở hữu tài sản tư nhân đối với toàn thể xã hội – bao gồm cả những người hầu như không sở hữu tài sản tư nhân nhưng được hưởng lợi từ hiệu quả kinh tế lớn hơn mà quyền sở hữu tài sản tạo ra, điều được chuyển thành một tiêu chuẩn sống cao hơn cho toàn bộ dân số nói chung. Mặc dù con người thường có xu hướng coi quyền sở hữu tài sản là đặc quyền dành cho người giàu, nhưng trên thực tế, nhiều quyền sở hữu tài sản có giá trị đối với những người không giàu hơn là những người giàu – và những quyền sở hữu tài sản đó thường bị xâm phạm hoặc vi phạm vì lợi ích của những người giàu.
Mặc dù theo định nghĩa, người giàu có nhiều tiền hơn người bình thường không giàu, nhưng nếu xét trên tổng thể, người không giàu thường có nhiều tiền hơn. Một trong những ý nghĩa của điều này là nhiều tài sản thuộc sở hữu của người giàu sẽ bị bán ra do sức mua lớn hơn của những người không giàu, nếu quyền sở hữu tài sản không giới hạn đang chiếm ưu thế trên thị trường tự do. Do đó, số đất đai mà các dinh thự nằm trên các khu đất rộng lớn đang chiếm giữ có thể được chuyển qua thị trường cho các doanh nhân xây dựng nhiều nhà ở hoặc tòa nhà chung cư nhỏ hơn trên những khu đất này – tất cả đều dành cho những người có thu nhập khiêm tốn hơn nhưng lại có nhiều tiền hơn nếu xét trên tổng số.
Ai đó đã từng nói, “Bạn giàu hay nghèo không quan trọng, miễn là bạn có tiền”.
Đây chỉ là một câu nói đùa nhưng ẩn ý của nó là vô cùng nghiêm túc. Trong thị trường tự do, tiền của những người bình thường cũng có chất lượng ngang với tiền của những người giàu – và xét trên tổng số thì thường nhiều hơn tiền của người giàu. Những người ít giàu hơn không cần đấu giá trực tiếp với những người giàu có hơn. Các doanh nhân hoặc các công ty sử dụng tiền của chính họ hoặc tiền vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính khác có thể mua lại các dinh thự và bất động sản, sau đó thay thế chúng bằng những ngôi nhà cho tầng lớp trung lưu và các tòa nhà chung cư dành cho những người có thu nhập vừa phải. Điều này tất nhiên sẽ thay đổi những cộng đồng này theo cách mà người giàu có thể không mấy thích thú, tuy nhiên những người khác lại có thể thích sống trong những cộng đồng mới phát triển hơn.
Những người giàu thường cố gắng ngăn cản việc chuyển nhượng tài sản này thông qua các luật hạn chế quyền sở hữu tài sản theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, các cộng đồng giàu có ở California, Virginia và những nơi khác đã yêu cầu đất chỉ được bán với số lượng từ một mẫu Anh trở lên cho mỗi căn nhà, cách định giá đất và nhà như vậy nằm ngoài tầm với của hầu hết mọi người và do đó, đã vô hiệu hóa sức mua chung của những người ít giàu có hơn. Các bảng phân vùng, luật “không gian mở”, các hội đồng, tổ chức và thiết bị bảo tồn di tích lịch sử cũng đã được sử dụng để hạn chế mạnh mẽ việc bán tài sản tư nhân cho những mục đích sử dụng mà những người sống trong các cộng đồng này không muốn – việc này thường được mô tả là bảo vệ “cộng đồng của chúng tôi”, mặc dù không ai sở hữu cả cộng đồng và mỗi cá nhân chỉ sở hữu tài sản riêng của cá nhân đó. Tuy nhiên, sự tập thể hóa bằng lời nói này không chỉ là một lời nói suông. Thông thường, nó chỉ là màn dạo đầu cho các hành động pháp lý và chính trị nhằm phủ nhận quyền sở hữu tư nhân và đối xử với cả cộng đồng như thể nó thuộc sở hữu của tập thể thật vậy. Thế là, bằng cách xâm phạm hoặc phủ nhận quyền sở hữu, các chủ sở hữu tài sản giàu có có thể loại đi những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, đồng thời làm tăng giá trị tài sản của chính họ bằng cách đảm bảo sự khan hiếm đang ngày càng tăng khi dân trong khu vực gia tăng.
Mặc dù các quyền sở hữu tài sản nghiêm ngặt có thể cho phép chủ nhà đuổi người thuê khỏi căn hộ của họ một cách tuỳ ý, nhưng các động lực kinh tế đã khuyến khích chủ nhà làm điều ngược lại – nghĩa là cố gắng giữ cho căn hộ của họ được thuê toàn bộ và có người ở càng liên tục càng tốt, miễn là người thuê trả tiền thuê nhà và không tạo ra rắc rối gì. Chỉ khi việc kiểm soát giá nhà thuê hoặc các hạn chế khác đối với quyền tài sản của họ được ban hành thì chủ nhà mới có khả năng hành động khác đi. Dưới ảnh hưởng của luật kiểm soát giá thuê nhà và các luật về quyền của người thuê nhà, chủ nhà đã cố gắng quấy rối để người thuê nhà rời đi, cho dù ở New York hay ở Hồng Kông.
Dưới ảnh hưởng của luật kiểm soát giá thuê nhà nghiêm ngặt và các quyền của người thuê nhà, ở Hồng Kông, chủ nhà thậm chí đã lẻn vào tòa nhà của họ vào đêm khuya để phá hoại cơ sở vật chất, nhằm làm cho chúng trở nên kém hấp dẫn hoặc thậm chí không thể ở được, hòng mong người thuê nhà sẽ dọn đi, và căn nhà trống không sau đó có thể bị phá bỏ một cách hợp pháp để được thay thế bằng thứ gì đó sinh lợi hơn, ví dụ như tài sản thương mại hoặc công nghiệp – những tài sản không cần tuân theo luật kiểm soát giá nhà thuê. Tất nhiên, điều này hoàn toàn không phải là mục đích hay ý định của những người đã thông qua luật kiểm soát tiền thuê nhà ở Hồng Kông.
Nhưng một lần nữa nó đã minh họa được tầm quan trọng của việc phân biệt giữa ý định và tác dụng thực tế – và không chỉ của các luật về quyền sở hữu tài sản. Tóm lại, các động cơ khuyến khích là rất quan trọng, và quyền sở hữu tài sản cần được đánh giá về mặt kinh tế dựa trên các động cơ mà sự tồn tại, những sửa đổi hoặc loại bỏ các luật này tạo ra.
Một nền kinh tế lãi và lỗ phụ thuộc vào các lợi nhuận là tài sản tư nhân sẽ tạo ra các động lực mạnh mẽ. Khi các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ ở Liên Xô tạo ra lợi nhuận, những khoản lợi nhuận đó không phải là tài sản riêng của họ mà thuộc về “người dân” – hay nói một cách trần trụi hơn, chính phủ có thể sử dụng chúng cho bất cứ mục đích gì mà các quan chức cấp cao hơn muốn.
Các Nhà Kinh tế Liên Xô Shmelev và Popov đã chỉ ra và than thở về những tác động bất lợi của điều này:
Nhưng điều gì biện minh cho việc thu lại phần lớn – đôi khi là đến 90 – 95% lợi nhuận của các doanh nghiệp, việc đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế ngày nay? Một lần nữa, chúng ta đang loại bỏ những người làm việc tốt để giữ chân những người chẳng làm được gì. Như vậy thì làm sao chúng ta có thể nói về tính độc lập, sáng kiến, phần thưởng cho hiệu quả, chất lượng và tiến bộ kỹ thuật được đây?
Tất nhiên, các nhà lãnh đạo của đất nước có thể tiếp tục thảo luận về những điều thế này, nhưng việc phá hủy các động cơ ẩn dưới quyền sở hữu tài sản có nghĩa là họ đang giảm cơ hội đạt được các mục tiêu này xuống. Nếu không có quyền sở hữu tài sản, những người điều hành các doanh nghiệp tạo ra những khoản lợi nhuận “không thể mua hoặc xây dựng bất cứ thứ gì bằng số tiền mà họ có”, như vậy thì chúng “chỉ là số liệu trong tài khoản ngân hàng không có giá trị thực nếu không được cấp trên cho phép”. Nói cách khác, việc kinh doanh thành công sẽ không tự động dẫn đến sự mở rộng của các doanh nghiệp thành công, cũng như không dẫn đến sự thu hẹp của các doanh nghiệp không thành công, điều sẽ xảy ra trong nền kinh tế thị trường.
Trích từ sách Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư